Việt Nam

RFA - 10/9: Truy lùng chiếc tàu đã bắn chết ngư phủ ở Kiên Giang. Ngày 10/9, nhà chức trách tỉnh Kiên Giang cho biết về việc truy lùng chiếc “tàu lạ” đã bắn chết một ngư dân ở Kiên Giang là Lê Tấn Phong, quê ở Rạch Giá đi trên tàu KG-90269 chuyên đi thu mua hải sản trên vùng biển Đông.

Vào ngày 4/9, tàu KG-90269 với 13 thuyền viên khi đang đi ngang tọa độ 70 vùng Nam của biển Đông thì bị một tàu lạ chạy kèm sát rồi nã súng vào tàu. Chủ tàu Nguyễn Văn Hoàng, cũng người gốc Rạch Giá, ra lệnh tắt đèn và bỏ chạy, đến khi thoát hiểm thì mới hay có một thuyền viên trúng đạn chết là anh Lê Tấn Phong. Nội vụ về chiếc tàu lạ hiện còn trong vòng điều tra.

Đông Bắc Á

Tin từ TQ, VOA, RFI, RFA - 10/9: TQ - Nhật. Ngày 10/9, NT/TQ Dương Khiết Trì đã triệu Đại sứ NB tại TQ, Niwa Uichiro, đến để nhắc lại đòi hỏi chính phủ NB phải trả tự do vô điều kiện viên thuyền trưởng đang bị giam giữ và khẳng định lại rằng đảo Điếu Ngư thuộc về lãnh thổ của TQ. Đây là lần thứ 3 Bắc Kinh triệu Đại Sứ NB đến để phản đối, kể từ khi vụ việc xảy ra hồi đầu tuần này.

Trong khi quan hệ Trung - Nhật đang ở tình trạng căng thẳng, thì ngày 10/9, chính phủ NB đã cho phổ biến Sách trắng quốc phòng, trong đó Tokyo đã thẳng thừng chỉ trích sự tăng cường lực lượng quân sự của TQ sát với các vùng biển của NB khi mà vấn đề chiếc tàu đánh cá của TQ bị bắt giữ chưa được giải quyết. TQ cũng đã cho trực thăng chiến đấu bay sát các tàu chiến của Nhật làm cho tình trạng căng thẳng càng nóng lên. Sách trắng quốc phòng nhấn mạnh TQ hiện đại hóa quân đội của họ mà không tuyên bố một cách minh bạch mục tiêu là để làm gì, cũng như viễn cảnh trong tương lai sẽ ra sao một khi quân đội của họ mạnh lên và kết luận rằng sự thiếu minh bạch này đang làm cho các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới quan ngại sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Sự gia tăng hoạt động quân sự của TQ trong vùng biển này đã buộc NB xét lại chính sách quốc phòng, với kế hoạch triển khai thêm quân đến các đảo phía Nam. Sách trắng cũng nói đến sự hiện diện cần thiết của binh sĩ Mỹ trên đất Nhật, coi đó là một trong những điều kiện cần có để bảo vệ an ninh cho NB trong trường hợp bị tấn công bởi một quốc gia khác.

Theo các nhà phân tích, chủ quyền lãnh hải vẫn là vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Nhật - Trung, vốn đã không lấy gì là suôn sẻ. Hai cường quốc châu Á này đã bắt đầu thảo luận về việc cùng khai thác các nguồn năng lượng tại khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế của hai nước nằm chồng lên nhau, nhưng các vụ va chạm trên biển thường xuyên gây khó khăn cho các cuộc thương thuyết này. Sách trắng quốc phòng của NB được đưa ra vào lúc các nước trong khu vực ngày càng lo ngại trước những hành động nhằm khẳng định chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh, trong đó có khu vực Biển Đông, mà TQ đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác.

Tin từ TT - 10/9: Về tập trận chung Hàn - Mỹ (Yonhap ngày 9/9): Mỹ đã tái khẳng định cam kết sẽ cử tàu sân bay Washington tới diễn tập quân sự chung với HQ tại biển Hoàng Hải bất chấp sự phản đối của TQ. NFN Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Morrell (9/9) nhấn mạnh “tàu USS George Washington sẽ tham gia diễn tập tại Hoàng Hải. Mỹ đã khẳng định điều này sẽ xảy ra. Mỹ chưa ấn định ngày song tàu George Washington sẽ hoạt động tại Hoàng Hải như vẫn hoạt động tại các vùng biển quốc tế khác”. NFN Morrell cho rằng việc tham gia tập trận của tàu sân bay Mỹ không khiến TQ lo ngại vì “đó không phải hành động đương đầu với TQ. Không phải là một thông điệp gửi tới TQ… (mà là) một thông điệp gửi đến BTT vì thái độ ứng xử của họ”. Mặt khác, Morrell khẳng định Mỹ “có quyền hoạt động tại bất cứ và mọi vùng biển quốc tế, tất nhiên là tôn trọng chủ quyền lãnh thổ”. Tháng trước, Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, đô đốc Michael Mullen đã tuyên bố tàu sân bay Washington sẽ tham gia các cuộc diễn tập chung trong tương lai tại Hoàng Hải.

Quan điểm của Mỹ về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. (AFP, Yonhap - 8, 9/9): Ngoại trưởng Mỹ Clinton (8/9) cho biết Mỹ đang theo dõi “tiến trình chuyển giao lãnh đạo” tại BTT. Mỹ hy vọng dù ai nắm quyền tại Bình Nhưỡng cũng sẽ chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Mỹ đang trao đổi thẳng thắn về phi hạt nhân hóa BTT với tất cả các đối tác tham gia đàm phán 6 bên. Dù không biết kết quả sẽ ra sao song việc hợp tác với các đối tác đàm phán 6 bên, do TQ chủ trì, nhằm thuyết phục lãnh đạo BTT từ bỏ hạt nhân vì tương lai tốt đẹp hơn của đất nước là vấn đề quan trọng nhất. Mỹ tiếp tục gửi cho BTT thông điệp rất rõ ràng về những gì Mỹ hy vọng đạt được và những gì đàm phán 6 bên có thể mang lại nếu BTT thiện chí trở lại đàm phán và trao đổi nghiêm túc về phi hạt nhân hóa một cách không thể đảo ngược.

NFN Crowley cho rằng “sẽ có sự thay đổi về lãnh đạo (ở BTT) song điều Mỹ trông chờ “là sự thay đổi về đường lối chính sách và hành động của BTT”. Mỹ mong muốn BTT “có nhiều hơn các mối quan hệ mang tính xây dựng với các nước láng giềng, kể cả HQ”. Bên cạnh đó, BTT “phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và bắt đầu có những bước đi chắc chắn phù hợp với các cam kết của BTT năm 2005. Đó chính là những bước đi BTT đã thực hiện. Mỹ sẽ hưởng ứng nếu BTT bắt đầu có chuyển động theo chiều hướng xây dựng”. Về việc đối thoại với BTT phục vụ nối lại đàm phán 6 bên, Mỹ giữ quan điểm “cởi mở”. Mỹ muốn có sự thay đổi cơ bản đối với tình hình hiện nay song BTT phải có một số hành động và thay đổi nguyên trạng hiện nay.

Trước đó, BNG Mỹ (7/9) đã thông báo Đặc phái viên về TT Stephen Bosworth sẽ sang thăm HQ (12-14/9), NB (14-15/9) và TQ (15-16/9) nhằm tiếp tục các cuộc thảo luận vừa qua tại Mỹ về vấn đề hạt nhân của BTT với các đối tác HQ, NB và TQ. Cùng đi có Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Mỹ Sung Kim và Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Daniel Russell. Thông tin cho biết khả năng Đặc phái viên Bosworth sẽ có cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của BTT Kim Kye Gwan tại NewYork bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9 hoặc ở một nước thứ ba trong tương lai gần.

 

________________________

Thứ Sáu, 10/9

BIỂN ĐÔNG

+ Tin từ Hongkong - 9/9: Mạng Đại Công báo, Văn hối (HK) đưa lại tin của THX cho biết mấy ngày gần đây, đội tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải TQ lại tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực Biển Đông. Theo tin và ảnh chú thích cho biết, ngày 8/9, căn cứ theo yêu cầu của Đại cương diễn tập mới, một số loại tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải đã tiến hành cuộc diễn tập với các tình tiết phức tạp, 3 chiều như một cuộc chiến thực sự tại một vùng biển phức tạp ở Nam Hải (Biển Đông). Trong quá trình diễn tập, đội tàu đã thành công vượt qua các mối đe doạ giả định 3 chiều từ trên không, trên mặt biển và sâu dưới nước; đội tàu đã hoàn thành tương đối tốt các nhiệm vụ khó như phòng ngự tổng hợp, phối hợp tấn công và liên hợp xuất kích trong môi trường điện từ trường phức tạp.

Tin cho rằng cuộc diễn tập lần này không chỉ nâng cao năng lực hợp đồng tác chiến của đội tàu mà còn là cuộc kiểm nghiệm toàn diện về năng lực chiến đấu thực của quân đội khi xử lý khủng hoảng và tấn công nhanh.

+ Tin từ Ấn Độ - 4/9: Báo chí Ấn Độ mấy ngày gần đây đưa nhiều tin về quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung. Nội dung chính của 2 bài điển hình:

1. Bài “Cuộc săn lùng báu vật dưới nước” của Giáo sư chính trị quốc tế, Screeram Chaulia, trường đại học OP Jindal Global. Báo Financial Times ngày 3/9:

Công bố của chính phủ TQ về việc tàu ngầm cắm quốc kỳ dưới đáy biển đã đẩy cuộc chạy đua quốc tế trong khu vực giầu tài nguyên này lên mức kịch tính. Hành động mang tính tượng trưng này của Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các bên tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển giàu cá, dầu, khí chưa được khai thác và các khoáng sản quý giá khác khác như kẽm và măngan.

Việc sử dụng kỹ thuật tàu ngầm bậc thầy của TQ vào việc kích động tinh thần dân tộc đối với vấn đề đáy biển đang làm các nước nhỏ trong khu vực hết sức lo ngại.

Không ai nghi ngờ về việc TQ đang gia tăng khả năng quân sự của họ để làm một sự đã rồi đối với việc chiếm dụng nguồn năng lượng to lớn và các tuyến vận tải biển có ý nghĩa sống còn ở khu vực. Đầu năm 2010, phái quân nhân TQ đã nổ một trái bom về học thuyết trong chính sách đối ngoại bằng cách coi Biển Nam Trung Hoa là một phần của “lợi ích cốt lõi”, trong đó TQ có “chủ quyền không thể tranh cãi”, quan trọng như Tây Tạng và Đài Loan.

Lời lẽ không khoan nhượng của TQ đối với vùng biển đang tranh chấp đi đôi với sự khẳng định ngày một tăng của lực lượng hải quân nhằm mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ vùng biển này. Trước đó, TQ đã cảnh cáo các công ty Exxon Mobil và BP phải dừng ngay các hoạt động khai thác các lô dầu ngoài khơi thuộc vùng biển mà VN coi là có chủ quyền. TQ cũng cảnh báo các công ty đa quốc gia rằng công nhận quyền tài phán của các nước khác trong khu vực biển này sẽ nhận được những hậu qủa tiêu cực đối với lợi ích kinh doanh của họ tại Đại lục địa.

Mỹ cũng đã nhảy vào cuộc xung đột về biển khi tháng trước NT. H Clinton làm Bắc Kinh ngạc nhiên với tuyên bố việc giải quyết cuộc tranh cãi này là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” để đảm bảo “ổn định khu vực” và “giao thương không bị cản trở”. Bằng cách chủ trương một giải pháp đa biên trong đó ngụ ý giành cho Mỹ một vai trò môi giới, Clinton bảo đảm với các nước ĐNÁ rằng sự yếu kém của họ so với TQ có thể sẽ được cân bằng nếu có sự can dự của một bên trợ giúp đầy thiện cảm có sức mạnh quân sự mạnh hơn TQ. Mỹ nhấn mạnh đến cách đối phó của cả nhóm lớn để đạt giải pháp có thể chấp nhận với tất cả các bên, được Manila, Hà Nội, KL, Jakarta ưng thuận vì họ lo ngại bị BK tác động. Trong quá trình này, các công ty dầu phương Tây có cơ làm ăn, không phải lo BK bắt nạt.

