+ Mỹ - 17/9: Ngày 16/9, TNS Robert Menendez (đảng Dân chủ - bang New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã có bài viết “Vai trò của Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ ở châu Á”, đăng trên Wall Street Journal, nội dung như sau:

Dưới lời tựa “Với tư cách là một quốc gia CÁ - TBD, Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc giúp đỡ các quốc gia phát triển một trật tự dựa trên luật lệ”, TNS cho rằng Hội nghị quan chức cao cấp giữa TQ và Hiệp hội các nước ĐNÁ sẽ diễn ra trong tuần này là một cơ hội quan trọng để đạt được tiến bộ hướng tới một trật tự dựa trên luật lệ cho khu vực CÁ - TBD. Theo chương trình nghị sự, một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ được bàn thảo. Mỹ có thể không được tham gia các cuộc tham vấn, nhưng Mỹ quan tâm sâu sắc và lâu dài đến sự thành công của bộ quy tắc này.

Trong những năm gần đây, Biển Đông và Biển Hoa Đông đã có những phát triển đáng báo động. Trong khi Mỹ không có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh, nhưng là một quốc gia CÁ - TBD, Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì ổn định ở khu vực. Mỹ quan tâm đến tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp .

Đầu năm 2013, có báo cáo cho rằng một tàu hải quân TQ có gắn radar định hướng vũ khí đã nhằm vào tàu hải quân NB. Tàu của chính phủ TQ gần đây đã bao vây đảo Second Thomas Shoal vốn thuộc quyền kiểm soát của hải quân PLP ở Biển Đông. VN cáo buộc TQ nhiều lần đâm và bắn vào tàu đánh cá của VN. Một thuyền đánh cá ĐL hoạt động trong vùng nước đang tranh chấp đã bị một tàu cảnh sát biển PLP bắn chết một ngư dân. Với các yêu sách đang xung đột và chủ quyền bị đe dọa, bất kỳ một vụ đụng độ nào cũng có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là Mỹ có thể làm gì để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và giúp các bên liên quan quản lý và giải quyết các tranh chấp hàng hải?

Trước hết, quan trọng là tất cả các bên kiềm chế. Việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Tuyên bố ASEAN - TQ về ứng xử năm 2002. Mỹ phải tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong các nỗ lực nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử để thiết lập quy tắc, đường hướng và các thủ tục rõ ràng giải quyết các bất đồng.

Thứ hai, sự lãnh đạo của Mỹ là vấn đề quan trọng ở châu Á và Mỹ nên hỗ trợ các bên trong khu vực xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng thích hợp để bất kỳ sự tham gia ngoài ý muốn của các lực lượng quân sự và bán quân sự trong khu vực này sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát . Việc lập "đường dây nóng" giữa TQ và VN gần đây là một bước đi đúng hướng đáng hoan nghênh.

Thứ ba, Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để cùng các quốc gia trong khu vực CÁ - TBD phát triển một thể chế có chức năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp thông qua quá trình hợp tác ngoại giao đa phương phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế. Mỹ không tham gia các cuộc thảo luận ASEAN - TQ nhưng Mỹ có thể và nên hỗ trợ thể chế hợp tác ngoại giao đa phương này để giúp quản lý tranh chấp biển.

Thứ tư, Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng an ninh hàng hải trong khu vực, bao gồm cả khả năng giám sát vùng biển. Các sáng kiến ​​như phát triển cơ chế phối hợp chung, quy trình vận hành, giám sát vùng biển và việc nâng cao năng lực cho cảnh sát biển là những ví dụ về các đối tác quan hệ mà Mỹ có thể cung cấp.

Thứ năm, Mỹ nên tiếp tục làm rõ sẽ đứng về phía các đồng minh của Mỹ và giữ các cam kết đã ghi nhận trong các hiệp ước. Mỹ phải tiếp tục thể hiện cam kết lâu dài đối với khu vực.

Thượng viện đã đưa ra một quan điểm rất rõ ràng về những vấn đề này với việc thông qua Nghị quyết Thượng viện 167 mà TNS Menendez là tác giả cùng với sự đồng bảo trợ các đối tác thuộc đảng Cộng hòa: TNS Bob Corker, Thành viên cao cấp, TNS Ben Cardin và TNS Marco Rubio của Tiểu ban CÁ - TBD. Cam kết này sẽ mở rộng trong tương lai. Tranh chấp lãnh thổ ở khu vực CÁ - TBD hôm nay không phải thuộc về quá khứ mà liên quan nhiều đến tương lai của một khu vực được xem như là tâm điểm phát triển kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 .

