+ RFA - 21/6: Hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức tại Biển Đông”. Ngày 20/6, tại Bangkok, TL, đã diễn ra hội thảo quốc tế về Biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Á châu của Ấn Độ - CASS - India phối hợp với Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, TL tổ chức, đã diễn ra với chủ đề “Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và CÁ - TBD”. Hội thảo quy tụ khoảng 100 người tham dự gồm đại diện một số ĐSQ các nước ở TL, những người quan tâm, báo chí và sinh viên… Số diễn giả gồm 16 vị là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia chính trị và quân sự từ các nước Ấn Độ, TL, Singapore, Malaysia, Lào, CPC, Myanmar, NB, VN, ĐL và TQ.

Có thể phân chia các vấn đề được những diễn giả trình bày ra các nhóm là quan điểm, chính sách của các quốc gia trong khu vực đối với vấn đề Biển Đông; thứ hai là thực trạng diễn tiến tại Biển Đông lâu nay trở thành thách thức cho khu vực thế nào; thứ ba giải pháp giải quyết mà trọng tâm là sự đoàn kết của các nước trong khối ASEAN.

Trong hầu hết những trình bày của các diễn giả tham gia hội thảo đều nói đến những hành động của TQ đang ngày càng quyết liệt ở khu vực Biển Đông. Phân tích cho sự quyết liệt ngày càng gia tăng như thế, Phó giáo sư tiến sĩ Chulacheeb Chinwano của TL nêu lên những thành tựu về mặt kinh tế của nước này và từ đó họ hiện đại hóa quân đội và tiến hành những hoạt động tại những vùng biển khác nhau như ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo ông này thì trước đây, TQ là một quốc gia tuân theo luật lệ của thế giới, nhưng trong tương lại họ muốn trở thành người làm luật.

Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, trưởng ban Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu ĐNÁ, thuộc Viện Khoa học Xã hội VN cũng trình bày lại những hoạt động bị cho là quyết liệt của TQ. Ông cho rằng chính sách nhất quán của TQ là dần dần độc chiếm Biển Đông.

Diễn giả TQ, bà Tô Hiểu Huy, phó giám đốc Ban Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Viện Nghiên cứu Quốc tế của TQ, phản bác lại cho rằng TQ không hề hành động quyết liệt mà tất cả những việc làm của TQ chỉ là phản ứng đối với những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải nằm trong đường chín đoạn của TQ. Bà này nêu ra một loạt những cáo buộc mà chính quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại lâu nay. Bà nói rằng hình ảnh của TQ bị bóp méo, và gây chia rẽ trong khối ASEAN.

Có cử tọa nêu vấn đề đường chín đoạn của TQ, bà Tô Hiểu Huy cho rằng ngay tại TQ cũng đang có bàn cãi về đường này và TQ muốn có thời gian để nói chuyện song phương với từng bên liên quan về vấn đề đường chín đoạn. Diễn giả của VN, tiền sĩ Võ Xuân Vinh yêu cầu nêu ra những cơ sở pháp lý thì bà cho biết từ năm 1947, TQ có bản đồ với đường này và cả mấy chục năm không thấy nước nào nói gì sao gần đây mới phản bác.

+ RFA, RFI, BBC - 21, 22/6: Lần đầu tiên, lãnh đạo Quân đội Việt Nam thăm Bộ Quốc phòng Mỹ. Vào lúc CTN/VN Trương Tấn Sang công du TQ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, đã có chuyến thăm lần đầu tiên tới Lầu Năm Góc hôm 20/6. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuyến đi Mỹ của người đứng đầu lực lượng vũ trang VN từ 17/6 - 22/6.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, chuyến đi “là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng lên một bước mới”. Ông bày tỏ hy vọng hai bên tiếp tục triển khai bản Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quốc phòng đã ký. Ông còn khẳng định VN “sẽ làm hết sức mình” để thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ.

Tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Đỗ Bá Tỵ đã có cuộc gặp với Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Tuy không có chi tiết nào đột phá nhưng một điểm đáng chú ý, là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN đã đề nghị hai nước "tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương” để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, "trước hết trong cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước đối tác”, trong có TQ.

Về phần mình, Đại tướng Martin Dempsey bày tỏ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Ông cũng nói Mỹ mong muốn ASEAN và TQ sớm xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Nhân vật lãnh đạo quân đội VN đến thăm Lầu Năm Góc một ngày sau khi Mỹ kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hội thông qua tu chính án Case-Church cấm Mỹ tiếp tục hành động quân sự tại VN - có hiệu lực từ ngày 15/8/1973. Chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ của tướng Đỗ Bá Tỵ cũng phản ánh quan hệ ngày càng được cải thiện giữa hai nước.

