“Philippines mong đợi chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc, nhờ Ngoại trưởng Việt Nam chuyển lời mời” (Mạng Hoàn cầu ngày 6/8): Ngày 6/8, BTNG/Trung Quốc Vương nghị đã kết thúc chuyến thăm VN. PLP trở thành nước duy nhất liên quan đến tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) mà BT Vương Nghị không đến thăm. Tuy vậy, PLP vẫn rất cố gắng và đã nhờ BTNG/VN chuyển lời mời Vương Nghị thăm PLP. NT/PLP vốn luôn cứng rắn trong vấn đề Biển Đông với Trung Quốc đã tỏ ra ôn hòa hơn, muốn tìm kiếm “quan hệ bình lặng” với Trung Quốc.

Báo “Hoa Nam buổi sáng” ngày 5/8 cho biết, từ tháng 3/2013 đến nay, Vương Nghị đã thăm 7/10 nước ASEAN, chỉ còn lại 3 nước, trong đó CPC và Myanmar luôn có quan hệ tốt với Trung Quốc, duy nhất chỉ có PLP bị Trung Quốc “lạnh nhạt”.

Ngày 1/8, khi Hội đàm tại Manila giữa Bộ trưởng hai nước VN - PLP, NT/VN hỏi “Vương nghị sắp thăm VN, Ngài có nhắn gửi gì không?”, NT/PLP đã nói “nhờ Ngài chuyển lời, PLP đang đợi phản hồi tích cực từ lời mời thăm PLP của NT/Trung Quốc Vương Nghị”.

BBC - 6/8: Đà Nẵng sắp xây trụ sở huyện Hoàng Sa. Sau cuộc họp ngày 2/8, chính quyền Đà Nẵng đã quyết định sẽ xây dựng trụ sở riêng cho Huyện Hoàng sa, tức Ủy ban Huyện Hoàng Sa, sau nhiều năm ủy ban này nằm chung với Sở Nội vụ. Cụ thể, Ủy ban huyện Hoàng Sa sẽ nằm tại góc đường Hoàng Sa và Lê Văn Thứ trên một diện tích 700 mét vuông.

Ông Trần Thọ, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, được báo chí trích lời cho biết: Vị trí này nằm cách cầu sông Hàn và các trụ sở chính quyền của thành phố Đà Nẵng không xa và có mặt tiền hướng ra biển. Đây là "vị trí đắc địa, cảnh quan đẹp và nhu cầu sử dụng đất tại khu vực này rất cao" nhưng thành phố Đà Nẵng vẫn ưu tiên dành cho huyện Hoàng Sa "do ý nghĩa đặc biệt của nó". Trong khi ông Chế Viết Sơn, Phó giám đốc Sở Nội vụ nói rằng, vị trí được chọn sẽ "thuận lợi cho công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của VN" đồng thời "là cơ sở để thực hiện chiến lược kinh tế biển đảo".

Ngoài chức năng là ủy ban huyện thì đây cũng là nơi trưng bày tư liệu và hiện vật chứng minh "chủ quyền của VN" đối với quần đảo này.

Hiện công trình trụ sở Ủy ban huyện Hoàng Sa đang được lập dự án, chọn thiết kế để khởi công xây dựng vào đầu năm 2014.

Trước đó, ngày 1/8 tại Hà Nội đã diễn ra một Hội thảo được cho là hiếm thấy mang tên “Gặp mặt, tôn vinh hành động vì Biển đảo VN”, trong đó các nhân sĩ, trí thức cùng với giới truyền thông do nhà nước kiểm soát đã thảo luận về việc làm thế nào để bảo vệ Biển Đông trước “hành động xâm lược” của Trung Quốc. Một trong các ý kiến đáng chú ý là của TS Nguyễn Thị Thanh, một người Việt ở Canada, cho rằng, VN cần siêu cường để chống siêu cường. Bà đồng thời đề nghị chính phủ VN nhanh chóng đưa Trung Quốc trước các tòa án quốc tế.

