+ Tin từ Trung Quốc - 22/11: Cục Đo đạc Thông tin địa lý quốc gia ngày 21/11 cho biết, gần đây “Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (bản lụa) khổ dọc mới do Nhà xuất bản bản đồ Cáp Nhĩ Tân biên soạn đã được xuất bản, đưa ra thị trường. Bản đồ này đã thay đổi hình thức thể hiện khổ ngang, các đảo “Nam Hải” (Biển Đông) là bản đồ minh họa thu nhỏ của bản đồ TQ truyền thống, lần đầu tiên sử dụng tỉ lệ xích tương đồng thể hiện ra sự liên tục của đại lục và các đảo “Nam Hải”, miêu tả toàn cảnh cương vực trên bộ, trên biển rộng lớn của TQ, cung cấp căn cứ tham khảo trực quan để người đọc tìm hiểu tốt hơn bản đồ hoàn chỉnh của tổ quốc và biết rõ sự phân bố địa lý các đảo “Nam Hải”. Kích thước của bản đồ khổ dọc là 1019mm x 836mm, nội dung đầy đủ xác thực, chính xác, áp dụng việc in lụa, màu sắc đẹp đẽ, dễ mang theo và sử dụng…

Mạng CRI ngày 21/11 cho biết, kênh FM trên sóng 102.0 Tiếng nói Nam Hải của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc ngày 21/11 đã chính thức phát sóng tại Quỳnh Hải tỉnh Hải Nam, kênh FM này sẽ mang lại nhiều thông tin quốc tế và chương trình văn hóa từ góc độ toàn cầu và cung cấp nhiều dịch vụ địa phương hơn. Tiếng nói Nam Hải của Đài Phát thanh Quốc tế TQ bắt đầu phát sóng từ ngày 9/4/2013, kênh FM này gồm chương trình phát thanh bằng 6 thứ tiếng như: Tiếng Phổ thông TQ, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Mã-lai, tiếng Philippines và Indonesia trên các tần số, sóng trung và sóng ngắn, đồng thời phát trực tuyến trên trang web Tiếng nói Nam Hải và đầu cuối di động. Kênh FM này phủ sóng toàn bộ đảo Hải Nam, vùng biển Nam Hải cùng các nước xung quanh Nam Hải như Philippines, VN, Indonesia…, nhằm phục vụ thính giả khu vực “Nam Hải” cũng như các nước và vùng lãnh thổ xung quanh.

+ Tin từ Nam Ninh - 24/11: Việt Nam - Ấn Độ (Mạng Phượng Hoàng - 24/11): Báo “The Times of India” số ra ngày 23/11 dẫn lời một quan chức quốc phòng ẤĐ cho biết, ẤĐ đã bắt đầu công tác đào tạo cho khoảng 500 thủy thủ VN trong các hoạt động tác chiến tàu ngầm. Cũng theo quan chức này, BTQP/ẤĐ A. K. Antony đã cam kết hỗ trợ VN cải thiện năng lực của các lực lượng vũ trang. Khoảng 500 thủy thủ VN sẽ được Hải quân ẤĐ huấn luyện theo các nhóm. Ngoài ra, New Delhi cũng sẽ tiếp tục giúp Hà Nội hiện đại hóa và huấn luyện các lực lượng an ninh và quốc phòng của nước này, trong đó bao gồm cả khoản tín dụng 100 triệu USD dành cho mua sắm quốc phòng. Theo báo trên, việc huấn luyện các thủy thủ VN tại Trường tàu ngầm INS Satavahana của Hải quân ẤĐ ở Visakhapatnam ở miền Nam nước này là một sáng kiến quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa New Delhi và Hà Nội.

+ VOA - 25/11: Ấn Độ: “Trung Quốc không phải là trọng tài trong quan hệ Ấn - Việt”. ẤĐ và VN đã ký tới 8 thỏa thuận song phương trong chuyến thăm ẤĐ mới đây của TBT/ĐCS/VN Nguyễn Phú Trọng.