Với việc Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng hải quân hùng mạnh nhất quanh Biển Nam Trung Hoa, TQ đã phản ứng bằng cách đẩy nhanh chương trình đóng tàu chiến và phô trương loại hỏa tiễn chống tàu sân bay nhằm vào các tàu chiến của Mỹ tuần tiễu khu biển này. Một nền ngoại giao pháo hạm đang hình thành do nhu cầu đói khoáng sản công nghiệp để không ngừng vận hành cỗ xe kinh tế không lồ của TQ.

Một cuộc xô đẩy tìm nguồn tài nguyên đáy biển tương tự cũng điễn ra tại Bắc Băng Dương giữa Mỹ, Canada và Nga, nơi chiếm đến 25% tài nguyên chưa được phát hiện của thế giới. Năm 2007, Nga cũng cho tàu ngầm cắm cờ dưới đáy đại dương và Mỹ và Canada đã cho tàu phá băng và các thiết bị robot đến khu vực để “chỉnh đốn lại” trật tự về chủ quyền ở đó…

Với kỹ thuật khoan ngày càng tiến ra các khu vực biển sâu hơn trong lòng các đại dương, tranh cãi về biển giữa các quốc gia là một hình thức của cuộc giành giật các nguồn tài nguyên chiến lược giữa các công ty. Công thức cho kết cục thân thiện đối với cuộc tranh chấp phức tạp này tồn tại ngay trong các cuộc bàn về sách lược trong phòng giám đốc cũng như trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao.

2. Bài “Kẻ thù cũ, đối tác mới” của Nayan Chandra, Báo Times of India, ngày 4/9, nội dung chính như sau: Các cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ tại châu Á gần đây, đặc biệt với VN, và lời cảnh báo mạnh mẽ của TQ về việc một “NATO châu Á” đang nổi lên có lẽ đã tạo một ấn tượng rằng Washington và Hà Nội đang xây dựng một liên minh mới. Chắc chắn, các cuộc tập trận giữa hai đối thủ cũ Việt, Mỹ mang đậm tính hình thức. Ngoại trừ các bài xã luận gây sốt trên báo chí nhà nước ở TQ, không có nhiều điều đáng quan tâm. Trừ việc cả VN và Mỹ đều không muốn việc đòi mở rộng chủ quyền của TQ không bị thách thức. Tuy nhiên, cả hai nước đều chưa sẵn sàng thách thức TQ về quân sự.

Hòa hoãn Việt - Mỹ, được chờ đợi từ lâu, đã gây chú ý dư luận thế giới do tuyên bố sắc bén gần y của NT Clinton tại Hà Nội. Rõ ràng là các cuộc tập trận hải quân tháng 8, nói là để ký niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã đánh đi tín hiệu về một sự thay đổi quan trọng. Washington đã từ bỏ lưỡng lự trước đây không muốn chọc tức Bắc Kinh. Bằng cách cử tàu chiến mang tên cha và ông của TNS McCain, cựu tù binh ở Hà Nội, Washington muốn chôn vùi bóng ma chiến tranh. Với việc mời các sỹ quan cấp cao VN lên tàu USS G. Washington khi đang đi trong Vùng đặc quyền kinh tế của VN, Mỹ đã đánh đi một thông điệp rằng Hà Nội hoan nghênh sự hiển diện của tàu như là một sự ngăn chặn đối với sự xâm lược của TQ. Thông điệp tương tự cũng được gửi đi năm ngoái khi một xưởng đóng tàu VN đã sửa chữa hai tàu chiến cho Mỹ. Washington không còn ngượng ngựu trong việc thú nhận rằng mối lo ngại chung về việc TQ hiện đại hóa quân đội và đưa yêu sách về lãnh thổ là động lực chính thúc đẩy họ gia tăng quan hệ với VN.

Những diễn biến gần đây, dù có ý nghĩa nhưng phần lớn mang tính hình thức. Các cuộc tập trận mang tính tập tìm kiếm, cứu hộ, giống như các cuộc tập của Mỹ với các nước đồng minh và không đồng minh khác. Mỹ vẫn chưa có hiệp ước đồng minh hay quyền đóng căn cứ ở VN. Hà Nội, với truyền thống hàng nghìn năm đối phó với nước láng giềng khổng lồ, rất có thể sẽ áp dụng sự kết hợp giữa kiên quyết chống trả và thích nghi linh hoạt.

Nếu như nỗi lo sợ về một “NATO châu Á” chẳng bao giờ trở thành hiện thực, thì nó cũng sẽ trở thành điều ứng nghiệm với TQ, với việc các nước đoàn kết chống lại việc đòi chủ quyền ngày càng rộng lớn của Bắc Kinh.

ĐÔNG NAM Á

+ Tin từ TQ - 9/9: Mạng Tin tức TQ ngày 9/9: Ngày 8/9, phát biểu tại UB quan hệ đối ngoại của Mỹ, NT Mỹ Hilary nói rằng thế giới hiện nay phức tạp đan xen đã tạo ra một thời khắc mới cho nước Mỹ. Lúc này, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là không thể thiếu, phẩm chất mở và sáng tạo của Mỹ là nhu cầu cấp thiết của thế giới. “Mỹ cần phải phát huy vai trò lãnh đạo trong thế kỷ mới”, Mỹ cần phải nắm chắc “thời khắc Mỹ”, tạo cơ sở cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong vài chục năm tới. Để thực hiện mục tiêu “lãnh đạo thế giới” trong thế kỷ mới của Mỹ, NT Hilary đã liệt kê 6 chiến lược NG của Mỹ, một trong số đó là Mỹ sẽ đẩy mạnh việc nắm chặt bố cục ở khu vực châu Á-TBD, củng cố địa vị lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này. Về sách lược chính trị, Mỹ đang tăng cường tiếp xúc với Hội nghị cấp cao Đông Á, ủng hộ Cấp cao Đông Á trở thành cơ cấu an ninh và chính trị có vai trò cơ bản đối với khu vực, hy vọng Cấp cao Đông Á không chỉ có thể giải quyết xung đột khu vực mà còn có thể phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn. Mỹ đã sớm xác định tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2010. Đối với khu vực ĐNÁ, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với ASEAN. Hiện nay, Mỹ có ý đặt một Đoàn NG thường trú tại ASEAN và bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại ASEAN, đồng thời có kế hoạch nhận dịp Đại hội đồng LHQ được tổ chức vào cuối tháng 9/2010, TTh Obama sẽ tổ chức cuộc gặp lần thứ 2 lãnh đạo Mỹ-ASEAN.

+ RFA - 9/9: Hội nghị Mekong - Nhật Bản tại Bangkok. Ngày 9/9 tại Bangkok, TL đã diễn ra hội nghị “Mekong - NB về Hành lang Kinh tế Đông-Tây và Hành lang Kinh tế phía Nam - Hoàn tất kết nối, kiến tạo hưng thịnh kinh tế”, với sự tham dự của 5 quốc gia liên quan, nước hỗ trợ vốn đầu tư NB và các chuyên gia từ các định chế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan LHQ tại CÁ-TBD, Ủy ban Sông Mê Kông, các viện và đơn vị khác. Hội nghị tập trung thảo luận 4 vấn đề chính: (1) những phần chưa được kết nối trong hai tuyến hành lang, (2) những khó khăn trở ngại trong các lĩnh vực được gọi là phần mềm của hai tuyến hành lang, (3) những bài học và cơ hội, (4) hướng sắp đến kết nối toàn tuyến và tiến đến mục tiêu từ hai tuyến đường vận chuyển thành hai tuyến hành lang kinh tế đúng nghĩa của nó.

Tại hội nghị, quan chức cao cấp ngoại giao NB Osamu Fujimura cho rằng để có thể phát huy tối đa tính hiệu quả của hai hành lang kinh tế, cần phải có dịch vụ “hải quan hữu hiệu”, sự tương thích - hài hòa về luật lệ và tiêu chuẩn; đồng thời cần tăng cường đầu tư, thương mại, phát triển công nghiệp. Đây là những lĩnh vực được xem như phần mềm của tuyến hành lang kinh tế. Phía NB cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho hai tuyến hành lang.

Trong khi đó, đại diện CPC, Lào, Myanamar và VN cũng phát biểu hoan nghênh hội nghị, đánh giá cao tầm quan trọng của hai tuyến hành lang kinh tế đi qua quốc gia họ, và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ các phía liên quan. Còn TL cũng cho hay sẽ đóng vai trò điều phối tốt trong những dự án liên quan.

Hội nghị kết thúc với cuộc họp báo chung do đại diện TL và NB chủ trì.

ĐÔNG BẮC Á

+ Tin từ TQ - 9/9: TQ - Mỹ (Mạng Hoàn Cầu ngày 9/9): Dẫn nguồn tin từ tờ “Washington Post” ngày 8/9 nói rằng quan chức cấp cao Mỹ đã kết thúc chuyến thăm TQ 3 ngày, cả TQ và Mỹ đều cho rằng lần hội đàm này giúp cho ổn định quan hệ Trung - Mỹ gần đây. Bài báo phân tích rằng kết quả khả quan nhất của lần đối thoại Trung - Mỹ này là hai bên có khả năng sẽ tái khởi động giao lưu quân sự trong vài tháng tới. Ngoài ra, lãnh đạo TQ còn có kế hoạch thăm Mỹ vào đầu năm 2011. Tờ “Hoa Nam buổi sáng” của Hồng Kông nói rằng Trung - Mỹ đã thảo luận nỗ lực thúc đẩy giao lưu quân sự và giao lưu quân sự Trung - Mỹ sẽ được nối lại trước khi lãnh đạo TQ thăm Mỹ vào tháng 1 tới.

+ RFI - 9/9: Cải cách chính trị Trung Quốc. Thời gian gần đây nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo ĐCS/TQ lên tiếng đặt vấn đề cải cách chính trị ở nước này theo hướng dân chủ hóa. Báo Libération ngày 9/9 có bài viết nhận định hiện nay lãnh đạo ĐCS/TQ đang giằng co giữa giữ nguyên hiện trạng chính trị hay cải cách theo hướng cởi mở hơn. Theo Libération, 21 năm sau vụ đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn và tiếp đó là cuộc thanh trừng nhà cải cách, cựu TTg Triệu Tử Dương, giờ đây “nhiều tiếng nói kêu gọi cải cách chính trị một lần nữa lại được cất lên trong nội bộ cầm quyền TQ”.

Libération liệt kê lại những thông tin gần đây. Ngày 6/9, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thông báo sẽ có một số cải cách chính trị dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của đặc khu kinh tế này. Ông đã hứa hẹn “chúng ta sẽ mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa”, cũng như là “tổ chức bầu cử dân chủ”. Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào cũng không quên kèm thêm một điều kiện khiến người ta phải nghi ngờ thiện ý của ông đó là những cải cách đó phải “phù hợp với luật pháp”.

Trước phát biểu của Hồ Cẩm Đào ít ngày, TTg Ôn Gia Bảo cũng đã có những tuyên bố có vẻ thuyết phục hơn rằng: “Không cải cách chính trị thì các thành quả của cải cách kinh tế không bao giờ được bền vững và mục tiêu hiện đại hóa sẽ không bao giờ đạt được”. Tuy nhiên ông Ôn Gia Bảo cũng tránh không xác định nội dung cải cách sẽ ra sao, mà chỉ nói chung chung rằng: “Sự trì trệ và tụt hậu có thể bóp nghẹt sinh lực của chủ nghĩa xã hội TQ và đưa chúng ta đi chệch hướng”.

Nhà văn, bình luận viên chính trị tại TQ, ông Dụ Tiếp nhận định: “Tất cả đều được tính toán để tạo cảm giác là các lãnh đạo TQ đang quan tâm đến cải cách chính trị. Nhưng cả CTN cũng như TTg TQ đều không có một chút ý định triển khai những cải cách thực sự, chẳng hạn như tách bạch rõ vai trò của đảng và của chính phủ. Họ chỉ mong có một điều : tập trung hơn nữa quyền lực trong đảng”. Nhà văn Dụ Tiếp nhận định: “Cũng có những người cam đảm dám bày tỏ thẳng thắn, nhưng họ không phải là những người quyết định”. Theo ông, cải cách chính trị thực sự ở TQ vẫn còn chưa thể diễn ra ngay trong ngày một ngày hai được.

