+ RFI, VOA - 23, 24/8: Nga tăng tốc sản xuất vũ khí cho Việt Nam: Thêm 2 chiếc tàu ngầm Kilo 'hố đen' sắp được hạ thủy. Hãng thống tấn Mỹ UPI ngày 23/8 trích nguồn từ hãng tin Nga RIA Novosti cho biết, xưởng đóng tàu Admiralty của Nga ở thành phố St. Petersburg vừa thông báo từ nay đến cuối tháng 8/2013, họ sẽ hạ thủy chiếc tầu ngầm Kilo thứ ba mà VN đặt mua (nằm trong số 6 tầu ngầm lớp Varshavyanka (Dự Án 636) được VN đặt mua năm 2009). Chiếc tàu ngầm thứ tư cũng sẽ được cho hạ thủy vào tháng 11/2013. Bên cạnh đó, nhà chế tạo tàu ngầm của Nga đã xác định rằng chiếc tàu ngầm đầu tiên trong hợp đồng này đã hoàn tất các chuyến đi thử nghiệm ngoài biển khơi và sẽ chính thức giao cho Hải quân VN cũng vào tháng 11/2013.

Thông tin về việc cung cấp vũ khí cho VN được đưa ra dồn dập trong thời gian gần đây cho thấy là Matxcova đang nỗ lực thực hiện nhanh các hợp đồng cho VN, nước đã trở thành khách hàng mua thiết bị quân sự hàng đầu của Nga. Sau một thời gian gặp chậm trễ trong việc giao chiếc tàu ngầm thứ nhất cho VN, từng được lên kế hoạch vào cuối năm 2012, hãng đóng tàu Admiralty của Nga như đang tăng tốc thực hiện hợp đồng. Theo RIA Novosti, phía Nga lần này dự kiến sẽ giao chiếc tàu ngầm cuối cùng cho VN vào năm 2016. Nếu thời điểm nói trên được tôn trọng, thì rõ ràng là tiến trình cung cấp tàu ngầm cho VN đã được hoàn tất sớm hơn dự định 2 năm.

+ RFA, VOA - 23/8: Việt Nam mua chiến hạm tàng hình của Hà Lan. Nhà máy đóng tàu Damen của Hà Lan vừa đạt được hợp đồng cung cấp cho hải quân VN 2 hộ tống hạm Sigma, là chiến hạm tàng hình có trang bị tên lửa. Xưởng đóng tàu Gorinchem, một đơn vị của Damen xác nhận tin này ngày 22/8, cho biết thêm hợp đồng chính thức sẽ được ký vào cuối năm nay.

TTg Nguyễn Tấn Dũng đã thương lượng việc này nhân chuyến công du Hà Lan hồi tháng 10/2011. Tổng giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ, nhưng các nguồn tin từ phía Hà Lan cho biết số tiền đó khoảng 670 triệu USD, có sự trợ giúp của chính phủ Hà Lan.

Các nguồn tin cũng cho biết, có thể một trong hai chiếc tàu được đóng ở Hà Lan, chiếc còn lại sẽ được đóng ở VN theo phương thức chuyển giao dây chuyền công nghệ.

Trước đây, Hà Lan đã từng giúp đỡ thiết kế tàu tuần tra đa năng DN - 2000 cho lực lượng Cảnh sát biển VN.

+ Tin từ Thượng Hải - 23/8: Trung Quốc - Biển Đông. Mạng Nhân dân ngày 24/8 đưa tin, theo thông tin từ Cục Hải dương quốc gia, hệ thống theo dõi giám sát hải đảo quốc gia đã được lắp đặt xong toàn bộ, đồng thời bắt đầu thử vận hành tại các Tổng đội, chi đội Hải giám TQ. Theo giới thiệu, hệ thống này là trạm phục vụ mang tính tổng hợp về quản lý hải đảo và chấp pháp hải đảo của TQ, bao gồm 8 hệ thống nhỏ như: bảo vệ hải đảo, sử dụng hải đảo, chấp pháp hải đảo…Được biết, Cục Hải dương quốc gia trước mắt đã hoàn thành công tác lắp đặt hệ thống ở các Tổng đội, chi đội và đa số đại đội của hải giám TQ, tổng cộng có 124 đơn vị hải giám có được quyền hạn truy cập hệ thống, bước vào giai đoạn thử vận hành hệ thống. Trên cơ sở này, công tác bố trí hệ thống của các đại đội hải giám cũng sẽ được triển khai toàn diện.

