1. “Việt Nam không nên bắt chước thực hiện “Chống can thiệp” đối với Trung Quốc” (Mạng Thời báo Hoàn cầu - 5/11): Theo báo chí Nhật Bản (NB), chiếc tàu ngầm đầu tiên VN nhập từ Nga về chuẩn bị đưa vào sử dụng, VN sẽ thực hiện chiến lược “chống can thiệp” đối với TQ trong vấn đề Biển Đông, báo chí NB cho rằng đây là lựa chọn đúng đắn, tàu ngầm này có khả năng tấn công to lớn, nếu các tầu ngầm TQ rời khỏi các căn cứ tại Tam Á đều có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm…

Rõ ràng báo chí NB muốn kích động VN đối đầu với TQ, chạy đua tàu ngầm và vũ trang với TQ, đồng thời cổ vũ Ấn Độ đưa tàu ngầm vào Biển Đông, gây phiền phức cho TQ trong thực thi chủ quyền Nam Hải…nhằm: (i) NB muốn chuyển hướng sự chú ý của TQ, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Nhật triển khai việc xâm lược đảo Điếu Ngư của TQ. (ii) nhằm làm tiêu hao sức mạnh tổng hợp của TQ và cả VN, Ấn Độ, tạo thuận lợi cho NB trong địa vị chủ đạo châu Á.

Hy vọng VN không tin theo những luận điệu này, nếu VN nghe lời NB, thực hiện “chống can thiệp” đối với TQ thì chỉ là sự bắt chước và sai đối tượng vì: (i) đối tượng của “chống can thiệp” của TQ là chỉ những kẻ nhúng tay can dự vào, đây chính là Mỹ, chủ yếu là phản đối những hành vi bá quyền của Mỹ can thiệp vào việc thực hiện thống nhất đất nước và gìn giữ chủ quyền lãnh thổ của TQ, TQ tiến hành là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nếu VN thực hiện “chống can thiệp” đối với TQ tại Nam Hải (Biển Đông) là thay đổi chủ - khách và là không chính nghĩa, cuộc chiến chính nghĩa và cuộc chiến không chính nghĩa, ai thắng ai bại không cần nói cũng rõ. (ii) TQ thực hiện chống can thiệp đối với Mỹ về mặt chiến thuật là nhằm vào tàu sân bay của Mỹ, Mỹ can dự vào TQ chủ yếu dựa vào tàu sân bay, TQ đưa ra chiến thuật này là muốn dựa vào lực lượng bờ và ven bờ với khả năng tấn công tên lửa chính xác ngăn chặn tàu sân bay Mỹ bên ngoài khu vực chuỗi đảo thứ nhất. Còn VN thực hiện chống can thiệp đối với TQ trên Biển Đông là xâm lược, TQ có thế tấn công phản kích từ trên biển hoặc trên lục địa, tạo thế liên hoàn, mấy chiếc tàu ngầm của VN không thể cản được Quân đội TQ.

Vì vậy cần nhắc nhở các đồng chí VN rằng đừng nghe lời kích động của NB, thực hiện cái gọi là “chống can thiệp” Biển Đông đối với TQ, với tiềm lực kinh tế của VN, nếu chạy đua vũ trang với TQ chỉ là tự sát; đồng thời nếu thực hiện chính sách thù địch với TQ, sẽ ảnh hưởng đến hợp tác chiến lược TQ - VN, ảnh hưởng đến sự phát triển của VN, như thế chỉ tự làm đau mình và kẻ thù được lợi.

VN và TQ đều là những nước XHCN, từ xa xưa đã như quan hệ môi răng, vì vậy hy vọng VN xuất phát từ tình hình chung quan hệ hữu nghị TQ - VN, đừng hoài công tính toán việc xâm phạm chủ quyền TQ. 

2. Nhân dân Nhật báo ngày 2/11/2012 đăng bình luận về “Liệu chiến lược tầm thấp có lỗi thời với TQ”. Nội dung chính như sau:

Cố lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đã từng nhấn mạnh TQ cần khiêm tốn, cẩn trọng, duy trì chiến lược tầm thấp, không được tìm kiếm bá quyền để đạt được mục tiêu. Một số người đã sai lầm khi tin rằng Đặng Tiểu Bình hoạch định chiến lược tầm thấp bởi khi đó TQ vẫn còn yếu và hiện nay khi TQ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới về GDP, đã đến lúc TQ cần dạy cho các nước không nghe lời một bài học.

Duy trì chiến lược tầm thấp là một trong những chiến lược lâu dài của TQ và được khẳng định bởi những đóng góp mang tính xã hội của toàn TQ.