Tờ The New Indian Express của ẤĐ ngày 25/11 tường thuật rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa các quan hệ song phương lên một tầm cao mới, và việc ký kết các thỏa thuận vừa kể có ý nghĩa quan trọng vì những lý do kinh tế, chính trị và chiến lược. VN cho phép ẤĐ thăm dò 7 lô dầu hỏa trong vùng Biển Đông, trong số đó có 3 lô ẤĐ có độc quyền. Đổi lại, VN trở thành nước đầu tiên không phải là một nước láng giềng được ẤĐ cung cấp một hạn mức tín dụng 100 triệu đôla để mua trang thiết bị quân sự của ẤĐ.

Tuy nhiên theo tờ New Indian Express, TQ không coi các quan hệ Việt - Ấn như một điều tích cực, mà coi mối quan hệ này như một “mối đe dọa đối với quyền bá chủ của TQ trong khu vực”. Báo này nhắc lại rằng hồi tháng 10/2011, khi ẤĐ và VN ký một thỏa thuận theo đó công ty ONGC Videsh của ẤĐ sẽ thăm dò dầu hỏa trong Biển Đông tại một địa điểm gần bờ biển VN, TQ đã phản đối. Tờ báo nói rằng dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển, TQ không có cơ sở pháp lý để phản đối dự án đó. Tờ báo tố cáo rằng TQ hiểu rất rõ tính phản lôgích của lập luận của họ, nhưng vẫn phản đối vì nước này lạm dụng vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của mình, đang chuẩn bị thay thế Mỹ trong cương vị cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Tờ báo nói TQ dường như đánh giá sai lầm quyết tâm của người VN, mà tờ báo cho rằng không những đã đánh bại nước Pháp và Mỹ, nhưng cũng đã chống chọi với TQ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Tờ báo kết luận rằng ẤĐ và VN hãy làm ngơ những vụ phản đối của TQ.

+ Tin từ Trung Quốc - 26/11: “Trung Quốc tiến hành thường xuyên việc binh lính giải ngũ của Tây Sa rời đảo bằng đường hàng không” (Báo Giải phóng quân - 26/11): Ngày 25/11, cùng với việc chuyến máy bay thứ ba bay khỏi đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm) thành phố “Tam Sa”, hơn 180 binh lính giải ngũ của “Tây Sa” đã đáp chuyến bay riêng của công ty hàng không Tân Hoa của TQ rời đảo. Tư lệnh khu cảnh bị X ở “Tây Sa” (Hoàng Sa) của Hải quân TQ Lưu Đường cho biết, điều này đánh dấu việc thực hiện thường xuyên việc vận chuyển binh lính đóng ở “Tây Sa” giải ngũ về nhà bằng đường hàng không.

Thành phố Tam Sa thành lập, địa vị quốc phòng của Hải Nam ngày càng quan trọng, phải nắm bắt cơ hội phát triển” (Nhật báo Hải Nam - 26/11): Cùng với việc thành lập thành phố “Tam Sa”, địa vị quốc phòng của tỉnh Hải Nam ngày càng quan trọng. Từ tháng 6-12/2012, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh ít nhất 3 lần trong những dịp chính thức đã đưa ra phán đoán chiến lược như vậy. Quả thực cùng với việc Mỹ không ngừng thúc đẩy chiến lược “Tái cân bằng châu Á” và sự phức tạp hóa, quốc tế hóa của tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” (Biển Đông), vị trí cứ điểm tuyến đầu của “Nam Hải” và ĐNÁ của Hải Nam đã hiện rõ, đồng thời cũng đem lại cơ hội lịch sử hiếm có cho sự phát triển của tỉnh Hải Nam.