Là một quốc gia CÁ - TBD, Mỹ có lợi ích sống còn trong việc hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để phát triển, thể chế hóa và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ cho khu vực. Ban đầu là việc đưa các cơ chế hiệu quả quản lý tranh chấp trên biển, hỗ trợ và khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải. Một Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc giữa TQ và ASEAN sẽ là một bước tiến quan trọng có định hướng đúng đắn giúp xây dựng ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực CÁ - TBD, điều mà tất cả các quốc gia trong khu vực muốn và cần.

+  Trung Quốc - 17/9: Một số bình luận về Hội nghị SOM lần 6 về DOC diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc ngày 14 - 15/9. Nhân dân Nhật báo ngày 16/9 đăng bài “Đừng hy vọng mượn COC làm điều bất lợi cho TQ”, theo đó cho rằng: Ý nghĩa tích cực của Hội nghị SOM lần thứ 6 về thực hiện DOC diễn ra tại Tô Châu mới đây đối với xây dựng COC là ở chỗ TQ và các quốc gia ASEAN có thể nhân cơ hội này tiến hành trao đổi sâu hơn, chuẩn bị cho việc tiến hành hoạt động tiếp theo. Tuy nhiên, có quốc gia cá biệt lại ấp ủ kỳ vọng quá cao đối với tham vấn lần này, hy vọng hội nghị dành được tiến triển có tính đột phá, giải quyết một lần mọi vấn đề và trở ngại mà việc xây dựng COC gặp phải, thậm chí ký “nhanh gọn” COC. Đằng sau mong muốn không thực tế có mục đích xấu xa mờ ám.

Quốc gia cá biệt hy vọng mượn COC để trói buộc TQ, mưu đồ lợi dụng đặc điểm COC có tính ràng buộc về pháp lý, hy vọng đưa nội dung hạn chế TQ dùng phương thức chính đáng sử dụng lực lượng chấp pháp hoặc lực lượng quân sự bảo vệ chủ quyền và quyền, lợi ích vào trong COC, lấy việc này để bảo vệ lợi ích của mình trong việc chiếm đoạt đảo của TQ, tranh đoạt quyền chủ quyền với TQ. Đại đa số trong các bên đàm phán COC không liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, bởi vậy, không thể dùng tranh chấp chủ quyền bắt cóc đàm phán COC. Trước mắt, thách thức chủ yếu mà đàm phán COC gặp phải là ở chỗ quốc gia cá biệt phá hoại bầu không khí, quấy nhiễu tiến trình tham vấn.

Trong khi đó, tờ Tin tức Tham khảo TQ ngày 17/9 trích báo chí nước ngoài nhận định, mục đích của chính phủ TQ là “kéo dài thời gian” trước khi xây dựng COC, trong thời gian này không ngừng tạo ra “việc đã rồi” để tăng cường khống chế thực tế đối với Biển Đông. Hai nước Trung - Mỹ đều sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức vào thượng tuần tháng 10, TQ thể hiện thái độ đáp ứng đàm phán cũng là để ngăn chặn sự phê bình và chỉ trích của Mỹ. Gần đây, đồng thời với việc tỏ ra hữu nghị với VN, TQ còn tăng mạnh áp lực đối với PLP, mong muốn cô lập PLP. Do TQ áp dụng sách lược phân biệt đối xử làm cho các nước ASEAN xuất hiện sự khác biệt rất lớn đối với vấn đề TQ. Để tránh tạo ra rạn nứt trong nội bộ, ASEAN đành phải triển khai đàm phán theo tiến độ của TQ. Tờ Liên hợp Tảo báo của SGP cho rằng, việc các quan chức cấp cao TQ và ASEAN gần đây đã tiến hành tham vấn chính thức lần đầu tiên về xây dựng COC làm cho Mỹ, nước lo ngại tình hình khu vực nóng lên ít có cơ hội nhúng tay can thiệp hoặc gây áp lực về ngôn luận. Việc khởi động tham vấn có nghĩa là hội nghị Thượng đỉnh TQ - ASEAN vào tháng 10 sắp tới sẽ không bị một chủ đề duy nhất về Biển Đông bắt cóc”.

Trong bài “Thúc đẩy thiết thực COC” đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 16/9, tác giả Chung Thanh cho rằng, Tham vấn COC có lợi cho việc hóa giải xung đột tiềm tàng tại Biển Đông. COC không phải để giải quyết tranh chấp, cũng không ảnh hưởng yêu sách chủ quyền và quyền, lợi ích biển của một nước, mà là để tiếp tục thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, xúc tiến hợp tác, đặt cơ sở và tạo điều kiện cho các quốc gia liên quan thông qua tham vấn song phương giải quyết hòa bình tranh chấp. Ở điểm này, TQ và các quốc gia ASEAN có nhận thức chung cao độ. Phương hướng tương lai và mục đích cuối cùng của COC là đảm bảo hòa bình, tăng cường hợp tác, thúc đẩy hữu nghị.

