11/07/2013
Tin tức Biển Đông ngày 8, 9, 10 và 11 tháng 7 trên báo chí trong và ngoài nước
+ RFA - 5/7: Việt Nam: cơ hội và khả năng trước thành quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 46(Bình luận của GS Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason, Mỹ).
Muốn nhìn ra thành quả đặc biệt của AMM 46 thì cần so sánh với các Hội nghị trước. Tại AMM 45, CPC đã bị TQ giật giây, trong khi tại AMM 46 năm nay, nước chủ nhà Brunei giàu có, không dễ bị TQ mua chuộc. AMM 45 phơi bày sự chia rẽ trầm trọng và bất lực của ASEAN trước sức ép của TQ, trong khi AMM 46 chứng tỏ có sự đoàn kết giữa các thành viên, vấn đề Biển Đông được chính thức ghi vào nghị trình. AMM 45 im lặng trước vụ lấn ép PLP ở bãi cạn Scarborough, nhưng AMM 46 đã đề cập đến những diễn biến gần đây và việc thiết lập đường dây nóng để giải quyết những va chạm, trở ngại trên Biển Đông, cam kết hợp tác và cứu hộ tàu thuyền, cá nhân gặp nạn. Đòi hỏi này phản ánh quyết tâm của VN. Tại AMM 46, PLP cũng công khai chỉ trích TQ “quân sự hoá” Biển Đông cộng thêm với tố cáo của TTg Nguyễn Tấn Dũng ở Đối thoại Shangri La mới 1 tháng trước về “các hành động đơn phương, các đòi hỏi phi lý trái luật, các áp đặt có tính cường quyền”, cho thấy ASEAN đã tiến một bước khá xa so với năm ngoái. Chỉ trích TQ công khai trên một diễn đàn quốc tế đã trở thành điều mà TQ phải chấp nhận. Trước đây, trong các hội nghị AMM và Shangri La, TQ luôn luôn có thái độ trịch thượng, đôi khi còn tỏ ra đe doạ. Lần này Bắc Kinh đã có thái độ đấu dịu, tuy không hẳn là nhượng bộ. Trước áp lực tập thể của ASEAN và công luận thế giới, TQ đã đồng ý tiến hành “tham khảo chính thức” về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) vào tháng 9 tới.
Về lâu dài, cần có áp lực để TQ giảm thiểu những đòi hỏi quá đáng. Áp lực này chỉ thành hình nếu ASEAN đoàn kết vững mạnh và được sự trợ giúp, đối trọng của các cường quốc, nhất là Mỹ. Muốn giữ chân Mỹ thì ngoài sự đoàn kết của ASEAN, các nước này cũng cần phải có khả năng tự thân và phải thu hẹp khoảng cách chính trị với Mỹ. Vai trò trung tâm của ASEAN cũng đòi hỏi phải phối hợp hành động với các cường quốc địa phương như Nhật, Ấn và Australia. Đó là điều quan trọng.
Đối với VN, dù phủ nhận nhưng thực ra VN đang thi hành một chính sách cân bằng quyền lực tự nhiên như mọi nước khác. Muốn gia nhập cuộc cờ quốc tế thì phải có vốn và khả năng của chính mình. Để quan điểm của mình được phản ảnh qua các diễn đàn đa phương chỉ là một bước đầu. Điều quan trọng nhất là phải có khả năng tự thân, đòi hỏi sức mạnh kinh tế, quốc phòng, chính trị (là một chính phủ mạnh), và sự thống nhất chỉ huy. Tất cả những yếu tố này ở VN đều có vấn đề. Kinh tế VN đang gặp khó khăn và hết sức khó chữa. Trở ngại chính là vai trò và khả năng của các xí nghiệp Nhà nước. Sức mạnh của hệ thống chính trị đang bị xói mòn vì tham nhũng, tranh chấp quyền lực, và bất mãn quần chúng vì thiếu tự do, vì bất công, và một chính phủ bị coi là nhu nhược trước những hành động lấn chiếm của TQ. Hơn nữa, muốn tranh đấu hữu hiệu trên vũ đài quốc tế thì đoàn kết nội bộ và thống nhất chỉ huy là yếu tố quan trọng nhất. Đây là một nhược điểm căn bản của ngoại giao VN trong hoàn cảnh đầy thách thức như hiện nay.
