Những căng thẳng tại Biển Đông gia tăng vào năm 2011, khu vực mang ý nghĩa quan trọng về chiến lược và giàu tài nguyên dầu mỏ đang dấy lên những quan ngại thực sự về mối nguy xung đột quân sự giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách. Không chỉ sự hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa dẫn đến những va chạm trong năm tháng đầu năm nay trong vùng biển mà Philippin yêu sách,[1] mà ngoài ra hai sự kiện về việc tàu Trung Quốc cắt cáp đã làm gia tăng đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam, dẫn tới cuộc tập trận bắt đạn thật của Việt Nam và 6 cuộc tập trận do Hạm đội Nam hải thực hiện vào tháng 6.[2] Thêm vào đó là sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông đang thay đổi nhanh chóng cấu trúc quyền lực vốn đã không cân bằng tại đây. Từ quan điểm của Bắc Kinh, sự can dự của Mỹ tại Biển Đông đang làm tăng thêm căng thẳng khu vực.

Biển Đông hàm chứa 4 trụ cột cơ bản trong chiến lược chính sách ngoại giao của Trung Quốc: quan hệ với cường quốc lớn (Mỹ); quan hệ với các quốc gia láng giềng (các quốc gia thành viên ASEAN, Nhật Bản,Ấn Độ và các quốc gia khác); mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển (gồm các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ); ngoại giao đa phương (tại ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN ARF).[3] Do đó, căng thẳng leo thang đặt ra cho giới nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc áp lực nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị chính sách và phân tích hiệu quả, kịp thời [cho chính phủ Trung Quốc].

Thực ra, đa số các viện nghiên cứu chính sách ngoại giao Trung Quốc được giao nhiệm vụ phân tích những tác động của Biển Đông và đưa ra những khuyến nghị chính sách làm thế nào giải quyết vấn đề với cả Mỹ và các chủ thể trong khu vực.[4] Vào cuối năm 2010, giáo sư Phó Côn Thành (Fu Kuncheng), chuyên gia luật quốc tế, thành viên của hai trường luật, Đại học Giao thông Thượng hải và Đại học Hạ Môn, được Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia trao một “Công trinh Quan trọng” có tên “Những chiến lược bảo vệ Lợi ích Quốc gia Cốt lõi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông”.[5] Vào năm 2011, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), liên kết với Bộ Ngoại giao, được trao dự án nghiên cứu với tiêu đề “Những nhân tố Mỹ trong Tranh chấp Hàng hải của Trung Quốc”[6]

Bài luận này đề cập đến 3 đặc điểm chính về nghiên cứu hiện tại của cộng đồng nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Từ đó nêu bật nhiệm vụ của 4 cơ quan và viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Cuối cùng, bài luận đưa ra những nguồn trực tuyến từ truyền thông, học giả và các tổ chức của Trung Quốc.

Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc

Nghiên cứu về vấn đề Biển Đông của các viện nghiên cứu Trung Quốc có 3 đặc điểm khác biệt. Thứ nhất, nghiên cứu chủ yếu được chia làm hai loại: nghiên cứu pháp lý về luật biển quốc tế và áp dụng đối với Biển Đông; và nghiên cứu các quốc gia về chính sách của các bên và những ảnh hưởng đối với Trung Quốc. Ví dụ, Viện Các Vấn đề Hàng hải Trung Quốc (CIMA), liên kết với Cục Hải dương Quốc gia, chủ yếu tập trung vào những khía cạnh pháp lý và đưa ra lời khuyên đối với chính phủ trong vấn đề lập luận pháp lý về quyền và chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặt khác, Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), think tank hàng đầu Trung Quốc liên kết với Bộ An ninh Quốc gia, nghiên cứu về Biển Đông thông qua những phân tích về chính sách đối ngoại và tư duy chiến lược của các quốc gia liên quan.

Thứ hai, trong cộng đồng nghiên cứu chính sách, có sự thừa nhận rộng rãi nhưng không công khai về bản chất mơ hồ trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, chẳng hạn như sự nhập  nhằng chiến lược của Trung Quốc đối với các yêu sách, tình trạng của “đường 9 đoạn” (luôn được các chuyên gia đề cập nhưng không bao giờ được chính phủ thừa nhận hoặc bị chối bỏ), tính khả thi của đàm phán song phương trong tranh chấp đa phương, cũng như sự áp dụng UNCLOS. Tuy nhiên, sự công nhận đó đều không được công khai. Theo một nhà phân tích của chính phủ, vấn đề Biển Đông là “vấn đề chính trị” và việc tuân thủ hoàn toàn UNCLOS sẽ buộc Trung Quốc phải từ bỏ đường 9 đoạn và “chủ quyền lịch sử” tại các vùng biển tranh chấp.[7] Hơn nữa, đàm phán đa phương đối với các đảo, đá, đá ngầm đang tranh chấp “hầu như sẽ dẫn đến kết quả là Trung Quốc mất ít nhất là một phần những quyền về biển và lãnh thổ mà họ yêu sách.[8] Bắc Kinh không thể cho phép viễn cảnh mất đi lãnh thổ cho ngoại bang. Do đó, giữa thính giả nước ngoài và dư luận trong nước, Bắc Kinh đã chọn bám víu vào những yêu sách và sự quyết đoán hiện tại, kể cả khi phải trả giá cao về chính sách ngoại giao.

