18/09/2013
Tin tức Biển Đông trên phương tiện thông tin trong và ngoài nước từ ngày 13 đến 16 tháng 9.
+ BBC - 16/9: Việt Nam có nhượng bộ Trung Quốc về biên giới không? Vấn đề biên giới lãnh thổ giữa VN và TQ luôn thu hút sự quan tâm và tranh cãi trong dư luận người Việt trong và ngoài nước. Cho đến nay, Hiệp ước Biên giới trên đất liền được hai bên ký năm 1999 vẫn gây nhiều ý kiến trái ngược.
Ông Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, mới đây gửi cho BBC bài viết về chính sách thông tin của VN liên quan biên giới lãnh thổ và ranh giới biển. Bài viết đặt ra một số câu hỏi cho Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ VN, sau khi ông Trục kể lại những năm đàm phán biên giới với TQ trên báo VN. Ông Trần Công Trục đã đồng ý trả lời BBC về những “băn khoăn” đối với cuộc đàm phán biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa VN và TQ. Trong bài trả lời của mình, ông Trục đã nhắc lại khái quát về tình hình biên giới đất liền VN - TQ, về quá trình đàm phán Hiệp ước Biên giới năm 1999 và giải thích về một số điểm ông Huy còn băn khoăn như khu vực Núi Đất mà phía TQ gọi là Lão Sơn hay về quá trình và kết quả phân định Vịnh Bắc Bộ.
Theo ông Trục, khi tiến hành phân giới cắm mốc, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc đã thỏa thuận để xử lý những trường hợp có liên quan đến dân cư, tài sản, thực tế quản lý, thậm chí cả đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng…làm sao đảm bảo lợi ích chính đáng cho nhân dân hai bên biên giới. Về khu vực Núi Đất, ông Dương Danh Huy đặt vấn đề rằng: “Khu vực Núi Đất, mà TQ gọi là Lão Sơn…, theo thông tin không chính thức từ phía TQ và phía VN thì có một mỏm có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của VN, nhưng TQ đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm. Có việc đó hay không? Nếu có thì vì lý do nào mà VN đã chấp nhận? Vì nhân đạo và địa chính trị, hay vì không có đủ chứng cứ pháp lý, hay lý do nào khác? Ông Trục cho biết: “Theo thông tin mà tôi được biết thì đúng là có việc VN đã đồng ý điều chỉnh chút ít hướng đi của đường biên giới ở khu vực có nghĩa trang do TQ đã xây dựng trước đây, mặc dù về pháp lý đường biên giới mà hai bên đã xác định là phải đi qua khu vực nghĩa trang này. Theo tôi, đây là nhân nhượng tự nguyên, thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Bởi vì đây là nhân nhượng vừa mang tính nhân văn, nhân đạo, vừa phù hợp với nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận khi xác định đường biên giới đi qua khu vực có sự tồn tại của dân cư khu vực biên giới…như tôi đã đề cập ở phần trên”.
Về phân định Vịnh Bắc Bộ, ông Trục khẳng định: “Theo đánh giá của tôi, với tư cách là một chuyên gia pháp lý, Hiệp định Vịnh Bắc Bộ đã được phân định phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý vì nó đảm bảo được sự công bằng mà hai bên chấp nhận được”.
+ Thái Lan, Nam Ninh, BBC, VOA - 16/9: ASEAN - Trung Quốc: Biển Đông. Tại Hội nghị Nhóm công tác chung ASEAN - TQ lần thứ 9 về thực hiện DOC và Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN - TQ lần thứ 6 về thực hiện DOC diễn ra tại TQ trong 2 ngày 14 và 15/9, mặc dù nội dung của COC chưa được bàn đến nhưng hai bên đã thống nhất về mục tiêu thiết lập COC nhằm xây dựng lòng tin, ngăn chặn xung đột và không để tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh Biển Đông; thống nhất xây dựng COC trên cơ sở các nguyên tắc của DOC và tuyên bố chung của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - TQ về Biển Đông; nhất trí thành lập nhóm chuyên gia theo đề nghị của TQ; duy trì thường xuyên Hội nghị nhóm công tác chung và cấp cao; thống nhất đưa COC vào chương trình nghị sự của tất cả các cuộc họp quan chức cấp cao.