+ Tin từ Bắc Kinh, Nam Ninh - 7/7: Trung Quốc: Biển Đông (Mạng Tân Hoa -7/7): Ngày 7/7, tàu lặn có người lái Giao Long TQ đang làm nhiệm vụ khảo sát khoa học ứng dụng đầu tiên tại “Nam Hải” (Biển Đông) tiếp tục lặn xuống “Hải Sơn Giao Long” Nam Hải, nhiệm vụ chính của chuyến lặn lần này là thu thập các mẫu nham thạch, quặng… ở đáy biển. Chuyến đi ứng dụng thử nghiệm đầu tiên của tàu lặn Giao Long bắt đầu từ ngày 10/6, cả thảy chia làm ba giai đoạn, dự kiến với thời gian 113 ngày. Giai đoạn đầu tiên triển khai thử nghiệm hệ thống định vị tại Nam Hải (Biển Đông), đồng thời triển khai nghiên cứu khoa học, bao gồm điều tra hệ thống sinh thái, sinh vật và địa hình đáy biển, v.v .
Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 4/7 đăng bài viết của tác giả Liễu Phàm, nguyên quan chức ngoại giao lâu năm, đại sứ TQ tại nước ngoài với tựa đề “PLP phá rối hợp tác Trung Quốc -ASEAN, tự chuốc lấy nhục”, bài viết cho biết, những năm gần đây, việc hợp tác giữa TQ và ASEAN giành được thành quả to lớn, hợp tác kinh tế hai bên phát triển sâu sắc, rất nhiều nước ASEAN bao gồm PLP, VN đều được lợi từ sự phát triển nhanh chóng của TQ. Sự hợp tác TQ và ASEAN là đại cục, là dòng chính. Vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) chỉ là vấn đề song phương giữa một số quốc gia ASEAN và TQ, cách làm của PLP bôi nhọ TQ tại Hội nghị NT ASEAN đi ngược lại với lợi ích chung của ASEAN, không được sự trợ giúp của nhiều quốc gia.
Tác giả cho rằng, việc giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) liên quan đến lợi ích thiết thân của các nước “Nam Hải” (Biển Đông), liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực “Nam Hải” (Biển Đông), thậm chí liên quan đến an ninh và ổn định của cả thế giới, các nước “Nam Hải” đều phải dựa trên thái độ trách nhiệm, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của DOC, thông qua đàm phán và hiệp thương, thông qua hợp tác toàn diện, thông qua việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và cơ chế, mặt đối thoại để dần dần hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên, loại trừ hiểu lầm, tích cực tìm kiếm phương pháp và con đường giải quyết các tranh chấp, chỉ có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) được giải quyết thẳng thắn, hợp lý, toàn vẹn.
+ Tin từ Battambang - 8/7: ASEAN dường như đoàn kết hơn về các vấn đề trên Biển Đông (Cambodia Herald - 8/7): Vào khoảng thời gian này năm ngoái, ASEAN bị cuốn vào một scandal bất ngờ, lần đầu tiên hội nghị cấp cao ASEAN không ra được tuyên bố chung; TQ đã gây sức ép lên nước chủ nhà CPC - đồng minh thân cận của mình, không cho phép đề cập bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Biển Đông trong tuyên bố chung. Do vậy, cả PLP lẫn VN đều phản đối mạnh mẽ, nhưng cuối cùng CPC đã chọn TQ chứ không phải ASEAN. Tuy nhiên, những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây đã gây ra nhiều hậu quả trong khu vực và thu hút sự quan tâm chú ý của quốc tế. Do vậy, CPC nhận thấy sự cấp thiết phải nối lại mối quan hệ với nước láng giềng VN, một trong những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Còn Indonesia, nước thành viên lớn nhất ASEAN, cộng với sự ủng hộ của Singapore, đã bắt đầu thực hiện các chuyến viếng thăm ngoại giao con thoi để cố gắng hàn gắn những tổn hại ảnh hưởng đến sự thống nhất của ASEAN.
Sáng kiến trên của Indonesia càng trở nên rõ ràng hơn vào cuối tuần qua, tại hội nghị NT ASEAN tổ chức ở Brunei, nhằm tăng cường quyết tâm của ASEAN buộc TQ có những ràng buộc về COC. ASEAN đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh để bắt đầu tập hợp những tham vấn chính thức về COC và cuộc họp chính thức sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới.
Cuối cùng, TQ đã đồng ý lắng nghe các nước ASEAN một lần nữa về các vấn đề gây nhiều tranh cãi trên Biển Đông và đây không phải là chuyện nhỏ.
+ BBC, RFI - 9/7: Tàu Hải giám Trung Quốc bị nghi cướp phá tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa.Chính quyền VN đang xác minh vụ 2 chiếc tàu đánh cá ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu lạ với thủy thủ đầy đủ súng ống chặn cướp và phá hoại hôm 6/7 khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Các thông tin chưa đầy đủ cho thấy rằng thủ phạm một vụ cướp phá rất có thể là lực lượng TQ trên chiếc Hải giám 306.