Thứ 3, các nhà phân tích chính sách ở Trung Quốc đã đồng loạt đổ lỗi cho Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Trong quan điểm của họ, Mỹ đã lợi dụng vấn để Biển Đông để phá hoại tình hữu nghị của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, thắt chặt mối liên minh của sự của Mỹ với Philippin, phát triển đối tác chiến lược với Việt Nam nhằm kìm hãm sự ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ tại khu vực.[9] Các nhà phân tích Trung Quốc đều không tin rằng các quốc gia nhỏ dám thách thức Trung Quốc tại Biển Đông mà không có sự can thiệp của Mỹ. Theo Viên Bằng (Yuan Peng), Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ của CICIR, sự ủng hộ của Washington đã hình thành nên sự phán đoán về chiến lược và những quyết định của các quốc gia khu vực, thúc đẩy các quốc gia này tăng cường sự quyết đoán chống lại Trung Quốc.[10]

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Yun Sun là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Brookings, nguyên là nhà phân tích Trung Quốc của Dự án Đông Bắc Á, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, trụ sở tại Bắc Kinh.

Theo CNAS

Văn Hùng (dịch)

Bản gốc tiếng Anh Studying the South China Sea: The Chinese Perspective, đăng trên Center for a New American Security, ngày 9/01/2012.



[1] Carlyle A. Thayer, “China’s New Wave of Aggressive Assertiveness in the South China Sea,” Tham luận tại Hội thảo An ninh biển tại Biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tổ chức, Washington, ngày 20-21 tháng 6 năm 2011: 5

[2] Tanie Branigan, “Vietnam holds live-fire exercises as territorial disputes with China escalates,” The Guardian, 14, tháng 6 năm 2011 và Họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, 29 tháng 6 năm 2011. Mặc dù người phát ngôn bác bỏ sự liên quan giữa 6 cuộc tập trận và sự gia tăng căng thẳng, nhưng các nhà phân tích chính sách đối ngoại trong các cuộc trao đổi riêng đều cho rằng những cuộc tập trận gửi đi một thông điệp cảnh báo đến Việt Nam rất rõ ràng.

[3] Bốn nhân tố chính trong chiến lược chính sách đối ngoại Trung Quốc lần đầu tiên được đưa ra và khẳng định tại Hội thảo Ambassadorial Working Conference lần thứu 10 năm 2004: “For China’s foreign policy, major power relations are the key; relations with neighboring countries are primary; relations with developing countries are the foundation, and multilateral diplomacy is the important platform.” Zhang Hong, “China Marches towards ‘Grand Diplomacy,’” People’s Daily, 8 tháng 2 năm 2011, http://theory.people.com.cn/GB/13871972.html.

[4] Tranh luận với các nhà phân tích Trung Quốc, Bắc Kinh, 2011

[5] “Public Notice on the Result of Bidding for Significant Projects under National Social Sciences Fund, 2010,” GuangMing Daily, 28 tháng 4, 2011, http://cpc.people.com.cn/GB/219457/219543/14655331.html.

[6] Theo dự án, CIIS đã tổ chức đưa đoàn đại biểu về vấn đề biển tới New York và Washington vào tháng 11 năm 2011. Đoàn do Đại sứ Wang Xiaodu, Cố vấn đặc biệt của Vụ Biển và Biên giới, Bộ Ngoại giao.

[7] Trao đổi riêng, Washington, tháng 6 năm 2011.

[8] Như trên

[9]  Wang Liang, “Liu Xuecheng: Diplomatic Negotiation Remains the Top Solution to the Rising Tensions in South China Sea,” Liaoning Daily, 24 tháng 6, 2011, http://news.qq.com/a/20110624/000203.htm

[10] Guo Fang, “Experts say the U.S. will not Fight China over other Countries’ Maritime Disputes,” Global Times, 16 tháng 6 , 2011, http://world.huanqiu.com/roll/2011-06/1761673.html.