Tuy nhiên, địa vị của một vùng không chỉ được quyết định bởi vị trí địa lý của nó mà còn được quyết định bởi những đóng góp lớn nhỏ cho quốc gia khi nằm ở vị trí có lợi được thiên nhiên ưu đãi. Trong môi trường quốc tế trước mắt, làm thế nào để bảo vệ lợi ích quốc gia, mở rộng không gian sinh tồn quốc tế đang khảo nghiệm trí tuệ của Chính phủ và nhân dân TQ. Hải Nam phải “tự giác đảm nhận trách nhiệm, phát huy đầy đủ vai trò đặc thù về các mặt như: quốc phòng, ngoại giao, an ninh, cố gắng đảm nhận được trách nhiệm, không phụ trọng trách và sự kỳ vọng của Trung ương”. Đây chính là yêu cầu rõ ràng mà Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy Hải Nam đề ra vào ngày 18/11/2013.

Thế giới ngày nay, bốn vũ khí lớn của bàn cờ quốc tế là ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế (gọi chung là DIME). Trong lĩnh vực kinh tế, việc Hải Nam cần làm chính là toàn lực phát triển kinh tế của mình, đồng thời nỗ lực thúc đẩy việc hợp tác thương mại với các nước láng giềng. Về mặt ngoại giao, ngoài ngoại giao chính thức truyền thống và ngoại giao cộng đồng do chính phủ chỉ đạo, Hải Nam có thể tìm tòi về mặt ngoại giao dân gian, khuyến khích ngoại giao học thuật, ngoại giao báo chí, ngoại giao văn hóa, ngoại giao mạng, ngoại giao của tổ chức phi chính phủ. Trong lĩnh vực thông tin, báo chí Hải Nam có thể mở các chuyên mục, kênh liên quan, công năng của những chuyên mục, kênh này gồm: phổ cập kiến thức, gây dựng nhận thức chung, ngoại giao dư luận, động viên quốc phòng.

Cơ sở của truyền thông đối ngoại hiệu quả “biết mình biết người, trăm trận không thua” là hiểu được chính xác, toàn diện, sâu sắc lợi ích, thái độ, văn hóa, thân phận, hành vi, lịch sử, quan điểm và kết cấu xã hội của đối tượng mục tiêu, Hải Nam nên củng cố thiết kế thượng tầng, có thể dựa vào các trường đại học, cao đẳng của tỉnh để xây dựng một Think Tank đa công năng của tỉnh, sớm khởi động xây dựng kho số liệu về “Nam Hải” đầu tiên của quốc gia, tìm tòi xây dựng hệ thống truyền thông đối ngoại đa nguyên hóa.

+ Tin từ Trung Quốc, BBC, VOA - 26/11: Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lần đầu tiên xuống Biển Đông. Theo Reuters ngày 26/11, lần đầu tiên Hải quân TQ cử tàu này đến “vùng Biển Đông vào ngày 26/11 giữa lúc tranh chấp biển đảo với các láng giềng”. Reuters cũng viết rằng đây cũng là thời gian “có căng thẳng về kế hoạch của TQ nhằm lập ra vùng phòng không tại vùng biển tranh chấp với NB”.

Trang web Hải quân Quân Giải phóng TQ cho hay tàu Liêu Ninh đã rời cảng ở Thanh Đảo cùng hai khu trục hạm và hai tàu hộ vệ. Tàu Liêu Ninh sẽ “thực hiện các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và cả diễn tập quân sự”. Trang web khẳng định chuyến đi xuống vùng biển ĐNÁ “chỉ là sứ vụ bình thường” và tàu Liêu Ninh “vẫn trong giai đoạn chạy thử”. Báo TQ nói cùng tàu sân bay Liêu Ninh còn có bốn tàu lập thành cụm chiến hạm gồm tàu khu trục Thẩm Dương, Thạch Gia Trang và hai tàu hộ vệ Yên Đài, Duy Phường.