Ngày 9/7, khi đến tận nơi xem xét tình trạng hai chiếc tàu QNg 96787 và QNg 90153 bị nạn vừa cặp bến Lý Sơn, lực lượng biên phòng địa phương mới chỉ xác định được rằng việc “đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên 2 tàu cá này là có thật”.
Ngư dân trên một chiếc tàu bị nạn cho biết: Trong lúc đang đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa, họ đã bị “một tàu lạ sơn màu trắng số hiệu 306” truy đuổi, chặn lại, rồi cho những người súng ống đầy đủ leo lên đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản. Ngoài ra, các thuyền viên trên tàu còn bị quân cướp dùng dùi cui liên tiếp đánh đập.
Trả lời BBC ngày 9/7, ông Võ Minh Vương, thuyền trưởng tàu QNg 96787 cho biết những kẻ tấn công “nói tiếng Trung Quốc”, người thì mặc “đồ sĩ quan hải quân”, người thì mặc “đồ lính rằn ri”. Họ còn chặt hai cây cờ treo trên tàu, vứt xuống nước.
Chưa có tin gì trên báo chí chính thống ở TQ về vụ việc này. Tuy nhiên, trang web của Cục Hải giám Quốc gia TQ (SOA) có đăng tải thông tin rằng cảnh sát biển nước này “tăng cường năng lực” tuần tra cả ba vùng biển phía Bắc, Đông và Nam nước này. Theo Tân Hoa xã ngày 9/7, trang web của SOA nói, theo quyết định của chính phủ TQ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ có nhiệm vụ triển khai và chỉ huy 11 đơn vị nằm dọc các vùng bờ biển TQ. Phía TQ nói nhiệm vụ của Cục Hải giám là “"bảo vệ an toàn cho các vùng biển trọng yếu và chống tội phạm trên biển”.
+ RFA - 9/7: Indonesia: Biển Đông. Ngày 10/7, NT Indonesia, ông Marty Natalegawa, đã cuộc nói chuyện tại Câu lạc Bộ Báo chí Nước ngoài ở Bangkok, TL. Liên quan đến tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, ông Marty cho rằng:
Cần phải nỗ lực tăng cường hiểu biết chung về cam kết căn bản, trong việc giải quyết vấn đề chủ quyền chồng lấn, tranh chấp lãnh hải thông qua đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó không phải là một yêu cầu gì lớn lao và cũng không thể là một yêu cầu lớn; đó là một thúc đẩy niềm tin và tăng tiến an ninh.
Những tranh chấp có thể thương thảo qua đàm phán, đối thoại cho dù có phải mất nhiều thập niên. Như trường hợp với VN, một trong những nước có ranh giới biển với phía Indonesia, phải mất đến 30 năm mới có thể giải quyết.
Xét về tình hình hiện tại, phép thử là vấn đề Biển Đông. Từ năm 2011, sau hơn 10 năm không có tiến triển gì về qui định hướng dẩn thực hiện Bản Tuyên bố về Quy tắc ứng xử DOC; nay đã có tiến triển qua việc có thể tiến đến xác định được những yếu tố cho một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC). ASEAN đang trong quá trình đưa TQ tham gia vào việc soạn ra dự thảo cho COC. Nên để cho quá trình diễn tiến một cách tự nhiên, không có sự cưỡng bức phía nào. Hiện một yếu tố được đưa ra là đường dây nóng liên lạc giữa Indonesia và TQ, giữa TQ và VN. Việc đó có thể thực hiện ngay khi chưa có COC.
Trước câu hỏi của phóng viên quan ngại về thiện chí của TQ, NT Indonesia cho rằng, có sự khác biệt giữa những điều được bàn thảo tại phòng họp đầy tiện nghi với những gì diễn ra trong thực tế ngoài biển. Tình hình trong thực tế xảy ra không như mong muốn, với đường dây nóng liên lạc, các bên liên quan có thể bắt phone lên ngay và nói với phía kia hãy xem chuyện gì đang xảy ra ngoài biển, tại sao lại hành xử như thế khi có nói rằng sẽ phải tuân thủ theo COC. Có khi để đạt được lợi thế tại bàn đàm phán, một số quốc gia tạo nên những dữ kiện thực địa trước khi đàm phán.
Có hai lựa chọn hiện thời: hoặc là chỉ than phiền, ca thán và không làm gì cả, cứ để cho mọi chuyện diễn biến ngoài biển, bất chấp tình thế; hoặc cần phải hành động để bảo đảm cam kết và thực tiễn trở nên đồng bộ. Phương án 2 là giải pháp mà ASEAN đang theo đuổi.
COC không phải là chiếc đũa thần, nó không thể làm phép giúp giải quyết những vấn đề cơ bản. Hình thức duy nhất là tất cả phải đóng góp, tạo điều kiện cho công tác thực hiện COC tiến triển.