Sau Mỹ, ông Đỗ Bá Tỵ sẽ đi thăm Pháp từ 23 đến 26/6.

Dự kiến, một thứ trưởng quốc phòng VN khác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng sẽ thăm Mỹ ngày 26/6 nhằm thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình của VN.

Các hoạt động ngoại giao quốc phòng dồn dập trong tháng 6/2013 cho thấy VN tiếp tục chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Giới quan sát nói ĐCS/VN đang tăng cường quan hệ với Mỹ nhưng cũng không muốn gây mất lòng TQ.

+ BBC, RFI, VOA - 22/6: Trung Quốc - Philippines: Biển Đông. Phản ứng về việc ngày 19/6, BTQP/PLP Voltaire Gazmin cho hay Manila đã điều một toán thủy quân lục chiến mới và đồ tiếp liệu tới Bãi Cỏ Mây, trong cuộc họp báo ngày 21/6, tại Bắc Kinh, NFN/BNG/TQ Hoa Xuân Oánh nói “Quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia của TQ là kiên định bất di bất dịch” và sẽ không bao giờ chấp nhận việc PLP chiếm đóng bất hợp pháp Bãi Cỏ Mây. Bà Hoa nói TQ yêu cầu phía PLP dừng ngay các thông cáo và hoạt động “khiêu khích”, “cùng TQ hướng tới một mục tiêu và có nỗ lực giữ gìn hòa bình ổn định tại Nam Hải (Biển Đông), cũng như tăng cường hợp tác”.

Theo nhận định của Reuters, đây có thể là điểm nóng tại Biển Đông buộc Mỹ phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh của mình tại ĐNÁ.

+ BBC, RFA - 22/6: Việt - Trung: Tuần tra chung hải quân. Chiều 22/6 tại Đà Nẵng, hai tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012), hai tàu chiến hiện đại nhất của VN, đã rời quân cảng Vùng 3 Hải quân, tham gia tuần tra chung với hải quân TQ trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Biên đội tàu của hải quân VN cũng sẽ thăm, giao lưu với Hạm đội Nam Hải tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Châu vào ngày 25/6. Đây là chuyến tuần tra lần thứ 15 giữa hai nước, nhưng là lần đầu tiên có hai chiến hạm hàng đầu của VN tham gia.

Theo Bộ Quốc phòng VN, chuyến đi lần này nhằm “xây dựng lòng tin lẫn nhau, tăng cường quan hệ hợp tác vì sự ổn định, hòa bình của khu vực”.

Lần đầu tiên hai tàu hộ vệ tên lửa của VN sang TQ ngay sau chuyến công du của CTN Trương Tấn Sang khiến giới quan sát cho rằng VN đã có những quyết định thắt chặt quan hệ sâu hơn với TQ.

+ Tin từ Trung Quốc - 23/6: Trung Quốc in sách về Tam Sa. Nhân 1 năm thành lập “thành phố Tam Sa”, Nhà xuất bản Nhân dân của TQ gần đây đã xuất bản tập sách “Thành phố Tam Sa TQ”.

Cuốn sách do chuyên gia về vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Sử địa biên cương TQ, Viện Khoa học Xã hội TQ, Lý Quốc Cường viết.

Tập sách đã giới thiệu toàn cảnh về 7 phương diện của “Tam Sa” như: hoạch định khu vực hành chính; sự phát triển và thay đổi của lịch sử; nguồn tài nguyên tự nhiên; đảo ở “Tam Sa”; xây dựng quốc phòng; tranh chấp “Nam Hải”. Ngoài ra, tập sách này còn đưa thêm vào 5 bức bản đồ do nhà xuất bản bản đồ Tinh Cầu làm ra: “bản đồ thành phố Tam Sa”, “quần đảo Tây Sa” (Hoàng Sa), “quần đảo Trung Sa”, “quần đảo Nam Sa” (Trường Sa), “bản đồ ảnh đảo Vĩnh Hưng”, thể hiện rõ ràng chân thực vị trí địa lý của thành phố “Tam Sa” và địa mạo “Nam Hải” chư đảo.

+ Tin từ Trung Quốc - 23/6: Trung - Việt đoàn kết, hợp tác có lợi cho hoà bình, ổn định ở “Nam Hải”(Biển Đông) (Mạng TQ - 23/6): Lãnh đạo hai nước Trung - Việt đã hạ quyết tâm chỉ đạo và thúc đẩy việc giải quyết chính trị vấn đề “Nam Hải”. “Thông Tấn xã Đài Loan” ngày 20/6 dẫn nguồn báo chí VN cho biết, CTN/VN, Trương Tấn Sang và CT/TQ, Tập Cận Bình khi trao đổi ý kiến về vấn đề “Nam Hải” đã nhất trí cho rằng, hai bên nên duy trì cơ chế đối thoại, tuân thủ nghiêm túc Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ, v.v.

