+ RFA - 26/9: Việt - Trung: hợp tác về lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Từ ngày 24 đến 26/9, tại Hà Nội, nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển VN - TQ đã tiến hành đàm phán vòng 4. Nhóm làm việc đã thống nhất nội dung thỏa thuận hợp tác của hai dự án bao gồm: hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vịnh Bắc Bộ, nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang. Dự kiến hai bên sẽ ký kết để triển khai dự án trong năm nay. Vòng 5 đàm phán hai bên sẽ diễn ra ở TQ vào khoảng nửa đầu năm 2014.

+ Đài Tiếng nói nước Nga - 26/9: Việt Nam - Nga. Ngày 26/9, hãng tin RIA Novosti cho biết: VN dự kiến hoàn thành việc xây dựng xí nghiệp sửa chữa và bảo dưỡng các tàu do Liên Xô và Nga chế tạo tại Cam Ranh trước năm 2016. Ông Evgeni Shustikov, Phó TGĐ Trung tâm sửa chữa Ngôi sao, cho biết “Gần đây, một nhóm chuyên gia Nga dưới sự chỉ đạo của đại diện Rosoboronexport đã đến VN để bảo vệ dự án thiết kế nhà máy. Doanh nghiệp sẽ tham gia cung cấp dịch vụ sửa chữa từ nhỏ đến cấp trung bình cho toàn bộ các loại tàu nổi và tàu ngầm được Liên Xô và Nga sản xuất đã bán cho VN”.

Trong một tin khác, Hội hữu nghị VN - Nga đã phát hành Tạp chí Bạch Dương tại Hà Nội. Tạp chí bằng tiếng Việt này sẽ được phát hành 3 tháng một số. và cũng đồng thời xuất hiện dưới dạng điện tử. Các tác giả tập trung vào chủ đề chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa. Vị trí đặc biệt trong các trang của Bạch Dương là phân tích quan hệ đối tác chiến lược VN - LB Nga. Trong tương lai gần, phiên bản tiếng Nga của Bạch Dương sẽ được trình bày với độc giả Nga.

+ RFI - 26/9: Đài Loan thử tên lửa phòng không chống tấn công giả định từ Trung Quốc. Ngày 26/9, tên lửa phòng không Standard II do Mỹ sản xuất đã được Hải quân ĐL phóng lên từ một chiến hạm, tiêu diệt một máy bay không người lái trong cuộc tập trận mang tên “Sea Standard”, giả định tình huống TQ tiến công hạm đội ĐL. Đây là thử nghiệm đầu tiên từ sáu năm nay của ĐL về tên lửa loại này.

Từ khu trục hạm Tô Úc (Su Ao) gần đó, đô đốc Văn Chấn Quốc (Wen Chen Kuo) nói với hãng tin Pháp AFP: “Tên lửa Standard II rất ổn định, không cần phải bắn thử các vũ khí đắt tiền mỗi năm để kiểm tra độ tin cậy của nó”. Mỗi tên lửa Standard II trị giá khoảng 3 triệu USD. Với tầm bắn trên 130 km, các chiến hạm được trang bị loại tên lửa này sẽ có khả năng chiến đấu toàn diện hơn và năng lực phòng vệ trên không cao hơn. Hiện nay chỉ có bốn khu trục hạm lớp Kidd trọng tải 10.000 tấn - loại chiến hạm lớn nhất của Hải quân ĐL - là được vũ trang bằng loại vũ khí phòng không khu vực trên đây.

+ Tin từ Trung Quốc - 26/9: Trung Quốc: Biển Đông (Mạng Tin tức TQ - 25/9). Ngày 25/9, Cục Hải sự Bắc Hải của tỉnh Quảng Tây kết hợp với Tổng đội tuần tra chấp pháp Nam Hải, Cục Hải sự TQ và phòng Hoa Tiêu Bắc Hải của Trung tâm Bảo đảm hàng hải Nam Hải triển khai hoạt động tuần tra chấp pháp chung ở vùng biển Bắc Hải, Vịnh Bắc Bộ. Hoạt động tuần tra lần này là hoạt động tuần tra chấp pháp chung có quy mô lớn nhất triển khai tại vùng biển Bắc Hải từ trước đến nay.

Mạng Tân Hoa xã ngày 25/9 đưa tin, dựa trên bố trí kế hoạch huấn luyện hàng năm của hải quân, ngày 25/9, hạm đội Đông Hải đã tổ chức huấn luyện hiệp đồng tấn công của tàu chiến và tàu mặt nước tại vùng biển X, “Nam Hải”. Tàu ngầm kiểu mới, tàu hộ vệ, máy bay chống ngầm của hạm đội Đông Hải đã hiệp đồng chặt chẽ, phóng nhiều quả ngư lôi, phá hủy thành công nhiều mục tiêu trên và dưới mặt nước.