Tuy nhiên, việc tuân theo cứng nhắc chiến lược tầm thấp này có thể dễ dàng dẫn tới “ít thành tựu”. Đồng thời, việc quá nhấn mạnh “việc đạt được mục tiêu” và xuất hiện thái độ hiếu chiến có thể tổn hại tới đại cục ngoại giao TQ. TQ cần tiếp tục chiến lược tầm thấp linh hoạt và đóng vai trò chủ động hợp lý trong các công việc của thế giới.

Mỹ đang đẩy nhanh chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – TBD. Nhật cũng không hài lòng với vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới và do đó đang tận dụng Mỹ để thu được nhiều lợi ích hơn. PLP và Việt Nam cũng theo xu hướng của Nhật. Rõ ràng là họ muốn khiêu khích và kiềm chế TQ.

Đối diện với tình huống như vậy, một vài người đã đề xuất cần dạy cho các nước không nghe lời này bài học đau đớn, nhưng TQ “lại thả họ” và tiếp tục tỏ thận trọng và cảnh giác quá cao với một số khiêu khích của các nước này. Một mặt, TQ đang tăng cường khả năng quân sự trong trường hợp có đối đầu quân sự, mặt khác tiếp tục nhấn mạnh phát triển hòa bình.

Đây không phải là dấu hiệu của sự suy yếu. Các bên liên quan đều hiểu rõ rằng TQ ủng hộ việc xây dựng quan hệ láng giềng hài hòa nhưng không được vi phạm “đường ranh giới đỏ”. Nếu cần thiết, TQ sẽ dùng biện pháp cuối cùng là vũ lực sau khi đã thực hiện các biện pháp hòa bình. Mỹ đang bị Nhật và một số nước châu Á lợi dụng ảnh hưởng để đạt mục đích riêng. Chính các nước này có thể tạo rắc rối trong vùng nước Thái Bình Dương nhưng không thể tạo sóng lớn.

3. Mạng nhân dân ngày 5/11/2012 dẫn nguồn từ “Tân dân vãn báo” đăng bài: “Giải quyết tranh chấp Biển Đông có cần nâng cấp DOC không” của Ngô Chính Long, Phó Hội trưởng Ủy ban hợp tác kinh tế TBD TQ, nội dung chính như sau: Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary khi thăm Indonesia đã bày tỏ mong muốn ASEAN và TQ đạt được tiến triển thực chất về COC trong tháng 11 năm nay.

Năm nay là 10 năm ký DOC với tôn chỉ của văn bản này là các bên cam kết giữ kiềm chế trước khi tranh chấp được giải quyết, không áp dụng các hành động mở rộng và làm phức tạp hóa tranh chấp. Nhưng DOC đã không được thực hiện. 10 năm qua, tranh chấp Biển Đông từ yêu sách về chủ quyền phát triển theo hướng yêu sách một cách toàn diện về tư pháp, hành chính, dân sự, ngày càng cách xa điều kiện và không khí cần thiết để xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình tranh chấp. Một số nước có yêu sách đã thông qua Luật Biển đưa các đảo tranh chấp vào phạm vi quản lý của mình, đổi tên “Nam Hải” thành “biển Tây PLP” hoặc “Biển Đông”, xây trường tiểu học và cầu cảng ở các đảo tranh chấp, đưa hòa thượng ra trụ trì ở chùa trên các đảo tranh chấp… Tóm lại, DOC chỉ như một tờ giấy loại, điều kiện và không khí tối thiểu nhất để xây dựng COC không có. Trong tình hình đó, vội vàng nâng cấp DOC là việc làm đốt cháy giai đoạn.

Việc Mỹ thúc đẩy COC không nhằm duy trì ổn định và phát triển của khu vực, mà lấy cớ để “đóng đinh” vào giữa TQ và ASEAN, cản trở quan hệ giữa TQ và ASEAN, duy trì địa vị bá quyền của Mỹ ở ĐÁ.

Việc làm cấp bách của các bên liên quan hiện nay là quay trở về DOC, thực hiện nguyên tắc và tôn chỉ của DOC nhằm tạo không khí cần thiết cho việc xây dựng COC. Miễn cưỡng đề ra một văn bản sẽ không có bất cứ lợi ích gì đối với việc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Rất may là, cuộc họp SOM giữa TQ và ASEAN vừa qua đã thống nhất TQ và ASEAN sẽ cùng soạn thảo COC trên cơ sở đạt được nhận thức chung.

4. Thời bào Hoàn Cầu ngày 5/11/2012 đăng bài xã luận về sức mạnh quân sự của TQ ngày càng tăng, mang lại nhiều cơ hội cho hoà bình. Nội dung chính như sau:

Gần đây, có nhiều thảo luận của truyền thông nước ngoài về thử nghiệm thành công đầu tiên, thế hệ máy bay tàng hình thế hệ 5 của TQ, J31. Nếu những báo cáo này là chính xác, điều đó có nghĩa TQ đang phát triển hai loại hình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đồng thời. Chỉ Mỹ mới sở hữu hai loại hình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5.