Do tranh chấp lãnh thổ ở “Nam Hải”, TQ và VN, PLP đã xảy ra đối đầu trực tiếp. Ngoài ra, một số quốc gia như: Bru-nây, Ma-lai-xi-a,v.v. cũng tham dự vào vấn đề này, làm cho khu vực này trở thành “điểm xung đột quân sự lớn nhất” tiềm tàng ở châu Á. Có điều, khi chuyến đi Bắc Kinh của CTN/VN Trương Tấn Sang sắp kết thúc, dưới sự nỗ lực của TQ, hai nước Trung, Việt đã cam kết áp dụng lập trường hoà dịu hơn.

Như vậy, trên thực tế TQ đã phân hoá thành công cái vốn bị cho là “liên minh Phi, Việt đối đầu TQ tại “Nam Hải”, làm cho PLP từ nay một tay chẳng vỗ thành tiếng. Từ cục diện “Nam Hải” mà nói, PLP manh động nhất, đi đầu trong việc đối đầu với TQ ở mọi chỗ, quốc gia có thể nói là có lực lượng vũ trang yếu nhất tại “Nam Hải” này không chỉ vô cùng cứng rắn hơn nữa còn có thể nói không với TQ. Nhưng, ai cũng biết, lực lượng vũ trang PLP cơ bản không chịu được một đòn.

Là quốc gia xâm chiếm nhiều đảo, bãi của TQ ở “Nam Hải” nhất, VN có lúc tương đối to tiếng nhưng lại không muốn xông lên phía trước, đa phần cố ý lui lại phía sau PLP để trợ uy, đây cũng là chỗ thông minh của VN so với PLP. VN không xông lên phía trước đối đầu với TQ ở “Nam Hải”, không ngừng mời quân đội Mỹ đến thăm VN, liên tục mua vũ khi tiên tiến của Nga và có ý định cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh, trên thực tế VN muốn lôi kéo hai thế lực lớn là Mỹ và Nga vào “Nam Hải” để cân bằng với TQ. Từ đó có thể thấy sự lọc lõi trong việc chơi chiến thuật cân bằng của người VN, vừa xâm chiến một số lượng lớn đảo, bãi, vừa làm cho TQ không dám vọng động. Có điều, vị trí địa lý của VN không giống như PLP, bởi vậy VN cũng không thể làm thái quá.

Do VN và PLP có lợi ích tương đồng trong vấn đề “Nam Hải”, bởi vậy hai nước Việt, Phi tình đầu ý hợp, nhiều lần âm mưu cùng đối phó TQ tại diễn đàn quốc tế, càng muốn nỗ lực làm vấn đề “Nam Hải” quốc tế hoá. Đặc biệt là tại các hội nghị ASEAN những năm gần đây, PLP dẫn đầu, VN theo sau đã nhiều lần làm cho những hội nghị này cận kề đổ vỡ, nếu không phải là ngoại giao TQ ra tay mạnh, rất có khả năng âm mưu của Phi, Việt thành công.

Nhưng nếu để cho hai nước Phi, Việt đối đầu với TQ ở mọi lúc mọi nơi, lúc đó TQ sẽ rất bị động, mệt nhọc vì ứng phó. Bởi vậy, đối với TQ mà nói, biện pháp thông minh nhất là chia để trị. Đặc biệt, hai nước Trung - Việt là láng giềng, đối tác của nhau, quan hệ hai nước từ góc độ lịch sử, địa lý và hiện tại đều quan trọng đối với cả hai. Hơn nữa, trong tình hình trước mắt, tính bổ trợ lẫn nhau của kinh tế hai nước mạnh, không gian hợp tác thiết thực rộng. Nếu hai nước dựa trên tinh thần đồng chí anh em tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị, thông qua hiệp thương hữu nghị để khống chế và giải quyết vấn đề trên biển, tuần tự tiệm tiến thúc đẩy việc hợp tác trên biển, thu hẹp bất đồng, việc này vô cùng có lợi cho việc giải quyết dứt điểm vấn đề “Nam Hải”.