+ Tin từ Nhật Bản, Fukuoka, RFA, RFI - 9/9: TQ - NB. Ngày 9/9, Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng cảnh báo NB nói rằng quan hệ giữa hai nước có thể gặp khó khăn nếu Tokyo không giải quyết ổn thỏa vụ bắt giữ viên thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá TQ. NFN/BNG/TQ tuyên bố: Việc NB bắt giữ một tàu đánh cá của TQ tại khu vực biển Hoa Đông là một việc làm “vô lý và bất hợp pháp” và có nguy cơ làm tổn hại quan hệ song phương. NFN phía TQ đòi Tokyo trả tự do vô điều kiện cho thủ thủy đoàn, trả tự do cho thuyền trưởng, và thả tàu cá của TQ. Cảnh báo của TQ được đưa ra ngay sau khi phía NB dự định sáng 9/9 sẽ đưa viên thuyền trưởng TQ ra trước công tố viện để thẩm vấn theo đúng thủ tục pháp lý của NB, về tội cố ý đâm vào tầu tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật và ngăn cản viên chức thi hành công vụ. Với những tội danh này, nghi phạm có thể bị kêu án tới 3 năm tù. Thủy thủ đoàn gồm 14 người cũng sẽ bị thẩm vấn.

Tại Tokyo, NFN/CP/NB tuyên bố NB sẽ xử lý sự cố trên biển vừa qua “đúng theo luật pháp”; đồng thời cho rằng Tokyo và Bắc Kinh cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Phía NB không coi đây là một vấn đề tranh chấp chủ quyền về đất đai. Theo AFP, Tokyo hàm ý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hoàn toàn thuộc về chủ quyền của NB. Tuy nhiên, NFN/BNG/TQ cũng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên khu vực này là “điều không thể gây tranh cãi, (…) chính phủ TQ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, báo chí tại NB cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ này:

Báo San kei ngày 9/9 cho rằng: Cần phải truy xét nghiêm khắc đối với thuyền trưởng tàu cá TQ xâm phạm lãnh hải NB. Đây không phải là vụ việc vi phạm luật pháp đơn thuần mà còn có nghi vấn tàu này mang danh tàu cá để hoạt động thu thập thông tin và nghiệp vụ. Tàu TQ xâm phạm lãnh hải NB đã nhiều lần. Tháng 3/2004, tàu chở người TQ đã tiếp cận quần đảo Senkaku và 7 người TQ đã đổ bộ bất hợp pháp lên đảo. Tháng 12/2008, tàu điều tra hải dương TQ đã xâm phạm lãnh hải ở vùng biển Senkaku trong khoảng 9 giờ rưỡi. Tháng 3/2009, tàu TQ đã tiếp cận và gây cản trở hoạt động của tàu thăm dò âm thanh của hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông (biển Nam Trung Hoa). Sau đó, TQ đã liên tục có thái độ uy hiếp các nước ĐNÁ bằng lực lượng quân sự. Sự ứng phó của NB đối với vụ việc tàu cá TQ xâm nhập lãnh hải NB lần này sẽ được cả thế giới chú ý. NB cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình. Chính phủ TTg Kan cần phối hợp chặt chẽ hoạt động của Cục bảo vệ biển NB với lực lượng Hải quân phòng vệ và có thái độ cảnh giác toàn diện (với TQ) để bảo vệ lợi ích biển của NB.

Báo Nihonkeizai, Nishinippon ngày 9/9 viết: vụ việc lần này cho thấy rõ tình trạng va chạm quyền lợi ngày càng căng thẳng giữa TQ đang trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự với các nước xung quanh. TTg Kan trong trả lời báo chí ngày 8/9 nhấn mạnh sẽ xử lý vụ việc một cách nghiêm túc và chính xác theo quy định của pháp luật NB. Trong nội bộ chính phủ NB có phân tích cho rằng TQ đã lợi dụng việc NB đang bận rộn với cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền để thử phản ứng của NB. Cảnh sát biển NB cho biết thời gian gần đây có những ngày cao điểm với khoảng 70 tàu cá TQ đánh bắt trái phép tại khu vực xung quanh đảo Điếu Ngư. Việc NB quyết định bắt chủ tàu cá TQ thể hiện thái độ cương quyết của chính phủ trong vấn đề chủ quyền. Trước đó, lệnh bắt chỉ được đưa ra sau 12 tiếng kể từ khi xảy ra vụ việc cho thấy CP Nhật có cân nhắc đến ảnh hưởng trong quan hệ với TQ. Do vụ việc lần này không có thiệt hại lớn về người và tàu và cần tính đến đại cục quan hệ với TQ nên nhiều khả năng sẽ được xử lý theo hình thức tố tụng giản lược như phạt tiền...

Có thể nói nguyên nhân sâu xa nằm ở việc TQ tranh giành ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực Đông Á và TQ tăng cường chiến lược biển để giành giật tài nguyên. TQ ngày càng thể hiện rõ thái độ cứng rắn trong vấn đề chủ quyền trong bối cảnh năng lực phát ngôn trong cộng đồng quốc tế gia tăng trọng lượng khi kinh tế phát triển. TQ không chỉ tăng cường chiến lược biển tại biển Hoa Đông mà còn mở rộng xuống Biển Đông. Từ đầu năm 2010, TQ bắt đầu sử dụng cụm từ lợi ích cốt lõi khi nói về Biển Đông mà trước đây vốn chỉ dùng cho vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.

Báo Mainichi 9/9 cho rằng: Tuy NB và TQ đã thông qua con đường ngoại giao kháng nghị lẫn nhau về vụ này, nhưng tình hình cho thấy hai nước sẽ xử lý vụ việc này một cách bình tĩnh như là vụ việc xảy ra bột phát tại vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền, sao cho không ảnh hưởng đến toàn cục quan hệ Nhật - Trung.

 

 

_____________________

Thứ Năm, 9/9

VIỆT NAM

+ Tin từ Côn Minh - 6/9: Báo Tin tức Vân Nam ngày 1/9 đăng bài: “Quan hệ Trung - Việt vượt lên trên quan hệ Mỹ - Việt”. Tóm tắt nội dung chính như sau:

- VN không muốn mạo hiểm xung đột với TQ: Từ tháng 8 đến nay, vùng biển xung quanh TQ không phẳng lặng, Biển Đông sóng to gió lớn. Đối với VN, anh em xa không bằng láng giềng gần, không những thế bên cạnh lại là người khổng lồ. Tuy nhiên, hoạt động dồn dập trong quan hệ Mỹ - Việt đã khiến dư luận quan tâm chú ý, hình thành làn sóng phê phán VN trong giới báo chí và trên mạng ở TQ. Nhưng bất luận là VN hay Mỹ đều không muốn mạo hiểm xung đột trực tiếp với TQ. Tại diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7, chính phủ VN sắp xếp TBT Nông Đức Mạnh tiếp NT TQ, còn TTg VN Nguyễn Tấn Dũng tiếp NT Mỹ cho thấy VN coi trọng hơn tăng cường quan hệ chiến lược với TQ và coi trọng quan hệ kinh tế song phương với Mỹ.

- Hợp tác hạt nhân là sách lược “đối phó mềm”: Do thiếu điện, vào tháng 6, VN đã từng thông báo kế hoạch trong vòng 20 năm tới sẽ xây dựng 13 nhà máy điện hạt nhân. Mỹ rất hứng thú với dự án năng lượng hạt nhân của VN. Tháng 3, Mỹ đã ký với Bộ Khoa học Công nghệ VN bản ghi nhớ hợp tác năng lượng hạt nhân, dọn đường cho các công ty của Mỹ hỗ trợ VN xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Với hiệp định này, Mỹ - Việt đều nhằm tới ý đồ cùng có lợi. Đối với VN, có thể đạt được 3 mục đích: (1) có thể đối phó mềm với TQ; (2) cải thiện vấn đề thiếu điện trong nước; (3) cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Phát triển quan hệ Mỹ - Việt những năm gần đây, phần nhiều chỉ là quan hệ ở cấp chính phủ, quan hệ dân gian vẫn rất trì trệ. Ngay buổi tối tàu khu trục Mỹ Jonh.M.Cain thăm VN, bản tin thời sự đài truyền hình VN phát sóng toàn quốc đã đưa ra bức tranh thê thảm về cuộc sống hiện thực của những nạn nhân trong chiến tranh VN. Bên cạnh đó, vấn đề dân chủ, nhân quyền của Mỹ đã khiến VN cảnh giác, lo ngại âm mưu diễn biến hòa bình của Mỹ. Phóng viên THX Lăng Đức Quyền cho rằng, hoạt động quân sự và ngoại giao gần đây của Mỹ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, rõ ràng là nhằm triển khai “sức mạnh mềm”, “ngoại giao khôn khéo”, đặt TQ trong thế bao vây ở cả hai hướng quan trọng Nam và Bắc. Ý đồ chiến lược của Mỹ có đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào tư duy ngoại giao và sự phân tích phán đoán chính xác của TQ.

BIỂN ĐÔNG

+ Tin từ Trung Quốc - 8/9: Mạng Tân Hoa, Đông phương ngày 8/9 dẫn ý kiến của học giả Mỹ cho rằng Mỹ không nên từ bỏ Nam Hải (Biển Đông), cần đưa ra lời hứa không rút khỏi “Nam Hải”. Khi bàn về vấn đề “Nam Hải”, nghiên cứu viên về ĐNÁ thuộc Hiệp hội quan hệ ngoại giao Mỹ (CFR) Joshua Kurlantzick cho rằng, trước tình hình TQ coi “Nam Hải” là lợi ích cốt lõi quốc gia, các nước có tranh chấp “Nam Hải” với TQ như Philippines, VN, Malaysia, Brunei đã chuyển từ thái độ nghiêng về đàm phán song phương trước đây sang xu thế hợp lực các bên với nhau, áp dụng phương thức đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề chủ quyền. Nhưng ASEAN không có cơ chế nội bộ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Do đó các nước ASEAN ngầm hy vọng Mỹ tham gia tích cực hơn vào vấn đề “Nam Hải” và đóng vai trò trung gian công tâm hơn trong vấn đề này. Trong thời gian ngắn tới đây, Mỹ, TQ và ASEAN nên giữ thái độ bình tĩnh, tránh phát ngôn theo cảm tính và thông qua đường ngoại giao để tìm kiếm biện pháp giải quyết. Tuy nhiên về lâu dài, Mỹ cần đưa ra lời hứa không rút khỏi “Nam Hải” và tăng cường quan hệ quân sự với đối tác ASEAN nhằm đảo bảo quyền tự do hàng hải ở “Nam Hải” và giải quyết tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” bằng phương thức trao đổi đa phương.

 

ĐÔNG BẮC Á

+ Tin từ Trung Quốc, RFI, RFA, VOA - 8/9: Trung - Mỹ: Sau một thời gian căng thẳng do những vấn đề kinh tế và an ninh, quan hệ Mỹ - Trung nay có vẻ nồng ấm trở lại, thể hiện qua chuyến đi Bắc Kinh của hai đặc sứ Mỹ, ông Larry Summers, Chủ tịch Hội đồng kinh tế của TTh Obama và Thomas Donilon, Phó cố vấn An ninh quốc gia. Khi tiếp hai đặc sứ Mỹ, CT TQ Hồ Cẩm Đào đã khen ngợi “những tiến bộ mới” trong quan hệ Trung - Mỹ. Nhà lãnh đạo TQ khẳng định rằng: “Trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, năng lượng, bảo vệ môi trường, văn hóa và trao đổi giữa hai dân tộc, sự hợp tác của chúng ta đã được mở rộng và tăng cường liên tục”. CT Hồ Cẩm Đào cho biết ông sẵn sàng cùng với Mỹ thúc đẩy những mối quan hệ “lành mạnh và ổn định” giữa hai nước, hai nước nên mở rộng hợp tác và thảo luận, khéo léo giải quyết các vấn đề gây tranh cãi giữa đôi bên. Chỉ riêng cuộc gặp gỡ này đã là một sự kiện khác thường, vì hiếm khi nào CT TQ hạ cố tiếp các quan khách nước ngoài có hàm thấp hơn trong nghi thức ngoại giao.

