+ Tin từ Australia, Nam Ninh, BBC, RFI - 5/2: Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng làm Mỹ và các nước trong khu vực lo ngại (The Australian Financial Review- 5/2). Theo báo cáo của công ty tư vấn HIS Jane’s, ngân sách quốc phòng của TQ sẽ tăng đến 160 tỷ USD trong năm tới, nhiều hơn ngân sách của Anh, Pháp và Đức gộp lại. Điều này khiến các quốc gia láng giềng lo ngại khi TQ ngày càng trở nên quyết liệt hơn trong các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Dự kiến chính phủ TQ sẽ công bố ngân sách chính thức vào tháng 3/2014 song sẽ thấp hơn so với số liệu của HIS Jane’s do không bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển.

Một cuộc điều trần tại Ủy ban Tình báo của Hạ viện về các mối đe dọa toàn cầu, cho thấy quan ngại gia tăng tại Washington về thái độ mạnh bạo của Bắc Kinh, cũng như về quá trình hiện đại hóa quân sự của TQ vốn đang gây thách thức cho khu vực. Nếu như xung đột nổ ra giữa TQ và các nước đồng minh của Mỹ như NB và PLP thì Washington sẽ không thể ngồi nhìn.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói TQ hung hăng theo đuổi tham vọng chủ quyền ở Đông Á khiến các nước trong khu vực lo ngại. Việc này bắt nguồn từ tư duy của TQ về danh phận lịch sử của mình. Các bất đồng xung quanh biển đảo và nguồn năng lượng, nhất là ở Biển Đông có thể trở thành nguồn xung đột. TQ đang tiến hành một chính sách hiện đại hóa quân sự hết sức quy mô với mục đích đối trọng với cái mà TQ cho là sức mạnh quân sự của Mỹ.

Dân biểu ''Dutch'' Ruppersberger, thành viên Ủy ban Tình báo, thì mô tả việc TQ thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông là "gây hấn và cưỡng chiếm" và đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách CÁ - TBD Daniel Russel đặc biệt lên tiếng phản đối ý tưởng của giới quân sự TQ, muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông tương tự như đã làm tại vùng biển Hoa Đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington ngày 5/2, ông Daniel Russel cho biết, chính phủ Mỹ rất quan ngại trước các hành động áp đặt các đòi hỏi chủ quyền mang tính chất khiêu khích và “một cách phi pháp và phi ngoại giao”.

Ông Daniel Russel đã nhắc tới việc TQ gần đây áp đặt một số quy định buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động trong vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền. Ông cũng một lần nữa lên tiếng thúc giục TQ xác định rõ các yêu sách lãnh thổ trong tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác nhận trở lại là Washington không hề công nhận khu vực nhận dạng phòng không mà TQ đơn phương thiết lập trên Biển Hoa Đông, trực tiếp đối đầu với NB. Ngoài việc cảnh báo TQ về tác hại tiềm tàng của việc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á còn kêu gọi các nước trong khu vực phát huy quan hệ láng giềng tốt, ý muốn nói đến quan hệ căng thẳng gần đây giữa NB, HQ và TQ. Theo ông Russel, cả NB lẫn HQ đều là đồng minh của Mỹ và đều chia sẻ những giá trị có khả năng giúp hai nước tin cậy lẫn nhau trong một thời gian dài. Còn TQ và NB đều là hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á, do đó phải hợp tác với nhau vì lợi ích của chính công dân mỗi nước.