Có thể nói, trong vấn đề tranh chấp “Nam Hải”, nếu VN không trợ giúp PLP hoặc không hưởng ứng với việc làm ồn của PLP thì PLP có làm như thế nào cũng không thể gây ra sóng lớn. Nếu hai nước TQ và VN áp dụng thái độ hợp tác tích cực, thì cho dù là Mỹ quay trở lại CÁ - TBD hay là Mỹ và PLP hợp tác quân sự, TQ đều có thể ung dung ứng phó.

+ Tin từ Nam Ninh, BBC - 23/6: Việt - Trung. BTNG/VN Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về chuyến thăm TQ của CTN Trương Tấn Sang cho biết, chuyến thăm đã thực sự là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, định hướng cho tương lai hợp tác hữu nghị và rộng mở giữa VN và TQ, phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực. Ông nhấn mạnh: Kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước và các nhà Lãnh đạo cấp cao TQ đã trao đổi và đạt được nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - TQ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Về những vấn đề trên biển, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, qua trao đổi thẳng thắn, hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ.

BBC bình luận: Chuyến thăm TQ của CTN/VN Trương Tấn Sang phản ánh mong muốn cải thiện quan hệ gần gũi, nhưng phức tạp và thường dễ căng thẳng giữa hai nước. Tuyên bố chung đưa ra sau chuyến thăm nói hai nước tiếp tục kiên trì phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Theo nhà nghiên cứu Zhang Mingliang ở Đại học Tế Nam, cả hai nước muốn dùng chuyến thăm của ông Sang để cải thiện “niềm tin chiến lược” vốn ở mức thấp.

Ngày 21/6, khi chuyến thăm kết thúc, tờ Thời báo Hoàn cầu của TQ nhận định VN, PLP và Nhật Bản là các nước có tranh chấp biển với Bắc Kinh, “nhưng VN có nền tảng chính trị vững chắc nhất cho đàm phán. Nếu TQ và VN có thể kiềm chế tranh chấp ở mức độ kiểm soát được, thì chắc chắn sẽ có giải pháp hòa bình. Khác với PLP, thực thi đối đầu ngoại giao hoàn toàn với TQ, VN đang duy trì lập trường phát triển quan hệ thân thiện với TQ. VN sẽ không bao giờ thực sự trở nên quân cờ của Mỹ”.

Tờ báo kết luận: “TQ cần tỉnh táo, kết hợp sức mạnh quốc gia và khôn ngoan ngoại giao để đánh thức VN. Khi đó TQ sẽ có lợi thế ở Nam Hải (Biển Đông) và trong trò chơi của các đại cường”.

+ BBC, VOA - 24/6: Ký kết Việt - Trung “không hại chủ quyền”. Ngày 24/6, ngay sau khi trở về từ Bắc Kinh, CTN/VN Trương Tấn Sang đã có cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1, Tp. HCM và cho biết thỏa thuận hợp tác trên biển vừa ký với TQ “không phương hại đến chủ quyền”. Ông nói chuyến thăm tập trung ba chủ đề lớn: quan hệ song phương, hợp tác thương mại và vấn đề Biển Đông.

Về tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa, CTN/VN cho biết: “Chúng ta đã nhắc lại với phía TQ lập trường của VN, và phía TQ cũng nhắc lại lập trường của họ.”

Đây là lần hiếm hoi một lãnh đạo cao cấp nhất của VN công khai giải thích các vấn đề biển đảo ngay sau chuyến thăm TQ.

Trong Tuyên bố chung Việt - Trung tổng kết chuyến thăm TQ của CTN Trương Tấn Sang gồm 8 điểm, hai bên đã nhắc đi nhắc lại từ “nhất trí” gần 30 lần về nhiều vấn đề kể cả vấn đề Biển Đông.

Trả lời báo VN về chuyến thăm TQ của CTN Trương Tấn Sang, BTNG Phạm Bình Minh xác nhận quan điểm rằng “tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước”.

Tuy nhiên có sự khác biệt chút ít trong các văn kiện và phát biểu hai bên lần này về tình hữu nghị hai bên so với chuyến thăm trước của TBT Nông Đức Mạnh sang TQ (30/5 - 2/6/2008). Khi đó, văn bản mà BNG/VN công bố đặt Đảng và Nhà nước lên trước khi nói về “tài sản chung quý báu” là tình hữu nghị Việt - Trung. Nhưng trong các phát biểu lần này, có vẻ như hai bên đồng ý với nhau rằng tình hữu nghị giữa hai Đảng và Nhà nước cần được triển khai đi sâu vào nhân dân hai nước.

Còn so với Tuyên bố chung lần trước, đánh dấu chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng sang TQ năm 2011 thì văn bản lần này cũng giảm bớt những cụm từ mang tính gắn bó lịch sử như “đời đời, truyền mãi”.

