14/01/2014
Tin tức Biển Đông trên thông tin báo chí trong và ngoài nước từ ngày 8 đến 12 tháng 1/2014.
+Nam Ninh, RFI - 10, 11, 12/1: Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá. Ngày 10/1, NFN/BNG Lương Thanh Nghị đã phản đối quy định mới của TQ về đánh cá trên Biển Đông, cũng như phản đối thông báo ngày 24/12/2013 của TQ về thời gian nghỉ đánh bắt cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền VN ở Biển Đông. Theo ông Lương Thanh Nghị, những hoạt động nêu trên của phía TQ là “bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN ở Biển Đông theo Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.
Cùng ngày 10/1, BNG Philippines cho biết đã yêu cầu phía TQ ngay lập tức làm rõ những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra. Bản tuyên bố khẳng định hành động nói trên của TQ là một sự “vi phạm thô bạo” công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, luật mới của TQ còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và tự do đánh cá của tất cả các quốc gia trên vùng biển sâu, như quy định của UNCLOS.
Ngày 12/1, đến lượt NB lên án quy định mới của TQ. Bộ trưởng Quốc phòng NB Itsunori Onodera, sau khi thanh sát cuộc tập trận của Lữ đoàn Nhảy dù NB, đã nhận định rằng các hạn chế mới mà TQ áp đặt tại Biển Đông, kèm theo quyết định đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013 đã làm cho cả cộng đồng quốc tế quan ngại. Ông nói: “Tôi sợ rằng không chỉ NB, mà toàn thể cộng đồng quốc tế, đều quan ngại rằng TQ đang đơn phương đe dọa trật tự quốc tế hiện tại”.
Trong khi đó, ngày 10/1, Cục Hải dương Nhà nước TQ (SOA) thông báo, một tàu tuần tra đa năng mới vừa được biên chế cho đội tàu của lực lượng cảnh sát biển nước này hoạt động ở Nam Hải (Biển Đông). Theo SOA, tàu mới mang số hiệu CCG-3401, có độ choán nước 4.000 tấn, được trang bị nhiều thiết bị tuần tra hiện đại. SOA còn khẳng định, tàu CCG-3401 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự quản lý về những vùng biển thuộc chủ quyền của TQ.
+ VOA, BBC, RFI - 10, 12/1: Thời điểm đưa Trung Quốc ra tòa 'đã chín muồi'. Theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ, Hà Nội đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền biển đảo đối với các vùng lãnh thổ nói trên ở Biển Đông và chỉ cần khẳng định bản lĩnh để đưa Bắc Kinh ra tài phán quốc tế. Ông Giao nói thêm, hành động pháp lý này vẫn cần được tiến hành sớm nhất ngay cả khi TQ được dự báo sẽ có động thái đáp lại là bác bỏ, lẩn tránh tranh tụng tại các phiên tòa quốc tế và gây các áp lực chính trị với VN.
Trong khi đó, nhận xét về khả năng và căn cứ pháp lý đòi lại chủ quyền của VN riêng với Hoàng Sa, sau 40 năm TQ tấn công chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung từ Đại học Quốc gia nói: "Các chứng cứ pháp lý về chủ quyền của VN ở Hoàng Sa chắc chắn hơn những nơi khác, bởi vì cứ liệu theo tôi nghiên cứu VN có thủ đắc lãnh thổ về chủ quyền với Hoàng Sa sớm hơn tất cả các nước khác, kể cả TQ, kể cả bằng chứng lịch sử nhiều hơn về thủ đắc lãnh thổ thực thụ." Chuyên gia này cho rằng VN đã 'hơi muộn' nếu ngay bây giờ bắt đầu đệ trình các hồ sơ đòi chủ quyền lên các tòa án quốc tế.