Trong một diễn biến liên quan, TTh/PLP Benigno Aquino vừa lên tiếng so sánh nỗ lực tuyên bố chủ quyền của TQ với chính sách của Đức quốc xã và kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới không để sai lầm “cắt đất cầu hòa” lần nữa xảy ra. Ông Aquino nhắc tới việc năm 1938, Anh và Pháp đã đồng ý nhượng vùng Sudetenland lúc đó thuộc Tiệp Khắc cho Đức quốc xã nhưng rồi chiến tranh thế giới vẫn nổ ra. PLP nhiều lần tố cáo TQ đơn phương khẳng định chủ quyền Biển Đông và theo ông Benigno Aquino, tương tự như Tiệp Khắc trước đây, PLP đang phải đối mặt với các đòi hỏi lãnh thổ đến từ một nước hùng mạnh hơn mình rất nhiều, do đó quốc tế cần phải hậu thuẫn mạnh mẽ cho PLP để bảo vệ sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

+ Tin từ Philippines, Trung Quốc, BBC - 6/2: Trung Quốc - Philippines: Biển Đông. Ngày 6/2, các kênh truyền thông TQ đã đồng loạt lên tiếng phê phán những phát biểu ngày 5/2 của TTh PLP Benigno Aquino khi so sánh tham vọng chủ quyền của TQ tại Biển Đông với chính sách Đức quốc xã.

Kênh CCTV 13 của Đài Truyền hình Trung ương TQ, Tân Hoa xã, mạng Tin tức TQ... đã gọi TTh Aquino “là chính khách nghiệp dư không biết gì khi so sánh TQ với nước Đức quốc xã” và cho rằng đây là những phát biểu “ác khẩu và ngông cuồng của TTh/PLP khi nói về vấn đề Nam Hải (Biển Đông) nhằm xúi giục quốc tế ủng hộ đối đầu với yêu sách Nam Hải của TQ…”

Trong khi đó, New York Times ngày 6/2 có bài xã luận về quan hệ TQ - PLP nhận xét:PLP đang chống lại yêu sách của TQ ở Biển Đông bằng cách kiện lên một tòa án trọng tài của LHQ - tòa án sẽ xét xử vụ việc vào tháng 3/2014 tại La Hay. TTh/PLP Benigno S. Aquino III đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng pháp luật của mình.

TQ tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và trữ lượng cá, trong khi PLP, VN, Malaysia, Brunei và Đài Loan yêu sách một phần tại vùng biển này. BTNG/PLP Albert del Rosario cho biết kiện là biện pháp duy nhất khi mọi nỗ lực thương lượng ngoại giao với TQ đã thất bại.

Sau khi PLP khởi kiện vào tháng 1/2013, TQ đã duy trì các tàu bán quân sự tại các khu vực tranh chấp và quấy rối tàu đánh cá và tàu thương mại của PLP. TQ đã khẳng định sẽ không tham gia tòa án trọng tài và luôn đòi hỏi đàm phán song phương với PLP để giải quyết tranh chấp.

Tòa án trọng tài, cơ quan có thể ra phán quyết mà không cần sự tham gia của TQ, sẽ quyết định liệu những kết cấu đá mà TQ yêu sách, bao gồm cả những bãi chìm hoàn toàn, có đủ điều kiện để có các vùng biển quanh chúng hay không. Theo CULB 1982, các quốc gia (ven biển) có quyền mở rộng lãnh hải 12 hải lý và vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tòa án không có thẩm quyền xem xét vấn đề chủ quyền của các kết cấu này, và phán quyết của nó không có cơ chế thực thi.

Dù là một thành viên CULB 1982, TQ đã chọn loại trừ áp dụng tài phán quốc tế đối với một số vấn đề liên quan đến chủ quyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông do các yêu sách của TQ, cộng đồng quốc tế cần nêu rõ rằng TQ phải tuân thủ pháp luật và tôn trọng phán quyết của tòa án trọng tài. Những gì PLP khởi xướng không chỉ quan trọng đối với PLP mà còn là một bước đi quan trọng mà cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ.