Cụm từ Hán Việt mà TQ thường dùng là “coi trọng đại cục, hiệp thương hữu nghị” cũng được nêu ra để nhằm vào các vấn đề “còn tồn tại” trong quan hệ hai nước.

+ Tin từ Bắc Kinh, Thượng Hải - 24/6: Mạng “Bình luận Trung Quốc” và Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/6 đăng bài “Chủ tịch nước Việt Nam thăm Trung Quốc có giúp cho việc xử lý vấn đề trên biển giữa hai nước Trung - Việt?”. Nội dung chính như sau:

Chính sách đối ngoại của VN đối với TQ lâu nay vẫn là thực hiện tách biệt giữa hợp tác kinh tế và vấn đề trên biển. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung đang ngày càng chặt chẽ, song hành động đơn phương của VN trong vấn đề trên biển cũng ngày càng nhiều, dẫn đến tranh chấp giữa hai nước ngày một gay gắt, các vụ cọ sát liên tiếp tăng lên. Cách làm của VN trong xử lý vấn đề tranh chấp cũng luôn là thực hiện tách biệt giữa nói và làm. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước không hề gián đoạn, nhận thức chung về vấn đề trên biển cũng không thể gọi là ít, song nhận thức chung vẫn cứ là nhận thức chung, trong hành động thực tế VN không quan tâm đến điều này, liên tiếp đơn phương hành động dẫn đến tranh chấp căng thẳng. VN một mặt không ngừng xâm phạm Biển Đông, một mặt tăng cường tuyên truyền trong nước, đưa ra chứng cứ chủ quyền, tạo dư luận đối với quốc tế, lôi kéo các thế lực liên quan để tìm sự ủng hộ.

Ngoài ra, từ nội dung trả lời phỏng vấn của CTN/VN Trương Tấn Sang trên báo chí VN đề cập đến việc nhiều ngư dân ven biển của VN dựa vào ngư trường truyền thống “Nam Hải” (Biển Đông) đánh bắt để mưu sinh, từ nay về sau cần quan tâm đầy đủ đến ngư dân. Liên tưởng đến năm nay tàu cá VN không ngừng xâm nhập vào vùng biển “Tây Sa” đánh bắt phi pháp, phát biểu lần này của Trương Tấn Sang có thể báo trước việc sẽ có tàu cá VN tiếp tục xâm phạm vùng biển “Tây Sa” (Hoàng Sa).

Mặc dù báo chí VN nhấn mạnh, chuyến thăm của CTN/VN Trương Tấn Sang đã thể hiện chính sách và chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ VN trong việc làm sâu sắc quan hệ Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển thực chất, có lợi cho hợp tác cùng có lợi giữa hai nước, song mục đích của chuyến thăm e rằng không chỉ có vậy, không chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại. Về vấn đề trên biển, mặc dù có thể đạt được nhận thức chung với TQ, mặc dù vẫn ra tuyên bố chung như những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao trước đây, song VN tiếp tục áp dụng phương pháp tách biệt giữa hợp tác kinh tế và vấn đề trên biển, e rằng sẽ không thay đổi cách làm lời nói không đi đôi với việc làm.

+ RFI - 24/6: Biển Đông : Bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước áp lực Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Mỹ cho rằng nội dung Tuyên bố chung thiếu vắng hai yếu tố quan trọng là COC và UNCLOS chỉ là một bước lùi chiến thuật của VN trước sức ép của TQ vốn không muốn đề cập đến các vấn đề đa phương trong một văn kiện đúc kết một chuyến thăm mang tính chất song phương. Đồng thời với bước lùi chiến thuật đó, VN lại mở hướng về phía Mỹ.

Theo giáo sư Long, nhân chuyến công du TQ của chủ tịch nước VN, trong thực tế, hai bên đã thảo luận rất nhiều về tranh chấp Biển Đông, nhưng trong tư cách nước chủ nhà, Bắc Kinh là phía chịu trách nhiệm soạn thảo bản Tuyên bố chung, và đã tranh thủ tư thế này để “nêu bật: những yếu tố song phương và “ém đi” các vấn đề đa phương.

Trước việc TQ không muốn nêu lên các vấn đề đa phương trong bản Tuyên bố chung, VN đã phải tạm thời ép mình, nhưng điều đó không có nghĩa là VN từ bỏ việc thúc đẩy các đòi hỏi liên quan đến COC, chắc chắn sẽ được nêu lên tại các diễn đàn của khối ASEAN sắp tới đây.