Theo BBC, hiện chưa rõ hải trình của tàu Liêu Ninh sẽ qua các khu vực nào trên đường từ Thanh Đảo xuống vùng Biển Đông mà TQ gọi là Nam Hải. Cũng chưa rõ khi nào tàu Liêu Ninh sẽ tới Biển Đông, nơi vẫn đang diễn ra tranh chấp với VN, Philippines và một số nước khác.

Theo Reuters, dù được trang bị công nghệ thua kém Mỹ hàng chục năm, tàu Liêu Ninh thể hiện “tham vọng đại dương của Hải quân TQ và là tâm điểm của chiến dịch thổi dậy lòng ái quốc”.

Trước đó, hàng không mẫu hạm duy nhất này của TQ mới chỉ ra vùng Hoàng Hải. Trên tuyến đường từ Bắc xuống Nam này chính là khu vực có tranh chấp Trung - Nhật về Điếu Ngư/Senkaku.

Bình luận về động thái này, nhà nghiên cứu về về quan hệ Việt - Trung, ông Dương Danh Dy trả lời phỏng vấn VOA cho biết: Hành động này “nằm trong chiến lược lâu dài của TQ” và đây là “một âm mưu mới ở biển Đông”. Theo ông, TQ muốn dần dần tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Đồng thời, nước này cũng muốn chứng tỏ ý định muốn độc chiếm Biển Đông. Hành động của TQ là nhằm thể hiện chủ quyền, cũng giống như những gì TQ làm ở Hoa Đông.

Nhận xét về việc báo chí TQ trích lời ông Doãn Trác, một thiếu tướng hải quân của TQ nói về kế hoạch lập vùng phòng không trên Biển Đông, ông Dương Danh Dy cho biết: “Chính sách của TQ … là lúc đấm, lúc xoa, lúc tiến, lúc lùi. Khi mà gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước lớn trong khu vực thì họ lùi lại còn khi thấy thời cơ thì họ lại thò ra. Cho nên, chuyện này cũng là một trong những thủ đoạn, những bước đi tất nhiên của TQ, cũng giống như vùng biên giới trên không với NB ở biển Hoa Đông. Cái chính là âm mưu bá chiếm biển Đông của TQ thì bất biến”.

Tuy nhiên, ông Dy cho rằng hiện nay chưa phải lúc xảy ra xung đột: Các nước trong khu vực rất cảnh giác, chăm chú theo dõi mọi động thái của TQ và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nội bộ TQ có rất nhiều chuyện. Hội nghị Trung ương 3 xong đã kết thúc nhưng qua hội nghị này cũng thấy rằng TQ còn nhiều vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường rồi bất mãn của dân chúng rồi vụ nổ ở Quảng trường Thiên An Môn hay Tân Cương, v.v…

Về phản ứng của VN thời gian qua, ông Dy nhận xét: “Thái độ của VN hiện nay như thế là đúng mức. Một mặt không muốn to tiếng, không muốn gây chuyện với TQ về vấn đề này để làm cho vấn đề nó trở nên nghiêm trọng hơn. Một mặt, VN vẫn lặng lẽ chuẩn bị và cảnh giác trước mọi hành động có thể có của TQ. Ông cho rằng khó có thể đòi hỏi VN lên tiếng mạnh mẽ như NB và PLP vì hai nước này cách TQ qua biển rất xa và sau lưng cả hai còn có Mỹ hậu thuẫn. Trong khi đó, VN có hơn một nghìn cây số trên đất liền với TQ.

+ Tin từ Thượng Hải - 26/11: “Trung - Việt chung ý thức hệ và quan hệ thương mại sâu sắc hơn” (Thời báo Hoàn Cầu - 26/11):

ĐNÁ vẫn luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của TQ. Tuy nhiên cuộc đua của các nước như Mỹ, NB, Ấn Độ và các nước khác tại khu vực này đã làm tăng tính phức tạp đối với TQ trong việc triển khai đầy đủ chính sách đối ngoại.