+ Tin từ Trung Quốc - 10/7: Rút khỏi Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, đối với TQ hại lớn hơn lợi (Bài của chuyên gia phân tích chính sách biển của Mỹ, Mark J.Valencia đăng trên Japan Times được Chinareviewnews đăng lại ngày 10/7).
PLP dưới sự ngầm đồng ý của Mỹ đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án Luật biển quốc tế đã bị TQ cự tuyệt. Trong khi Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một nghị quyết chỉ trích hành động của TQ tại vùng biển châu Á.
Bản thân Mỹ chưa ký Công ước LHQ về Luật biển. Mỹ luôn giải thích công ước theo hướng có lợi cho nước mình. Hành động của Mỹ đã vô tình làm TQ lâm vào thế lưỡng nan: bãi bỏ công ước, TQ có thể giải thích tương đối tự do về pháp luật, không chịu sự ràng buộc của Công ước, uy tín của luật pháp quốc tế có thể giảm sút do việc rút lui của TQ; nhưng mặt khác hình tượng quốc gia của TQ cũng có thể bị ảnh hưởng.
TQ có thể “thông báo bãi bỏ” nhưng hành động rút khỏi công ước phải một năm sau mới có hiệu lực sau khi đưa ra thông báo bãi bỏ. Trong một năm đó, phán quyết của Tòa án Luật biển quốc tế đối với việc tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) do PLP đưa ra vẫn có hiệu lực.
Rút lui khỏi công ước cũng có thể dẫn đến việc quốc tế khiển trách và việc tuyên truyền chống TQ của Phương Tây và các nước châu Á, gây ra khủng hoảng khu vực, thậm chí ảnh hưởng ổn định của khu vực, dẫn đến các quốc gia khác trong khu vực nghiêng về Mỹ để kiềm chế TQ. Do Mỹ chưa ký Công ước, vì vậy trong viện dẫn và giải thích điều khoản của Công ước không có tính hợp pháp và tính tin cậy. Nếu TQ rút khỏi Công ước sẽ mất đi ưu thế lớn nhất để so đọ với Mỹ trong vấn đề biển.
Mặt khác, rút khỏi Công ước cũng có điểm lợi. Khi đó, TQ có thể giống như Mỹ, giải thích các điều khoản pháp luật theo hướng có lợi cho mình. Sau khi rút khỏi Công ước, TQ có thể từ chối tôn trọng phán quyết của Tòa án biển quốc tế, cũng không cần gánh chịu hậu quả chính trị tương ứng.
Nếu thật như vậy, TQ đã học Mỹ (Năm 1984, Nicaragua kiện Mỹ). Tòa án quốc tế khi đó cho rằng, Mỹ ủng hộ phiến quân Nicaragua chống lại chính phủ…đã vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ đã từ chối tham gia đồng thời cho rằng Tòa án quốc tế không có quyền phán quyết. Sau đó, Mỹ thông qua Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành quyền phủ quyết ngăn chặn việc chấp hành phán quyết.
Việc TQ bãi bỏ Công ước có thể tổn hại danh dự và uy tín của luật pháp quốc tế và phán quyết quốc tế. TQ cũng đang nói với các nước châu Á xung quanh khác không nên “lấy nhỏ bắt nạt lớn”, đặc biệt là một số quốc gia vẫn nghe lệnh từ ông chủ thuộc địa trước đây.
Lâu nay, nước lớn đều có việc không tuân thủ điều ước, tạo ra truyền thống bảo vệ lợi ích của mình. Đi đầu chính là Mỹ. Năm 1982, Mỹ đã từ chối tham gia Công ước của LHQ về Luật Biển và Tòa án hình sự quốc tế. Sau đó, Mỹ rút khỏi Tòa án quốc tế, tạo tiền lệ cho việc xâm nhập mạng, tấn công bằng máy bay không người lái, can thiệp vào nội bộ nước khác…Tóm lại, TQ nên cho rằng, rút khỏi Công ước LHQ về Luật Biển 1982 hại lớn hơn lợi.
+ Tin từ Ấn Độ - 8/7: Việt Nam - Ấn Độ: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong sứ mệnh tới New Delhi(tin mạng India Writes Network - IWN - 8/7): Chuyến thăm New Delhi sắp tới của BTNG/VN Phạm Bình Minh phần nào giống như một chuyến hồi hương với những kỷ niệm về một đất nước nơi ông đã sinh ra năm 1959. BT Phạm Bình Minh, 54 tuổi, sẽ nhìn thấy một đất nước ẤĐ mới hồi sinh, có thể không như những ký ức thời thơ ấu khi cha của ông là Tổng Lãnh sự đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại New Delhi. ẤĐ đã chứng tỏ là một đất nước may mắn cho cả cha và con khi cả hai đều được thăng chức trở thành BTNG, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước VN độc lập có cả hai cha con đều trở thành người lãnh đạo ngành ngoại giao.