Còn về phần UNCLOS, dù không được nêu lên trong Tuyên bố chung Việt - Trung, nhưng sự kiện đó hoàn toàn không có nghĩa là văn kiện quốc tế mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều ký kết đó không tồn tại.

Điều quan trọng là cùng lúc với chuyến công du TQ của chủ tịch nước VN, thì người đứng đầu quân đội VN - Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - đến thăm Lầu Năm Góc, trong một nỗ lực mở cửa về phía Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, với hy vọng củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng, đồng thời khuyến khích được Mỹ dấn thân mạnh mẽ hơn vào việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử cho vùng Biển Đông.

 Tin từ Nam Ninh, BBC, VOA, RFI - 25/6: Việt Nam - Thái Lan. Ngày 25/6, TBT/ĐCS/VN Nguyễn Phú Trọng đã đến Bangkok, bắt đầu chuyến thăm chính thức TL trong 3 ngày, cùng với một phái đoàn tháp tùng đông đảo tới gần 100 người, trong đó có Phó TTg Nguyễn Xuân Phúc, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, BTNG Phạm Bình Minh, BT Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, BT Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền…

Báo VN ngày 25/6 cho hay ông Nguyễn Phú Trọng đã thỏa thuận với TTg Yingluck Shinawatra thiết lập quan hệ đối tác chiến lược VN - TL với 5 nội dung chính, bao gồm quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế, lãnh đạo VN và TL được tường trình đã nhất trí giao các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hai thủ tướng của chính phủ hai nước có thể ký kết chính thức tại cuộc họp nội các chung dự kiến nhóm vào tháng 10/2013 tại TL.

Báo VN cũng cho hay hai nước đã cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 bên cạnh các hợp tác khác như lao động, việc làm, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông... Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tạo điều kiện, khuyến khích giới đầu tư TL đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.

Tại cuộc hội đàm, ông Nguyễn Phú Trọng và bà Yingluck Shinawatra cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề của khối ASEAN và an ninh khu vực, đặc biệt về an ninh và xử lý tranh chấp trên Biển Đông, theo báo trong nước. “Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm lần này, TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ với hội kiến với Quốc vương TL Bhumibol và tiến hành các cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện cũng như Hạ viện TL. Ngoài ra, Tổng Bí thư sẽ đến Đại học Thammasat ở Bangkok để nhận bằng tiến sĩ danh dự về khoa học chính trị. Lãnh đạo VN cũng đi thăm tỉnh Nakhon Phanom, nơi có một cộng đồng khoảng 100.000 người gốc Việt.

Như vậy, TL đã trở thành một trong các đối tác chiến lược mới nhất của VN. Tầm quan trọng của VN đã được Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Thái, ông Pichayaphant Charnbhumipol, nhấn mạnh khi ông khẳng định rằng VN là quốc gia ĐNÁ đầu tiên mà TL ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược như vậy.

Theo báo chí TL, Quan hệ kinh tế song phương VN - TL đã đặc biệt phát triển trong những năm gần đây. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều xấp xỉ 10 tỷ USD năm 2012, và có thể tăng lên thành 15 tỷ USD từ nay đến năm 2020. TL cũng nằm trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào VN, với các đề án lớn trong lĩnh vực năng lượng.

Điểm nổi bật được Nhật báo Thái Lan The Nation ngày 25/6 nêu lên là TL đang vươn lên thành điểm du lịch rất được ưa chuộng của người VN. Trích dẫn số liệu của ngành du lịch Thái, The Nation cho biết là vào năm 2012 đã có hơn 600.000 du khách VN đến thăm TL. Kỷ lục này sẽ bị phá trong năm nay, vì mới trong 5 tháng đầu năm, lượng khách VN đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012. Một trong những số liệu chứng tỏ sức hút của TL đối với người VN là đà gia tăng các chuyến bay nối liền hai nước, đã vượt mức 100 chuyến mỗi tuần.

Trong lĩnh vực ngoại giao, TL hiện đang đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với VN vì là nước được giao trách nhiệm điều phối viên quan hệ ASEAN - TQ trong năm nay. Trong tư cách này, Bangkok đã đề nghị một cuộc họp nội bộ của ASEAN vào tháng 8/2013 để thống nhất quan điểm về Biển Đông, đặc biệt là về Bộ quy tắc ứng xử COC, chuẩn bị cho cuộc họp ASEAN - TQ một tháng sau đó.

Vấn đề đặt ra đối với TL là nước này thường bị nghi là thân TQ, lại không có lợi ích gì ngoài Biển Đông, cho nên đã thiếu tích cực trong việc xem xét hồ sơ này. Trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của TL vào năm 2009, vấn đề Biển Đông hầu như không được đề cập đến, cho dù năm đó là năm đánh dấu thái độ càng lúc càng hung hăng của Bắc Kinh đối với với các nước ĐNÁ tranh chấp chủ quyền ngoài Biển Đông với TQ.