GS Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine (Mỹ) chia sẻ quan điểm nói trên trong cuộc phỏng vấn với VOA khi nói rằng: “Về mặt luật pháp, nếu mình để càng lâu, TQ càng có thời gian. Sau này nếu có đem ra tòa kiện được, người ta cũng cho rằng TQ đã chiếm đóng lâu rồi, người ta không muốn làm lộn xộn vấn đề […]VN là nước phải đứng ra kiện vì quần đảo Hoàng Sa là của VN bị TQ chiếm đóng và khi chiếm đóng, TQ còn giết người VN. Đây là vấn đề không những luật pháp mà còn nhân đạo […] Trong lúc TQ đang ‘quậy’ thế này, VN nên đẩy mạnh vấn đề thế giới, đặc biệt là LHQ, buộc LHQ phải xét xử vụ này vì chuyện này không phải chỉ là chủ quyền lãnh thổ mà là an ninh biển, ảnh hưởng Luật Biển của LHQ.”
Trong khi đó, trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đã được đưa ra ‘mổ xẻ’ dưới nhiều lăng kính khác nhau trong một cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu gốc Việt tại Đại học Harvard hôm 11/1. Liên quan tới khía cạnh pháp lý trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng VN nên đi theo cách làm của PLP. Tiến sỹ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên trường luật của Đại học Harvard nhận định với rằng VN nên theo gương PLP đưa TQ ra tòa trọng tài quốc tế để phân xử. Ông nói: “Hai tòa án chính là tòa trọng tài và tòa luật biển. Muốn giải thích điều khoản nào về luật biển, một bên có quyền đưa ra và bên kia không ngăn cản được. Bên kia có trình hồ sơ thì họ xem, không trình thì họ cứ tuyên bố một bản án mà dĩ nhiên nó không có tính cưỡng chế, nhưng mà ít ra nó cũng tạo được một cái thế về luật pháp, về chính nghĩa cho VN và PLP. Đó là điều nên làm”. Ông cũng cho rằng VN hiện chú tâm theo dõi vụ kiện do PLP khởi xướng để xem có thể học được gì.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một chuyên gia từng làm việc cho LHQ và hiện nghiên cứu về cuộc tranh chấp biển Đông, cũng có cùng quan điểm và cho rằng VN ‘là nước nhỏ thì phải dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết’.
Trong khi đó, tiến sỹ Ngô Như Bình, Giám đốc Chương trình Tiếng Việt thuộc ĐH Harvard, cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải cho người dân thấy rõ ‘quan điểm của mình, quan điểm của phía VN trong vấn đề biển Đông.
+ 12/1: Trung Quốc: Biển Đông. CRI ngày 12/1 dẫn nguồn Tân Hoa xã đưa tin: ngày 12/1, ba thợ lặn TQ đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ lặn bão hoà khí ni-tơ bằng ô-xy ở độ sâu 300 mét và tác nghiệp ở dưới đáy biển ở Biển Đông, độ lặn sâu nhất tới 313,5 mét, TQ từ nay đã có năng lực cho người lặn xuống độ sâu 300 mét.
Cục trưởng Cục Trục vớt Cứu hộ Bộ Giao thông Vận tải TQ Vương Chấn Lượng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải TQ đã đưa công nghệ tác nghiệp lặn bão hoà khí ni-tơ bằng ô-xy ở độ sâu 500 mét vào kế hoạch. Hiện nay có 8 nước trên thế giới là Anh, Mỹ, Thuỵ Sĩ, Na Uy, Pháp, Đức, Nhật và Nga đã lần lượt có thể cho người lặn xuống độ sâu 400 mét, trong đó, Pháp lặn xuống độ sâu hơn 600 mét .
+ Trung Quốc, BBC, VOA, RFI - 9/1: Việt Nam, Đài Loan phản đối việc Trung Quốc tăng cường khống chế Biển Đông. Ngày 9/1, Hội nghề cá VN phản đối các quy định mới của TQ yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải xin phép khi đi vào đánh bắt cá hoặc khảo sát trong vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý. Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá VN, cho biết "ngày 10/1, Hội này sẽ thay mặt các ngư dân trong nước sẽ gửi một văn bản kháng nghị cho Bộ Ngoại giao để biểu thị sự phản đối của mình. Việc làm của TQ là sai trái và vi phạm và đề nghị chấm dứt vi phạm đó”. Ông Trác - Nguyên là Thứ trưởng Bộ Thủy Sản VN - cũng cho biết, Hội nghề cá VN sẽ vận động các ngư dân tiếp tục bám biển và đánh bắt, bất chấp lệnh cấm của TQ.