Trong những năm gần đây, TQ tiếp tục phát triển công nghệ không gian để bắt kịp với những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Có giả định rằng TQ sẽ có một số đột phá mới. Với công nghệ cao mới đang được phát triển, khoảng cách giữa lực lượng không quân TQ với lực lượng không quân tầm cỡ thế giới đang tiếp tục được thu hẹp.

Tuy nhiên, TQ cần tiếp tục nhận thức rõ về vấn đề này. Hiện nay, TQ đã có một số tiến bộ cụ thể nhưng chủ yếu vẫn được thực hiện để đưa hệ thống thiết bị quốc phòng tổng thể đạt được mức độ tiên tiến. TQ vẫn còn chặng đường dài để trải qua nếu muốn đạt mục tiêu đó.

TQ chưa thể cạnh tranh với Mỹ hoặc Nga về sức mạnh quân sự toàn diện, tình hình này sẽ còn diễn ra trong thời gian dài. Người dân TQ chưa bao giờ có tinh thần tham gia đối đầu với Mỹ trên toàn thế giới. TQ cũng không có nhu cầu gì khác ngoài việc bảo vệ lợi ích cốt lõi và đây là tinh thần mà bất kỳ nước nào cũng cương quyết bảo vệ đến cùng.

Với sức mạnh quân sự hiện nay của TQ, các nước khác không thể mù quáng thách thức lợi ích cốt lõi của TQ cũng như dám tham gia đối đầu quân sự với TQ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các thế lực nước ngoài sẽ dám tiến hành chiến tranh chống TQ trong bất kỳ tình huống nào.

Chiến lược quốc phòng hiện nay của TQ là bảo vệ ngoài khơi, bao gồm phạm vi chung lợi ích cốt lõi của TQ. Trong phạm vi đó, sức mạnh quân sự TQ đang ngày càng tăng nhanh và an ninh toàn diện của TQ cần được bảo đảm trong phạm vi này.

Nhưng nếu TQ có tham vọng chiến lược hơn, TQ chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà sẽ khó giải quyết trong những năm tới. Không chỉ các siêu cường như Mỹ mà ngay cả các cường quốc tầm trung cũng có thể đối đàu TQ vì những gì họ coi là lợi ích cốt lõi của họ. Do đó, sự khẳng định chủ quyền của TQ không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh quân sự mà còn phụ thuộc vào TQ sẽ sử dụng sức mạnh này ở đâu.

Ngoài sức mạnh quân sự, TQ cũng cần phát triển sức mạnh mềm và tích luỹ kinh nghiệm về cách thức sử dụng sức mạnh. TQ hiện là cường quốc khá cô lập và sự cô lập này không phải là không phổ biến đối với các cường quóc đang nổi. Tuy nhiên, hiện nay TQ cần nhận thức rõ sức mạnh của TQ trên trường quốc tế không đơn giản chỉ dựa vào sự gia tăng sức mạnh quân sự hay sự sở hữu và vũ khí công nghệ cao.

TQ cần kiên nhẫn trong quá trình trỗi dậy. Các vũ khí tinh vi được phát triển là yêu cầu tất yếu đối với TQ. TQ đã dành nhiều tiền để sản xuất và trang thiết bị cho quân đội nhưng TQ cũng cần sử dụng các biện pháp đặc biệt để dùng các vũ khí này.

Rất khó để TQ xác định sức mạnh của TQ thế nào. Đôi khi người TQ rất tự tin nhưng nhiều khi chúng ta cũng đánh giá thấp về bản thân. Thành thực, xã hội không biết rõ được mức phát triển của TQ hiện đang ở đâu.

Tuy nhiên, TQ cũng không nên sợ hãi việc kiên quyết phản kích đối với hành động khiêu khích của các nước khác. TQ cần có khả năng phân biệt được hành động khiêu khích đơn thuần do xung đột khi mà lợi ích cốt lõi không thể được giải quyết và khả năng tính toán cơ hội dành thắng lợi mà TQ có thể có là bao nhiêu.

TQ hiện đã tới trung tâm của nền chính trị quốc tế. TQ càng có nhiều vũ khí tiến tiến thì càng có thêm sự tự tin. Đồng thời, chúng ta sẽ trở nên chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp hoà bình đối với xung đột. Một cường quốc thành công có thể duy trì được uy tín mà không bị mất bình tĩnh. Nhưng điều này rất khó đạt được và TQ vẫn cần khai thác vấn đề này trong quá trình trỗi dậy.