+ Tin từ Bắc Kinh, Nam Ninh - 25/6: Trung Quốc: Biển Đông (Mạng Tân Hoa - 25/6): Ngày 25/6, tàu lặn “Giao Long” có người lái TQ khởi hành từ Hạ Môn, đến tác nghiệp tại khu Hải Sơn Nam Hải, dự kiến chiều 26/6 sẽ đến vùng biển tác nghiệp dự định. Tin cho biết, sau khi đến khu Hải Sơn Nam Hải, tàu lặn "Giao Long" sẽ quyết định thời gian lặn cụ thể theo tình hình trên biển. Chuyến đi ứng dụng thử nghiệm đầu tiên của tàu lặn "Giao Long" bắt đầu từ ngày 10/6, chia làm 3 giai đoạn, dự kiến với thời gian hơn 110 ngày. Giai đoạn thứ nhất triển khai thử nghiệm hệ thống định vị tại Nam Hải và chương trình khoa học đáy biển Nam Hải, tiến hành điều tra hệ thống sinh thái, sinh vật và địa hình dưới đáy biển.

Tại buổi họp báo thường kỳ của BNG/TQ ngày 25/6, NFN/BNG/TQ Hoa Xuân Oánh đã trả lời câu hỏi phóng viên:

AFP: Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Brunei đã kêu gọi các bên liên quan đạt được COC vào cuối năm nay. Phía TQ có ủng hộ lời kêu gọi của Brunei không? Lập trường của TQ đối với COC như thế nào?

Hoa Xuân Oánh: Về vấn đề ký kết COC, phía TQ luôn duy trì thái độ cởi mở và hơn nữa luôn duy trì sự nối kết thông suốt, hiểu biết hữu hiệu với các quốc gia liên quan của ASEAN. TQ luôn cho rằng, trong tình hình hiện nay, các bên cần duy trì thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, duy trì đà đối thoại, tích cực tạo điều kiện, trên cơ sở hiệp thương để nỗ lực cuối cùng hướng tới đạt được bộ quy tắc. Nếu ông chú ý, cũng có thể thấy rằng, cách đây không lâu, ngày 29/5, TQ và ASEAN đã tổ chức phiên họp của nhóm công tác chung lần thứ 8 về thực hiện DOC tại Bangkok, TL. Các bên tham dự cũng thảo luận làm thế nào thúc đẩy về COC, tăng hiểu biết giữa các bên. Các bên cũng bày tỏ mong muốn căn cứ các nhận thức chung đã đạt được, trong quá trình thực hiện toàn diện hiệu quả DOC, để thúc đẩy vững chắc tiến trình Bộ quy tắc. TQ mong muốn cùng với các bên duy trì mối quan hệ và hiệp thương mật thiết.

Mạng Môi trường TQ dẫn nguồn báo Môi trường TQ cho biết, trạm Trung tâm Giám sát môi trường tỉnh Hải Nam gần đây đã tiến hành điều tra, giám sát chất lượng môi trường của 23 đảo, đá chính và vùng biển xung quanh của quần đảo “Tây Sa”, thành phố “Tam Sa” như: đảo “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm), đảo “Cam Tuyền” (đảo Hữu Nhật), đảo Thạch...

Lần này ngoài việc điều tra, giám sát đối với các yếu tố và hạng mục như: môi trường không khí, tạp âm môi trường, chất lượng nước, sinh vật trầm tích biển, sinh vật biển.vv.. còn tiến hành điều tra thực địa đối với việc quan trắc định vị bãi đá san hô.vv.. Điều tra giám sát rõ tình trạng sinh thái và chất lượng môi trường quần đảo “Tây Sa”, thành phố “Tam Sa”, cung cấp sự trợ giúp về mặt khoa học cho việc quản lý môi trường, bảo vệ sinh thái và lập ra kế hoạch khai thác xây dựng thành phố “Tam Sa”, đồng thời đặt nền móng cho việc triển khai quan trắc viễn thám biển “Nam Hải”

Tờ Tin tức Tham khảo ngày 25/6 đưa tin, ngày 21/6, mạng The Jamestown Foundation của Mỹ đăng bài viết với tựa đề “bãi đá Nhân Ái có thể trở thành điểm nóng tiếp theo ở Nam Hải (Biển Đông) cho biết, bãi đá “Nhân Ái” cách đảo Palawan PLP 105 hải lý là cửa lớn chiến lược thông sang bãi “Lễ Nhạc”, nơi chứa dầu khí và khí đốt, PLP coi khu vực này thuộc “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của PLP”

Đầu tháng 5, Manila phản đối hai tàu tuần tra và một tàu Hải quân TQ tuần tra xung quanh bãi đá “Nhân Ái”, đồng thời tố cáo các tàu này cản trở việc vận chuyển tiếp tế cho quân đội đồn trú trên bãi đá “Nhân Ái” của PLP.