Một NFN ĐSQ Mỹ tại TQ cho biết hai bên đã mở các cuộc thảo luận thẳng thắn, xây dựng và chi tiết về nhiều vấn đề song phương và quốc tế. Các nỗ lực chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran nằm trong số các đề tài được thảo luận. NFN này nói: “Theo đúng quan điểm của TTh Obama về mối bang giao song phương Trung - Mỹ, Mỹ tìm cách mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà các quyền lợi của hai nước trùng hợp, trong khi chúng tôi sẽ nói lên một cách thẳng thắn và với sự tôn trọng khi có mối bất đồng.” Hai đề tài gai góc nhất cho hai bên là thương mại và an ninh.

Như vậy, tuy đối chọi với nhau về quyền lợi ở một số mặt, rõ ràng là cả hai nước Mỹ và TQ vẫn đang cần lẫn nhau, ít ra là trong những hồ sơ quốc tế như BTT và Iran. Về mặt chính trị nội bộ, CT Hồ Cẩm Đào hiện đang củng cố thế lực trong bối cảnh ông chuẩn bị chuyển giao quyền lãnh đạo ĐCS TQ. Về phần mình, TTh Obama hy vọng Bắc Kinh sẽ nhân nhượng trên vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, vốn bị coi là nguyên nhân chính khiến thất nghiệp ở Mỹ tăng cao, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn bị trì trệ và Đảng Dân chủ có nguy cơ bị thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, riêng trong hồ sơ thương mại, Bắc Kinh vẫn dứt khoát không nhượng bộ. Ngày 7/9, NFN/BNG TQ đã bác bỏ áp lực của nước ngoài trên vấn đề tỷ giá đồng NDT.

Trong một tin liên quan, ngày 7/9, NFN/BNG Mỹ Crowley nói rằng đặc phái viên chính phủ Mỹ về vấn đề Triều Tiên Bosworth, quan chức BNG Mỹ Sung Kim và thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Mỹ Ra-sen từ ngày 12 - 16/9 sẽ lần lượt đi thăm ba nước HQ (12 - 14/9), Nhật (14 - 15/9) và TQ (16/9), thảo luận về vấn đề Triều Tiên, nhưng tiểu ban này sẽ không thăm Triều Tiên. Ông Crowley nói Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với các bên chủ yếu trong tiến trình này, nhưng Triều Tiên cần tạo môi trường tốt hơn về cuộc thảo luận này.

+ Tin từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài TN nước Nga, BBC, RFA, RFI - 8/9: Sóng ngầm trong quan hệ Trung - Nhật: Quan hệ ngoại giao Trung - Nhật tăng độ nóng khi ngày 8/9, Đại sứ NB tại Bắc Kinh, ông Uichiro Niwa đã bị triệu đến BNG TQ để nhận lời phản đối chính thức về vụ va chạm tàu giữa TQ và NB ở ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư (mà phía Nhật gọi là Senkaku). NFN/BNG TQ Khương Du đã lên tiếng nhắc rằng “Điếu Ngư đài và các đảo nhỏ là của TQ” và yêu cầu phía NB ngưng “các hành động phương hại đến hoạt động tàu cá TQ và người dân TQ”. Tối ngày 7/9, Đại sứ NB Uichiro Niwa cũng đã được mời đến BNG TQ để nghe một Thứ trưởng NG cho biết quan điểm của TQ về vụ việc và yêu cầu NB ngừng các hành động tuần tra ở vùng biển quần đảo Điếu Ngư, tránh gây hại đến tàu và ngư dân TQ. Phía TQ cũng đòi NB thả chiếc tàu và thuyền trưởng bị giữ trong vụ va chạm này. Trong một động thái mạnh mẽ và có phối hợp tốt, cơ quan lãnh sự TQ tại NB đã ngay lập tức cử cán bộ đến thăm những ngư phủ của họ bị giữ trên đảo Ishigaki thuộc Okinawa, NB. Cùng thời gian này, không khí bài Nhật cũng nổi lên ở TQ với người biểu tình tụ tập trước ĐSQ NB ở Bắc Kinh để phản đối. Truyền thông quốc tế ghi nhận những lời lẽ mạnh mẽ từ một số người biểu tình. Họ nói: “Người Nhật đang muốn chết nên tìm cách gây rối với TQ theo kiểu này”. Tinh thần dân tộc Trung Hoa cũng được thể hiện trong sự kiện có cả một số người Hồng Kông và Đài Loan cùng lên tiếng phản đối việc tàu cá TQ bị Nhật bắt giữ. Được biết các nhóm dân sự từ Hồng Kông và Đài Loan cũng đã hẹn nhau vào ngày 12/9 tới sẽ bơi thuyền ra Điếu Ngư để phản đối NB.

Trong khi đó, tại Tokyo, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/9, TTg NB Naoto Kan đã khẳng định lại “chủ quyền của NB là rõ ràng” ở vùng Senkaku. Chánh Văn phòng Nội các NB Sengoku cho biết là phía Nhật cũng đã chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối việc ngư phủ TQ xâm nhập hải phận đánh cá bất hợp pháp. Trước đó, ngày 7/9, Cục trưởng Cục châu Á - BNG NB đã điện thoại cho Đại sứ TQ tại NB giải thích lý do bắt thuyền trưởng tàu cá TQ là thực hiện theo luật của NB và mong TQ bình tĩnh. Phát biểu trong họp báo tại Berlin, ngày 7/9, NT NB Okada tuyên bố “do sự việc xảy ra trên lãnh hải của NB nên phải xử lý theo luật của NB”. Các tin quốc tế ngày 8/9 cho hay phía NB vẫn giữ thuyền trưởng chiếc tàu cá mang số hiệu 5179 từ tỉnh Phúc Kiến của TQ. NFN Cục Tuần tra biển của NB, ông Daisuke Takahashi cho hay người thuyền trưởng đang bị thẩm vấn. Còn 14 thành viên thủy thủ đoàn còn lại cũng sẽ bị tra hỏi nhưng sẽ được thả tự do nếu phía TQ cử tàu đón họ. Hiện tất cả bị giữ trên một hòn đảo thuộc Okinawa, miền Nam NB.

Hiện các nhà phân tích vẫn chưa rõ vụ việc sẽ tác động thế nào đến quan hệ Nhật - Trung. Tuy nhiên phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức các BNG, Cục Bảo an trên biển, hôm 7/9, Chánh Văn phòng Nội các NB Yoshito Sengoku đã nhận định là vụ việc này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả đàm phán Nhật - Trung trong việc cùng khai thác tài nguyên ở biển Đông Hải.

+ Tin từ Pakistan - 8/9: TQ - Nam Á: Tờ The Nation dẫn lại nguồn tin từ Bắc Kinh, trích dẫn tuyên bố của NFN/BNG TQ Khương Du, xác định vai trò của TQ ở Nam Á. Bà Khương Du tuyên bố: “Là một trong những thành viên quan trọng của châu Á, TQ cam kết gìn giữ hoà bình, ổn định ở châu Á trong đó có Nam Á, vì sự phát triển và lợi ích chung. Ấn Độ và TQ đều là những cường quốc mới nổi, đồng thời là hai nước láng giềng. Quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt sẽ đáp ứng lợi ích của cả hai phía. TQ mong muốn một Nam Á hoà bình, ổn định và phồn vinh và sẽ quan hệ với các nước Nam Á, bao gồm Ấn Độ trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”.

Trong khi đó tại New Delhi, tờ The Times of India ngày 7/9 trích lời của TTg Mammohan Singh: “TQ muốn để lại dấu chân mình ở Nam Á. Chúng ta cần cảnh giác và đối phó với thực tế này… Đây là sự quả quyết mới của người TQ. Thực khó nói là họ sẽ hành động thế nào. Có thể họ sẽ sử dụng điểm nhạy cảm là Kashmir - khu vực tranh chấp với Pakistan để kìm chân Ấn Độ. Tuy vậy, tôi tin rằng thế giới này đủ rộng lớn để TQ và Ấn Độ cùng hợp tác và cạnh tranh ”.

Tờ The Nation bình luận: Ông Manmmohan Singh hiểu rằng TQ đã vượt qua ranh giới đỏ, gợi lên mối lo ngại về chủ quyền của người Ấn Độ.

+ RFA - 8/9: Đài Loan gia tăng sức mạnh quân sự. Ngày 8/9, một quan chức chính phủ ĐL cho biết ĐL sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới tính từ thời điểm hiện tại cho đến năm 2015, để bảo vệ nước này khỏi các vụ tấn công của TQ. Lá chắn phòng vệ dự kiến có khả năng phát hiện các tên lửa tầm ngắn đang đến, còn hệ thống radar cảnh báo sớm trị giá 1,25 tỷ USD cũng có thể truy tìm tên lửa đạn đạo hướng vào đất liền. Trong khi đó, BTQP ĐL cho biết nước này cũng đang nâng cấp 2 pháo đội tên lửa Patriot 3 và sẽ trang bị thêm 4 pháo đội mới nữa được mua từ Mỹ.

Hiện nay, TQ có khoảng từ 1.000 đến 1.500 tên lửa hướng về ĐL và không có dấu hiệu di dời những tên lửa này mặc cho các lời kêu gọi liên tục từ phía ĐL.

 

 

______________________

Thứ Tư, 8/9

BIỂN ĐÔNG

+ Tin từ Hồng Kông, Trung Quốc - 7/9: Mạng China review news ngày 7/9 đăng bài TQ đẩy nhanh phát triển từ nước lớn về hải dương thành cường quốc về hải dương, cho biết: Ngày 3/9, bên lề Đại hội thế giới về hải dương hoà bình lần thứ 33 tại Bắc Kinh, Cục trưởng Cục Hải dương nhà nước TQ Tôn Chí Huy trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã đã đánh giá trong 10 năm đầu thế kỷ 21, sự nghiệp hải dương của TQ đã có sự cải cách và phát triển tích cực, vị thế chiến lược hải dương ngày càng quan trọng, ý thức hải dương của dân tộc không ngừng tăng cường; công tác lập pháp về quản lý hải dương đã có đột phá, về cơ bản đã xây dựng được hệ thống luật về hải dương; công tác nghiên cứu chiến lược hải dương bước đầu có hiệu quả, công tác quy hoạch phát triển đạt kết quả rõ rệt; các ngành nghề hải dương không ngừng lớn mạnh, nền kinh tế biển phát triển nhanh chóng; công tác quản lý hải dương đạt được bước tiến mới, công tác chấp pháp bảo vệ quyền lợi hải dương được thúc đẩy toàn diện.

Về chiến lược phát triển hải dương của TQ, Cục trưởng Tôn Chí Huy đã bày tỏ rõ TQ sẽ đẩy nhanh phát triển từ nước lớn về hải dương thành cường quốc về hải dương và không giấu giếm việc sẽ mở rộng không gian phát triển hải dương của TQ. Cụ thể là, trên phương diện khai thác sử dụng tài nguyên hải dương, TQ sẽ tăng cường quản lý sử dụng vùng biển, quy hoạch trật tự khai thác hải dương, thúc đẩy kinh tế hải dương từ mô hình mở rộng về số lượng chuyển sang chất lượng, hiệu quả. Về phương diện chấp pháp và bảo vệ quyền lợi hải dương, TQ sẽ tăng cường hơn nữa công tác xây dựng năng lực và cơ sở, tăng cường tuần tra giám sát, nghiêm chỉnh chấp pháp, nỗ lực bảo vệ trật tự trong hoạt động sản xuất trên biển và quyền lợi hải dương; tăng cường công tác khảo sát ở Nam cực và Bắc cực, mở rộng hơn nữa không gian khảo sát, tích cực thăm dò tài nguyên khoáng sản ở đáy biển quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực tham gia vào các công việc hải dương quốc tế.

Trong bài phỏng vấn, Cục trưởng Tôn Chí Huy không nói đến lĩnh vực quân sự trong chiến lược hải dương, nhưng đã đề cập đến việc TQ sẽ đẩy mạnh phát triển ra khu vực biển nước sâu. Trong tuần trước, TQ vừa công bố việc thử nghiệm thành công máy lặn do TQ tự chế tạo ở độ sâu 3.000 m tại khu vực Nam Hải (Biển Đông), mực lặn sâu nhất đạt 3.759 m, thời gian tác nghiệp dưới biển đạt kỷ lục 9 giờ 3 phút. Nhân dịp TQ trở thành nước thứ 5 sau Mỹ, Pháp, Nga, Nhật có được công nghệ chế tạo máy lặn ở độ sâu trên 3.500 m và trong quá trình thử nghiệm ở Nam Hải (Biển Đông), TQ đã cắm cờ TQ dưới đáy biển. Việc làm này được phổ biến cho rằng nhằm tuyên bố chủ quyền của TQ đối với vùng biển ở đây.