Chuyến thăm của BTNG/VN diễn ra trong bối cảnh TQ đang gia tăng quyết đoán tại Biển Đông và tăng cường sức ép đối với Hà Nội về việc chấm dứt các thỏa thuận dầu khí với ẤĐ. Vấn đề thương mại cùng một loạt các vấn đề khu vực và chiến lược sẽ giành được nhiều quan tâm khi BTNG hai nước VN và ẤĐ tiến hành tham vấn ngoại giao tại New Delhi. Trước những va chạm với TQ liên quan tới yêu cầu chủ quyền tại Biển Đông, VN mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và đầu tư, coi ẤĐ là một đối tác thân thiện và tin cậy để đạt được các mục tiêu kinh tế và phát triển. Hiện kim ngạch thương mại song phương ẤĐ - VN đạt khoảng 4 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mốc 5 tỷ USD vào cuối năm 2013. Hai bên quyết định nâng con số này lên 7 tỷ USD năm 2015, một mục tiêu khá khiêm tốn so với con số 60 tỷ USD kim ngạch phấn đấu giữa TQ với VN. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong thương mại song phương Ấn - Việt những năm gần đây có ý nghĩa đáng kể khi Hà Nội lạc quan về triển vọng tăng cường thương mại và đầu tư với ẤĐ, một nền kinh tế đang nổi với tiềm năng kiềm chế TQ. BTNG/VN dự kiến sẽ tìm kiếm những khoản đầu tư mới từ ẤĐ trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, cảng biển, nhà máy điện, những lĩnh vực mà TQ đã chứng tỏ có thế mạnh.
Tập đoàn Điện lực Tata của ẤĐ mới đây đã giành được hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện với công suất 660 MW tại miền Nam VN trước sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty của HQ và Nga. Tập đoàn Thép Tata đã nhất trí xây dựng nhà máy thép 5 tỷ USD và cũng đang chuẩn bị đầu tư một dự án xây dựng nhà máy điện nhiều tham vọng khác. ẤĐ có trên 80 dự án đầu tư, bao gồm cả khoản đầu tư từ các công ty ẤĐ tại một nước thứ ba, với tổng số vốn ước đạt gần 800 triệu USD, trên nhiều lĩnh vực bao gồm thăm dò dầu khí, thăm dò và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, IT và chế biến nông sản.
Dầu khí đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác song phương với một tầm nhìn xa hơn trước sự phản đối của TQ về thỏa thuận giữa VN và ẤĐ tại khu vực mà TQ cho là có tranh chấp tại Biển Đông. BTNG/VN dự kiến sẽ thúc giục New Delhi để các công ty ẤĐ như OVL tiếp tục thăm dò hai lô dầu khí tại Biển Đông.
Trong khi Hà Nội luôn phải chịu sức ép từ Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, BTNG/VN có thể đề nghị ẤĐ giữ một vai trò tích cực hơn trong việc giải tỏa căng thẳng tại vùng biển tranh chấp. Trong chuyến thăm ẤĐ tháng 12/2012, TTg/VN đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi kêu gọi ẤĐ giữ một vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng tại Biển Đông và kể từ đó sức ép của TQ đã gia tăng. ẤĐ dự kiến sẽ chuyển tải thông điệp tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải, kêu gọi giải quyết vấn đề theo Luật Biển LHQ.
Bắc Kinh đã thể hiện không hài lòng trước sự phát triển của mối quan hệ Ấn - Việt khi các tờ nhật báo TQ do nhà nước kiểm soát cảnh báo ẤĐ về những thỏa thuận dầu khí với VN.
ẤĐ cũng đã chủ động tham gia vào nhiều sáng kiến đào tạo và xây dựng năng lực tại VN, một nền kinh tế ĐNÁ đang nổi. Trong một bước đi quan trọng, ẤĐ đang chuẩn bị xây dựng phòng thí nghiệm không gian mạng công nghệ cao theo tên gọi của cựu TTg Indira Gandhi tại Hà Nội. Phòng thí nghiệm này dự kiến sẽ được trang bị nhiều cơ sở vật chất hiện đại.
+ Tin từ Trung Quốc - 8/7: Mạng Sina ngày 5/7 đăng bài viết của tác giả Tôn Hưng Kiệt, tiến sỹ Viện Nghiên cứu quốc tế, đại học Cát Lâm với tựa đề “giải quyết tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) không thể chỉ dựa vào COC”. Gần đây, tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN, TQ đồng ý tiến hành tham vấn với các bên liên quan về bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào tháng 9/2013. COC là việc làm sâu hơn và chi tiết hóa DOC, cũng là điểm khởi đầu hướng tới cơ chế an ninh khu vực “Nam Hải”. COC là kết quả tín nhiệm chiến lược của các bên, nhưng không phải là công cụ để giải quyết tranh chấp.