RFI, VOA - 6/8: Trung Quốc: Biển Đông. Mạng Tân Hoa xã ngày 5/8 đưa tin, gần đây Đài Bắc Kinh và Trung tâm dự báo Môi trường biển quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, đưa ra tiết mục phục vụ biển. Nội dung của tiết mục phục vụ biển này gồm có dự báo vùng biển diện tích lớn, dự báo tuyến đường đi lại, dự báo tình hình biển ở ngư trường, khu vực đi nghỉ, dự báo bãi biển và dự báo tình hình biển của các nước láng giềng…Tiết mục cập nhật liên tục mỗi giờ, kịp thời làm mới thông tin mới nhất.

Trong khi đó, theo tiết lộ của Kyodo ngày 5/8, dựa theo một báo cáo mật của quân đội PLP, Hải quân Trung Quốc đã thiết lập một tuyến tuần tra mới bao trùm hầu như toàn bộ các thực thể đảo, đá, bãi ngầm, rạn san hô trong vùng quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, đồng thời củng cố các cơ sở trên các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ, biến nơi này thành tiền đồn của Hải quân Trung Quốc. Theo đó, Đá Chữ Thập thường được Hải quân Trung Quốc dùng làm bến cảng cho tàu đổ bộ được triển khai trong Biển Đông, Đá Xu Bi có bốn ổ súng phòng không, nhiều tòa nhà từ hai đến ba tầng… Nhiều nơi còn có bãi đáp trực thăng, có sẵn ụ súng…

Bình luận về chủ trương của Trung Quốc "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác Biển Ðông". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây lại nhắc tới chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” đối với vấn đề tranh chấp biển đảo với láng giềng.

Một số các nhà phân tích Tây phương cho rằng tuyên bố này là một diễn tiến tích cực, có thể góp phần xoa dịu những mối căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo, Hà Nội, và Manila. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc ông Tập Cận Bình chính thức xác định các vùng biển có tranh chấp là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” sẽ làm cho các mối căng thẳng leo thang.

Giáo sư John Blaxland, chuyên gia cao cấp về các vấn đề chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia ca ngợi điều mà ông gọi là “hành động khôn khéo” của Trung Quốc. Theo ông: "Tuyên bố này không phải là hoàn toàn mới, nhưng nó là một sự tăng cường có tính chất rất tích cực cho một thông điệp mà nhiều người trông đợi từ lâu, được đưa ra trong lúc Mỹ tăng cường quan hệ với các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tuy khái niệm “cùng nhau khai thác” không mới, nhưng tuyên bố của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng vì vấn đề cùng nhau khai thác được đặt vào vị trí hàng đầu của chương trình làm việc."

Khi được hỏi phải chăng tuyên bố của ông Tập Cận Bình là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giảm bớt những hành động được cho là “gây hấn”, GS Blaxland nói: "Tôi không nghĩ là sẽ có một sự giảm thiểu. Thật ra đây là điều mà ông ấy có thể làm theo hai hướng cùng một lúc. Một mặt ông ấy có thể đưa ra những lời lẽ hòa hoãn về việc chia sẻ không gian hoạt động với nhau, nhưng những hành động trên thực tế có thể có mâu thuẫn. Cái vẻ bề ngoài có một vai trò quan trọng và trò chơi hai mặt là một phần của chiến lược của Trung Quốc."

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích Ralph Cossa của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, ông Tập Cận Bình chỉ lập lại chủ trương ngang ngược của Trung Quốc. "Điều này có nghĩa là “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”. Phát biểu của ông Tập rằng những lãnh thổ có tranh chấp là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đi ngược với tuyên bố tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích cấp cao về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington thì bày tỏ sự nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp với các nước láng giềng. “Việc tuyên bố "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" là một việc không khó. Nhưng tôi không hề nhìn thấy một con đường tiến tới, trừ phi Trung Quốc thật sự ngồi xuống - như họ đã nói là họ đã sẵn sàng, để bắt đầu tham khảo ý kiến hoặc thương lượng với các nước ở Biển Đông về một bộ qui tắc hành xử….Tóm lại, lời lẽ bên ngoài như vậy là tốt, nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy những hành động cụ thể."