Bình luận về kết quả cuộc họp, BBC cho rằng, triển vọng đạt đồng thuận về COC còn khá xa vời. Sau cuộc họp, TQ tuyên bố tiến trình đi đến bộ quy tắc để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải diễn ra một cách “dần dần”. Ngày 15/9, BNG/TQ ra thông cáo nói: “Tất cả các bên tại cuộc gặp... đã thống nhất sẽ dần dần mở rộng đồng thuận và thu hẹp khác biệt... đồng thời tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc nghị trình thảo luận về bộ quy tắc”. Trong khi đó, kênh thông tin chính thức của VN là Thông Tấn xã VN thì nói cấp Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) “là cơ chế chính để xây dựng COC” và các quan chức tham vấn “có nhiệm vụ định kỳ báo cáo tiến độ xây dựng COC lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - TQ hàng năm”. Bên cạnh đó, mặc dù Hội nghị thống nhất “tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả” Tuyên bố chung giữa các bên liên quan về Biển Đông (DOC) và giao cho một nhóm công tác chung hỗ trợ các quan chức trong tiến trình trao đổi xây dựng COC nhưng không có thời gian biểu nào được đưa ra. Đáng chú ý là bên cạnh việc họp với khối ASEAN, TQ vẫn tiếp tục các hành vi đơn phương nhằm vào các quốc gia riêng lẻ trong khối, nhất là PLP - nước đã mang TQ ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Tờ China Daily của nhà nước TQ ngày 16/9 cáo buộc Manila là tìm cách làm “gián đoạn tham vấn ASEAN - TQ”. Có thể thấy đến giờ phút này Bắc Kinh không hề xê dịch trong quan điểm chỉ đàm phán song phương với các bên tranh chấp.
Và những điều trên chứng tỏ không có ai trong các bên nuôi hy vọng đưa ra được một văn bản COC nào trong tương lai gần. Giới học giả quốc tế nói chung cũng nhận xét COC là mục tiêu khó khăn, một số người còn cho rằng không thể đạt được.
Tuy nhiên hãng Kyodo của Nhật trích thông báo của giới chức ngoại giao TL cho rằng trong các cuộc họp lần này, ASEAN và TQ đã đạt tiến bộ về Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông vì ASEAN nhận được cam kết từ Bắc Kinh sẽ nghiêm túc xúc tiến các cuộc thảo luận.
Trong một tin khác, ngày 16/9, tờ Wall Street Journal đăng bài xã luận của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, TNS Robert Menendez, theo đó cho rằng, sự dẫn đầu của Mỹ có ý nghĩa rất lớn tại châu Á và Mỹ nên ủng hộ nỗ lực của các nước phát triển cơ chế xử lý khủng hoảng thích hợp để kiểm soát hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự trong khu vực. Washington còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khả năng an ninh hàng hải của khu vực như đề ra các mối hợp tác xây dựng khả năng cho cảnh sát biển chẳng hạn. Mỹ cũng cần tiếp tục thể hiện dứt khoát quan điểm đứng về các đồng minh trong vùng và các cam kết hiệp ước với họ.
+ Bắc Kinh, Nam Ninh, VOA - 15/9: Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ 6 và Hội nghị Nhóm công tác liên hợp lần thứ 9 về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã diễn ra tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, TQ từ ngày 14 - 15/9 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ - Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng BNG/TL - Sihasak Phuangketkeow. Các bên đã đi sâu trao đổi ý kiến về thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa DOC, tăng cường hợp tác thiết thực trên biển, đồng thời tổ chức tham vấn về COC trong khuôn khổ thực hiện DOC.
