06/12/2013
Tin tức Biển Đông từ 2-3/112
+ RFA - 3/12: Đường dây nóng nghề cá Việt - Trung bắt đầu hoạt động. Ngày 3/12, Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn VN đã khai thông kỹ thuật đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất hoạt động nghề cá trên biển giữa VN và TQ.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, kiêm Cục trưởng Kiểm ngư cho hay việc thông kỹ thuật được thực hiện qua điện đàm, fax và email. Hoạt động này được nói là bước kiểm tra kỹ thuật về tiếp nhận, xử lý thông tin nhằm bảo đảm đường dây nóng khi chính thức hoạt động được thông suốt.
Đường dây nóng nghề cá giữa VN và TQ được ký hồi tháng 6/2013. Đến tháng 8, hai bên tiến đến ký kết qui định về sử dụng đường dây nóng này.
+ Tin từ Trung Quốc - 3/12: Mạng Phượng Hoàng ngày 3/12 dẫn nguồn báo Tin tức Thế giới của TQ đăng bài viết “Khu vực nhận dạng phòng không “Nam Hải” (Biển Đông) khi nào thiết lập: thực lực của Philippines, Việt Nam yếu, tạm thời không thể uy hiếp Trung Quốc”, nội dung chính như sau:
Sau khi TQ thiết lập khu vực nhận dạng phòng không Đông Hải, việc liệu sẽ thiết lập khu vực nhận dạng phòng không “Nam Hải” hay không đã gây ra sự chú ý của các quốc gia như PLP, VN…
Các nước ĐNÁ tỏ ra thận trọng. NT/PLP khi trả lời phỏng vấn đã cho biết: “đang tồn tại sự uy hiếp về việc TQ khống chế bầu trời”. Tờ Japan Economic News cho biết, các quốc gia ĐNÁ đang theo dõi chặt chẽ chiều hướng thiết lập khu vực nhận dạng phòng không của TQ. Cho dù tính toán đến quan hệ với hai nước Trung, Nhật, đồng thời không có phản ứng chính thức nhưng đã có quan điểm lo lắng tình hình này liệu sẽ tác động đến “Nam Hải”. Báo VN ngày 25/11 đưa tin, TQ có khả năng cũng thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở “Nam Hải”, đồng thời cho rằng “nhất định phải quan sát chặt chẽ nhất cử nhất động của TQ”.
Chính phủ các nước bề ngoài vẫn đang giữ thái độ lặng lẽ quan sát, tỏ thái độ thận trọng. BNG Singapore “chưa thể bình luận” về việc này, Bộ Giao thông Malaysia cho biết “chưa nắm được tình hình liên quan”. Các nước ASEAN luôn coi trọng tìm kiếm sự cân bằng giữa Nhật, Mỹ và TQ, việc tránh dựa hẳn về một bên nào là thái độ căn bản của các nước này. Trao đổi thương mại giữa TQ và các nước ASEAN đang sâu sắc hơn. Đằng sau việc thờ ơ quan sát của chính phủ các nước này cũng không thiếu sự lo ngại đối với TQ.
Không giống với tình hình của Đông Hải, thiết lập khu vục nhận dạng phòng không ở “Nam Hải” liên quan đến nhiều quốc gia hơn, bởi vậy việc thiết lập như thế nào, lúc nào thiết lập, cần nghiên cứu thận trọng. Hiện tại, áp lực phòng không mà TQ gặp phải ở “Nam Hải” cũng không lớn.
VN không có sức mạnh để khống chế bầu trời “Nam Hải”. Jane's Defence Weekly của Anh cho biết, VN và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc mua 12 máy bay chiến đấu Su30MK2, giá trị của thỏa thuận này lên đến 450 - 600 triệu USD. Tờ View Report của Nga cho biết, VN tự biết rằng hành động mua vũ khí quân sự khó mà thách thức quyền khống chế của TQ đối với vùng trời “Nam Hải”. Hơn nữa, loại máy bay này cũng đã được trang bị cho Hải quân TQ.
Trong khi đó thì PLP lại lực bất tòng tâm. Tuy PLP có kế hoạch mua 12 chiếc máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc nhưng sau khi bị cơn bão lớn tấn công, kế hoạch này liệu có được thực hiện suôn sẻ cũng đã trở thành vấn đề. Hơn nữa, máy bay chiến đấu FA-50 được nghiên cứu phát triển dựa trên nền tảng của máy bay huấn luyện cao cấp Golden Eagle, so sánh với máy bay chiến đấu hai động cơ tiên tiến của các nước khác thì không có ưu thế gì.
