21/01/2013
Thông tin về tình hình Biển Đông và khu vực trên báo chí trong và ngoài nước ngày 21/1
BIỂN ĐÔNG
+ RFA - 21/1: Đà Nẵng tổ chức triển lãm quy mô về Hoàng Sa. Ngày 21/1, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra “Triển lãm tư liệu mới phát hiện về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa”, do UBND huyện Hoàng Sa Tp. Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Tp. Đà Nẵng và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, nhằm trưng bày những tư liệu mới về Hoàng Sa có liên quan đến chủ quyền VN.
Triển lãm trưng bày 125 tập bản đồ, 3 tập dư đồ và 102 cuốn sách được xuất bản tại các nước có sử dụng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan thời kỳ thế kỷ 18 - 19, có chú thích tiếng Việt, xác nhận chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, trong đó trưng bày các hồ sơ, tư liệu thời kỳ trước khi VN thống nhất và bản đồ các triều đại vua chúa, bao gồm cả bản đồ các trạm khí tượng do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và Công an Đà Nẵng cung cấp.
Một điểm đáng chú ý khác là cuộc triển lãm tập trung một số bản đồ chưa từng công bố trước đây, trong đó có những bản đồ được các Việt kiều tìm mua trên thế giới và gửi về.
Có nhận định cho rằng, năm 2013, chính phủ VN đã chú ý nhiều hơn đến chủ quyền Hoàng Sa khi tổ chức những sự kiện đúng vào ngày quần đảo này bị TQ chiếm đóng - ngày 19/1/1974.
+ Trung Quốc tập trận tại Biển Đông. Mạng Hoàn Cầu ngày 21/1 đưa tin, ngày 18/1, lữ đoàn X hải quân lục chiến của TQ đã tổ chức diễn tập đổ bộ chiếm bãi ở vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông). Lữ đoàn này đã diễn tập chỉ huy tác chiến, phối hợp binh lực và đảm bảo hậu cần trong điều kiện tương tự thực chiến để từng bước nâng cao năng lực tác chiến của binh sỹ
Mạng Tân Hoa xã ngày 21/1 cho biết, vào cuối năm 2012, Chi đội tàu ngầm X của Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tuần tra ở “Nam Hải” (Biển Đông). Tàu ngầm tham gia tuần tra lần này đã lặn xuống độ sâu 200m để tránh sự do thám của vệ tinh; tiến hành phóng thủy lôi “phong tỏa” thành công tuyến hàng hải ở vùng biển diễn tập.
+ Philippines - Trung Quốc - đảo Hoàng Nham (Thời báo Hoàn cầu, CRI, Phượng Hoàng - 21/1): Sau khi TQ tuyên bố tàu Ngư Chính và Hải Giám tiếp tục tuần tra chấp pháp tại khu vực Hoàng Nham, một số chuyên gia cho rằng việc TQ kiểm soát hiệu quả đảo Hoàng Nham sẽ khiến diện tích lãnh hải của PLP tổn thất 38%.
Ngày 21/1, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao PLP, nguyên Đại sứ PLP tại Mỹ Lauro Baja bày tỏ đảo Hoàng Nham đã được TQ kiểm soát hiệu quả. BNG/PLP đã khẳng định cách nói này và cho biết các tàu của TQ sẽ vĩnh viễn neo đậu tại Hoàng Nham, TQ không có ý rút các tàu khỏi các vùng biển xung quanh đảo này. Ông Lauro cho biết thêm, từ khi PLP rút tàu khỏi Hoàng Nham tháng 6/2012, tàu PLP không thể đi vào khu vực này được nữa, PLP cần có hành động trước khi bị mất lãnh thổ.
Theo UNCLOS, việc TQ tuyên bố có chủ quyền với Hoàng Nham có nghĩa là PLP không chỉ mất 120km2 diện tích đảo Hoàng Nham, mà còn mất khoảng 494.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế.
ĐÔNG BẮC Á
+ Nhân sự Quân đội Trung Quốc. Mạng “Tinh đảo Hoàn cầu” mới đây dẫn nguồn báo “Le Monde” đăng bài viết bình luận về nhân sự lãnh đạo quân đội TQ, dự báo các Đại quân khu có thể sẽ thành lập Bộ Tư lệnh Lục quân. Nội dung chính như sau:
Cuối năm 2012, Ban lãnh đạo quân giải phóng nhân dân TQ (PLA) đã có hàng loạt thay đổi về nhân sự, trong đó quan trọng nhất là việc bổ nhiệm 2 Phó Chủ tịch Quân ủy TW, bao gồm các ông Phạm Trường Long - nguyên Tư lệnh Quân khu Tế Nam và Hứa Kỳ Lượng - nguyên Tư lệnh Không quân.