Tháng 11/2002, ASEAN và TQ đã ký DOC, đây là văn kiện chính trị nhiều bên đầu tiên về vấn đề “Nam Hải”, là sự thừa nhận và bày tỏ tinh thần các văn kiện như: Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiến chương LHQ, trong đó không quy định biện pháp xử lý tranh chấp trong vấn đề “Nam Hải”, chỉ nói một cách không rõ ràng là “các bên cam kết duy trì kiềm chế, không có các hành động làm tranh chấp phức tạp hóa, mở rộng hóa và ảnh hưởng hòa bình, ổn định, bao gồm không có các hành động cư trú trên các đảo, đá, bãi cạn hoặc các cấu tạo tự nhiên khác không có người ở, đồng thời giải quyết tranh chấp bằng phương thức mang tính xây dựng”, quy định này cũng mở ra lỗ hổng cho các nước xung quanh “Nam Hải” từng bước xâm chiếm đảo, đá của TQ, dưới sự thúc đẩy của lợi ích biển, các bên đều không áp dụng hành động “tự kiềm chế mình”, làm cho TQ tương đối bị động trong vấn đề “Nam Hải”. Đương nhiên, quy định này cũng đã cho TQ lí do để mở rộng việc tuần tra khu vực “Nam Hải”, đáp trả cứng rắn đối với các nước VN, PLP, v.v…
Thật ra, ý kiến xây dựng COC đã được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 1992, kiến nghị các bên hữu quan dựa trên cơ sở các nguyên tắc trong “Điều ước hợp tác hữu nghị ĐNÁ”, xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở “Nam Hải”. Sau đó, các bên đã khó đạt được nhất trí về mặt phạm vi áp dụng và nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử, các nước xung quanh “Nam Hải” đều phản đối việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử đối với các đảo và vùng biển mà các nước này đã “chiếm lĩnh”, nói một cách khác, các bên đều không thừa nhận ở “Nam Hải” tồn tại tranh chấp, bộ quy tắc ứng xử như vậy căn bản không có ý nghĩa gì. Ngoài ra, nội dung của bộ quy tắc ứng xử cũng gây tranh cãi, các nước lớn ngoài khu vực liệu có thể tham gia, các nước ASEAN hy vọng giữ lại vị trí cho Mỹ. Vì những tranh chấp nêu trên, kết quả thỏa hiệp cuối cùng là lấy “Tuyên bố” thay cho bộ quy tắc, văn kiện mang tính chính trị thay thế cho văn kiện mang tính pháp luật. DOC đã tạo cơ sở đàm phán cho tranh chấp “Nam Hải”, các bên đã nhiều lần tổ chức việc đàm phán thực hiện tuyên bố này nhưng hiệu quả không rõ rệt, cùng với việc thực thi chiến lược quay trở lại CÁ - TBD của Mỹ, vấn đề “Nam Hải” lại một lần nữa nóng lên, đặc biệt là hai nước TQ - PLP liên tục xảy ra vụ việc đối đầu, sau khi đối đầu tại đảo Hoàng Nham vào năm ngoái, năm nay, việc tàu chiến cũ của PLP “đóng” tại bãi đá “Nhân Ái” (bãi Cỏ Mây) làm TQ vô cùng bất mãn, NFN BNG/TQ cho rằng, đây là hành động “chơi xấu”, phá hoại tinh thần DOC.
Người ngoài luôn nói rằng, căn nguyên của vấn đề “Nam Hải” là ở chỗ thiếu đi COC, cho rằng hễ TQ ký COC thì có thể giải quyết triệt để vấn đề “Nam Hải”. Kỳ lạ là sau khi TQ đồng ý tiến hành tham vấn về COC, PLP lại do dự, có thể thấy COC phần nhiều là mánh khóe trong mắt của một số quốc gia. Thương thảo COC và thực hiện tinh thần DOC không xung khắc nhau, còn có thể nói rằng nên thực hiện cùng nhau. COC cần một quá trình đàm phán kéo dài, phía TQ đề nghị thành lập tổ chuyên gia đặc biệt, thực hiện một kiểu lộ trình thúc đẩy giống như nghiên cứu chung trên các kênh của đàm phán khu vực mậu dịch tự do. Ngoài ra TQ kiên trì tiến hành đàm phán song phương với các quốc gia liên quan, phản đối đa phương hóa vấn đề “Nam Hải”, do vậy có thể mong đợi thông qua COC hình thành một kiểu kết cấu trục bánh xe lấy TQ làm trung tâm, đương nhiên kết quả như vậy không chỉ VN, PLP có thể phản đối mà Mỹ, Nhật Bản cũng không thể vui vẻ thấy nó thành công. Có thể thấy, COC không phải là thuốc giải vạn năng, cũng không thể chờ đợi có thể xây dựng thành công trong thời gian ngắn, nhưng nó đã khởi đầu một thời đại sử dụng công cụ pháp luật để giải quyết tranh chấp “Nam Hải”
Được coi là văn kiện pháp luật, đầu tiên cần thừa nhận các bên tồn tại tranh chấp ở “Nam Hải”, khoanh phạm vi sử dụng thích hợp của pháp luật, có sự xác định và biện pháp “trừng phạt” rõ ràng đối với hành động vi phạm quy định của các bên. Đương nhiên, tương lai cần xây dựng cơ cấu giải quyết tranh chấp mang tính đa quốc gia, địa vị chủ đạo của TQ sẽ hòa vào trong chuẩn mực pháp luật, mọi người có thể mong đợi khu vực “Nam Hải” xây dựng một bộ cơ chế an ninh, COC sẽ trở thành một trụ cột đầu tiên của cơ chế an ninh “Nam Hải”.