Có chuyên gia phân tích chỉ ra, đối với việc PLP mua máy bay chiến đấu FA-50 phải xem xét từ hai mặt. Mặt thứ nhất, như báo chí cho biết, từ năm 2005, sau khi toàn bộ máy bay chiến đấu F5 bị loại bỏ, PLP luôn gặp phải cục diện tiến thoái lưỡng nan về việc không quân không có máy bay chiến đấu có thể dùng được, trang thiết bị phải gấp rút thay mới. Nhưng mặt khác, bất luận là PLP giải thích như thế nào thì hành động thay mới trang thiết bị cũng không phải không có liên quan đến vấn đề “Nam Hải”, việc đưa vào quân đội máy bay FA-50 sẽ làm cho không quân PLP có năng lực thực chiến nhất định. Có điều chuyên gia này cho rằng, tuy tính năng của máy bay FA-50 không tồi nhưng so sánh về mặt số lượng và chất lượng với máy bay chiến đấu J10, J11 của TQ thì có khoảng cách tương đối lớn, thậm chí là chênh lệch xa, cho dù hình thành năng lực chiến đấu cũng khó tạo ra uy hiếp đối với TQ.
+ Tin từ Thượng Hải - 3/12: Mạng “Bình luận TQ” ngày 3/12 dẫn nguồn tờ “Hoa Nam buổi sáng” đăng bài viết tựa đề “Chiến lược ngoại giao Trung Quốc: từ giấu mình chờ thời chuyển sang chủ động hành động”, nội dung chính như sau:
Giới phân tích cho rằng, với sự kiện TQ thành lập Khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, chiến lược căn bản của ngoại giao TQ đã chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang chủ động hành động, chiến lược ngoại giao của Đặng Tiểu Bình đề ra đã thực sự khép lại. Tờ “Tuần báo Châu Á” (Hồng Công) số ra mới đây cho biết, việc thành lập khu nhận dạng phòng không nói trên là do đích thân TBT, CT/TQ Tập Cận Bình quyết định hồi tháng 8/2013. Như vậy có thể Ban lãnh đạo hiện nay của TQ nhận thấy đã đến thời điểm để TQ thay đổi chiến lược ngoại giao, kết thúc thời kỳ cần “thấp giọng” và “giấu mình” nhằm tránh gây cọ sát, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Việc TQ thay đổi đường lối ngoại giao cũng đã được báo trước, trong một bài viết trên tạp chí “Tri thức thế giới” - tạp chí do Bộ Ngoại giao TQ chủ quản - hồi đầu năm nay đã nói đến việc ngoại giao TQ đang thay đổi từ “giấu mình chờ thời” sang “chủ động hành động”. Trước đó, tại buổi học tập chính trị lần thứ 3 của Bộ Chính trị ĐCS TQ vào tháng 12/2012, tân TBT Tập Cận Bình đã phát biểu, ngoại giao TQ đang biến đổi từ người chạy theo các quy tắc quốc tế thành người chế định các quy tắc quốc tế. Nhân sỹ ngoại giao TQ giấu tên phát biểu cho rằng, việc tuyên bố thành lập khu nhận biết phòng không được xem là biểu hiện của việc tập thể lãnh đạo TQ với người đứng đầu là Tập Cận Bình đang xây dựng một khuôn khổ chiến lược ngoại giao và an ninh mới, TQ sẽ tích cực đối phó với những thách thức bên ngoài.
+ Tin từ Philippin - 3/12: Mỹ - Philippin - Biển Đông (Báo Manila Standard Today và Philstar - 3/12). Ngày 2/12, tân Đại sứ Mỹ tại Manila, ông Philip Goldberg, cho biết Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trả lời các phóng viên sau khi trình Quốc thư và chào xã giao TTh/PLP Benigno Aquino III tại Malacanang (Phủ tổng thống), ông Philip Goldberg bày tỏ mong muốn thúc đẩy giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp các tranh chấp biển và mối quan tâm lớn nhất của Mỹ là “tự do hàng hải” trong khu vực. Ông cũng khẳng định Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ việc các nước trong khu vực cùng đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) - văn kiện sẽ xác định những nguyên tắc liên quan đến các tuyến đường hàng hải và các vấn đề trên biển, góp phần giảm căng thẳng tại khu vực này. Mỹ cũng ủng hộ những nỗ lực pháp lý mà PLP đang tiến hành.”