Trong một thông tin khác, từ ngày 23 - 30/9, “Triển lãm nhiếp ảnh biển toàn quốc, hải dương tươi đẹp” diễn ra do Hiệp hội nhiếp ảnh gia biển TQ tổ chức. Có 2 khung ảnh với 6 bức ảnh giới thiệu phong cảnh các đảo của quần đảo Hoàng Sa với các chú thích bên dưới như: đảo “Thâm Hàng, Tây Sa” (đảo Quang Hòa Đông, quần đảo Hoàng Sa) như mộng như ảo”; “Kho tàng trên biển - bãi đá Linh Dương, Tây Sa (đá Hải Sâm, Hoàng Sa)”; “Đóa hoa súng trôi trên biển Nam Trung Hoa”; “Nhìn xuống đảo Vĩnh Hưng, thủ phủ Tây Sa (đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa)”; đảo “Tấn Khanh” (đảo Duy Mộng) rực rỡ sắc mầu” và đảo “San Hô” (đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa).

Trong khi đó, Mạng Hòa Tấn ngày 25/9 đưa tin, công ty cổ phần Eo biển ngày 25/9 thông báo, công ty dự định ngày 3/10 sẽ chính thức kinh doanh tuyến du lịch “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa), tuyến kinh doanh sẽ đi từ cảng Tú Anh đến các khu vực như: đảo “Bắc” (đá Bắc), đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm)…

+ Tin từ Ấn Độ - 25/9: Việt - Ấn (báo mạng The New Indian Express - 25/9). Trong khi TQ đang còn “nhấm nhẳn” về đường ranh giới trên Biển Đông thì VN đã tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với ẤĐ, quốc gia hiện đang có những dự án đầu tư khai thác dầu khí tại khu vực sân sau của Hà Nội.

Thứ trưởng QP kiêm Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao VN gồm 14 thành viên đã tới Delhi ngày 23/9 và có các cuộc gặp với Tư lệnh Không quân kiêm Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng ẤĐ, Đại tướng N.A.K. Browne, Bí thư QP R.K. Mathur và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quốc phòng Hợp nhất, Trung tướng Anil Chait. Theo nguồn tin từ BQP/ẤĐ, hai bên đã bàn tới các vấn đề như “tăng cường hợp tác quốc phòng, xây dựng năng lực, các dự án chung và công tác tập huấn, bên cạnh việc đánh giá lại mối quan hệ quốc phòng đang ngày càng gia tăng giữa VN và ẤĐ”.

Quan hệ quốc phòng Ấn - Việt hiện đang phát triển mạnh mẽ. Các tàu chiến của hải quân ẤĐ thường xuyên viếng thăm Biển Đông và cập các cảng của VN nhằm đảm bảo an ninh cho các lợi ích của ẤĐ tại khu vực này.

Trong những năm gần đây, VN đã mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo cùng nhiều máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga và đã tìm kiếm sự trợ giúp của ẤĐ trong việc tập huấn sử dụng các trang thiết bị này vì ẤĐ là quốc gia có nhiều kinh nghiệm vận hành thiết bị của Nga, đặc biệt là hai hệ thống nói trên.

+ Tin từ Nam Ninh, RFI - 25/9: Đài - Mỹ (Mạng Phượng Hoàng - 25/9): Ngày 25/9, ĐL đã tiếp nhận chiếc máy bay đầu tiên trong tổng số 12 chiếc máy bay chống tàu ngầm P-3C Orion mua của Mỹ theo một hợp đồng có tổng trị giá 1,96 tỷ USD. Quân đội ĐL cho biết, dự kiến Mỹ sẽ chuyển giao 11 chiếc còn lại vào năm 2015. Năm 2007, Washington đã đồng ý bán cho Đài Bắc phiên bản nâng cấp máy bay P-3C Orion, được cho là sẽ mở rộng phạm vi do thám của phi đội máy bay chống ngầm của ĐL lên gấp 10 lần. Theo đó, ĐL sẽ thay thế phi đội máy bay chống ngầm S-2T đã lỗi thời bằng phi đội máy bay P-3C Orion để thực thi nhiệm vụ tuần thám biển.