Trong khi đó, Mạng Hóa công và Dầu khí TQ ngày 7/9 đưa tin, Tổng Giám đốc Công ty xây dựng công trình, Tổng Công ty dầu khí hải dương TQ Kim Hiểu Kiếm phát biểu tại Triển lãm quốc tế về dầu khí hải dương lần thứ 8 từ 1 - 3/9 cho biết, sản lượng khai thác dầu thô trên biển của TQ đến hết năm 2010 sẽ đạt 50 triệu tấn. Dự kiến trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Tổng Công ty dầu khí hải dương TQ sẽ khai thác thêm 50 triệu tấn dầu thô ở thềm lục địa và ven thềm lục địa của TQ, dự kiến sẽ có 2 - 3 giếng dầu nước sâu được đưa vào khai thác trong thời gian này.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội công nghiệp dầu khí và hóa dầu TQ Triệu Chí Minh cho biết, tiềm năng dầu khí trên biển của TQ rất lớn, nhất là vùng biển nước sâu ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa) chưa có nước nào tiến hành khai thác.

Theo số liệu thống kê, tổng nhu cầu hàng năm của thị trường thiết bị công trình biển trên thế giới hiện nay khoảng 40 - 50 tỷ USD. Trong thời gian Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, dự kiến đầu tư cho khai thác tài nguyên dầu khí trên biển của TQ sẽ vào khoảng 120 tỷ NDT, nhưng có thể lên tới 250 - 300 tỷ NDT. Triệu Chí Minh cho biết, các dàn khoan và thiết bị sản xuất, khai thác trên biển của TQ hiện nay chủ yếu ở độ sâu 500 m trở xuống, trong đó các thiết bị do TQ tự chế tạo phần lớn ở độ sâu dưới 200 m. Tuy nhiên, vùng biển Nam Hải (Biển Đông) phần lớn ở độ sâu từ 500 - 2.000 m. Do đó, thời gian tới TQ sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị nước sâu, nhằm cung cấp cơ sở vật chất cho khai thác dầu khí nước sâu ở “Nam Hải”.

Các nhà quan sát cho rằng, với thực lực cũng như các lợi ích về kinh tế biển và nhu cầu về tài nguyên biển của TQ ngày càng lớn mạnh, nhu cầu mở rộng vùng biển và bảo vệ quyền lợi biển trên phạm vi toàn cầu đang trở thành xu thế lớn. Gần đây, việc TQ lớn tiếng phản đối Mỹ - Hàn diễn tập quân sự ở Hoàng Hải và những tin đồn về Nam Hải (Biển Đông) là “lợi ích cốt lõi” của TQ cho thấy TQ ngày càng có thái độ cứng rắn trong các vấn đề liên quan đến hải dương.

ĐÔNG NAM Á

+ Tin từ Thái Lan - 7/9: ASEAN - Mỹ: Mỹ quan tâm đến ĐNÁ là một tin đáng mừng (bài bình luận đăng trên tờ Bangkok Post). Cuối cùng thì Nhà Trắng đã ra tuyên bố về việc TTh Obama mời lãnh đạo các nước ASEAN sang New York dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 2 vào ngày 24/9 tới. Tuy nhiên, việc mời tất cả các lãnh đạo ASEAN sẽ là một vấn đề rất phức tạp. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lãnh đạo quân sự của Myanmar quyết định tham dự cuộc họp thượng đỉnh này? Việc lãnh đạo của một chế độ độc tài có mặt tại Mỹ và cùng ngồi với TTh Obama sẽ là một vấn đề nan giải đối với Mỹ, nước đang áp đặt cấm vận đối với Myanmar và kêu gọi mở cửa, dân chủ tại Myanmar. Trong khi đó, việc lãnh đạo Myanmar dự hội nghị Thượng đỉnh của LHQ dễ giải thích hơn vì tất cả các thành viên của LHQ đều được mời.

Một điều hiển nhiên là chủ đề hợp tác thương mại, đầu tư sẽ được đề cập tới trong cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ. Tuy nhiên, do chỉ gói gọn trong 2 tiếng đồng hồ, các lãnh đạo ASEAN và Mỹ sẽ phải đặt ưu tiên cao cho các vấn đề an ninh và hòa bình khu vực quan trọng nhất. Một điều khác có thể dự đoán trước là cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ phải tránh tạo ấn tượng là một nỗ lực chung của khu vực nhằm ngăn cản ảnh hưởng đang gia tăng của TQ tại Đông Á. Nếu không sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với toàn thể khu vực. Bắc Kinh vẫn còn tức giận về các phát biểu của NT Mỹ tại ARF liên quan đến Biển Đông và tiếp tục cho rằng ASEAN, thông qua VN có thể đang câu kết với Mỹ nhằm làm suy giảm ảnh hưởng của TQ ở khu vực.

ASEAN đang hy vọng rằng việc mời cả Mỹ và Nga vào EAS sẽ tạo cơ hội để tất cả các cường quốc liên quan trao đổi quan điểm, từ đó nâng cao hơn lòng tin. ASEAN sẽ có lợi ích lớn từ việc này; đồng thời khả năng xảy ra các xung đột tiềm tàng trong tương lai sẽ giảm đi. ASEAN cần bảo đảm rằng việc mời các cường quốc vào diễn đàn này sẽ không làm quan hệ giữa các nước trở nên phức tạp hơn. Do đó, ASEAN phải kiểm soát được chương trình nghị sự và phạm vi can dự của EAS trong thời gian tới.

Cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ từ nay sẽ trở thành cuộc gặp thường niên và cả hai bên đã tỏ cam kết ở cấp cao cố gắng để cuộc họp này có hiệu quả. Tất cả các bên đều nhận ra rằng việc bố trí để các nhà lãnh đạo ngồi được với nhau là rất khó, do đó cần tận dụng mọi cơ hội có thể có. Yếu tố quan trọng nhất là một ý chí chính trị chung để giải quyết thấu đáo các vấn đề phát sinh.

+ Tin từ Indonesia - 7/9: Kết quả Cuộc họp ủy ban hỗn hợp IndonesiaMalaysia. Ngày 6/9, NT Indonesia và Malaysia đã gặp nhau tại Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp ở Kinabalu, Malaysia. Hai bên nhất trí đàm phán thêm về khu vực biên giới, xem xét lại các thủ tục,, đồng thời tránh lặp lại những vụ việc liên quan đến biên giới như vừa qua. Hai NT bày tỏ hối tiếc về vụ bắt người ngày 13/8. Malaysia cam kết sẽ đối xử tốt với bất kỳ quan chức Indonesia nào bị bắt trong tương lai, không còng tay hoặc bắt họ mặc áo tù. NT 2 nước cũng đã nhất trí gặp nhau bên lề Đại hội đồng LHQ 24/9 tới, đồng thời sẽ tiếp tục tổ chức thêm 4 cuộc họp trong năm 2010, trong đó có cuộc họp kỹ thuật và cấp bộ trưởng vào 11 - 12 và 23 - 24 tháng 11/2010. NT Malaysia đề nghị tất cả các tàu (đi lại trong khu vực tranh chấp) nên có một hệ thống chỉ dẫn để giúp họ nhận ra khi nào tàu của mình đi vào lãnh thổ của nước láng giềng và yêu cầu quay lại. Phát biểu tại cuộc họp báo chung, NT Marty nói: các cuộc họp sắp tới sẽ tập trung đàm phán giải quyết một số đoạn biên giới tranh chấp giữa hai nước, đặc biệt liên quan đến Eo biển Singapore, Indonesia; tin rằng các cuộc đàm phán có thể bắt đầu sớm đối với những khu vực liên quan trực tiếp giữa Indonesia và Malaysia, cho dù đàm phán giữa Malaysia với Singapore về quyền sở hữu đối với đảo nhỏ South Ledge chưa kết thúc. IndonesiaMalaysia không có kế hoạch đưa vấn đề biên giới giữa 2 nước ra Tòa án Quốc tế. Có thể đây là động thái nhằm khuyến khích giải quyết tranh chấp theo cách thân tình, nhưng các nhà quan sát và nhà lập pháp tại Jakarta cho rằng cuộc gặp đã không đưa ra được lộ trình cụ thể và rõ ràng để kết thúc tranh chấp, Indonesia đã không thuyết phục được Malaysia xin lỗi về vụ bắt người.

ĐÔNG BẮC Á

+ Tin từ Thái Lan, RFA - 7/9: Theo giới truyền thông TQ, trong những cuộc thảo luận với phái đoàn quan chức cấp cao Mỹ gồm Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Summers và Phó Cố vấn an ninh quốc gia Thomas Donilon hiện đang ở Bắc Kinh, đại diện phía TQ Đới Bỉnh Quốc cho biết TQ luôn muốn có quan hệ tốt với Mỹ, nhưng không hài lòng khi thấy Washington tiếp tục làm áp lực về tỷ giá đồng NDT. Ông Đới Bỉnh Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng để mở rộng quan hệ song phương, giải quyết mọi khác biệt trên căn bản tương nhượng lẫn nhau.

Cũng trong cuộc gặp này, phía TQ nói rõ không đồng ý về việc Mỹ sử dụng kinh tế và thương mại vào mục tiêu chính trị. Phát biểu này được xem là nhằm vào việc Mỹ thúc đẩy TQ phải ấn định lại tỷ giá đồng NDT. Các chuyên gia kinh tế cũng như các viên chức Mỹ đều nói Bắc Kinh cố ý dìm giá đồng bạc của họ để có lợi khi xuất khẩu. Khi được yêu cầu làm sáng tỏ chuyện này, NFN/BNG TQ Khương Du nói rằng CP Bắc Kinh không quyết định chính sách vì bị áp lực từ phía bên ngoài. Trong ngày 7/9, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và TTg Ôn Gia Bảo của TQ đã tiếp phái đoàn Mỹ trước khi đoàn trở lại Washington.

+ VOA, RFA - 7/9: Căng thẳng ngoại giao đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Tokyo. Cả TQ và NB đều lên tiếng phản đối lẫn nhau trong vụ tàu tuần tra NB và tàu đánh cá TQ va vào nhau hôm 6/9 ở Biển Đông Trung Hoa, gần đảo Điếu Ngư - mà 2 nước đang tranh chấp chủ quyền.

Một NFN của lực lượng tuần duyên NB cho hay tàu tuần tra Nhật đã yêu cầu chiếc tàu đánh cá TQ ngừng lại để kiểm tra vì vi phạm luật ngư nghiệp quốc tế, nhưng tàu đánh cá TQ không thi hành lệnh mà còn cố ý đâm vào 2 chiếc tàu tuần tra của Nhật, làm hư hại nhẹ cả 2 chiếc tàu này. Trước đó, chính trị gia Nhật Ichiro Ozawa đã lên tiếng nói rằng Tokyo phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về chủ quyền những hòn đảo thuộc về NB.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã bày tỏ “quan tâm to lớn” về vụ này và nói rằng NB nên chấm dứt ngay những hành động gây nguy hiểm cho ngư dân và tàu đánh cá TQ, đồng thời nhắc lại đảo Điếu Ngư và những hòn đảo nhỏ nằm gần đó thuộc lãnh thổ TQ

 

 

______________________________

Thứ Ba, 7/9

BIỂN ĐÔNG

+ Tin từ Thái Lan,TQ - 6/9: Theo ông Termsak Chalermpalanupap - Giám đốc tiểu ban an ninh và chính trị của Ban thư ký Asean, đối với Asean, tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên về vấn đề biển Đông (DOC) được ký tại Phnompenh ngày 4/11/2002 luôn được coi là khuôn khổ cho hợp tác khu vực giữa Asean và TQ trong việc giải quyết các bất đồng và xây dựng lòng tin giữa các bên về vấn đề biển Đông. Nhưng các năm gần đây, hình như TQ đã có sự thay đổi trong suy nghĩ về DOC, lo ngại rằng DOC sẽ đe dọa đến chủ quyền của TQ trong vấn đề biển Đông. Vì vậy, TQ đã phản đối đề nghị của Asean xây dựng thêm Nguyên tắc Tham chiếu (TOR) trong DOC, theo đó quy định triển khai tham khảo ý kiến của 4 nước trong Asean có liên quan đến tranh chấp biển Đông trước khi bàn với TQ.