Hội nghị cho rằng, DOC là văn kiện chính trị đầu tiên mà TQ và ASEAN ký kết về vấn đề Biển Đông, có ý nghĩa quan trọng mang tính lịch sử đối với bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông. Tiếp tục thực hiện toàn diện hiệu quả DOC phù hợp với lợi ích chung của các bên, giúp cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược TQ - ASEAN.
Nhìn lại tình hình thực hiện DOC, Hội nghị khẳng định mạnh mẽ những tiến triển tích cực đã giành được về thực hiện DOC kể từ năm 2012 đến nay, cho rằng, các bên liên quan tổ chức hội nghị quan chức cấp cao về thực hiện DOC 3 lần và hội nghị nhóm công tác chung 3 lần, xây dựng đồng thời thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác năm 2012, đã triển khai việc hợp tác trong các lĩnh vực như: phòng chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, sinh thái biển… đã duy trì xu thế tốt đẹp về đối thoại và hợp tác thực hiện DOC.
Các bên nhất trí đồng ý tiếp tục thực hiện toàn diện hiệu quả DOC, làm sâu sắc hơn việc hợp tác thiết thực, góp phần vào sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ đối tác chiến lược TQ - ASEAN. Hội nghị đã phê chuẩn kế hoạch công tác thực hiện DOC năm 2013 - 2014. TQ đề ra thiết lập đường dây nóng cứu trợ khẩn cấp trên biển giữa TQ và các quốc gia ASEAN, đề xuất hợp tác: tổ chức huấn luyện sa bàn về tìm kiếm cứu nạn chung trên biển giữa TQ và các quốc gia ASEAN… Các nước Thái Lan, Indonesia… cũng đề ra kiến nghị hợp tác liên quan trên biển.
Về tham vấn COC, hội nghị đã tiến hành thảo luận hữu ích về làm thế nào thúc đẩy tiến trình COC, đồng ý tuân theo tư duy tham vấn “tuần tự tiệm tiến, hiệp thương nhất trí”, bắt đầu từ củng cố nhận thức chung, từng bước mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, trong quá trình thực hiện toàn diện hiệu quả DOC, tiếp tục thúc đẩy vững chắc tiến trình COC. Hội nghị quyết định ủy quyền cho Nhóm công tác chung tiến hành tham vấn cụ thể về COC, đồng thời đồng ý áp dụng trình tự thành lập tổ chuyên gia nổi tiếng.
Các bên tham gia hội nghị đồng ý tăng cường trao đổi, tin cậy lẫn nhau, tích lũy nhận thức chung, gạt bỏ quấy nhiễu, nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Các bên cũng đồng ý sớm xác định thời gian biểu của Hội nghị Quan chức cấp cao và Hội nghị Nhóm công tác chung lần tới thông qua kênh ngoại giao.
Kết quả của hội nghị tổ chức tại Tô Châu sẽ đưa vào trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo TQ - ASEAN tổ chức tại Brunei vào tháng 10/2013.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của TQ bình luận, là một trong những thành viên của ASEAN, trước hội nghị, PLP không ngừng kiếm chuyện, mang đến nhân tố không êm dịu cho hội đàm. Ngoài ra, sự quấy nhiễu của quốc gia ngoài khu vực cũng đem đến tạp âm cho bầu không khí của hội nghị, TQ muốn thảo luận có kết quả với ASEAN, mức độ khó không nhỏ.
Trước đó ngày 12/9, tờ Philippines Stars đưa tin, lên tiếng tại một cuộc họp giữa các đại sứ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược ở Washington mới đây, Đại sứ PLP tại Mỹ Jose Cuisia Jr. nói rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc tôn trọng quyền tối thượng của luật pháp sẽ đóng góp đáng kể vào việc định hình cho một nền hòa bình lâu dài tại CÁ - TBD. Theo ông, thắng lợi của luật pháp sẽ “bảo đảm hòa bình dựa trên luật pháp trong khu vực, nơi mà tất cả các nước có thể cùng nhau tăng trưởng và thịnh vượng”. Đại sứ Cuisia cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong chính sách xoay trục của Mỹ sang CÁ - TBD, là phương cách duy trì ổn định khu vực.