 

+ BBC, RFI, Đài Tiếng nói nước Nga - 17/9: Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra biển. Ngày 16/9, trong chuyến thăm VN, chặng đầu tiên trong vòng công du ĐNÁ kéo dài 5 ngày, BTQP/NB Itsunori Onodera đã hội kiến TTg Nguyễn Tấn Dũng và BTQP Phùng Quang Thanh.

Mạng Hoàn Cầu ngày 17/9 đưa tin, tại cuộc hội đàm giữa hai BTQP NB và VN, hai bên xem xét đến các hành động quân sự theo xu thế ngày càng dồn dập của TQ ở “Nam Hải” (Biển Đông) và thảo luận về tăng cường hợp tác an ninh biển. Kyodo nói, VN đối lập với TQ trên vấn đề quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa) và “Tây Sa” (Hoàng Sa) ở “Nam Hải” (Biển Đông); và do NB đối lập với TQ trên vấn đề đảo Điếu Ngư, nên NB mong muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn nữa với VN.

Báo Điện tử Chính phủ VN nói trong buổi tiếp BTQP/NB, TTg Nguyễn Tấn Dũng đã “đề nghị NB tăng cường hợp tác với VN trong đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo về tiếng Nhật, tiếng Anh; hỗ trợ, hợp tác với VN trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển; hỗ trợ VN trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế...”

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn nguồn tin NB nói ông Onodera cũng tiết lộ phía VN yêu cầu Tokyo cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển của VN. Ông Onodera xác nhận là ông sẽ truyền đạt yêu cầu của phía VN lên TTg/NB Shinzo Abe và các Bộ có liên quan.

Việc TTg/VN trực tiếp đề nghị BTQP/NB trợ giúp cho lực lượng cảnh sát biển cho thấy Hà Nội đang tìm kiếm sự trợ giúp của Nhật và các nước khác để đối phó với sự lấn át của TQ trên Biển Đông.

Bình luận về chuyến thăm VN của BTQP/NB, Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu xã hội chính trị của Nga, ông Vladimir Evseyev nhận xét, NB đang tìm thêm các điểm tựa ở châu Á, bởi dường như sự câu kết với Mỹ là chưa đủ. Về phần mình, “con hổ” VN cần tới “móng vuốt” NB cũng như Mỹ, nhằm củng cố sự tự tin trong cuộc tranh giành hải đảo trên biển Hoa Nam (Biển Đông).

BTQP/NB đã được đón tiếp với nghi lễ nhà nước cấp cao. Nhưng điều này có lẽ không chỉ vì những yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật trong việc xử lý bom mìn chưa được phá hủy sau cuộc chiến tranh ở Đông Dương. TTg/NB Shinzo Abe đã công khai đặt kỳ vọng vào tình hữu hảo với VN và PLP. Đây là các quốc gia mà ông Abe thực hiện thăm vào tháng 1 năm nay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.

Trong khi đó, Mạng Nhân dân (TQ) ngày 17/9 đăng bài “Việt Nam lấy Vịnh Cam Ranh làm mồi nhử Mỹ - Nhật, hòng mượn sức người khác kiềm chế Trung Quốc” cho biết, ngày 17/9, BTQP/NB Itsunori Onodera đi khảo sát căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh. Giáo sư Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Trường Đảng Trung ương TQ Cao Tổ Quý cho rằng, Vịnh Cam Ranh là quân bài quan trọng để dụ dỗ các bên trong tay VN. Từ lần sắp đặt này cho thấy, Vịnh Cam Ranh thực sự là mảnh đất quý rất có sức hấp dẫn đối với các bên, vị trí địa lý ưu việt của nó thích hợp là nơi neo đậu quan trọng của tàu quân sự. VN từng nhiều lần lấy Vịnh Cam Ranh làm mồi nhử các bên, lấy việc thuê căn cứ làm điều kiện để dụ dỗ Mỹ, để tăng cường hợp tác quốc phòng; năm 2012 ký với Nga hiệp định Khu mậu dịch tự do, tăng cường hợp tác an ninh; nay lại chìa cành ô liu cho NB. Hiện nay, Vịnh Cam Ranh sẽ lọt vào tay ai vẫn chưa biết, nhưng VN đã lôi kéo được các bên đến bên cạnh mình.