Về vấn đề vùng lãnh hải mở rộng, ông Termsak Chalermpalanupap cho rằng: đây là vấn đề có tính kỹ thuật trong các tuyên bố về vùng chồng lấn (EEZ) liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và khu vực thềm lục địa của các nước xung quanh biển Đông. Trong vấn đề này, Indonesia - nước sắp tới sẽ là CT Asean năm 2011 - cũng có liên quan vì vùng chồng lấn và các lợi ích của Indonesia ở biển Natuna cũng tiếp giáp với biển Đông. Chắc chắn những tuyên bố nói trên của các bên sẽ chồng chéo, đan xen với nhau và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là thông qua Ủy ban về thềm lục địa của LHQ (Commission on limits of continental shelves). Asean không thể can dự vào vấn đề này vì hai nước thành viên của Asean là CPC và TL chưa phê chuẩn Luật biển 1982 của LHQ (UNCLOS). Mỹ cũng không thể có tiếng nói vì Mỹ cũng chưa phê duyệt Luật biển 1982.

Trong khi đó, Báo Giải phóng quân (TQ) ngày 6/9 đăng bài “TQ sẽ tăng tốc tiến ra biển sâu”, cho biết, từ ngày 3 - 4/9 tại Bắc Kinh đã diễn ra Hội nghị hải dương hòa bình thế giới lần thứ 33. Phát biểu trong thời gian diễn ra Hội nghị, Cục trưởng Cục Hải dương nhà nước TQ Tôn Chí Quân bày tỏ, TQ sẽ tăng tốc tiến ra biển sâu. Ông Tôn cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển, TQ đã có những tích lũy và bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực kỹ thuật nước sâu. Công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị nước sâu của TQ phát triển nhanh chóng, đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị lặn có người lái 7.000 m, thiết bị lặn không người lái, không cáp 6.000 m và 3.500 m, máy lấy mẫu truyền hình ảnh, máy thăm dò đáy biển bằng thiết bị sonar… Đặc biệt gần đây TQ đã thử nghiệm thành công thiết bị lặn có người lái ở độ sâu 3.500 m, đánh dấu sự phát triển kỹ thuật nước sâu của TQ đã bước vào giai đoạn mới. Hiện nay TQ còn gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nghiêm trọng tàu điều tra và thiết bị nước sâu. Do đó, Cục Hải dương nhà nước TQ đã tổ chức các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch xây dựng các đội tàu điều tra tổng hợp.

Theo Tân Hoa xã ngày 5/9, dẫn nguồn tin từ Ủy ban Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam, TQ cho biết, trong thời gian 6 năm, tỉnh Hải Nam sẽ hoàn thành công tác lập pháp 56 hạng mục xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam. Các hạng mục lập pháp lần này sẽ xoay quanh việc thực hiện 6 chiến lược đảo du lịch quốc tế Hải Nam, vận dụng tối đa quyền lập pháp của đặc khu, xây dựng cơ chế, thể chế linh hoạt và cơ cấu kinh tế đặc sắc Hải Nam, tạo chỗ dựa và đảm bảo pháp chế cho việc xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam.

Đông Nam Á

+ RFI - 6/9: MalaysiaIndonesia đàm phán về tranh chấp lãnh hải. Ngày 6/9, NT Malaysia Anifah Aman tiếp đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa tại phía Đông tiểu bang Sabah, Malaysia sau sự cố Indonesia bắt giữ ngư dân Malaysia khi đánh cá tại vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước. Sau cuộc họp này, NT hai nước cho biết là để tránh tái diễn những sự cố như hồi giữa tháng 8 và thảo luận vấn đề tranh chấp chủ quyền, đại diện hai bên sẽ gặp lại nhau vào tháng 10 tại Kuala Lumpur và vào tháng 11 tại Jakarta.

MalaysiaIndonesia hiện đang có những tranh chấp về chủ quyền lãnh hải ở eo biển Malacca, Biển Đông, biển Sulawesi và trong khu vực các đảo Bintan và Batam. Tranh chấp chủ quyền giữa hai nước lần đầu tiên nổ ra vào năm 1979 khi Kuala Lumpur vẽ lại bản đồ, với đòi hỏi về chủ quyền của Malaysia mở rộng đến tận vùng biển Ambalat, ở ngoài khơi phía Đông đảo Borneo của Indonesia. Tuần trước, Malaysia cho biết là nếu hai bên không giải quyết được các tranh chấp về chủ quyền thì có thể đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế La Haye.

Trước đó, ngày 13/8, 7 ngư dân Malaysia đã bị bắt giữ trong lúc đánh cá tại vùng biển ở phía Nam Malaysia, nơi đang có tranh chấp giữa hai nước. Chính quyền Jakarta đã cáo buộc các ngư dân Malaysia xâm phạm lãnh hải Indonesia. Trong khi đó, ba quan chức Indonesia lại bị chính quyền Kuala Lumpur bắt giữ vì bị coi là xâm nhập trái phép vào lãnh hải Malaysia. Sau đó, tất cả những người nói trên đều được chính quyền hai nước trả tự do nhưng vụ việc đã gây căng thẳng trong quan hệ song phương.

ĐÔNG BẮC Á

+ RFA, RFI, VOA - 6/9: Mỹ - Trung: Hai cố vấn của TTh Mỹ Obama, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Summers và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon đang có mặt tại Bắc Kinh để thảo luận với các giới chức cao cấp TQ nhằm tìm ra phương sách xoa dịu một số va chạm và làm ấm lên quan hệ giữa hai cường quốc, sau khi mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng do nhiều vấn đề từ đầu năm 2010.

Trước các cuộc hội đàm, người đứng đầu BTC của UBTW Đảng Cộng sản TQ Lý Nguyên Triều đã đưa ra một yếu tố tích cực để thúc đẩy mối bang giao giữa TQ và Mỹ. Ông Lý nói chính phủ của ông nghĩ rằng TQ và Mỹ đã duy trì được điều mà ông mô tả là một sự phát triển bền vững. Ông nói bất kể những trở ngại mới đây, các cuộc hội kiến giữa TTh Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi đầu năm 2010 đã đưa bang giao giữa hai nước vào điều ông mô tả là một “đường hướng lành mạnh.” Phó TTg TQ Vương Kỳ Sơn cũng cho biết ông mong muốn thảo luận về quan hệ TQ - Mỹ trong thương mại, đầu tư và tài chính trong cuộc hội đàm với Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Summers nói rằng TTh Mỹ Obama đã nhấn mạnh "tầm quan trọng giữa hai nước tùy thuộc vào quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và TQ và để chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Mỹ được tốt đẹp". Ông Summers cho rằng hai nước sẽ được hưởng lợi từ cuộc trò chuyện thẳng thắn vì từ các cuộc đối thoại này sẽ cho phép cả hai bên hiểu được suy nghĩ của nhau. Tuy nhiên không bên nào cung cấp thông tin chi tiết về mục đích chuyến thăm hoặc những gì đã được thảo luận.

Trong một diễn biến khác, xã luận của nhật báo tiếng Anh của TQ, tờ Global Times số ra ngày 6/9 cho biết TQ cần phải có tên lửa tầm xa và các phương tiện khác có khả năng tiêu diệt các tàu sân bay. Tác giả bài xã luận cho rằng: một khi tàu sân bay của Mỹ trong khu vực TBD trở thành một đe dọa cho quyền lợi của TQ, thì TQ phải có vũ khí đối phó. Theo một báo cáo của BQP Mỹ được công bố giữa tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã bắt đầu có kế hoạch sản xuất các vũ khí chống tàu sân bay.

 

 

_____________

Thứ Hai, 6/9


BIỂN ĐÔNG

+ RFI, BBC - 5/9: Australia có khả năng làm trung gian giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Là một cường quốc bậc trung tại châu Á - TBD, Australia có nhiều quyền lợi gắn liền với tự do thông thương hàng hải ở Biển Đông. Trước những căng thẳng trong khu vực giữa TQ và ASEAN, Mỹ, một số nhà phân tích đã nêu ra khả năng và vai trò của Australia đứng ra làm trung gian giúp giải quyết vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang của RFI, trước hết, về phản ứng của Australia về tuyên bố của TQ coi Biển Đông thuộc quyền lợi cốt lõi của mình, ông cho rằng Australia cũng có lập trường tương đối giống Mỹ, đó là nhấn mạnh đến 2 điểm là muốn có sự ổn định trong khu vực và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông, đồng thời tranh chấp cần được giải quyết bằng thương thuyết hòa bình. Biển Đông có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng và kinh tế với Australia.

Về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa TQ và một số nước Asean và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông, Ausralia ủng hộ DOC được ký kết giữa TQ và Asean vào năm 2002, theo đó mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Về khả năng Australia làm trung gian hòa giải, trong ngắn hạn, vì Australia đang có khủng hoảng chính trị sau bầu cử vào tháng 8/2010 nên khó có thể tiếp tục đường lối ngoại giao năng động như trước. Tuy nhiên, trong dài hạn, vì Australia luôn muốn có vị trí thuận lợi tại ĐNÁ, TBD, có tiếng nói trong giải quyết các vấn đề khu vực nên có thể đảm nhiệm được công việc trung gian hòa giải cho vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, Australia không phải là mối đe dọa của TQ như Mỹ nên khả năng thành công với vị trí trung gian này sẽ lớn hơn so với Mỹ.

Một nhóm chuyên gia TQ - ASEAN về Tuyên bố Hành xử đã chỉ gặp nhau bốn lần kể từ 2004, nhưng riêng trong năm 2010 có thể gặp nhau thêm lần thứ hai. BTQP Mỹ Robert Gates cũng sẽ đến dự cuộc họp đầu tiên của các BTQP ASEAN trong tháng 10/2010. TQ được mời nhưng chưa nói rõ sẽ dự hay không. Một số nhà phân tích hy vọng các cuộc gặp này sẽ giúp tạo ra quy tắc hành xử thật sự trên biển - nhưng vẫn tồn tại khác biệt căn bản giữa TQ và ASEAN. Trong khi các đại cường, Mỹ và TQ, tranh đua bằng ngôn từ hiếu chiến và một loạt các cuộc tập trận, các nước chính của ASEAN đang quan sát trong lo ngại. Với VN, trong tư cách chủ tịch ASEAN năm 2010, vấn đề Biển Đông đã thành nổi bật và ASEAN đã có một tầm mức đồng thuận mới.

+ BBC - 2/9: An ninh Biển Đông thành chủ đề quốc tế. Quan hệ song phương ấm lên giữa VN và Mỹ, liên quan tới vai trò của TQ tại khu vực ĐNÁ và trên Biển Đông tiếp tục là đề tài được truyền thông phương Tây và TQ đưa ra bàn bạc.

Tờ báo Anh The Guardian vừa cho đăng bài bình luận về quan hệ tay ba Việt, Mỹ, TQ, phân tích các phản ứng của Bắc Kinh về việc Hà Nội và Washington tăng cường giao lưu về quân sự bên cạnh nhiều lĩnh vực khác liên quan tới an ninh, quốc phòng. Theo tác giả bài báo, chuyến thăm 4 ngày vào tháng 8/2010 của hàng không mẫu hạm USS George Washington tới VN chính là một thông điệp cho Bắc Kinh: "Mỹ cũng có phần tại nơi mà TQ cho là sân sau của nhà mình".

Ngay sau các tuyên bố của giới ngoại giao và quân sự Washington được đưa ra tại các diễn đàn khác nhau ở các quốc gia vùng ĐNÁ, Bắc Kinh đã có những động thái tái khẳng định chủ quyền và vị thế của mình một cách cứng rắn, như những thông điệp được đưa ra qua truyền thông nội địa. Tờ báo mạng Ta Kung Pao có trụ sở tại Hong Kong đăng bài của tác giả Wang Chi-wen nhận định "Mỹ và VN đang câu kết với nhau và củng cố các quan hệ quân sự để chĩa mũi nhọn vào TQ". Bài viết cho rằng VN đang có chính sách lôi kéo quyền lợi kinh tế của nhiều siêu cường thế giới để được lợi trên vùng biển. Về Mỹ, tác giả nhận định, Washington đang có chiến lược "tăng cường việc bao vây TQ, đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển của TQ và khai thác các vấn đề ở Biển Đông nhằm chia rẽ quan hệ TQ và các nước ASEAN".