Về phía TQ, ngày 13/9, trong cuộc họp với các giới chức Mỹ đang thăm Bắc Kinh, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân TQ, Trung tướng Vương Quán Trung, khuyến cáo Mỹ nên xử lý các vấn đề liên quan một cách thích hợp tránh làm phương hại tới lòng tin chiến lược lẫn nhau. Ông Vương nói với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller rằng Mỹ đừng nên để việc này làm trở ngại bang giao song phương và chớ trở thành một bên thứ ba trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại khu vực châu Á. Trung tướng Vương đề nghị Washington duy trì lập trường và chính sách nhất quán, đừng gửi tín hiệu sai lệch đến các nước dính líu đến tranh chấp biển đảo với TQ. Đáp lại, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Miller nói Washington không khuyến khích bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ có các nghĩa vụ hiệp ước với một số quốc gia đang có tranh chấp với TQ như PLP và NB.
Đáng chú ý là, trước hội nghị Quan chức cấp cao TQ - ASEAN, NB và các quốc gia ĐNÁ không ngừng tăng cường quan hệ. Đài Truyền hình Fuji của NB ngày 13/9 cho biết, hội nghị an ninh mạng NB và ASEAN đã kết thúc vào ngày 13/9, đồng thời ra tuyên bố chung nhấn mạnh việc hợp tác kỹ thuật đối phó với các cuộc tấn công của hacker. Kyodo News ngày 13/9 đưa tin, TTg/NB Abe đã gặp gỡ BT Phạm Bình Minh, đồng thời quyết định sẽ cung cấp khoản vay 54 tỷ Yên cho VN dùng để trợ giúp việc xây dựng cở sở hạ tầng của VN. Ngoài ra, BTQP/NB, Odonera ngày 15/9 sẽ thăm VN và TL, dự kiến sẽ tổ chức hội đàm với BTQP/VN, Phùng Quang Thanh.
+ Trung Quốc, VOA - 13/9: Hải quân Trung Quốc được lệnh gia tốc cải tiến giữa tranh chấp Biển Đông. Tân Hoa xã ngày 13/9 trích phát biểu của Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương TQ, Thượng Tướng Phạm Trường Long, ngày 12/9 nhân chuyến thị sát đơn vị hải quân ở tỉnh Quảng Đông, nói rằng hải quân TQ cần ứng phó ngay lập tức trước các mối đe dọa và phải có khả năng chiến đấu, chiến thắng với các điều kiện tân tiến.
Kế hoạch khổng lồ nâng cấp hải quân của Bắc Kinh được thúc đẩy một phần bởi tham vọng bành trướng hầu như toàn bộ Biển Đông. TQ gần đây cũng tổ chức lại lực lượng tuần duyên và nhanh chóng bổ sung tàu mới cho lực lượng hải quân cũng như đang xây dựng các tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ, và tàu ngầm.
Trong khi đó, theo tin từ Mạng Tin tức TQ, Viện Nghiên cứu hải dương Nam Hải, viện Khoa học Xã hội TQ theo kế hoạch đang tiến hành điều tra nền hệ thống sinh thái bãi đá san hô của “Tây Sa” (Hoàng Sa) trong 15 ngày. Được biết, Tàu “Việt Hà Ngư Chỉ 20026” đã được điều đi từ ngày 5/9 để tiến hành hoạt động điều tra. Hành trình 1500 hải lý, phạm vi từ 15045.00 Vĩ bắc đến 17010.00 Kinh Đông. Khu vực khảo sát bao gồm bãi đá “Bắc” (bãi đá Bắc), đảo “Đông” (đảo Linh Côn), bãi đá san hô vòng “Vĩnh Lạc”, đảo “Trung Kiến” (đảo Tri Tôn)… và một số bãi đá san hô gần đó, tổng cộng 40 vị trí.