Cùng ngày, “BNG” ĐL tuyên bố, đối với điều lệ “Nam Hải” (Biển Đông) mà TQ đại lục công bố, lập trường của ĐL là “không chấp nhận cái gì ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền”, đồng thời nhấn mạnh “có chủ quyền đối với 4 quần đảo và vùng nước ở Biển Đông. ĐL cũng kêu gọi các bên liên quan tránh áp dụng bất kỳ hành động đơn phương nào ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực “Nam Hải”, đồng thời nên tự kiềm chế mình, thông qua hiệp thương đối thoại dùng phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp; đồng thời khẳng định phải giữ vững nguyên tắc cơ bản “chủ quyền của ta, gác tranh chấp, hòa bình cùng có lợi, cùng khai thác”, cùng với các bên có liên quan cùng nhau bảo vệ hòa bình ổn định của khu vực “Nam Hải”.
Ngày 9/1, Mỹ cũng đã chính thức phản đối lệnh hạn chế đánh bắt cá của TQ. NFN/BNG Mỹ Jen Psaki tuyên bố: "Việc thông qua các lệnh cấm hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trong khu vực tranh chấp trên Biển Ðông là một hành động khiêu khích và có thể gây nguy hiểm". NFN/BNG Mỹ cũng nói lệnh cấm có vẻ như được áp dụng đối với khu vực mà TQ gọi là "đường 9 đoạn" và nói thêm rằng "TQ đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào hay dựa trên luật pháp quốc tế đối với những khiếu nại về vấn đề hàng hải".
Cũng trong ngày 9/1, TQ đã lên tiếng bênh vực cho quyết định của tỉnh Hải Nam đòi hỏi tất cả các tàu đánh cá phải xin phép trước khi vào vùng nước ở Biển Ðông mà Bắc Kinh nhận chủ quyền. NFN/BNG/TQ Hoa Xuân Oánh nói quyết định này không có gì là lạ. TQ là một quốc gia hàng hải, vì thế điều hoàn toàn bình thường và nằm trong khuôn khổ hoạt động thường lệ của các tỉnh TQ nằm ở ven biển là thiết lập các luật lệ khu vực theo đúng luật quốc gia để điều hành việc bảo vệ, quản lý và sử dụng các nguồn lực hàng hải.
Theo AP và một số cơ quan truyền thông quốc tế khác, các quy định mới của TQ ở Biển Đông là một phần trong chiến dịch ngày càng mở rộng nhằm khẳng định chủ quyền của nước này tại khu vực rộng lớn đang có nhiều tranh chấp ở Biển Đông. Một dấu hiệu cho thấy là TQ có thái độ ngày càng lấn lướt. AP dẫn lời chuyên gia về chính trị TQ tại trường City University of Hong Kong, Joseph Cheng, nói: "Có lẽ quyết định này được đưa ra dưới áp lực dân tộc chủ nghĩa ở trong nước. Các động tác khẳng định chủ quyền như thế này sẽ còn tiếp tục. Tập Cận Bình cho rằng không thể để bị xem là quá hiền". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo hệ lụy có thể nghiêm trọng của nó.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, nhận định nó cho thấy "một sự leo thang lớn trong nỗ lực khẳng định chủ quyền của TQ. Hành động này có khả năng sẽ tăng căng thẳng và gây khó khăn cho đàm phán TQ - ASEAN về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông". Tuy nhiên, theo Giáo sư Thayer, chỗ yếu trong các quy định mới của TQ chính là tính chất pháp lý. Nếu TQ thực hiện công việc mà họ gọi là thực thi luật pháp trong vùng hải phận quốc tế ở Biển Đông, thì các hành vi đó sẽ bị đồng hóa với hoạt động cướp biển do một Nhà nước tiến hành.
Trong những ngày tới, tình hình Biển Đông chắc chắn sẽ sôi sục trở lại, vì khó có thể nghĩ rằng các láng giềng của TQ sẽ răm rắp tuân lệnh của chính quyền tỉnh Hải Nam.
