Tóm tắt

Bài viết này xem xét triển vọng hợp tác giữa các bên yêu sách trong tranh chấp ở Biển Đông. Một số lý do được đưa ra để giải thích vì sao khả năng giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ là rất thấp. Tuy nhiên, những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ không nhất thiết phải song hành cùng với việc quản lý tranh chấp Biển Đông. Về vấn đề này, thực tiễn quốc gia ở Đông Nam Á đã chỉ ra rằng có thể tiến hành các hoạt động hợp tác chung ở những khu vực mà ranh giới biển và những tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết. Có thể kể đến thực tiễn (1) Quản lý Eo biển Malacca giữa Malaysia và Singapore, và (2) Sáng kiến Tam giác San hô. Tác giả cho rằng Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN nên có những thông tin trực tiếp về những hoạt động này nhằm thiết lập các hoạt động chung ở Biển Đông.

Từ khóa

Biển Đông - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (LOSC).

Giới thiệu

Căng thẳng ở Biển Đông không phải là chủ đề mới. Từ lâu, tranh chấp đảo hay rạn san hô là điểm đặc trưng trong khu vực này. Mặc dù theo luật pháp quốc tế, các hành vi đó không có giá trị pháp lý và không chứng minh được tính chính danh của chủ quyền, đặc biệt là khi những hành động đó được thực hiện sau thời điểm kết tinh tranh chấp hoặc sau thời điểm các bên bắt đầu hình thành tranh chấp nhưng các quốc gia yêu sách vẫn tiếp tục làm như vậy, chủ yếu là nhằm phục vụ cho các mục đích nội trị hoặc các chiến lược khác của mình.

Tranh chấp Biển Đông được đánh dấu bởi sự leo thang kể từ năm 2009, xen kẽ là thời kỳ giảm căng thẳng của các nước yêu sách. Nhiều ý kiến cho rằng Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng xung đột trên thế giới, trong khi đó một số ý kiến khác cho rằng Trung Đông vẫn là điểm nóng xung đột trong ít nhất là 25 năm tới hay có thể xung đột sẽ quay trở lại Châu Âu.

Sự khác biệt lớn giữa leo thang xung đột gần đây và những sự kiện lớn nhất xảy ra trong những năm 1970 và 1980 ở Biển Đông chính là sự phát triển chiến lược ở Đông Nam Á và Đông Á. Trái ngược với cách đây 40 năm, ngày nay Đông Nam Á có đầy đủ cơ sở hạ tầng khu vực làm nền tảng quan trọng cho hợp tác và gắn kết khu vực.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)[1] đã trưởng thành và trở thành một tổ chức dựa trên luật pháp bằng cách thông qua Hiến chương ASEAN năm 2007.[2] Trung Quốc đã gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 2003.[3]  Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển ngày càng tích cực  thông qua các cơ chế hợp tác từ người đứng đầu nhà nước đến cấp chuyên viên. ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông[4]  và hiện nay đang đàm phán tiến tới  một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Mặc dù quá trình đàm phán có thể không nhanh như nhiều người mong đợi nhưng những cam kết trong quá trình đàm phán đã trở thành một yếu tố quan trọng để trao đổi giữa các nước liên quan.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc cải tạo ít nhất sáu rặng san hô ở Biển Đông đã được nhiều nhà phân tích coi là một nhân tố chính có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước yêu sách của ASEAN và có thể có những hệ lụy tiêu cực đối với việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Hơn nữa, ASEAN đã rất thành công trong việc thành lập và quản lý Hội nghị Cấp cao Đông Á, nơi mà các cường quốc trên thế giới đã cùng ASEAN thảo luận các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược. Như vậy ở khu vực  hiện nay, có một diễn đàn đối thoại về an ninh do ASEAN lãnh đạo bên cạnh diễn đàn đối thoại an ninh do Mỹ đứng đầu.

Điều kiện kinh tế xã hội của các nước Đông Nam Á khác nhau rất nhiều. Bốn quốc gia thuộc khu vực này là thành viên của G-20 và GDP của ASEAN là 2,3 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của Ấn Độ hoặc của Nga. Nếu ASEAN là một thể thống nhất như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN sẽ có một ghế thành viên ở G-20. Một số tổ chức kinh tế đã dự đoán rằng khu vực này sẽ trở thành đầu tầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nơi nhiều quốc gia thành viên sẽ có GDP tăng gấp ba hoặc thậm chí gấp bốn lần vào năm 2050. Dự đoán về thế kỷ của Châu Á đã làm cho nhiều người thấy vui nhưng cũng không khỏi hoài nghi.