Mạng Nhân dân ngày 17/9 còn đăng bài: “Nhật - Việt mưu đồ làm nóng tranh chấp “Nam Sa”, hòng phân tán lực lượng của Trung Quốc ở đảo Điếu Ngư”, dẫn phát biểu của chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long cho rằng, hiện nay, hợp tác giữa NB và VN chủ yếu ở 3 lĩnh vực là đồng Yên Nhật, trang bị và huấn luyện liên hợp. Hợp tác trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục triển khai theo 3 phương hướng này.

Đỗ Văn Long cho rằng, VN thiếu tiền, so với VN thì NB giàu hơn nhiều, vì vậy những dự án viện trợ kinh tế mang màu sắc chính trị có thể là cơ sở cho triển khai hợp tác ở Biển Đông. NB ý đồ, phân tán lực lượng của TQ trên những phương hướng này, từ đó khiến TQ không lo được ở đảo Điếu Ngư. Về thiết bị, do thiết bị của VN tương đối cũ, NB có thể cung cấp 8 chiếc tàu cho PLP, thì việc cung cấp tàu tuần tra cho VN cũng không có gì là không thể. Ngoài ra, hai bên còn có thể cùng triển khai huấn luyện liên hợp. Cơ quan bảo vệ biển NB rất thành thạo trong tác chiến và huấn luyện, hiệp đồng trên biển và trên không rất chặt chẽ, rất có kinh nghiệm về chấp pháp và bảo vệ chủ quyền. Thông qua huấn luyện liên hợp, nâng cao năng lực chấp pháp và bảo vệ chủ quyền của cảnh sát biển VN ở khu vực “Tam Sa”, sẽ giúp nâng cao sức đối kháng với TQ. NB ý đồ làm nóng tranh chấp “Nam Sa” (Trường Sa) để TQ không lo được ở đảo Điếu Ngư.

+Trung Quốc - 17/9: Việt - Trung (Mạng Tân Hoa - 16/9). Ngày 14/9, Thứ trưởng BNG/VN Hồ Xuân Sơn dẫn đầu Đoàn đại biểu VN gồm lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công Thương, Xây dựng, tỉnh Cao Bằng và TLSQ/VN tại Nam Ninh đã đến thăm Sùng Tả. Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhận thức chung sơ bộ về tăng cường hợp tác trong các dự án Thác Đức Thiên - Bản Giốc và nâng cấp xây dựng cửa khẩu.

Phía TQ nêu 6 kiến nghị về tăng cường hợp tác Dự án Thác Đức Thiên - Bản Giốc: Một là nhanh chóng phân định phạm vi Khu phong cảnh chính Thác Đức Thiên - Bản Giốc; hai là khai thông tuyến du lịch biên giới Thác Đức Thiên - Bản Giốc; ba là phía VN sớm triển khai công tác nâng cấp cửa khẩu; bốn là kiến nghị mở nghiệp vụ làm visa tại điểm du lịch biên giới Trung - Việt; năm là đề nghị phía VN tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông Khu phong cảnh; sáu là hai bên nhanh chóng thúc đẩy xây dựng cầu số 2 qua sông biên giới Thủy Khẩu - Tà Lùng.

Phía VN bày tỏ đồng ý với kiến nghị của phía TQ, cho biết sẽ bàn bạc nghiên cứu về kiến nghị của phía TQ, sớm đưa những kiến nghị này vào nội dung trao đổi giữa BNG hai nước Trung - Việt.

Trong một diễn biến khác, Mạng Nam Hải ngày 17/9 đưa tin, tại Buổi giới thiệu về sản phẩm du lịch tàu biển theo mùa của tàu Henna tổ chức ngày 17/9 tại Hải Khẩu, được biết, từ ngày 18/11/2013 - 22/3/2014 tàu Henna sẽ khai thông tuyến du lịch Hải Khẩu - Hạ Long - Đà Nẵng (Hội An, Huế) - Hải Khẩu, hành trình 5 ngày 4 đêm. Tàu Henna dài 223m, rộng 28m, chỗ rộng nhất 31m, cao 12 tầng, lượng rẽ nước 50.000 tấn, có thể chở tối đa 1.965 khách. Trên tàu có 6 phòng ăn lớn nhỏ và 20 điểm vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi, mua sắm; du khách được cung cấp mỗi ngày 6 bữa ăn với các hương vị khác nhau, là “thôn nghỉ dưỡng trên biển” đưa du khách đến các điểm đến khác nhau.

Tổng hợp