+ 9/1: Tờ Tin tức Tham khảo ngày 9/1 đưa tin, quan chức Hải quân Mỹ vừa tiết lộ, tàu chiến đấu ven biển “Freedom” của Mỹ lần đầu tiên tiến hành tuần tra ở Biển Đông trong thời gian tiến hành bố trí quân sự tại Đông Nam Á.
Người phụ trách lính thủy của Hải quân Mỹ cho biết, trong thời gian 10 tháng bố trí tại Tây Thái Bình Dương, chiếc tàu chiến đậu gần bờ đầu tiên của hải quân Mỹ này đã tiến hành một lần “tuần tra thực sự” tại khu vực Biển Đông. Hai tuần sau khi tàu “USS Freedom” ngừng bố trí, bên ngoài nhận được thông tin này. Trong thời gian bố trí lần này, tàu “Freedom” chủ yếu đỗ ở căn cứ hải quân của Xinh-ga-po, đồng thời tiến hành huấn luyện diễn tập với các đối tác khu vực.
Tư lệnh lính thủy của Hải quân Mỹ Tom Copeman cho biết, tàu “USS Freedom” đã nhận lệnh tiến hành một số nhiệm vụ tuần tra tại một số khu vực có liên quan đến lợi ích của Mỹ tại Biển Đông. Copeman cho biết, trong thời gian tuần tra tại Biển Đông, tàu “USS Freedom” sử dụng rada và thiết bị truyền cảm ứng để tiến hành nhiệm vụ giám sát mặt nước. Binh lính tàu “USS Fredom” còn sử dụng máy bay trực thăng MH-60R để tiến hành nhiệm vụ bay ở khu vực này, hơn nữa đã thả thuyền cao su vỏ cứng ở khu vực này để thu thập thông tin của các tàu khác.
8/1: Mạng Hoàn Cầu ngày 8/1 đưa tin “Triển lãm tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và những bằng chứng lịch sử” do Bộ Thông tin và Truyền thông VN tổ chức đã khai mạc ngày 6/1 tại Viện Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Theo Thông Tấn xã VN ngày 8/1, lần triển lãm này giới thiệu các tài liệu của nước ngoài và TQ công bố, bao gồm 200 tấm bản đồ VN, bản đồ TQ và một số bản đồ của các quốc gia phương Tây cùng 8 bản sắc phong về việc VN đã tiến hành “quản lý chủ quyền” đối với quần đảo “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa) và quần đảo “Nam Sa” (quần đảo Trường Sa) từ thời kỳ đầu, v.v.
Viện Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk còn triển lãm 3 bản “dư đồ” (tập bản đồ) do triều Thanh TQ xuất bản năm 1908 và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản các năm 1919, 1933 tuyên bố quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” “thuộc về VN”, “đảo Hải Nam là cực Nam biên cương của TQ đại lục”.
Trung Quốc: Biển Đông. Mạng Học hội Kiến trúc TQ ngày 7/1 đưa tin, trong thời gian chào đón Tết dương lịch, dự án mẫu về phát điện bằng năng lượng mặt trời 500kW của thành phố “Tam Sa” do công ty Nguồn năng lượng mới của của viện nghiên cứu thiết kế quy hoạch thăm dò Trường Giang làm tổng thầu EPC đã được xây dựng thành công đưa vào hoạt động trên đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa).
Hải Nam Nhật báo ngày 7/1 đưa tin, nhóm ngư dân đầu tiên gồm tổng cộng 48 người của thành phố “Tam Sa” đã mua bảo hiểm rủi ro cho ngư dân. Thông tin cho biết thêm, cùng với việc đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh mạnh về biển, tỉnh Hải Nam sẽ đưa bảo hiểm ngư nghiệp vào trong quy hoạch sản xuất nghề cá, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền và hướng dẫn về chính sách của chính quyền, thúc đẩy sự phát triển bền vững lành mạnh của bảo hiểm ngư nghiệp, bảo vệ sự phát triển của nghề cá, cung cấp sự bảo đảm rủi ro mạnh mẽ cho ngư dân TQ tác nghiệp nghề cá ở “Nam Hải” (Biển Đông).