Ưu tiên của ông Philip Goldberg trên cương vị là Đại sứ Mỹ tại PLP là “phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Mỹ và PLP trên các mặt lịch sử, kinh tế thương mại, an ninh, và ngoại giao nhân dân”. Ông hy vọng Mỹ và PLP sẽ sớm ký được Thỏa thuận khung về tăng cường hiện diện quân sự Mỹ tại PLP, góp phần “đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới”. Thỏa thuận này sẽ cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ hiện diện luân phiên nhiều hơn tại PLP. Thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ PLP cả về mặt quân sự cũng như những lợi ích khác như cứu trợ thiên tai, an ninh biển...Tuy nhiên, ông Goldberg bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ đã đang lập kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới tại PLP.
+ RFA - 2/12: Trữ lượng dầu của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc ở Đông Á. Theo tin của hãng thông tấnBloomberg đánh đi từ Hà Nội, VN sẽ giữ vững sản lượng sản xuất dầu thô ở mức độ 340.000 thùng/ngày trong một vài năm nữa. Đây là mức sản lượng mà VN đã đạt được kể từ năm 2006.
Dầu thô của VN hiện được khai thác tại vùng thềm lục địa gần bờ biển phía Nam của quốc gia tại vùng mỏ lớn là Bạch Hổ. Mới đây một công ty dầu khí của Anh là Soco nhận được quyền khai thác một mỏ mới tên là Tê giác Trắng, và theo các viên chức của công ty có trụ sở ở Luân Đôn này thì giếng dầu Tê giác Trắng là giếng cho sản lượng lớn nhất từ trước đến nay tại VN.
Theo công ty BP cũng của Anh, trữ lượng dầu của VN chỉ đứng hành thứ hai ở Đông Á sau TQ. Nhưng ông David Thompson làm cho một công ty tư vấn và nghiên cứu có trụ ở Singapore thì tiềm năng dầu khí của VN lại nằm ở vùng biển sâu, khó khai thác hơn.
Hiện vùng Biển Đông là nơi có nhiều tranh chấp về lãnh hải của nhiều quốc gia, mà nổi bật nhất là tuyên bố lãnh hải của TQ với một đường chính vạch do họ đặt ra bao trùm đến 80% diện tích Biển Đông, tức bao trùm toàn bộ các vùng nước sâu mà có thể trong tương lai VN phải tiến ra để khai thác dầu.
+ Tin từ Trung Quốc, VOA - 2/12: Trung Quốc đang áp dụng một hình thức khẳng định chủ quyền lãnh hải mới bằng việc tuyên bố sở hữu những xác tàu đắm dưới đáy Biển Ðông. Các nhà khảo cổ nước này cũng đang chuẩn bị thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện những địa điểm tàu đắm dưới đáy Biển Ðông, bao gồm những khu vực đang tranh chấp. Được biết, trong những năm qua, TQ đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu.
Một số người tỏ ra quan ngại về ý đồ chính trị của TQ trong việc lựa chọn địa điểm khảo cổ, không cho các nhà khảo cổ nước ngoài tham gia, và không mấy minh bạch về hoạt động nghiên cứu của mình. Các nhà khảo cổ đồng ý rằng tàu do TQ đóng và hàng hóa TQ chiếm phần nhiều địa điểm khảo cổ ở Biển Ðông vì hoạt động buôn bán quốc tế đồ sứ và tơ lụa của TQ. Tuy nhiên, nhiều xác tàu đắm mà TQ tuyên bố là của mình cách rất xa đất liền TQ, quanh những rặng san hô và bãi đá ngoài khơi các nước như Malaysia, Brunei và PLP. Ngay cả nếu như xác tàu không nằm trong vùng biển tranh chấp, việc xác định nguồn gốc sở hữu con tàu thường phức tạp vì chủ tàu, hàng hóa, và thủy thủ đoàn đều có thể xuất thân từ những nước khác nhau.