Mối đe dọa về các cuộc chiến tranh do ý thức hệ 40 năm trước đây giờ đã không còn nữa. Ngày nay, chúng ta phải đổi mặt với các mối đe dọa khác như đại dịch, khủng bố hay chiến tranh xuyên biên giới. Các nhóm tội phạm có tổ chức có thể di chuyển nhanh hơn các quốc gia, đặc biệt là khi không có các thỏa thuận dẫn độ trong khu vực. Để chống lại những hình thức đe dọa mới mà cách đây bốn thập kỷ không hề tồn tại, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực  là một lựa chọn hợp lý.

Trái ngược với một số quan điểm cho rằng các quy tắc quốc tế trong các vấn đề liên quan đến đại dương được thiết lập bởi các cường quốc phương Tây, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (LOSC),[5]  đã được phê chuẩn bởi các nước Đông Nam Á và Đông Á, là sự đồng thuận toàn cầu đã được đàm phán với sự tham gia và đóng góp cao của các quốc gia đang phát triển. Đây là một sự đổi mới pháp lý quan trọng cho các quốc gia quần đảo dẫn đầu là Indonesia và Philippines với sự phát triển của nguyên tắc pháp lý đối với các quần đảo. Điều này có nghĩa là chương trình nghị sự toàn cầu không còn bị điều khiển bởi các cường quốc mà các nước trong khu vực đang đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ hơn trong việc định hình các chuẩn mực toàn cầu.

Văn hoá luật pháp quốc tế đã bắt đầu phát triển trong khu vực thể hiên qua việc ký kết nhiều hiệp định biên giới trên biển, giải quyết các tranh chấp bằng Toà án Công lý quốc tế (ICJ), nhiều tổ chức quốc tế đã đến khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tư pháp quốc tế, trọng tài kinh doanh quốc tế và giải quyết những tranh chấp chính trị quan trọng có sự tham gia của các nước ngoài khu vực, như tiến trình Hoà bình Aceh.

Rõ ràng bối cảnh chiến lược dẫn đến căng thẳng giữa các bên yêu sách ở Biển Đông đã phát triển đáng kể trong bốn mươi năm qua khi nhìn từ góc độ triển vọng an ninh khu vực, phát triển kinh tế xã hội, đánh giá mối đe dọa, cũng như các chuẩn mực và quy tắc ứng xử của các quốc gia tại các vùng biển ở trong khu vực và toàn cầu. Tất cả các cơ sở hạ tầng mới và sự phát triển kinh tế xã hội đã trở thành một rào cản tự nhiên ngăn ngừa căng thẳng leo thang trở thành chiến tranh.

Các đại sáng kiến mới

Trung Quốc mới đây đã đưa ra một chương trình kết nối rộng lớn được gọi là Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Thật thú vị là Trung Quốc công khai công bố ý tưởng này vào năm 2013 tại Indonesia, quần đảo lớn nhất trên thế giới và là lục địa biển thường được các chuyên gia khí hậu lấy làm trích dẫn. Để có được thành công đối với một chương trình đầy tham vọng như vậy, Trung Quốc cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước Đông Nam Á. Giả sử tình hình chính trị của Đông Nam Á tương tự như Trung Đông, Đông  Á sẽ không thể đạt được thành tựu kinh tế vĩ đại nào. Nếu eo biển Malacca và Singapore bị ISIS và nạn cướp biển hoành hành, chắc chắn sẽ không có sự tăng trưởng hai con số ở Đông Á.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Arif Havas Oegroseno, Cựu Đại sứ đến Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu (2010-2015); Chủ tịch Hội nghị lần thứ 20 các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; Và là thành viên điều hành của Hiệp hội Luật Châu Á Châu Á, Thứ trưởng Bộ Hợp tác về các vấn đề Hàng hải, Cộng hòa Indonesia. Bài viết được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Luật biển và Bờ biển số 32 (2017, trang 364-372.

Ngô Hương (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, có tại http://asean.org/.

[2] Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Singapore, ngày 20 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực ngày 15 tháng 12 năm 2008), có tại http://asean.org/asean/asean-charter/.

[3] Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Bali, 24 Tháng Hai 1976, có hiệu lực ngày 21 tháng 6 năm 1976) 1025 UNTS 317 (sau đây gọi là "TAC").

[4] Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (Phnom Penh, 4 tháng 11 năm 2002), có tại http://asean.org/?static_post=declaration-on-the-condition-of-parties-inthe-south- China-sea.

[5] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (Montego Bay, ngày 10 tháng 12 năm 1982, có hiệu lực ngày 16 tháng 11 năm 1994) 1833 UNTS 396 (sau đây gọi là "LOSC").