+ Tin từ Thượng Hải - 25/9: “Nhật Bản triệu tập Hội nghị hải dương với 13 nước nhằm kiềm chế Trung Quốc” (Mạng Thời báo Hoàn cầu - 25/9): Ngày 24/9, BNG/NB đã mời đại diện 13 nước ven bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có PLP và VN để tổ chức Hội nghị Hải dương quốc tế lần thứ nhất. Phía NB tuyên bố mục đích của Hội nghị là đảm bảo an ninh hàng hải trên biển tại các khu vực như eo biển Malacca, vịnh Eden… nhưng nhiều báo chí của NB đều lên tiếng rằng nhằm “ngăn chặn và đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng mở rộng của TQ tại các vùng biển xung quanh”.

+ BBC, RFI, VOA - 24/9: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam tới Ấn Độ. Tổng Tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng BQP/VN, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, đang có chuyến thăm chính thức ẤĐ từ 23/9 - 27/9 theo lời mời của Đại tướng Không quân N.A.K. Browne, Chủ tịch Ủy ban các Tham mưu trưởng ẤĐ. Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa quân đội và nhân dân hai nước VN và ẤĐ trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời thảo luận những biện pháp triển khai các nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng trên cơ sở Bản ghi nhớ về Hợp tác và Trao đổi quốc phòng song phương đã được BQP hai nước ký vào tháng 11/2009.

Báo ẤĐ cho hay tướng Đỗ Bá Tỵ đã được tiếp đón trọng thể trong một buổi lễ chính thức, với nghi thức duyệt đội danh dự. Nội dung chuyến thăm lần này của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội VN không được tiết lộ, nhưng trong một bài viết ngày 4/9 được hãng tin Ấn DNA đăng tải, Harsh V Pant, chuyên gia phân tích ẤĐ làm việc tại King’s College ở Luân Đôn, đã nêu bật tiến trình tăng cường quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng, giữa VN và ẤĐ.

ẤĐ và VN đã và đang hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ nhiều diễn đàn khu vực như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hợp tác Mekong - Hằng Hà và Hội nghị Á - Âu (ASEM). Hồi tháng 6/2013, 4 tàu chiến ẤĐ với hơn 1.000 sĩ quan và thủy thủ đoàn đã cập cảng Đà Nẵng trong 5 ngày. Đây được coi là chuyến thăm quy mô nhất của tàu Hải quân ẤĐ tới Đà Nẵng trong hành trình xuyên Thái Bình Dương.

+ Đài Tiếng nói nước Nga - 24/9: Phía Nga đóng thêm hai tàu "Gepard" cho Hải quân Việt Nam. Ngày 24/9, nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodol ra tuyên bố cho biết nhà máy đã khởi công xây dựng hai tàu khu trục nhỏ “Gepard - 3.9” cho lực lượng hải quân VN. Hợp đồng liên chính phủ về việc cung cấp cặp tàu khu trục thứ hai “Gepard - 3.9” đã được ký kết hồi tháng 10/2012. Sự khác biệt chính giữa cặp tàu mới so với tàu khu trục trước đó là sự hiện diện của vũ khí chống tàu ngầm và sử dụng động cơ hiện đại hơn với các đặc tính cải thiện hơn.

+ Tin từ Nam Ninh - 24/9: Trung - Việt khai trương tuyến du lịch biển Cảng Phòng Thành - Hạ Long(Mạng CRI - 24/9). Ngày 24/9, Sở Du lịch Quảng Tây, TQ cho biết, tuyến du lịch trên biển từ cảng Phòng Thành (Quảng Tây) đến Hạ Long (Quảng Ninh) được Cục Du lịch Nhà nước TQ phê chuẩn sẽ chính thức khởi hành vào ngày 29/9, tổng hành trình khoảng 3 tiếng đồng hồ. Đây là tuyến du lịch trên biển xuyên quốc gia hành trình ngắn nhất từ TQ đến vịnh Hạ Long, VN.

+ Tin từ Đài Loan - 24/9: Đài Loan phê chuẩn đề án xây dựng cầu cảng tại Ba Bình (Liên hợp báo -20/9). Trong bối cảnh các nước liên quan gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, để thể hiện chủ quyền, Viện Hành chính đã phê chuẩn đề án xây dựng cầu cảng tại đảo Thái Bình (Ba Bình) với tổng trị giá trên 370 triệu đài tệ (hơn 12 triệu USD), cho phép tàu có trọng tải 3.000 tấn neo đậu. Đề án này giao cho Cục Hải tuần thực hiện, dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016.

Quan chức Cục hải tuần cho biết, cầu cảng mới này ngoài tàu 3.000 tấn, các tàu cứu hộ cứu nạn cỡ lớn, tàu quân sự cũng có thể neo đậu, vừa thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, đồng thời phục vụ cho hoạt động bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

+ Tin từ Battambang - 23/9: AIPA 34 ít đề cập tới vấn đề Biển Đông (Cambodia Herald - 23/9). Đại Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) nhận thức được tính nhạy cảm về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, do đó, đã hạn chế thông qua một số quyết định có thể gây trở ngại cho ngành hành pháp của chính phủ các nước thành viên nhằm triển khai các cuộc đàm phán giữa Brunei, Malaysia, PLP và VN.