Cuối cùng, tờ báo đưa ra lời cảnh báo với VN: "Việc mong muốn trở thành một tên lính quèn cho Mỹ sẽ đặt VN vào một vị trí không đáng tin cậy và đầy bất trắc. VN sẽ cảm thấy quá trễ khi mất đi nền độc lập". Đồng thời, bài báo đưa ra lời kết luận mang tính khuyến nghị với Bắc Kinh: "TQ cần ứng xử với các quốc gia có liên quan vấn đề Biển Đông một cách khác biệt để tìm kiếm một đột phá trong việc giải tán âm mưu gieo giắc bất hòa của Mỹ".

Có vẻ như TQ đang tỏ ra quan ngại và có vẻ không hài lòng trước các động thái mới thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia mà nước này có tranh chấp lãnh thổ trong vùng, cũng như phương cách tiếp cận mới mà Washington muốn đưa ra nhằm quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp khu vực lâu nay, có liên quan TQ, VN và nhiều nước khác.

+ RFI - 31/8: Thái độ ngạo mạn của Bắc Kinh đối với "các nước nhỏ" dám ủng hộ quan điểm của Mỹ về Biển Đông nhân Diễn đàn ARF tháng 7/2010 đã gây phẫn nộ ở nhiều nước ASEAN. Trong bài "TQ cần chứng tỏ chủ trương trỗi dậy hiền hòa" (China needs to show its rise is benign), Goh Sui Noi, Biên tập viên cao cấp Nhật báo Singapore The Straits Times cho rằng TQ cần phải xét lại hành động của mình đối với khu vực để chứng minh rằng họ thực sự tiến hành chính sách vươn lên hài hòa như đã từng tuyên bố.

Các cuộc tập trận Mỹ-Hàn gần đây trên các vùng biển Hoàng Hải và NB phản ánh mối quan hệ xấu đi giữa TQ và Mỹ. Nó bắt đầu vào tháng 1 với phản ứng giận dữ của TQ qua việc hủy bỏ các trao đổi quân sự cấp cao giữa hai nước, sau khi Mỹ thông báo bán một lô mới vũ khí cho ĐL. Tình hình không khá hơn khi Bắc Kinh đã từ chối lên án BTT trong vụ chìm tàu Cheonan. Mọi việc đã đi xa hơn khi NT Mỹ Hillary Clinton thông báo rõ ràng tại Diễn đàn ARF ở Hà Nội vào tháng 7/2010 về việc Mỹ can dự trở lại vào vùng ĐNÁ và bác bỏ những đòi hỏi của TQ về chủ quyền trên Biển Đông. Bà coi quyền tự do hàng hải nằm trong “lợi ích quốc gia” của Mỹ và sẵn sàng tạo thuận lợi cho việc lập ra một quy tắc ứng xử cho khu vực.

Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ, coi những bình luận của NT Mỹ như một cuộc tấn công TQ và nói rằng họ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa vấn đề. TQ nói sẽ giải quyết tranh chấp với từng quốc gia riêng lẻ trong khu vực trong khuôn khổ song phương, một cách tiếp cận mà một số người cho rằng đó là cách "chia để trị". Các phương tiện truyền thông TQ cũng chỉ trích phát biểu của bà Clinton, tờ China Daily tố cáo Mỹ có "ý đồ gây rối tại các quốc gia đang có tranh chấp về lãnh thổ” với TQ.

Nhưng thực tế là Mỹ sẽ không thể mạo hiểm trục lợi nếu vùng biển này đã không bị khuấy đục một chút. Điều đáng nói là không chỉ có một mình bà Clinton nêu vấn đề Biển Đông tại diễn đàn ARF mà 11 quốc gia khác cũng đã làm như vậy. Mặc dù TQ đã nhiều lần nói rằng họ cam kết vươn lên một cách hòa bình, nhưng có nhiều điểm không rõ ràng ngay cả trong số các nhà phân tích TQ: TQ sẽ trỗi dậy ra sao hoặc TQ sẽ làm gì một khi sức mạnh của họ gia tăng trên toàn cầu. Trong những tháng gần đây, các hành động của TQ trên thế giới - bao gồm cả việc ngăn chặn một thỏa thuận về biến đổi khí hậu vào tháng 12/2009 - cũng như trong khu vực chỉ làm tăng thêm các lo âu.

TQ cần phải làm nhiều hơn để cho thấy rằng sự trỗi dậy của họ là hiền hòa. Nói những điều đe dọa như “TQ là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, và đó là một thực tế”, như NT/TQ Dương Khiết Trì đã phát biểu tại ARF, chắc chắn không phải một trong những phương cách nên làm. Mặt khác, xúc tiến thành lập một quy tắc ứng xử cho Biển Đông để có thể giải quyết các vấn đề, như tranh chấp lãnh thổ, trong khuôn khổ đa phương hơn là song phương sẽ là một trong những phương cách.

Về phần mình, các nước trong khu vực cần phải cùng nhau đứng lên chống lại người láng giềng khổng lồ. Sẽ là thảm hoạ nếu họ chia rẽ thành khối ủng hộ TQ và khối ủng hộ Mỹ. Họ muốn có sức mạnh của Mỹ trong khu vực để cân bằng lại uy lực của TQ - nhưng sự cân bằng chỉ có thể được thực hiện khi các đối thủ cạnh tranh có quan hệ hữu nghị với nhau. Cuộc đối đầu giữa hai quốc gia sẽ đặt các nước trong khu vực vào vị trí không dễ chịu do việc phải đứng hẳn về một trong hai phe. Các nước trong khu vực có thể tự giúp mình bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa các đối thủ. Hội nghị các BT Quốc phòng Asean + 8 lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 10/2010 - sẽ tạo cơ hội cho các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ và TQ gặp nhau. Việc có cả hai nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào năm 2011 cũng là một động thái tốt, bởi vì diễn đàn này sẽ tạo cơ sở cho hai cường quốc gặp nhau đúng vào thời điểm mà họ cảm thấy khó mà làm được việc này.

ASEAN

+ RFI, VOA - 3, 4, 5/9: Báo mạng The Hindu số ra ngày 4/9 cho biết: dựa theo các nguồn tin ngoại giao, BTQP TQ Lương Quang Liệt và BTQP Ấn Độ Arackaparambil Kurian Antony sẽ tham dự Hội nghị BT/QP ASEAN mở rộng, còn gọi là ADMM +, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/10 tới đây. Tuy nhiên, chưa rõ BTQP Ấn Độ và TQ có gặp riêng nhau bên lề hội nghị hay không.

Giới quan sát rất chú ý đến Hội nghị ADMM + lần này bởi vì Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - TQ và ASEAN - TQ có phần căng thẳng, sau những tuyên bố của NT Mỹ Hillary Clinton về Biển Đông tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN hồi tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa TQ và Ấn Độ cũng đang trục trặc. New Delhi đã ngưng các cuộc thảo luận trao đổi về quốc phòng giữa hai nước, sau vụ TQ từ chối cấp visa nhập cảnh cho cho một sĩ quan Ấn Độ; và gần đây nhất là phát biểu của TQ về khu vực Gilgit - Baltistan, ở vùng Cachemir, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trong khi đó, ngày 2/9, Giám đốc Nghiên cứu ĐNÁ Ernie Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS tại Washington tiết lộ trên blog CogitAsia của trung tâm này rằng HN Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 24/9 tới đây tại New York, đúng một ngày sau khi ĐHĐ/LHQ khai mạc cuộc họp thường niên.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Nation của TL ngày 2/9, TTK/ASEAN Surin Pitsuwan cũng xác nhận tin trên và cho biết thêm: “Đa số các lãnh đạo ASEAN đều phản ứng tích cực trước lời mời của Mỹ”. Theo ông Pitsuwan, sự kiện trên chứng tỏ “đà tiến ngày càng mạnh mẽ” trong quan hệ Mỹ - ASEAN. Việc Mỹ dấn thân trở lại vùng ĐNÁ mở ra “nhiều triển vọng ngoại giao mới và tạo thêm cơ hội thương mại và đầu tư”.

Theo giới quan sát, các lãnh đạo ASEAN chờ đợi là tại hội nghị này, TTh Mỹ Obama sẽ khẳng định chiến lược ĐNÁ mới của Mỹ đã được NT Hillary Clinton phác họa ở Hà Nội tháng 7/2010.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng vấn đề Myanmar là nguyên nhân khiến Mỹ chọn New York là nơi tổ chức hội nghị, thay vì chọn Washington như mong muốn của các lãnh đạo ASEAN. Theo ông Ernie Bower, chắc hẳn là hồ sơ Myanmar sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự của hai bên tại New York.

đna

+ BBC - 4/9: Mỹ - PLP: Tàu USS George Washington thăm PLP. Ngày 4/9, hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington tới Manila, PLP để tăng cường quan hệ hải quân giữa Mỹ và đồng minh của mình tại Đông Nam Á. Hải quân Mỹ sẽ tham gia các dự án tăng cường quan hệ và trao đổi chuyên môn với hải quân PLP khi chiến hạm neo đậu cách Manila khoảng 300 km. Hạm trưởng tàu USS George Washington, ông David Lausman nói: “Vùng biển quốc tế trên khắp thế giới thuộc về mọi quốc gia, tuy nhiên cũng có nghĩa là không thuộc về quốc gia nào. Tất cả chúng ta đều cùng sử dụng và việc thực thi quyền mỗi nước trên thế giới có thể sử dụng vùng biển quốc tế một cách hòa bình là lợi ích cốt lõi của chúng ta. Đó là lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia”. Hạm trưởng Lausman nói thêm rằng: “Tất cả các quốc gia đều phụ thuộc rất nhiều vào hàng hải thương mại. Việc duy trì các tuyến đường biển quốc tế tại Tây Thái Bình Dương trên bình diện chung cả thế giới là đòi hỏi của thực tế và việc giữ cho các tuyến đường biển này được ổn định và an toàn là lợi ích cốt lõi cố nhiên của mỗi quốc gia. PLP, Mỹ, VN, TQ, TT - có thể kể tên thêm các quốc gia khác nữa, tất cả chúng ta đều cần có tuyến hàng hải hải ổn định”.

+ Tin từ Indonesia - 1/9: Indonesia và Singapore sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán biên giới (Jakarta Post ngày 1/9): Phát biểu tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Singapore, NT Indonesia Marty cho biết, sau khi giải quyết thành công đường biên giới phía Tây, Indonesia và Malaysia sẽ tiến hành ngay các vòng đàm phán biên giới tại một trong 2 đoạn biên giới còn lại, đó là khu vực Changi và Batam. Trong khi đoạn biên giới giữa Pedra Branca và Bintan sẽ được phân định sau khi Singapore đàm phán xong với Malaysia. Nhân dịp này, NT Marty và NT Singapore George Yong-Boon Yeo cũng đã nhất trí tiến hành các cuộc gặp không chính thức 6 tháng một lần nhằm đánh giá quan hệ song phương. NT Marty cho rằng, hai bên cần giữ liên lạc chặt chẽ để kiểm soát những vấn đề có thể nảy sinh giữa những nước có quan hệ gần gũi về mặt địa lý.

ĐÔNG BẮC Á

+ BBC, RFA, RFI, VOA - 1/9: Ngày 1/9, Tân Hoa xã đưa tin, Hạm đội Bắc Hải của hải quân TQ tiến hành cuộc tập trận có bắn đạn thật từ ngày 1 - 4/9, tại vùng biển phía bờ Đông gần Thanh Đảo. Nhiều máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí sử dụng lần này đã từng được phô trương trong dịp diễu hành mừng Quốc khánh TQ vào ngày 1/10/2009, nhân kỷ niệm 60 năm chế độ Cộng sản cầm quyền.

Trong một bản tin trước đó, Tân Hoa xã dẫn lời BQP/TQ nói rằng đây chỉ là một cuộc tập trận thường niên, chủ yếu là việc bắn đạn pháo từ các chiến hạm.