“Trung Quốc từ bỏ “ngoại giao cây gậy nhỏ” ở “Nam Hải” (Biển Đông) (Mạng Tân Hoa xã ngày 8/7 dẫn nguồn báo chí Hồng Công): Có hai hiện tượng thu hút sự chú ý trong các hành động của TQ gần đây tại biển Nam Trung Hoa. Thứ nhất, người TQ nôn nóng. TQ dự định giải quyết tranh chấp xoay quanh vùng biển phức tạp này, hơn nữa TQ dự định sẽ làm như vậy rất nhanh. Nhìn bề ngoài, TQ quyết tâm thông qua hành động đơn phương giải quyết tranh chấp lãnh thổ. TQ đang bố trí lực lượng vượt trội ở gần khu vực có tranh chấp, đồng thời sử dụng thủ đoạn khiêu khích đối với các quốc gia ven biển tương đối nhỏ, yếu hoặc đồng minh của họ, Mỹ, xem những nước này dám làm những gì. Nếu nói nhẫn nại là một phẩm chất tốt, gần đây hiển nhiên Bắc Kinh đã mất đi phẩm chất này.
Thứ hai, TQ đã từ bỏ “ngoại giao cây gậy nhỏ” rất có triển vọng. Sử dụng từ “ngoại giao cây gậy nhỏ” là chỉ cách làm của TQ bố trí tàu chấp pháp mà không phải tàu chiến, tiến hành tuần tra đối với vùng biển có tranh chấp, giống như đây chính là lợi ích chính đáng của TQ.
Nhưng nếu cách nói thường thấy của báo chí PLP là sự thực, Bắc Kinh đã thêm vào “cơ bắp” của hải quân trong tổ hợp chính sách của mình. Ví dụ, TQ đã cử tàu hộ vệ đóng ở bãi cạn Scarborough để trợ giúp việc xua đuổi PLP. Bố trí tàu thực hiện chiến lược “bắp cải” đối với bãi cạn tranh chấp này, đánh dấu việc TQ đã chấm dứt triệt để với chiến lược phân minh rõ ràng, tương đối nhẹ giọng trong những năm gần đây.
Trên cơ sở “cây gậy nhỏ”, TQ lại thêm “cây gậy lớn” - tàu chiến hải quân của Giải phóng quân. Kết quả, các loại tàu chiến và tàu dân sự tạo thành các lực lượng trên biển, hoạt động trong vùng nước yêu sách của TQ. Tham dự các hoạt động liên quan không chỉ có các tàu công vụ, lâu nay, TQ luôn coi tàu phi công vụ, đặc biệt là tàu cá là tàu hỗ trợ không chính thức cho hải quân.
Ai có thể phản đối cách làm này? Cho dù Bắc Kinh kiêu ngạo, thô lỗ, hành động hoành hành ngang ngược của họ về mặt quân sự và ngoại giao đã tạo ra ảnh hưởng không tốt, nhưng một bộ quy tắc ứng xử mới có lẽ đang hình thành ở vùng biển ĐNÁ. Một bộ quy tắc ứng xử mới chính là mục tiêu mà họ hướng đến. Trong thế giới mới này, thuyền viên TQ sẽ đi lại ở vùng nước mấy trăm năm nay được cho là thuộc về TQ. Ngoài ra, quy tắc mà Bắc Kinh lập ra và thực hiện liên quan tới tàu và máy bay đi qua vùng biển và vùng trời của ĐNÁ sẽ trở thành việc bình thường. Biển Nam Trung Hoa sẽ không còn là biển quốc tế mà trở thành khu vực bảo hộ của TQ.