+ Tin từ Trung Quốc, RFI - 24/8: Mỹ và Philippines cam kết bảo vệ tự do hàng hải. Trong một tuyên bố chung công bố ngày 23/8, Tư lệnh hai quân đội Mỹ và PLP đã tái xác định quyết tâm duy trì quyền tự do đi lại trên biển trong khu vực ĐNÁ. Tuyên bố chung của Tướng Emmanuel Bautista, lãnh đạo Quân đội PLP và Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ xác định: “Chúng tôi quyết tâm ... củng cố môi trường an ninh tại vùng ĐNÁ sao cho bảo vệ được lợi ích của tất cả những ai tôn trọng giá trị của việc giao thương qua các vùng biển mà không bị cản trở, đồng thời răn đe những kẻ muốn hạn chế hoặc hành động theo cách có thể đe dọa quyền tự do thương mại này”. Ngoài ra, Bản tuyên bố chung còn kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế và bằng các biện pháp hòa bình. Lời cam kết trên được nhấn mạnh trở lại nhân dịp các phái đoàn của hai đồng minh quân sự này bắt đầu một vòng đàm phán mới tại Washington về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở PLP.

+ RFA, RFI - 23/8: Phản bác tham vọng của Bắc Kinh, Indonesia tổ chức tập trận chung với các nước Thái Bình Dương ở Biển Đông. Hải quân Indonesia hôm 22/8 cho biết: Lực lượng hải quân của 18 quốc gia thuộc nhóm Thượng đỉnh Đông Á (gồm 10 thành viên ASEAN và 8 đối tác gồm HQ, TQ, NB, cùng với ẤĐ, Australia, New Zealand và Nga, Mỹ) sẽ tham gia tập trận chung mang tên “Diễn tập đa phương Komodo 2014” vào tháng 4/2014 diễn ra trong vùng biển của Indonesia tại Biển Đông. Nước chủ nhà Indonesia sẽ triển khai 12 tàu chiến tham gia tập trận cùng với 16 chiến hạm đến từ các nước khác. Số lính tham dự khoảng 4.500 quân. Như vậy, tham gia cuộc tập trận sẽ có hải quân Mỹ, TQ, cũng như tất cả các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh.

Theo thông báo của Hải quân Indonesia, được hãng tin NB Kyodo trích dẫn, một trong những mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm đối phó với các mối đe dọa hàng hải. Ngoài ra, Hải quân các nước cũng sẽ tập trung vào các bài tập trợ giúp nhân đạo và cứu hộ trong tình huống thiên tai.

Địa điểm thao diễn là vùng biển của Indonesia ngoài khơi quần đảo Anambas và Natuna, nằm ​​giữa bán đảo Malaysia và đảo Borneo. Việc Indonesia chọn vùng biển Natuna làm nơi thao diễn hải quân hỗn hợp không phải là không có lý do. Đó là cảnh cáo TQ không nên tham lam đòi chủ quyền trên vùng Biển Đông gần Indonesia.

+ Tin từ Trung Quốc - 25/8: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean mở rộng (Đông Phương Tảo báo, mạng Sina, mạng Phượng Hoàng - 23/8). Ngày 29/8, Hội nghị BTQP/ASEAN mở rộng sẽ diễn ra tại Bru-nây với sự tham dự của BTQP của 18 nước gồm 10 nước ĐNÁ và TQ, Mỹ, NB.