+ BBC, RFI, VOA - 6/2: Biển Đông: Mỹ đòi Trung Quốc nói rõ về đòi hỏi chủ quyền. Trong phiên điều trần trước với tiểu ban châu Á của Quốc hội Mỹ ngày 5/2, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel đã tuyên bố là những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải chiếu theo công pháp quốc tế phải dựa trên những đặc trưng của đất liền. Tất cả những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên những đặc trưng của đất liền đều bị xem là trái với luật pháp quốc tế. Cho nên, ông Russel đề nghị là Bắc Kinh phải chứng tỏ họ tôn trọng công pháp quốc tế bằng cách làm rõ và điều chỉnh những đòi hỏi chủ quyền cho đúng với luật quốc tế về luật biển. Nói cách khác, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thách TQ đưa ra những luận cứ vững chắc để biện minh cho bản đồ "hình lưỡi bò" mà họ tự vẽ ra, bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Đối với ông Danny Russel, việc Bắc Kinh không làm rõ những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông đã gây nên tình trạng bất ổn định trong khu vực và giới hạn khả năng đạt đến một giải pháp được tất cả các bên chấp nhận hoặc đạt đến những thỏa thuận cùng phát triển công bằng. Ông Russel nói: "Hiện quan ngại đang gia tăng rằng thái độ của TQ tại Biển Đông cho thấy nỗ lực của nước này trong việc tìm cách kiểm soát khu vực dù bị các nước láng giềng phản đối". Ông viện dẫn một số hành động mới đây của TQ làm “gia tăng căng thẳng”. Ông Russel nói những hành động này bao gồm việc tiếp tục hạn chế việc tiếp cận bãi cạn Scarborough, gây sức ép đối với sự hiện diện lâu năm của PLP tại Bãi cạn Second Thomas và mới đây cập nhật những qui định về đánh cá tại vùng biển tranh chấp trong Biển Ðông. Ông Russel cũng nêu ra những mối quan ngại mới của Mỹ về các hoạt động của TQ ở Biển Ðông, nơi Bắc Kinh vừa thiết lập một Vùng Nhận diện Phòng không trong một khu vực mà NB cũng nhận chủ quyền. Ông gọi hành động này là một “biện pháp lạc hướng”, và cảnh báo TQ chớ nên thiết lập những Vùng Nhận dạng Phòng không tại các nơi khác. Ông Russel nói Mỹ không thừa nhận và cũng không chấp nhận Vùng Nhận diện Phòng không mà TQ tuyên bố. Mỹ không có ý định thay đổi cách thức hoạt động trong vùng. Và Mỹ nói rõ với TQ là không nên tìm cách thực thi Vùng Nhận diện Phòng không và nên tự chế trước những hành động tương tự tại các nơi khác trong vùng.

Ngoài ra, ông Russel cũng tuyên bố ủng hộ PLP trong vụ kiện TQ ra trước một tòa án LHQ vào năm 2013. Theo trợ lý Ngoại trưởng, đây là một trong những nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp "hoà bình, không mang tính cưỡng ép" cho vấn đề Biển Đông.

Ông Russel cũng nói là ông cũng quan tâm đến “sa sút nghiêm trọng” trong mối quan hệ giữa NB và TQ. Ông nói Bắc Kinh, Tokyo cũng như kinh tế toàn cầu không thể chịu đựng được một cuộc xung đột vô tình giữa hai nước. Ông Russel cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của NB dùng những thủ tục ngoại giao và quản lý khủng hoảng để giúp tránh xung đột.

Mỹ nói không đứng về bên nào hay bất cứ tranh chấp quốc gia riêng rẽ nào trên biển, mà chỉ quan tâm đến việc giúp tìm những giải pháp hòa bình và bảo đảm tự do hàng hải và thương mại.

Theo AFP, những tuyên bố nói trên của ông Russel cho thấy Mỹ có xu hướng can dự ngày càng nhiều vào vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, theo AFP, dân biểu Cộng hòa Steve Chabot, Chủ tịch tiểu ban châu Á, cho rằng chính quyền TTh Barack Obama phát đi"những tín hiệu trái ngược nhau" , cho nên coi như khuyến khích Bắc Kinh. Theo ông Chabot, đã đến lúc chính quyền Obama có hành động cụ thể để trấn an các nước trong khu vực rằng Mỹ hiện diện lâu dài và mạnh mẽ ở châu Á.