Mạng Tân Hoa xã ngày 13/9 đưa tin, quy hoạch bảo vệ, sử dụng di chỉ cư trú Tống, Đường đảo “Cam Tuyền” (đảo Hữu Nhật, quần đảo Hoàng Sa) và di chỉ tàu đắm bãi đá “Bắc” (bãi đá Bắc, quần đảo Hoàng Sa) đang trong quá trình dự thảo, tranh thủ đệ trình lên Cục Văn vật quốc gia TQ vào trước cuối tháng 9. Nếu được phê duyệt, hai di chỉ này sẽ được bảo vệ hiệu quả.
Cho đến hiện nay, cơ quan văn vật TQ đã phát hiện, xác nhận 128 di chỉ đắm tàu cổ đại tại vùng biển của các quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa), Trung Sa. Tuy nhiên, do di chỉ đắm tàu nằm cách xa Đại lục, tuần tra trên biển khó khăn, những “cổ vật” dưới nước này đã thu hút một số lượng lớn những kẻ đào trộm, Phó điều tra viên Cục Văn vật tỉnh Hải Nam, Lê Cát Long cho biết “những kẻ vớt trộm đã quá ngông cuồng, mỗi năm tuần tra đều phát hiện dấu tích phá hoại mới”.
Được biết, hiện Cục văn vật quốc gia TQ đang nghiên cứu xây dựng một trạm canh phòng không có người trên biển để giám sát từ xa, thông qua vệ tinh thông tin để giám sát hành vi vi phạm như phá hoại và lấy trộm văn vật dưới nước.
+ Malaysia - 13/9: Malaysia tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ (The Malaysian Reserve Online - 11/9): Malaysia không muốn có “sự cố đáng tiếc” xảy ra ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp giải quyết một cách thân thiện các tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ vì khu vực này là tuyến đường hàng hải quốc tế đặc biệt quan trọng.
NT Datuk Seri Anifah Aman cho biết các quan chức hàng đầu từ một số quốc gia thành viên ASEAN và TQ sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng 9 để giải quyết vấn đề gai góc này.
Quan chức cao cấp ASEAN đã đồng ý với dự thảo cuối cùng về các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và hướng để thực hiện các quy tắc đã cam kết. Tháng chín năm nay cả hai bên (ASEAN và TQ) sẽ có một số cuộc họp và chúng tôi đang thúc đẩy các cuộc họp được tiến hành để tránh các sự cố đáng tiếc, như những gì đã xảy ra giữa PLP và TQ” Anifah phát biểu tại Cục Dự trữ Malaysia Putrajaya gần đây.
Chính phủ các nước ASEAN, Brunei, Malysia, PLP và VN, bao gồm cả Đài Loan đã bị khóa chặt trong vùng biển giàu tài nguyên tranh chấp với TQ.
Tâm điểm của các tranh chấp này liên quan đến việc kiểm soát vùng lãnh thổ không có dân cư nhưng rất giàu tài nguyên dầu và khí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu khí, bao gồm vùng biển giàu nguồn lợi tại bãi cạn Scarborough.
Tuần trước, TTg/TQ Lý Khắc Cường, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội chợ ASEAN - TQ 2013 và Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Thương mại ASEAN - TQ lần thứ 10, cho rằng các bên tranh chấp phải giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng các yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế.
“Chính phủ TQ có trách nhiệm và sẵn sàng tìm kiếm giải pháp thỏa đáng thông qua đàm phán thân thiện”.
“Phía TQ duy trì quan điểm cho rằng tranh chấp Biển Đông không phải là một vấn đề giữa TQ và ASEAN, không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến sự hợp tác TQ - ASEAN” Lý Khắc Cường phát biểu tại Nam Ninh, thành phố miền Nam của TQ.
Một thập kỷ trước TQ và các quốc gia ASEAN cùng nhau ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để duy trì hòa bình và an ninh trên các tuyến hàng hải này.
Tổng hợp
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...