5. Mạng “Tin tức Trung Quốc” dẫn nguồn “Nhật báo Giải phóng” đăng bài viết tựa đề “Ngoại giao TQ cần tăng cường ý thức ‘giấu mình chờ thời’ và hành động tích cực”. Bài viết của tác giả Vương Vu Sinh, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc Quỹ Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc. Nội dung như sau:

Biến và bất biến trong ngoại giao TQ

Cùng với sự tăng lên mạnh mẽ của sức mạnh tổng hợp quốc gia, cùng với những vấn đề do Mỹ đẩy nhanh chiến lược dịch chuyển trọng tâm về phía Đông, thêm vào đó là việc Nhật Bản và một số nước trong khu vực không ngừng kiếm chuyện, ngoại giao TQ đang đối mặt với thách thức hết sức gay gắt. Hình thức quyết định nhiệm vụ, nhiệm vụ quyết định chính sách. Chính sách và chiến lược ngoại giao của bất cứ quốc gia nào cũng không thể tách rời thuộc tính xã hội và giá trị quan cơ bản của đất nước đó. Trung Quốc cũng không nằm ngoài số này.

Hiện nay, giới học giả trong và ngoài nước đều rất quan tâm theo dõi chiến lược ngoại giao của TQ, đồng thời ngôn luận đưa ra cũng hết sức phong phú. Ý kiến thì cho rằng chiến lược ‘giấu mình chờ thời’ đã lỗi thời, đã đến lúc TQ cần phải có những ‘hành động mạnh mẽ’; ý kiến khác lại cho rằng TQ cần xem xét lại việc có nên tiếp tục kiên trì nguyên tắc ‘không can thiệp nội bộ’ hay không; hoặc là cần phải đánh giá lại mặt lợi và mặt hại của chính sách không liên kết, cần vận dụng chính sách ‘bán liên kết’; TQ cần phải có nền ‘ngoại giao lớn’ v.v..

Phải chăng “giấu mình chờ thời” đã không còn phù hợp?

Nói về ý nghĩa gốc của khái niệm ‘giấu mình chờ thời’, đây là kế sách của kẻ yếu hoặc cá nhân khi có mưu đồ xây dựng bá nghiệp và cuối cùng là đánh bại kẻ thù, cũng có thể gọi đây là kế sách linh hoạt tạm thời. Có thể lấy câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai làm ví dụ thành công của giấu mình chờ thời. Tất nhiên là khi đồng chí Đặng Tiểu Bình đề ra chiến lược ‘giấu mình chờ thời’ thì TQ đang ở trong một bối cảnh thời đại và thuộc tính xã hội hoàn toàn khác. Ngôn ngữ ngoại giao Phương Tây gọi khái niệm này là “to play lowprofile”, nghĩa là xử lý mềm mỏng, thể hiện thái độ khiêm nhường và thận trọng. Khi Đặng Tiểu Bình đưa ra quan điểm này, ông cũng đặc biệt đề cập đến “vĩnh viễn không xưng bá” và “có hành động tích cực”. Bởi vậy, ‘giấu mình chờ thời’ không có nghĩa như một số người lý giải cho rằng, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách này là bởi TQ khi đó quá yếu. Nhưng nếu cho rằng hiện nay TQ đã mạnh, đã trở thành nước lớn thứ hai về kinh tế, đã đến lúc TQ cần phải có những hạnh động mạnh mẽ, kể cả là ‘giáo huấn’ người khác khi cần… Đây cũng là một cách hiểu lệch lạc to lớn.

“Giấu mình chờ thời” là phương châm chiến lược lâu dài của TQ hiện đại, được quyết định bởi thuộc tính xã hội của TQ, đồng thời cũng được quyết định bởi hệ thống giá trị quan của TQ như ‘không xưng bá’, ‘thế giới hài hòa’, ‘hòa nhập không hòa tan’, ‘quan hệ đối tác bình đẳng’… ‘Giấu mình chờ thời’ có quan hệ biện chứng với ‘có hành động phù hợp’. Nếu đi quá trong ‘giấu mình chờ thời’ có thể trở thành thụ động; tuy nhiên nếu có hành động quá mức, thậm chí ép người thì dễ làm hỏng đại cục quan hệ ngoại giao. Vì vậy thái độ đúng đắn có thể là “tăng cường ý thức giấu mình chờ thời; tích cực có hành động phù hợp”.

Cùng với việc sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên, TQ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong khu vực xung quanh, cần phải ‘tích cực có hành động phù hợp’. Tuy nhiên cần phải ghi nhớ kỹ 03 điểm: Một là phải nhìn kỹ ‘thời’ và ‘thế’, đánh giá đầy đủ tính khả năng và tính khả thi; hai là không được quên ‘chiến lược tổng thể’ và yêu cầu của thời đại; ba là cần chú ý chính sách và sự vận dụng chính sách, cần làm được điều ‘không chiến mà khuất phục được kẻ địch’, hay còn gọi là “thượng binh phạt mưu”. Cách làm hung hăng lấn lướt, lên mặt giáo huấn người khác là không thể áp dụng được./.

Lê Sơn (gt)