+ Tin từ Trung Quốc - 7/2: “Tết, Nam Hải (Biển Đông) sóng muốn lặng mà gió chẳng dừng” (Thời báo Hoàn Cầu - 7/2): Tuần sau tết, lại nổi lên vấn đề “Nam Hải”. Đầu tiên, tờ Ashahi Simbun của NB ngày 31/1 cho biết, TQ đã vạch ra kế hoạch dự thảo về thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở “Nam Hải”, đang tính toán thời cơ công bố. Tiếp đó, quan chức cấp cao về vấn đề châu Á của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ cho biết, nếu TQ tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không “Nam Hải”, Mỹ sẽ điều chỉnh bố trí quân sự ở CÁ - TBD, thậm chí là tăng quân. Ngày 4/2, trang mạng của Thời báo NewYork công bố cuộc phỏng vấn TTh/PLP Aquino, Aquino đã so sánh tình hình “Nam Hải” với việc Hitler yêu cầu cắt Sudetenland của Czech và Slovakia cho Đức.

Xem xét thái độ của NFN/BNG/TQ ngày 1/2, thông tin mà tờ Ashahi Simbun công bố là thông tin giả. TQ nhấn mạnh quyền thiết lập khu vực nhận dạng phòng không của mình nhưng bày tỏ “không hề cảm thấy sự đe dọa an ninh bầu trời từ các quốc gia ASEAN”.

Có sự trợ giúp của Nhật, PLP, sự ủng hộ của Mỹ, TQ tỏ ra rất bị động. Nhưng tình hình thực tế chưa hẳn thực sự là như vậy.

Xung quanh xung đột lãnh thổ và lịch sử của Đông Á, sự đối đầu Trung - Nhật là nổi bật nhất. Chiến tranh dư luận Trung - Nhật, NB về tổng thể không chiếm thượng phong. Nhật và PLP thi hành liên minh về ngoại giao và dư luận trong vấn đề lãnh thổ, nhưng hiệu quả thực tế của nó nhỏ hơn rất nhiều so với “trận tuyến thống nhất” của Trung - Hàn đối với vấn đề lịch sử của NB. NB hiện nay muốn làm nóng lên vấn đề “Nam Hải” là muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn sau khi Abe thăm đền Yakusuni, nhưng PLP không giúp đỡ được gì nhiều cho NB.

Ván cờ sâu xa của vấn đề Đông Á nằm ở giữa Mỹ và TQ, thái độ của Mỹ đa dạng mà lại phức tạp, TQ không cần phải căng thẳng vì cách nói nào đó của quan chức nào đó của Mỹ. Thái độ đề phòng TQ của Mỹ giống với nguyện vọng hợp tác với TQ của nước này hiện nay đều hiện lên tính ổn định nhất định, quan hệ Trung - Mỹ là chủ đề lớn hơn rất nhiều so với việc đối phó với sự khiêu khích của Nhật - PLP.

Đối với vấn đề “Nam Hải”, thái độ của TQ duy trì thận trọng vững chắc. Sách lược của PLP lôi kéo ASEAN vào tranh chấp “Nam Hải”, đối đầu với TQ về cơ bản đã bị hóa giải. Thái độ của VN cũng dần kéo giãn khoảng cách với PLP, cách làm đối đầu gay gắt với TQ của PLP cũng không được hưởng ứng, dần rơi vào cô lập. Việc PLP khiêu khích TQ vừa không nhận được lợi ích gì về lãnh thổ cũng không khơi lên được bao nhiêu sóng gió về mặt dư luận…

+ RFA - 6/2: Hoa Đông, Biển Đông: hòa hay chiến? Tuần qua có những sự kiện liên quan đến Đông Á và Biển Đông gây nên mối lo về chiến tranh sắp nổ ra giữa hai cường quốc châu Á là TQ và NB. Trước hết, trong hội nghị an ninh quốc tế quy tụ những nhà ngoại giao, quốc phòng hàng đầu của thế giới tại Munich hồi cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội TQ phát biểu rằng quan hệ Nhật - Trung đang ở vào thời điểm xấu nhất, và TQ sẽ hành động để duy trì sự ổn định trong khu vực. Cùng dự hội nghị, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tuyên bố rằng châu Á ngày nay giống như châu Âu hồi thế kỷ thứ 19, khi các nước liên quan không ai chịu từ bỏ đường lối chiến tranh để giải quyết vấn đề.