Báo chí NB ngày 22/8 cho biết, theo nội dung dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị BTQP mở rộng của các nuớc ASEAN, dự thảo này yêu cầu BQP các nước ASEAN áp dụng đối sách hữu hiệu, tránh xảy ra “việc hiểu sai và tranh chấp không mong muốn” về “Nam Hải” (Biển Đông). Về vấn đề an ninh trên biển, dự thảo cho biết: nhằm ngăn chặn “việc hiểu sai và tranh chấp không mong muốn”, các nước tham dự hội nghị phải thúc đẩy hợp tác, làm cho giữa các bộ quốc phòng áp dụng đối sách hữu hiệu. Dự thảo tuyên bố chung còn xác nhận việc thúc đẩy hoà bình và ổn định ở “Nam Hải”, nói rõ các nước tham dự hội nghị cùng với việc từ bỏ việc uy hiếp vũ lực, tuân thủ quy tắc quốc tế còn phải dựa trên “việc cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế” để tăng cường hợp tác quốc phòng.

Có phân tích cho rằng, dưới bối cảnh thực lực của TQ ngày càng tăng lên, trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển dịch về khu vực CÁ - TBD, xu thế liên kết của ASEAN ngày càng rõ ràng, lời kêu gọi của đa số các nước ASEAN về việc hy vọng đưa ra tiếng nói thống nhất tại một loạt các Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới ngày càng mạnh. Thông tin cho biết thêm, để giành được quân bài đàm phán tại một loạt các hội nghị quan trọng sắp tới, nội bộ các quốc gia ASEAN trước đó đã tiến hành nhiều lần tham vấn tỉ mỉ, nỗ lực để có thể đưa ra tiếng nói chung.

Đối phó với việc này, TQ cũng đang tích cực triển khai đột phá ngoại giao. Ngày 21/8, BTNG/TQ đã thăm CPC. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm ngoái ở Phnôm Pênh, do sự cực lực phản đối của nước chủ nhà CPC, PLP và VN không thể đưa tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” với TQ vào trong Tuyên bố chung. Đáng chú ý, chưa đến một tuần sau hội nghị không chính thức của BTNG/ASEAN tại TL, TQ cùng TL tổ chức Đối thoại chiến lược vòng 1 Trung - Thái. Có phân tích cho rằng, tại Đối thoại này, TQ đã tiến hành trao đổi tin tức về Hội nghị không chính thức của NT/ASEAN tổ chức trước đó.

+ Tin từ Nam Ninh - 25/8: Malaysia - Mỹ tăng cường hợp tác quân sự (Tân Hoa xã - 25/8). Ngày 25/8, các quan chức quốc phòng Mỹ và Malaysia cho biết hai nước sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ quân sự và dự kiến hướng vào nhiều lĩnh vực hợp tác hơn nữa. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia Hishamuddin bin Tun Hussein, BTQP Mỹ Chuck Hagel nói Washington cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác quân sự với Malaysia, nhấn mạnh, Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ quân đội Malaysia, trong bối cảnh nước này tăng cường năng lực của quân đội trong các lĩnh vực như hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, gìn giữ hòa bình, an ninh biển và chống khủng bố. Mỹ sẽ tiến hành hơn 75 hoạt động, trao đổi và viếng thăm với quân đội Malaysia trong năm nay. Hai bộ trưởng cũng đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, như mở rộng hoạt động thương mại quốc phòng và hợp tác công nghệ cũng như chia sẻ thông tin.

+ Tin từ Nhật, RFI - 23,25/8: Nhật - Nga (Yomiuri - 21/8): Ngày 25/8, BQP/NB cho biết, hai máy bay chiến đấu IL-38 của Nga đã bay dọc theo vùng duyên hải Hokkaido, Aomori và Akita, sát bờ biển phía bắc của NB, nhưng vẫn chưa xâm nhập không phận nước Nhật. Lực lượng phòng vệ NB đã đáp trả bằng cách gửi máy bay chiến đấu lên, sẵn sàng cho mọi tình huống. Sự cố này xảy ra tiếp theo vụ 2 máy bay chiến đấu TU-95 của Nga ngày 22/8 bay vào không phận NB, gần đảo Okinoshima ở miền nam nước Nhật. Toàn bộ 4 máy bay ném bom F-2 của Lực lượng phòng vệ NB liền được gửi lên nghênh đón. BNG NB đã chính thức phản đối với ĐSQ Nga ở Tokyo về vụ vi phạm không phận này, và yêu cầu phải tiến hành điều tra. Trước đó, ngày 19/8, Thứ trưởng Ngoại giao NB và Nga đã gặp nhau tại Moscow và khẳng định lập trường cơ bản của mỗi nước đối với các đảo tranh chấp. Theo báo Yomiuri nhận định, các cuộc đàm phán có thể sẽ không dễ dàng gì vì khác biệt lớn giữa tuyên bố chủ quyền và cách nhìn nhận vấn đề của hai nước. Điểm mấu chốt là cần phải tìm ra một giải pháp phù hợp với pháp luật và công lý.