Nếu kiểu ngoại giao cây gậy lớn/nhỏ này có hiệu quả, mỗi lần đọ sức, bất kể là xung quanh bãi cạn Scarborough, bãi ngầm Thomas 2 hoặc là cuộc đọ sức ở khu vực khác, sự ầm ĩ do báo chí hoặc giới ngoại giao gây ra càng ngày càng nhỏ. Kiểu tranh chấp này sẽ suy yếu thành tiếng nói nhỏ. Năm 2012, vấn đề bãi cạn Scarborough từng trở thành tin tiêu đề của báo chí liên tục trong nhiều tuần. Sau khi Bắc Kinh áp dụng chiến lược “bắp cải”, chỉ còn thấy vô cùng ít nhưng thông tin có liên quan.
Mức độ coi trọng đối với yêu sách biển của các quốc gia như VN, PLP không kém so với TQ. Đối với Hà Nội và Manila, lợi, hại trong quan hệ về chính trị vô cùng quan trọng, do vậy cần nỗ lực to lớn, nhưng bất kể quyết tâm có kiên định thế nào, không có bất cứ một quốc gia ĐNÁ nào có đủ phương tiện quân sự có thể triển khai cuộc cạnh tranh quy mô và lâu dài trên biển. Sự tự hào của hải quân PLP cũng chỉ là một tàu tuần tra kiểu cũ của đội bảo vệ bờ biển của Mỹ.
+ Philíppin: Đảng cánh tả đề xuất cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc: Hãng tin GMA của Philíppin ngày 4/7 cho biết đảng cánh tả Akabyan của Philíppin đã đề xuất một “cách tiếp cận gồm 5 điểm” với chính phủ nước này trong việc “giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay với Trung Quốc”.
Theo GMA, Hạ nghị sĩ Walden Bello của đảng Akbayan cho rằng “dù phản ứng mạnh mẽ và mang tính ngoại giao của chính phủ đối với sự gây hấn của Trung Quốc là đáng biểu dương, song một chính sách toàn diện là vẫn cần thiết, đặc biệt khi cuộc xung đột này ngày càng thu hút sự can dự của các siêu cường”. Theo ông Bello, trước hết Chính phủ Philíppin cần đề ra một chính sách liên quan đến việc cho nước ngoài tiếp cận các cảng và tài nguyên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia. Ông Bello nói: “Đây là bất lợi nghiêm trọng của chúng ta khi cho phép các cường quốc bên ngoài dễ dàng tiếp cận các cảng và tài nguyên mà không đề ra một chính sách đối ngoại đúng đắn nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Mặc dù đúng là chúng ta sẽ cần mọi sự giúp đỡ có thể nhận được từ bạn bè và đồng minh, song chúng ta trước tiên cần phải đánh giá xem sự giúp đỡ nào là cần thiết và đảm bảo rằng vai trò của họ trong cuộc xung đột sẽ không tác động xấu đến lợi ích quốc gia của chúng ta”. Theo ông, điều này bao gồm việc “đánh giá lại toàn diện” tất cả các hiệp định và hiệp ước giữa Philíppin với các nước khác, như Hiệp định lực lượng nước ngoài tới Philíppin và Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.
Ngoài ra, ông Bello cũng đề cập đến một cách tiếp cận khác là “học hỏi” Chính phủ Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có thể củng cố quốc phòng của mình dựa vào các đồng minh mới “mà không hi sinh bất kì lợi ích quốc gia nào”.
Một cách tiếp cận nữa được Hạ nghị sĩ Bello đề xuất là ủng hộ “các cuộc tuần hành mạnh mẽ của nhân dân chống Trung Quốc” ở Philíppin. Ông nói: “Sự khéo léo của chính sách ngoại giao nhân dân xuyên biên giới - cái mà James Scott (Giáo sư chính trị học tại Đại học Yale) gọi là ‘vũ khí của kẻ yếu’ - cần phải được tăng cường khai thác triệt để”.Cách tiếp cận thứ tư theo Hạ nghị sĩ Bello là “đứng lên và tập trung nhau lại” để “đối đầu với kẻ bắt nạt”. Ông nói: “Thay vì để các siêu cường nắm vai trò chính trong xung đột khu vực, cách tiếp cận khôn ngoan hơn là củng cố chính sách đối ngoại của chúng ta bằng việc thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là những quốc gia có sự bất bình tương tự trước sự gây hấn của Trung Quốc".Ông Bello cũng hoan nghênh quyết định của chính phủ Philíppin đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế của LHQ về Luật biển để phân xử. Theo ông, “chính phủ của ông Aquino cũng cần phải phi quân sự hóa Biển Tây Philíppin (Biển Đông) nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai và bảo vệ hệ sinh thái của khu vực này”.
Tổng hợp
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...