So sánh giữa thế giới ngày nay với thế giới vào thế kỷ 19 là căn bản sai lạc để nhận định, vì vào thế kỷ 19 quan hệ quốc tế còn nghiêng hẳn về phía sử dụng bạo lực quân sự tiêu diệt lẫn nhau. Tuy nhiên chiếu theo những diễn biến gần đây, không phải hoàn toàn vô lý khi nói chiến tranh có thể xảy ra.

Theo tuyên bố của chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội TQ bà Phó Anh, tại Munich thì người ta thấy rõ Bắc Kinh đang cao giọng đe dọa chiến tranh. Trong khi đó một Ủy ban chính phủ của NB cho biết sẽ đề nghị chính quyền giải thích lại hiến pháp Nhật để hủy bỏ lệnh cấm lực lượng quân sự NB can thiệp ra bên ngoài biên giới, và quân đội Nhật có thể tiếp sức, yểm trợ đồng minh ở bên ngoài nếu xảy ra xung đột quân sự liên quan tới nước đồng minh đó.

Và tuy hiện tại cả hai phía đều lớn giọng nói không loại trừ phương tiện chiến tranh, nhưng yếu tố quan trọng nhất là TQ chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự với một cường quốc khác, trước khi đạt tiến bộ kinh tế và kỹ thuật ngang với Mỹ. Ngay cả việc xung đột với những nước yếu hơn như VN, PLP, TQ cũng phải cân nhắc vô cùng thận trọng. Chưa nói tới NB là đồng minh chí cốt của Mỹ và có hiệp ước an ninh chung với Mỹ. Mỹ vừa có tiếng nói khá mạnh trong vấn đề này.

Rõ ràng TQ chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Trong khi đó NB lại ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng không phải vì thế mà Nhật muốn khai chiến, vì Nhật cũng không dễ thắng TQ như đã từng thắng nhà Thanh ở Triều Tiên năm 1895 và đánh tan hạm đội Nga ở Tsushima (Đối mã) năm 1905. Chắc chắn Tokyo cũng không thể "tiên hạ thủ vi cường" vì đã có đồng minh Mỹ luôn luôn muốn duy trì hoà bình trên khắp thế giới.

+ VOA - 7/2: Trung Quốc: Nhận định của Mỹ về việc nhận chủ quyền lãnh thổ là vô trách nhiệm. Ngày 7/2, TQ đã lên tiếng phản bác lại những tuyên bố tại phiên điều trần hôm 5/2 tại Hạ viện Mỹ của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vùng Đông Á Daniel Russel khi nói rằng TQ ngày càng hung hăng hơn trong việc tìm cách nắm quyền kiểm soát các đại dương trong vùng và các khẳng định chủ quyền của TQ trong vùng Biển Đông không theo đúng luật pháp quốc tế. NFN/BNG/TQ Hồng Lỗi tuyên bố các nhận định của ông Russel là hết sức vô trách nhiệm khi đưa ra lời tố cáo vô căn cứ nhắm vào TQ dựa trên những tin đồn mà không kiểm tra các sự kiện.

Trước đó, ông Sam Bateman, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore cũng nói các tuyên bố của ông Russel mang tính chất khiêu khích một cách không cần thiết. Ông Bateman nói nhận định của ông Russel chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết về "đường đứt khúc chín đoạn" là gì. Những khẳng định chủ quyền của TQ đề cập tới các tuyến đường đánh cá trong lịch sử mà Bắc Kinh nói là đã có từ thế kỷ thứ 15. Ông Bateman nói lập luận này có một giá trị pháp lý nào đó.