+ VOA - 26/8: Việt Nam - Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng. Nhân chuyến thăm PLP trong 3 ngày của BTQP/VN Phùng Quang Thanh, ngày 26/8 VN và PLP đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng giữa những động thái gây hấn của TQ giành chủ quyền ở Biển Đông.

Báo chí PLP dẫn lời NFN/BQP nước này, Paul Galvez cho biết, hai bên đã đánh giá lại các hoạt động chung của quân đội hai nước và tìm kiếm các sáng kiến cũng như cơ hội thúc đẩy hợp tác hơn nữa bao gồm hỗ trợ nhân đạo và hợp tác cứu trợ thiên tai. BTQP/VN cùng người đồng nhiệm phía PLP, Voltaire Gazmin, cũng thảo luận về các vấn đề an ninh gần, đặc biệt về tình hình Biển Đông và chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực CÁ - TBD.

BTQP/VN sẽ rời PLP vào ngày 27/8 để đi Brunei dự Hội nghị BTQP/ASEAN. Sau chuyến thăm của BTQP/VN, BTQP Mỹ cũng sẽ ghé thăm PLP trong hai ngày 29 và 30/8.

+ KBS, RFA, VOA - 27/8: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng: Ngày 27/8, các BTQP/ASEAN và các đối tác đã đến Brunei dự Hội nghị BTQP ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ hai vào 2 ngày 28 và 29/8. Sự kiện lần này thu hút sự tham dự của 10 nước ĐNÁ cùng 8 nước khác như HQ, Mỹ, TQ, ẤĐ, NB, Australia, New Zealand và Nga với chủ đề mở rộng quan hệ và hợp tác, cổ vũ cho hòa bình và ổn định khu vực, những căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông cũng nằm trong nghị trình được thảo luận.

Mọi người đều trông đợi vào bài diễn văn mà BTQP Mỹ Chuck Hagel sẽ đọc trước hội nghị, trong đó khẳng định sự cần thiết phải duy trì ổn định và hòa bình ở vùng ĐNÁ, cũng như phải đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, nhất là ở những khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa TQ với một số nước ASEAN, trong đó có cả VN.

Nhiều cuộc gặp quan trọng tiền hội nghị đã diễn ra trong những ngày gần đây, điển hình là cuộc gặp giữa 2 vị BTQP/VN và PLP, hoặc cuộc gặp giữa 2 vị tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ và PLP. Trong những cuộc gặp này, cả Mỹ và VN đều cùng chính phủ PLP đưa ra cam kết duy trì quyền tự do lưu thông trên biển, đặc biệt khu vực Biển Đông nơi đang có tranh chấp giữa TQ với một số nước ĐNÁ, và mở rộng hợp tác quân sự song phương.

Trước khi rời Tokyo để đi Brunei dự hội nghị, BTQP/NB Itsuno Onodera đã cảnh báo rằng, TQ đang tìm cách trục lợi bằng cách khai thác những khác biệt giữa các nước đồng minh. Ông nói, NB đã sẵn sàng để đóng một vai trò quan trọng hơn đối với mọi tình huống xảy ra ở CÁ - TBD, kể cả việc bảo vệ chủ quyền ở biển Hoa Đông và giúp giải quyết những căng thẳng xảy ra ở Biển Đông.

Trong khi đó, bên lề Hội nghị, BTQP/HQ Kim Kwan-jin dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel để thảo luận các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên như hoãn lịch trình chuyển giao quyền tác chiến thời chiến từ Washington sang cho Seoul. Ngoài ra, nhiều khả năng ông Kim sẽ gặp BTQP/TQ Thường Vạn Toàn.

Lê Sơn (gt)