Bài viết chỉ ra, sau khi khống chế thành công đảo Hoàng Nham, chuyên gia TQ khen ngợi hành động này là hành động nhanh nhạy trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của TQ. Mấy tuần gần đây, đã có một số tiếng nói kêu gọi sử dụng chiến lược thành công này cho bãi đá “Nhân Ái”. Thiếu tướng không quân, Trương Triệu Trung kiến nghị áp dụng chiến lược “bắp cải” để đối phó với vấn đề bãi đá “Nhân Ái”, TQ có thể dùng từng tầng từng lớp tàu của TQ để bao vây bãi đá “Nhân Ái”.vv.. Chuyên gia khác cho rằng, nếu chiến lược này thất bại, TQ có thể tính toán kéo tàu mắc cạn này ra khỏi bãi đá “Nhân Ái”, do sự hiện diện của hải quân vũ trang PLP, hành động này có thể dẫn đến xung đột.

Bài viết cho rằng, tuy gần đây Washington đã tăng cường viện trợ quân sự đối với PLP, tuy nhiên còn một việc chưa rõ là nếu bãi đá “Nhân Ái” bị “xâm phạm”, Mỹ liệu có cần phải cung cấp viện trợ cho PLP. Ví dụ vụ đảo Hoàng Nham năm 2012, Mỹ điều một hàng không mẫu hạm đến khu vực này, ủng hộ tượng trưng đối với Manila nhưng không thực sự tiến hành can dự.

Sự kiện đảo Hoàng Nham năm 2012 có ảnh hưởng sâu sắc. Bắc Kinh hiển nhiên sẽ đưa những thứ học được từ sự kiện đảo Hoàng Nham vận dụng vào vấn đề bãi đá “Nhân Ái”. Về phía TQ, việc PLP ý đồ sửa lại con tàu bị mắc cạn 10 năm trước chỉ là một kiểu “khiêu khích”.

TQ cho rằng, Mỹ không muốn can dự để duy trì sự hiện diện của Manila tại bãi đá “Nhân Ái”. Suy nghĩ này khả năng là đúng. Washington sẽ tiếp tục phản đối sử dụng thủ đoạn uy hiếp để đơn phương làm thay đổi hiện trạng, nhưng tàu chiến của Mỹ có rất ít khả năng đối đầu trực tiếp với tàu chiến TQ vì một bãi đá ở “Nam Hải”.

Cách làm của TQ sử dụng tàu dân sự để làm thay đổi hiện trạng ở “Nam Hải” và Đông Hải đã tạo nên “thách thức” nghiêm trọng đối với chính quyền Obama và chiến lược “Tái cân bằng” khu vực CÁ - TBD của Mỹ. Thanh danh “người bảo vệ” hòa bình ổn định khu vực này của Mỹ đang bị “thách thức”, đặc biệt là đối với NB và PLP, các nước ký kết đồng minh với Mỹ. Cho đến tận ngày hôm nay, Washington luôn thiếu một chiến lược hữu hiệu, kiềm chế hành động “ức hiếp” của TQ.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, ngày 24/6, tại Bắc Kinh, NFN/BNG/TQ Hoa Xuân Oánh cho biết, tàu chiến PLP "mắc cạn" tại bãi đá Nhân Ái (tức bãi cỏ Mây) do “trục trặc” năm xưa, TQ tiếp tục yêu cầu PLP kéo tàu ra khỏi bãi đá, nhưng PLP vẫn không thực hiện cam kết viện cớ vì nguyên nhân kỹ thuật. Việc tàu chiến "mắc cạn" không hình thành sự chiếm đóng phi pháp đối với bãi đá Nhân Ái, TQ quyết không chấp nhận PLP xâm chiếm trái phép bãi đá Nhân Ái dưới bất cứ hình thức nào. NFN Hoa Xuân Oánh cho biết, TQ một lần nữa thúc giục PLP thiết thực thực hiện cam kết, không áp dụng hành động khiêu khích làm cho tình hình càng thêm phức tạp, đóng góp xứng đáng cho giữ gìn hoà bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông.

Tổng hợp