Bình luận xung quanh phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị xung về COC. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vấn đề quốc tế Trung Quốc, Nguyễn Tông Trạch nhận định: Về tham vấn COC, đây là quá trình tuần tự tiệm tiến, không thể đặt ra một biểu thời gian cho vấn đề này bởi vì nhất định phải tính toán đến tính phức tạp của lịch sử và thực tế, tranh thủ nhận thức chung ở mức độ cao nhất, ở đây tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, bộ Quy tắc này phải dựa trên cơ sở kiên trì tinh thần của DOC để bàn bạc về COC, vì thế không thể nghiêng về cái nào trong hai cái này. Trung Quốc cũng cần kịp thời nói rõ lập trường kiên định của mình đối với vấn đề Biển Đông. Bởi vậy trong một khoảng thời gian có người cho rằng, Trung Quốc không muốn bàn về COC, đây là sự hiểu sai, trên thực tế điều này đã phản ánh đầy đủ việc Trung Quốc có ý chí và nguyện vọng kiên định để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, hơn nữa mong muốn cùng các bên liên quan tiến hành hiệp thương bình đẳng, tạo điều kiện để giải quyết vấn đề Biển Đông. Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này về cơ bản không thay đổi, ví dụ như NT Vương Nghị nói về “tiến hành đồng thời 3 phương diện”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh điểm cơ bản nhất là giải quyết tranh chấp đảo, bãi ở Trường Sa, nhất định phải là do các bên đương sự trực tiếp thông qua đàm phán song phương để giải quyết, lập trường này không thay đổi, đồng thời cũng có một sự phát triển mới, chính vì sự phát triển mới này, chúng ta cần khống chế khu vực Biển Đông, không thể để nguy cơ khu vực Biển Đông nóng lên, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

RFA, RFI, VOA - 6/8: Philippines tăng cường tuần tra hải phận. Ngày 6/8, PLP đã cam kết gia tăng tuần tra trên biển giữa lúc Manila đón nhận chiến hạm thứ hai đến từ Mỹ để giúp hoạt động phòng thủ của Phi trong cuộc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Dẫn đầu hải quân đón chiến hạm mới ngày 6/8, TTh PLP Aquino Benigno tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường tuần tiễu tại vùng đặc quyền kinh tế của PLP. Tàu này cũng sẽ giúp nâng cao khả năng chống lại mọi đe dọa”.

Việc này nằm trong kế hoạch nâng cấp quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ của PLP trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh giúp PLP có khả năng tăng chi phí quân sự để đối phó với Trung Quốc. Quốc hội PLP đã phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 1,7 tỷ USD để nâng cấp quân đội trong vòng 5 năm tới. Mỹ cung cấp miễn phí tàu cho PLP nhưng PLP sử dụng 15 triệu USD để nâng cấp hệ thống vũ khí và radar trên tàu.

Tư lệnh lực lượng vũ trang PLP, tướng Bautista cho biết việc cho phép sự có mặt quân sự của Mỹ ở PLP là “thực tế” cần làm; việc này là biện pháp răn đe đối với các đe dọa từ bên ngoài; đây là đòi hỏi thực tế, không nước nào có thể đứng một mình. PLP cho biết Mỹ đã quyết định tăng viện trợ quân sự của Mỹ lên 50 triệu USD từ 30 triệu năm 2012, mức cao nhất kể từ năm 2000. PLP cũng đang xem xét kế hoạch xây dựng căn cứ không quân và hải quân mới tại vịnh Subic để các lực lượng Mỹ có thể sử dụng.

“Trung Quốc tích cực xây dựng ‘chiến lược hải dương xanh” (Mạng “Bình luận Trung Quốc” - 6/8; Tác giả: bình luận viên Hồ Chí Dũng). Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc đề ra chiến lược xây dựng cường quốc hải dương, chính thức đưa vấn đề phát triển hải dương trở thành chiến lược quốc gia; nhấn mạnh xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa, là con đường tất yếu để đưa kinh tế xã hội phát triển bền vững, là yêu cầu bức thiết để bảo vệ quyền lợi biển quốc gia. Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “chiến lược hải dương xanh”, mang ý nghĩa rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lựa chọn con đường phát triển trỗi dậy hòa bình, đây là yêu cầu khách quan của việc kiên trì mục tiêu hòa bình và phát triển, cũng là lựa chọn tất yếu để thực hiện mở rộng lợi ích quốc gia.

Thế kỷ 21, nhân loại bước vào thời kỳ khai thác, sử dụng hải dương với quy mô lớn. Hải dương có vai trò ngày càng quan trọng trong bố cục phát triển kinh tế và mở cửa đối ngoại, trong bảo vệ lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển; có địa vị nổi bật trong cạnh tranh quốc tế về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, trong sự nghiệp xây dựng văn minh sinh thái.