+ Tin từ Mỹ, BBC, RFA, VOA - 8/1: Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát các vùng biển, không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông. TQ đã ra lệnh cho tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích Biển Đông.
Quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 sau khi được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành cuối tháng 11/2013. Theo quy định mới này, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chính của tỉnh Hải Nam, một khu vực biển rộng 1,5 triệu dặm vuông tại biển Đông phải được sự chấp thuận của chính quyền TQ.
Các tàu vi phạm quy định này sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực này, lượng cá đánh bắt được sẽ bị tịch thu và có thể bị phạt tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp, tàu cá nước ngoài có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp TQ.
Đây là lần đầu tiên TQ đưa ra một yêu sách pháp lý rõ ràng đối với ngư trường nằm trong phạm vi của đường 9 đoạn, thường được gọi là “đường lưỡi bò” mà TQ tự ý vạch ra và cho là “hải phận lịch sử” của họ. Quy định mới này được coi là nỗ lực của TQ nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền hàng hải trên biển. Điều này nằm trong chiến lược của TQ nhằm dần dần thắt chặt kiểm soát đối với khu vực. TQ đang bước qua sự mơ hồ về quy chế pháp lý của đường 9 đoạn và đưa ra "biện pháp cấp tỉnh" này để xem phản ứng như thế nào. Điều này nhằm mục tiêu buộc các nước ĐNA, Mỹ và NB phải chấp nhận sự xâm lấn hàng hải của TQ.
Các nhà phân tích cho rằng hành động này của TQ chắc chắn sẽ làm cho vụ tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Ông John Tkacik, một chuyên gia về TQ từng làm việc tại BNG Mỹ, nói rằng “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ”. Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần của chính sách của TQ nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.
Các phân tích cũng đánh giá các nước ĐNA có thể đối phó với quy định mới này thông qua UNCLOS, nhưng “với loan báo này, TQ rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc”. TQ cũng có thể làm giảm nhẹ các chỉ trích bằng việc nói rằng đây là một quyết định của địa phương và không phải là chính sách quốc gia. Tuy nhiên, TQ sẽ không rút lại quy định này và có thể áp dụng những hạn chế như vậy ở biển Hoa Đông.
Theo chuyên gia chính trị Joseph Cheng của trường đại học Hong Kong thì những lời khẳng định đòi hỏi và tuyên bố chủ quyền của TQ sẽ còn tiếp diễn, Chủ tịch Tập Cận Bình không dễ nhân nhượng.
VN chưa bình luận gì về các qui định mới của TQ. Trong khi đó, NFN/BNG/PLP Raul Hernandez ngày 8/1 cho biết chính phủ ở Manila đang xác minh tin này với các Đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh và Hà Nội.
Trong vụ việc đầu tiên sau khi TQ đưa ra qui định mới, tàu cá của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công. Hãng thông tấn AP trích thuật tin tức của báo chí VN cho biết một chiếc tàu hải giảm của TQ đã tông vào một chiếc tàu đánh cá của VN hôm 2/1 gần quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa). Lính TQ đã dùng súng điện và dùi cui đánh đập các ngư dân VN và tịch thu 5 tấn cá cùng với ngư cụ của họ. Trả lời phỏng vấn BBC ngày 8/1, ông Phạm Quang Thạnh, thuyền trưởng của tàu cá từ huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tố cáo bị tàu TQ tấn công, phá hủy ngư cụ và tước đoạt tài sả khi tàu của ông đang cách đảo Phú Lâm khoảng 18 hải lý. Ngoài ra, cùng ngày 2/1, một tàu khác cũng của huyện Lý Sơn mang số hiệu QNg 96679 TS do thuyền trưởng Bùi Văn Thành cầm lái cũng bị tàu TQ áp sát đâm vào Thuyền trưởng Thành nói tàu của TQ đã đâm vào tàu của ông khiến mũi tàu bị vỡ, và các thuyền viên của tàu này đã bị "lực lượng TQ đánh đập và đập phá tài sản". Các hình ảnh do báo trong nước đăng tải cho thấy một số thuyền viên của tàu QNg 96679 TS trở về đất liền trong tình trạng bị thương và đã được băng bó.
Tổng hơp
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...