Trong khi đó, Mỹ và HQ cũng sẽ tiến hành một cuộc diễn tập mới tại Hoàng Hải, ở giữa phía Bắc TQ và bán đảo TT, bắt đầu từ ngày 5 - 9/9, nhằm cảnh cáo BTT sau vụ tàu Cheonan.

Ông Baek Seungjoo, Giám đốc Trung tâm An ninh và Chiến lược tại Học viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên ở Seoul, nói rằng việc Bắc Kinh loan báo về cuộc diễn tập quân sự của họ có phần chắc là một phản ứng đối với cuộc thao dượt chung của Mỹ và HQ. Theo ông, cuộc diễn tập là phương cách để Bắc Kinh phô trương sức mạnh của mình, nhưng cũng không nên coi đó là một hành động khiêu khích. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đây không phải là một hành động chứng tỏ là TQ có những quan hệ quân sự mật thiết hơn đối với Bình Nhưỡng.

+ RFI - 4/9: Giải trí truyền thông, phương tiện để TQ cải thiện hình ảnh. TQ thường bị cộng đồng quốc tế có cái nhìn thiếu thiện cảm, nhất là trong lĩnh vực nhân quyền và môi trường. Vì thế, đất nước này đã và đang không ngừng nỗ lực tô điểm hình ảnh của mình. Nhật báo Le Monde có bài phân tích “TQ đang tự làm mới hình ảnh” dưới gốc độ giải trí truyền thông. Tờ báo cho biết, cuối tháng 9/2010, trên các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC, một loạt các thước phim quảng cáo sẽ được ra mắt công chúng với sự góp mặt của 50 nhân vật nổi tiếng của TQ như diễn viên điện ảnh Thành Long, Chân Tử Đang, Đạo diễn Ngô Vũ Xâm, thần đồng Piano Lang Lãng… Chương trình này được dàn dựng bởi chi nhánh Thượng Hải của tập đoàn quảng cáo thứ tư thế giới Interpublic (Mỹ). Thông qua đó, TQ muốn “quảng bá về một hình ảnh một TQ thịnh vượng, dân chủ, cởi mở và khoan hòa”. Đây là một trong số nhiều chiến lược mà Bắc Kinh theo đuổi với mục tiêu để cải thiện hình ảnh của mình, trấn an dư luận thế giới, để làm dịu bớt những chỉ trích về việc Tân Cương hay Tây Tạng, và để “khóa miệng” các thế lực có âm mưu phá hoại nhà nước TQ. Cuối cùng tờ Le Monde kết luận bằng nhận xét của nhà nghiên cứu TQ, giáo sư Béja, cho rằng: “Tiếng nói TQ thường được đại diện bởi các nhà lãnh đạo TQ. Thế nhưng, hầu như lúc nào các nhà lãnh đạo này cũng chỉ có chung một cách nói với một thông điệp duy nhất. Như vậy thì vị trí nào dành cho ''tiếng nói cá nhân'', như của giới điện ảnh, nghệ sỹ, văn nhân ?”.

+ Tin từ Trung Quốc, RFA - 5/9: Theo Kyodo, ngày 5/9, trả lời đài truyền hình NHK về việc gần đây hải quân TQ tăng cường quân bị, TTg/NB Naoto Kan cho rằng việc này không chỉ riêng đối với NB và Mỹ, mà VN và nhiều nước khác đều rất lo lắng. Đối với việc TQ tăng cường quá nhiều lực lượng hải quân, phía NB sẽ theo sát và khi cần thiết sẽ bày tỏ sự lo lắng này đến phía TQ.

Cùng ngày 5/9, trong buổi tranh luận trên truyền hình với TTg Kan, ứng cử viên tranh chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, Ichiro Ozawa, tuyên bố bác bỏ thẳng thừng lời công bố chủ quyền của TQ trên các đảo nhỏ ở biển Đông Trung Hoa. Đề cập đến quần đảo Shenkaku đang trong vòng tranh chấp với TQ, mà Nhật gọi là Điếu Ngư, ông Ozawa nói lịch sử chưa bao giờ gọi đảo này thuộc lãnh thổ TQ. Ông Ozawa còn cho rằng NB phải thi hành những biện pháp cương quyết chống lại mọi mối đe dọa quân sự từ Hoa Lục.

+ RFA, RFI - 1/9: Ảnh hưởng ngày càng lớn của TQ ở khu vực Ấn Độ Dương khiến cho chính quyền New Dehli lo ngại vào lúc mà quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á này căng thẳng trở lại.

Ngày 31/8, phát biểu trước các nghị sỹ Quốc hội, NT Ấn Độ S.M. Krishma tuyên bố rằng: “TQ tỏ vẻ quan tâm hơn mức bình thường đến khu vực ẤĐD. Chúng tôi sẽ theo dõi sát những ý đồ của Bắc Kinh và sẽ chú ý đặc biệt đến những diễn biến ở khu vực này”.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, Ấn Độ đang rất lo ngại trước tham vọng của của TQ mở rộng ảnh hưởng về mặt quân sự đến những nước như Sri Lanka, vốn là đồng minh truyền thống của New Dehli. Hơn nữa, những khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông càng làm tăng mối quan ngại của láng giềng Ấn Độ.

TQ hiện đã đầu tư vào cảng Gwadar ở Pakistan, cảng Hambantota của Sri Lanka, công nghiệp khai khoáng và năng lượng tại Myanmar. Đây là một phần trong chiến lược bảo vệ các tuyến vận chuyển trong khu vực vốn cung cấp đến 80% nhu cầu của TQ và 65% nhu cầu dầu của Ấn Độ. Do đó New Dehli rất sợ là bằng những dự án đầu tư nói trên, TQ đang tìm cách bao vây Ấn Độ.

+ Tin từ Hàn Quốc, Trung Quốc, BBC, RFI - 3, 5/9: Tập trận Mỹ - Hàn tại Hoàng Hải: Ngày 4/9, Hội đồng Tham mưu liên quân Hàn - Mỹ đã ra thông cáo báo chí cho biết, cuộc tập trận chung chống tàu ngầm giữa Mỹ và HQ lần thứ 2 dự kiến diễn ra từ ngày 5 - 9/9 tại vùng biển Hoàng Hải đã phải hoãn lại vì bão. Thông cáo viết, bão Malou ngày 4/9 đã ảnh hưởng đến mặt biển phía Tây Nhật Bản, dự kiến kể từ ngày 5/9 sẽ ảnh hưởng đến vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, bởi vậy cuộc tập trận chung lần này phải hoãn lại. Thời gian tập trận mới sẽ được công bố sau.

Trước đó, ngày 3/9, Bộ chỉ huy lực lượng hỗn hợp Mỹ - Hàn cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 5 - 9/9 với sự tham gia của 1.700 binh sĩ và ít nhất 10 tàu chiến hoặc tàu ngầm của 2 nước. Mỹ sẽ huy động hai khu trục hạm trang bị tên lửa có điều khiển, một tàu khảo sát đại dương, một tàu ngầm loại tấn công nhanh, ba máy bay trinh thám P-3C Orion. Trong khi đó, HQ sẽ điều động bốn khu trục hạm, một tàu hộ tống, một tàu ngầm và các máy bay trinh thám P-3C. Đây là cuộc tập trận thứ hai của liên quân Mỹ - Hàn, có mục tiêu cảnh cáo Bình Nhưỡng sau vụ tàu Cheonan bị đắm. BTT coi đây là việc “chế độ bù nhìn miền Nam chuẩn bị gây chiến”. Điều đáng chú ý là trong cuộc tập trận này sẽ không có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Mỹ. Theo giới quan sát, có thể đây là một sự nhượng bộ của Mỹ đối với TQ. Trước đó từ ngày 1 - 4/9, hải quân TQ cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần khu vực này.

 

Tin từ Thụy Điển - 5/9: Một vài đặc điểm của trật tự thế giới thời hậu khủng hoảng .

a) Đặc điểm thứ nhất: Sự thất bại của châu Âu

EU là người thua thiệt nhất trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Khủng hoảng là cơ hội lớn để EU đẩy nhanh quá trình xây dựng thể chế của mình nếu Pháp, Đức và Anh có hành động chung và có sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB. Nhưng thực tế các nước EU đã cạnh tranh nhau nhiều hơn là hợp tác, trong khi ECB không phối hợp với các nước thành viên. Kết quả là cơ hội đã bị đánh mất, khủng hoảng đã làm vị thế của EU yếu đi khá nhiều.

b) Đặc điểm thứ hai: TQ lại nổi lên

TQ là nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc khủng hoảng không phải vì TQ có nền kinh tế lớn hơn, dự trữ đôla nhiều hơn, tiềm năng quân sự mạnh hơn... mà là nhờ cách thức TQ ứng phó với khủng hoảng, thận trọng đưa ra các biện pháp ngắn hạn, sử dụng hợp lý công cụ chi tiêu ngân sách trong mối quan hệ tổng thể với nền kinh tế Mỹ.

c) Đặc điểm thứ ba: Tương lai nước Mỹ không rõ ràng

- Kinh tế Mỹ bị khủng hoảng nhưng chưa rõ sức mạnh tương đối của Mỹ có bị yếu đi không và nếu có thì ở mức độ nào. Sự mất mát rõ ràng nhất là uy tín của thể chế kinh tế - tài chính Mỹ. Về sức mạnh quân sự, trước mắt Mỹ không bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, tiềm lực quân sự của Mỹ sẽ suy giảm nếu sức mạnh kinh tế Mỹ tiếp tục giảm sút.

- Kinh tế Mỹ đã bị tổn thất với việc nhiều tập đoàn tài chính và công nghiệp khổng lồ hoặc bị xóa sổ, suy yếu nghiêm trọng, hoặc may mắn tồn tại nhờ trợ giúp của Chính phủ. Trong quá khứ, kinh tế Mỹ thường hưởng lợi nhiều từ việc các tập đoàn lớn suy yếu hoặc phá sản. Nếu điều này lại tái diễn, cuộc khủng hoảng vừa qua sẽ kết thúc với việc tăng trưởng cao trong những năm tới; như vậy, kinh tế Mỹ sẽ không suy giảm so với phần còn lại của thế giới.

d) Đặc điểm thứ tư: G-2 từ truyền thuyết đến hiện thực

- G-2 trong kinh tế toàn cầu đang trở thành một thực tế do sự thất bại của các cơ chế khác. Khi khủng hoảng nổ ra ở Mỹ, EU trở thành đối tác rõ rệt nhất để giúp khắc phục. Tuy nhiên, đã không có phối hợp Mỹ-EU vì Pháp, Anh và Đức từ chối sự lãnh đạo của Séc, Chủ tịch EU khi đó. Các nước này về sau cũng từ chối khuôn khổ E-3 hoặc E-4 (thêm Italy) để đàm phán với Mỹ, mà chỉ muốn hành động riêng lẻ. Kết cục là chỉ có Anh, Nhật và HQ sẵn sàng tăng chi ngân sách, chấp nhận tăng thêm nợ công. Đức, Pháp và Italy thẳng thừng bác bỏ việc tăng chi ngân sách. Điều đó khiến các cuộc họp của G-8 hoặc G-20 không đạt được kết quả gì.

- Trong khi đó, G-2 giữa Mỹ và TQ thỏa thuận được về hầu hết các vấn đề kinh tế quan trọng; những bất đồng nói chung chỉ là về mức độ (tỷ giá đồng NDT so với USD: TQ muốn tăng dần từng năm - không nhanh như Mỹ đòi hỏi); nhất trí tiếp tục gạt sang một bên những vấn đề chính trị bất đồng (như Đài Loan, Tây Tạng, dân chủ hóa...); ủng hộ tự do thương mại mặc dù vẫn có những khác biệt (TQ từ chối cho phép thôn tính các xí nghiệp quan trọng, còn Mỹ từ chối cấp phép xuất khẩu kỹ thuật cao...); cam kết không để có những sự cố quân sự.

- Không có cơ chế song phương hữu hiệu nào để Mỹ-EU đối thoại có hiệu quả; các cơ chế G-4, G-7, G-8 hoặc G-20 đều khó hoạt động và đối phó hiệu quả các vấn đề của thế giới; và chính quyền Obama đã đúc kết được điều đó như sau: Có thể có bữa tối ngon ở châu Âu, nhưng phải ở Bắc Kinh mới có những cuộc đàm phán bổ ích.