Lãnh đạo các nước ĐNÁ coi những nước bên ngoài như “con voi” và họ chào đón các cường quốc can dự vào khu vực rộng lớn nhằm tạo cân bằng quyền lực tại khu vực.

Là cường quốc lớn, TQ cần hiểu tinh thần của những nước tại ĐNÁ, và thực hiện nỗ lực ngoại giao toàn diện, củng cố hợp tác kinh tế và chính trị với các nước trong bán đảo Đông Dương đặc biệt với VN.

Mặc dù là nước khá nhỏ nhưng VN có ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị nhất định tại ĐNÁ. Với vị trí trung gian tại ĐNÁ, VN có phía Bắc giáp với TQ và biên giới với nhiều nước trong bán đảo Đông Dương, nhìn sang PLP, Indoneisa, Malaysia và có đường bờ biển dài tại Biển Đông.

Là cường quốc đang trỗi dậy trên thế giới, TQ cần đánh giá cao tầm quan trọng về vị trí của ĐNÁ trong địa chính trị toàn cầu và chú ý đặc biệt tới VN xét tới vị trí chiến lược quan trọng của VN.

Kể từ khi chính sách Đổi mới được khởi xướng vào 1986 với mục tiêu tạo ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, VN đã đạt được những thành tựu to lớn như TQ và thành công trong việc trở thành ngôi sao đang lên tại ĐNÁ. Do đó, VN đã được xếp trong nhóm nước VISTA (VN, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-hen-ti-na) và nhóm 11 (Bangladesh, Ai cập, Indonesia, Iran, Mexico, Nigeria, Pakistan, PLP, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và VN), hai nhóm phát triển có ảnh hưởng mạnh. Điều này đã cho thấy VN sẽ nằm trong nhóm nước thứ 2 sắp tới trong thế kỷ này.

TQ, vốn đang rất cần mở rộng thị trường bên ngoài, không thể bỏ qua người láng giềng mà dân số gần đạt 100 triệu như VN.

Trong bối cảnh có sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế, các nước ĐNÁ đã bị chia thành phạm vi cũ và mới và VN đang được coi là điểm sáng trong thế giới ASEAN mới. Do đó, việc làm sâu sắc hợp tác thương mại và kinh tế với Hà Nội theo cách thức toàn diện cần trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Hơn nữa, Việt - Trung còn chia sẻ nền tảng chung xét về ý thức hệ, hệ thống xã hội bởi hai nước đều là các nước xã hội chủ nghĩa. Liệu sự nghiệp xã hội chủ nghĩa sẽ tồn tại trong tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu và sự phát triển và ảnh hưởng của Bắc Kinh và Hà Nội.

Không thể phủ nhận, Trung - Việt vẫn còn trong tranh chấp về biển Đông với tranh chấp tại đảo Trường Sa (Nam Sa) đã tồn tại nhiều năm và tiếp tục phủ bóng lên quan hệ giữa hai nước láng giềng nhưng các tranh chấp này không nên che phủ quan hệ song phương.

Thông qua hàng loạt các đàm phán và tham vấn hòa bình, Bắc Kinh và Hà Nội đã đạt được thỏa thuận phân định vịnh Bắc Bộ, ký được hiệp định hợp tác nghề cá, thỏa thuận phân định biên giới trên bộ và kết quả đã giải quyết được 2/3 tranh chấp lãnh thổ. Đây không chỉ là hòn đá tảng trong tiến trình phát triển quan hệ song phương hai nước mà còn là sự kiện hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại.

Quan hệ Việt - Trung hiện nay đang ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng và tương lai phát triển giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của cả hai bên. VN - TQ đang kỳ vọng vào đồng thuận mà hai bên đã nhất trí để nâng cao hơn nữa quan hệ song phương trong giai đoạn mới.

 

Lê Sơn (gt)