+ BBC, RFA, RFI - 26/7: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo AFP, ngày 25/7, trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, CTN/Việt Nam Trương Tấn Sang đã bác bỏ đòi hỏi chủ quyền với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, còn gọi là “đường lưỡi bò”. Ông nói: “Chúng tôi không tìm thấy bất cứ cơ sở pháp lý hay khoa học nào đối với một đòi hỏi như thế và như vậy chủ trương của Việt Nam bác bỏ đòi hỏi chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là hợp lý”. Đây là một trong những lần ít ỏi mà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam trực tiếp phát biểu một cách thẳng thắn trước cử tọa quốc tế về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang từ chối đưa ra bình luận về khả năng Việt Nam sẽ liên kết với Philippines trong việc đưa các tranh chấp với Trung Quốc ra trọng tài quốc tế để xét xử dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ông nhắc lại: ”Là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Philippines có toàn quyền theo đuổi vụ kiện như họ muốn”.

Bình luận sau sự kiện này tại CSIS, Đại sứ Philippines tại Mỹ, Jose L. Cuisia, Jr cho biết: "Việc Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước, có thể chia sẻ tầm nhìn của mình với cả Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế là điểm tốt". Khi được hỏi về việc Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa tranh chấp chủ quyền mà Philippines đưa ra Liên Hợp Quốc, ông Jose L. Cuisia nói "Thực ra Trung Quốc không tham gia vụ kiện này nên quá trình xử sẽ được rút ngắn lại, nhưng nó có thể mất khoảng 2 đến 3 năm.

Hiện cả Philippines và Việt Nam đều đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngoài khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giảm bớt ít nhiều, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam tháng 6/2013, và 2 nước đã đồng ý thiết lập đường dây nóng để giải quyết những xung đột nhằm tránh căng thẳng leo thang.

+ CRI, RFI - 28/7: Phillipines sử dụng Vịnh Subic để triển khai lực lượng nhanh chóng ra Biển Đông.

Ngày 28/7, trả lời phỏng vấn hãng tin AP qua điện thoại, BTQP/Philippines Voltaire Gazmin đã xác nhận kế hoạch di dời các căn cứ không quân và hải quân chính của nước này đến một căn cứ tại Vịnh Subic ở phía Bắc Manila. Kế hoạch di dời sẽ được xúc tiến ngay sau khi ngân sách dùng và việc này được phê duyệt.

Một tài liệu mật của BQP/Philippines mà hãng AP có được bản sao cho biết, vị trí chiến lược của căn cứ Subic sẽ cho phép thu ngắn thời gian di chuyển của máy bay chiến đấu được tung ra các khu vực ngoài Biển Đông. Từ Subic bay đi, máy bay chiến đấu của Philippines sẽ tiết kiệm được 3 phút so với khi cất cánh từ sân bay Clark cũng nằm ở phía Bắc Manila, nơi đang đặt một số máy bay của không quân Philippines.

Được biết, đây nguyên là một căn cứ của Hải quân Mỹ nhìn ra Biển Đông, được cải sửa thành một cảng thương mại sau khi lực lượng Mỹ rút đi vào năm 1992. Theo ông Gazmin, Vịnh Subic là một cảng nước sâu tự nhiên, có khả năng làm bản doanh cho hai tàu chiến lớn mà Philippines đã nhận được gần đây từ tay Mỹ. Cảng Subic do đó thuận tiện hơn nhiều so với khu vực nước nông tại tỉnh Cavite, phía nam Manila.

Trong khi đó, ngày 26/7, Hạm đội Nam Hải hải quân Trung Quốc đã tổ chức tập trận sử dụng vũ khí thực tế trong môi trường điện từ trên Biển Đông. Trọng điểm diễn tập gồm các khoa mục như chỉ huy tác chiến trên biển dựa theo hệ thống thông tin, tấn công hoả lực tầm xa trên biển hợp đồng nhiều binh chủng, phòng không chống tên lửa tổng hợp…

+ RFI - 28/7: Du khách Trung Quốc phá hoại sinh vật biển Hoàng Sa khiến công chúng tức giận.

Nhiều tháng sau khi Bắc Kinh mở ra các tour du lịch tại Hoàng Sa, thái độ của các du khách Trung Quốc tại đây đang bị lên án. Những tấm ảnh những người khách này đang xâm hại các sinh vật biển quý hiếm tại Hoàng Sa, từ ngày 26/7 đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích gay gắt trên các diễn đàn mạng Trung Quốc. Họ lo ngại các đảo tại Biển Đông có thể sẽ bị ngành du lịch phá hoại.

Trong các tấm ảnh được đăng trên mạng, người ta thấy một nhóm người lặn biển tại một hòn đảo ở Hoàng Sa sục sạo dưới đáy biển tìm bắt những con cầu gai và sao biển. Những sinh vật biển này sau đó trở thành món sashimi và cầu gai hấp trong bữa ăn tối của họ.

Trong nhiều hình khác, khách du lịch Trung Quốc khoe khoang đã thưởng thức món thịt trai tai tượng khổng lồ, ốc Anh Vũ, các loài nhuyễn thể lớn có nguy cơ tuyệt chủng, được Công ước về buôn bán các loài hoang dã đang nguy cấp (CITES) bảo vệ.

Tin Tổng hợp