Quan điểm này đã được bày tỏ rõ ràng bởi ông YB Pehin Dato Hj Isa, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA lần thứ 34 kiêm Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam (Legco) trong một cuộc họp báo sau phiên họp bế mạc Đại hội đồng. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông YB Pehin Dato Hj Isa cho biết, “Các nghị quyết liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trên biển phải được thực hiện theo điều kiện quy định trong Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS). Trong khi chúng ta có ý thức về tầm quan trọng của những tuyên bố này, bất kỳ báo cáo gây kích động của bất kỳ đại biểu nào cũng có thể tạo ra các vấn đề cho những người trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán”.

+ Tin từ Nam Ninh, VOA - 23/9: Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản bố trí radar tiên tiến (Tân Hoa xã - 23/9): Ngày 23/9, tại Bắc Kinh, trả lời báo chí về tin chính quyền thành phố Tokyo, Nhật mới đây cho phép quân Mỹ triển khai hệ thống radar X-band tại căn cứ lực lượng phòng vệ hàng không Nhật ở Tokyo, NFN/BNG/TQ Hồng Lỗi nói, TQ cho rằng, một số nước hoặc nhóm nước trong khu vực dùng chiêu bài mối nguy hạt nhân TT để đơn phương cài đặt các dàn vũ khí chống tên lửa hoặc tiến hành hợp tác giữa các nước trong nhóm, việc này không có lợi cho giải quyết vấn đề tránh mở rộng hạt nhân trong khu vực, không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực CÁ - TBD, đồng thời có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu. Ông nhấn mạnh, TQ chủ trương xử lý vấn đề mở rộng tên lửa qua biện pháp chính trị và ngoại giao, chiếu cố đầy đủ tới mối quan tâm chính đáng của các nước trên vấn đề chống tên lửa, giữ gìn sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Hệ thống radar X-band sẽ tăng cường năng lực của NB để theo dõi và ngăn cản tên lửa trên khắp vùng biển NB. Theo một số nguồn tin, dàn radar này sẽ đặt tại khu vực Tokyo và sẽ có đến 160 người Mỹ thuộc thành phần dân sự và quân sự đến làm việc.

Phát biểu của ông Hồng Lỗi hàm ý rằng, hệ thống radar này có những mục đích khác hơn là mục đích theo dõi hoạt động của TT, nhưng ông không nói chi tiết.

TQ hay xem hầu như tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ tại châu Á là ý đồ ngăn chặn sức mạnh đang lên của TQ về quân sự, ngoại giao và kinh tế. TQ cũng đặc biệt phê phán chuyện NB hợp tác quân sự với Mỹ và nâng cấp các lực lượng quân sự, gọi đó là các bước làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt, đưa đến chuyện Nhật xâm lăng và chiếm đóng tàn bạo tại TQ trong những năm 1930 và 1940.

+ VOA - 20/9: Nga muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Ngày 19/9, trang mạng thediplomat.com đăng bài viết của Tiến sĩ Stephen Blank, chuyên viên về Nga tại Hội đồng về Chính sách Đối ngoại Mỹ, nêu ra nhiều sự kiện cho thấy VN và Nga đang đẩy mạnh mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài chuyện công khai nói rằng mình chú ý đến vịnh Cam Ranh, Nga còn giúp VN xây một căn cứ tàu ngầm và một xưởng sửa chữa tại đó. Mới đây, hai nước cũng đã thảo luận về một văn kiện cho phép các tàu chiến của Nga thường xuyên ghé Cam Ranh để bảo trì và nghỉ dưỡng, mặc dù Cam Ranh sẽ không trở thành một căn cứ của Nga. Nga cũng thông báo bán cho VN 12 máy bay chiến đấu SU-30MK2 có thể không chiến, tấn công trên biển hoặc trên bộ. Ngoài ra, VN cũng đang đặt mua 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka, để cải tiến năng lực tác chiến cho các tàu ngầm lớp Kilo đang có.

Nhưng có lẽ nổi bật nhất là việc TTg Nga Dmitry Medvedev đã phê chuẩn một dự thảo thỏa thuận hợp tác quân sự, chính thức nói về hợp tác quốc phòng giữa hai chính phủ. Qua dự thảo này, TTg Medvedev ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga thảo luận và ký kết các thỏa thuận quân sự hai nước thay mặt cho chính phủ Nga.

Lê Sơn (gt)