“Chiến lược hải dương xanh” mang hàm nghĩa để chỉ sự mở rộng của lợi ích quốc gia, từ ý nghĩa truyền thống “biển gần” sang “biển xa”, lợi ích an ninh quốc gia cũng mở rộng từ phạm vi biển gần ra phạm vi biển xa; tích cực xử lý tốt mối quan hệ giữa quyền lợi trên đất liền và quyền lợi trên biển, lấy quyền lợi trên bộ làm nền tảng, kiên định tăng cường và phát triển quyền lợi trên biển. Bên cạnh việc lấy quyền lợi trên đất liền làm điểm cơ sở của an ninh quốc gia, cần đặt quyền lợi biển lên vị trí hàng đầu trong việc hoạch định chiến lược an ninh quốc gia.

Bài viết cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường và mở rộng quyền lợi biển có sự khác biệt về bản chất so với sự khuếch trương thế lực trên biển của phương Tây. Điều này chính là đặc sắc Trung Quốc, thể hiện chủ yếu ở việc Trung Quốc chú trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi hải dương của mình, không nhằm khuếch trương sức mạnh làm tổn hại đến lợi ích biển của quốc gia khác. Sự tăng cường và mở rộng quyền lợi biển của Trung Quốc mang các đặc trưng tự vệ, hòa bình, hợp tác và có giới hạn.

Trong quá trình phát triển sức mạnh trên biển, đặc biệt là biển xa không thể tránh khỏi nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích địa chiến lược với các cường quốc biển và các quốc gia liên quan khác, dẫn đến xung đột với chiến lược địa chính trị nước lớn mà các nước cường quốc hải dương đã hình thành từ nhiều năm.

Ổn định khu vực Đông Hải (biển Hoa Đông) và Biển Đông  phù hợp với nhu cầu lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; thông qua con đường hòa bình đề giải quyết tranh chấp và hóa giải nguy cơ là phù hợp với lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Đẩy nhanh xây dựng cường quốc hải dương có ý nghĩa to lớn và sâu xa đối với phát triển ổn định kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Trung Quốc cần phải tăng cường hơn nữa nhận thức biển, quản lý biển, khai thác biển; cần nắm vững hai cục diện lớn trong nước và quốc tế, điều tiết tốt giữa bảo vệ quyền lợi và giữ gìn ổn định; cần kiên trì giải quyết tranh chấp bằng phương thức đàm phán hòa bình; cần làm tốt công tác chuẩn bị đối phó với mọi tình huống phức tạp; nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển; cần kiên trì phương châm “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, tìm kiếm tiếng nói chung, mở rộng lợi ích chung.

Trong một diễn biến khác, báo chí Trung Quốc ngày 6/8 đưa tin, “Hội nghị bàn tròn giữa hai bờ về chiến lược hải dương” sẽ diễn ra tại Thanh Đảo trong hai ngày 7 - 8/8. Hội nghị do Tạp chí Bình luận Trung Quốc và Học hội thống nhất hợp tác hai bờ tổ chức. Hội nghị sẽ đi sâu thảo luận về triển vọng hợp tác chiến lược hải dương giữa hai bờ. Phía Đài Loan tham dự hội nghị sẽ có 06 học giả nổi tiếng về vấn đề chiến lược chính trị và vấn đề hai bờ; Trưởng đoàn phía ĐL là Giáo sư Trương Á Trung - Khoa Chính trị học, Đại học ĐL, hiện là Chủ tịch Học hội thống nhất hợp tác hai bờ; trong số học giả ĐL tham gia hội nghị có cả 02 Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu là Tưởng Hoài An và Phó Ứng Xuyên.