Trong khi đó, bắt đầu từ tháng 3/2012, TQ cũng đã chỉ thị cho lực lượng bảo vệ bờ biển trấn áp hoạt động trục vớt và khảo cổ mà họ xem “bất hợp pháp” tại Biển Đông. Một tháng sau đó, TQ xua đuổi một nhóm nhà khảo cổ của Pháp và PLP đang hợp tác khảo sát xác tàu đắm ở Bãi cạn Scarborough.
Trong một tin khác, theo thông tin từ cục Ngư chính Khu tự trị Quảng Tây, cho đến hết tháng 11/2013, cơ quan ngư chính các cấp của Khu tự trị Quảng Tây đã thực hiện 13 lần nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, tổng số ngày tuần tra là 272 ngày, hành trình 1,28 vạn hải lý, quan sát ghi chép 1283 lượt/chiếc tàu cá, kiểm tra đối với 795 lượt/chiếc tàu cá, xử lý 46 tàu cá vi phạm, xua đuổi 23 tàu cá nước ngoài.
Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, ngày 1/12, BQP/ ĐL đã trình lên Ủy ban Ðối ngoại và Quốc phòng của Viện lập pháp một báo cáo, theo đó cho rằng, không thể loại trừ khả năng TQ sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không khác ở Biển Đông, nhằm thách thức cơ chế an ninh khu vực lâu nay do Mỹ định đoạt, và tạo cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của TQ trong trường hợp tranh chấp chủ quyền được đem ra phân xử trong tương lai. Ðồng nhận định, Giáo sư Ông Minh Hiền thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ðối ngoại của Ðại học Ðạm Giang nói vùng phòng không mới đây của TQ có thể chỉ là phép thử, Biển Ðông mới là vấn đề thực sự.
+ Tin từ Trung Quốc - 29, 30/11: Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 30/11 đưa tin, ngày 29/11, hội nghị lần thứ 5 của Uỷ ban Thường vụ Nhân đại khoá 5 tỉnh Hải Nam đã biểu quyết thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”. “Biện pháp” này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
Hiện nay, tỉnh Hải Nam quản lý vùng biển 2 triệu km2. “Biện pháp” được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật như: “Luật Ngư nghiệp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, vv. kết hợp với thực tế của tỉnh Hải Nam nhằm tăng cường việc bảo vệ, sinh sản, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên ngư nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sản xuất ngư nghiệp, đảm bảo sự an toàn về chất lượng sản phẩm thuỷ sản, thúc đẩy ngư nghiệp phát triển lành mạnh bền vững.
“Biện pháp” xác định rõ, người nước ngoài, tàu cá nước ngoài đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý để tiến hành việc sản xuất ngư nghiệp hoặc tiến hành điều tra nguồn tài nguyên ngư nghiệp phải được các cơ quan chủ quản liên quan của Quốc Vụ viện TQ phê chuẩn, phải tuân thủ luật, quy định về ngư nghiệp, bảo vệ môi trường, quản lý xuất nhập cảnh của TQ và các quy định liên quan của tỉnh Hải Nam.
Dựa trên quy định thứ 46 của “Luật Ngư nghiệp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, người nước ngoài, tàu cá nước ngoài vi phạm quy định, tự ý đi vào vùng nước mà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quản lý để thực hiện việc sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra nguồn tài nguyên nghề cá, sẽ được yêu cầu rời khỏi hoặc sẽ bị xua đuổi, có thể tịch thu hải sản, ngư cụ, đồng thời xử phạt 500 nghìn NDT trở xuống; tình tiết nghiêm trọng có thể tịch thu tàu; cấu thành phạm tội sẽ dựa theo pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Biện pháp” còn xác định rõ, phải khống chế chặt chẽ mức độ đánh bắt gần bờ, khuyến khích phát triển đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và viễn dương, nâng cao kỹ thuật đánh bắt, trình độ trang thiết bị. Chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên phải ủng hộ về các mặt như: tài chính, vay tín dụng.vv.. để phát triển nghề đánh bắt ở nước ngoài và xa bờ, khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn các đơn vị và cá nhân tham gia sản xuất, đánh bắt gia nhập vào tổ chức hợp tác kinh tế chuyên ngành, tham gia tổ chức bảo hiểm hỗ trợ lẫn nhau về ngư nghiệp.
Lê Sơn (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...