Mục đích của Trung Quốc khi mua tàu ngầm lớp Lada

TTXVN (Hồng Công 6/8)

Sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Mátxcơva nhanh chóng đạt được hiệp định mua bán vũ khí quan trọng. Theo đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu từ Nga 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada và 24 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (thế hệ 4++). Nguồn tin thuộc giới công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tiết lộ với tạp chí "Kanwa Defense Review" số tháng 8/2013 phát hành ở Hồng Công rằng toan tính chủ yếu nhất của Bắc Kinh khi mua tàu ngầm lớp Lada là nhằm giành quyền kiểm soát đối với vùng nước nông từ Đài Loan tới ở biển Hoa Đông và Bắc Hải. Xuất phát từ toan tính này, loại tàu ngầm thông thường cỡ vừa, nhỏ như tàu ngầm lớp Lada là phù hợp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thông qua việc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada thúc đẩy chương trình hợp tác nghiên cứu chế tạo liên quan. Do vậy, vấn đề mà hai bên đang phải bàn thảo là thiết bị của phía Trung Quốc sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trên tàu ngầm lớp Lada. Hiện nay, dư luận đã xuất hiện thông tin nói rằng tỉ lệ này là 50% và việc lắp đặt hệ thống cung cấp động lực trên tàu ngầm không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) do Trung Quốc sản xuất cho tàu ngầm lớp Lada xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã được xác định.

Trong một diễn biến liên quan, tạp chí “The Mirror” của Hồng Công cho biết công nghệ không hoàn thiện cũng là nguyên nhân quan trọng khiến tàu ngầm lớp Lada gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Muốn cải tiến thì phải có tiền. Trong khi đó, thiếu tiền lại là "tử huyệt" của ngành công nghiệp quân sự Nga. Ngược lại, Trung Quốc không những có tiền mà còn có công nghệ nhất định. Vì thế, Nga nên đi theo con đường mở cửa về công nghệ quân sự, bắt tay với Trung Quốc cùng phát triển tàu ngầm lớp Lada.

Tuy nhiên, theo phân tích của “Kanwa Defense Review”, những toan tính nêu trên không hoàn toàn thuyết phục. Nếu tính năng kỹ thuật của tàu ngầm S-20 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Nguyên - 039B, do Trung Quốc chế tạo) có lượng giãn nước tương đương với tàu ngầm lớp Lada là 1.700 tấn đủ tốt, tại sao Trung Quốc lại phải nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada? Ở đây, có một động thái khiến “Kanwa Defense Review” chú ý là tiết lộ của nguồn tin quyền uy thuộc giới công nghiệp quốc phòng Nga.

Theo nguồn tin này, phía Nga cho rằng tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc chính là bản phục chế của tàu ngầm Kilo-636 do Nga chế tạo. Trong quá trình xuất khẩu tàu ngầm Kilo-636, Trung Quốc mua một lượng lớn các loại hệ thống con, trang bị vũ khí, dường như vượt quá nhu cầu thông thường của việc duy tu tàu ngầm Kilo-636.

Trên cơ sở mối quan hệ giữa máy bay chiến đấu Su-27SK và động cơ máy bay AL-31F nhập khẩu từ Nga với máy bay chiến đấu J-11B, J-15 và J-16 do Trung Quốc sản xuất, tạp chí “Kanwa Defense Review” cho rằng hoàn toàn có lý do để tin rằng tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc đã sử dụng hệ thống con vốn được trang bị cho tàu ngầm Kilo-636. Phía Nga có thể rất bất mãn về việc này. Sau đó, giữa hai bên có thể đã xuất hiện thỏa hiệp. Đó là phía Nga tiếp tục cung cấp linh kiện cho tàu ngầm Kilo-636 mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga, còn phía Trung Quốc buộc phải mua tàu ngầm lớp Lada của Nga.

Ngoài ra, theo tạp chí “Kanwa Defense Review”, việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada còn xuất phát từ nhu cầu có được thêm nhiều công nghệ tàu ngầm của Nga, giống như nhập khẩu máy bay chiến đấu đa năng Su-35 để có được động cơ 117S thế hệ mới (nhằm kết hợp với J-20 do Trung Quốc sản xuất, đưa J-20 vào hàng ngũ máy bay chiến đấu thế hệ 5). Các công nghệ tàu ngầm của Nga mà Trung Quốc muốn lấy bao gồm thiết bị phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng (VLS), thép chất lượng tốt hơn để gia tăng khả năng chịu áp lực lặn sâu của tàu ngầm. Liên quan tới vấn đề này, nguồn tin thuộc giới công nghiệp quốc phòng Nga cho biết độ lặn sâu của những tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn thông thường là 300 m so với mặt nước biển.

Tổng hợp