Là những tướng lĩnh quân đội cao cấp, hai ông Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đều giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa quân đội của TQ, bao gồm công tác cải cách hệ thống chỉ huy tác chiến và nâng cao năng lực tác chiến nhất thể hóa.
Phân tích những ảnh hưởng của lãnh đạo Quân ủy Trung ương TQ khóa mới đối với sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa quốc phòng trong tương lai, truyền thông phương Tây cho rằng, đặc điểm lớn nhất của nhân sự Quân ủy TW khóa mới là số lượng tướng lĩnh có xuất thân ngoài lực lượng lục quân đã tăng lên rõ rệt so với các khóa trước. Hơn nữa còn lần đầu tiên có một Phó Chủ tịch Quân ủy xuất thân là tướng Không quân, cho thấy trách nhiệm và sứ mệnh to lớn của Không quân trong hiện đại hóa quốc phòng của TQ.
Theo truyền thống, 7 đại quân khu của TQ đều lấy lục quân làm nền móng, chịu trách nhiệm phòng thủ cho 7 khu vực lớn của đất nước TQ. Khi thành lập ban đầu chưa biết đến sự phát triển và thay đổi to lớn của nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến nhất thể hóa giữa các binh chủng lục quân, không quân, hải quân và tên lửa. Nhưng ngày nay, phương pháp chỉ huy tác chiến hiện đại của thế giới đã có những thay đổi căn bản. Vì vậy nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài đã đưa ra dự báo cho rằng, trong tương lai TQ có thể sẽ học tập mô hình của phương Tây, cải cách 7 đại quân khu thành “Bộ Tư lệnh chiến khu”, nhằm điều phối thống nhất các lực lượng lục quân, không quân, hải quân, vũ trụ và tên lửa.
TQ ngày nay đã đạt được những tiến bộ to lớn về khoa học kỹ thuật quân sự, tự chế tạo được nhiều trang thiết bị vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, để có thể phát huy được năng lực tác chiến tổng hợp của các loại vũ khí này, về mặt chế độ và tổ chức, quân đội TQ vẫn cần phải thay đổi phong cách “khu vực hóa” và “lục quân hóa”; đây chính là vấn đề khó khăn nhất và cũng là mấu chốt nhất trong công cuộc cải cách quân sự của TQ để trở thành một lực lượng quân đội hùng mạnh.
Về nhân sự cấp cao quân đội, hai vị tân Phó Chủ tịch Quân ủy TW đều là những tướng lĩnh tài giỏi. Tướng Phạm Trường Long, năm nay 65 tuổi, từng là một sỹ quan pháo binh được đào tạo và rèn luyện một cách bài bản. Năm 1969 Phạm Trường Long tham gia quân đội, đến năm 2002 thăng hàm Trung tướng, năm 2003 từng là Trợ lý Tổng Tham mưu trưởng, năm 2004 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Tế Nam và liên tục giữ chức vụ này suốt 8 năm qua.
Hứa Kỳ Lượng là tướng Không quân đầu tiên được đề bạt vào chức vụ Phó CT Quân ủy TW - chức vụ thường do các tướng Lục quân đảm nhiệm. Năm 2004, Hứa Kỳ Lượng được đề bạt làm Phó Tổng tham mưu trưởng; năm 2007 được thăng hàm Thượng tướng, đồng thời được đề bạt làm Tư lệnh Không quân Quân giải phóng nhân dân TQ, Ủy viên Quân ủy TW. Theo quy định của quân đội TQ, giới hạn tuổi nghỉ hưu đối với tướng lĩnh cao cấp là 70 tuổi. Như vậy hai ông Hứa Kỳ Lượng và Phạm Trường Long sẽ là trợ thủ của Chủ tịch Quân ủy TW Tập Cận Bình đến đại hội 19 ĐCS/TQ năm 2017. Theo giới quan sát, việc đề bạt ông Phạm Trường Long là điều khá bất ngờ, bởi ông được bổ nhiệm trực tiếp vào chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy mà không qua vị trí Ủy viên Quân ủy. Việc bổ nhiệm Hứa Kỳ Lượng cũng hết sức quan trọng, bởi ông là người lĩnh xướng trong công cuộc xây dựng lực lượng hàng không vũ trụ của TQ; ông từng bày tỏ tham vọng xây dựng một quân chủng không quân hiện đại hóa với năng lực chiến đấu cao. Việc Hứa Kỳ Lượng nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy TW đã phần nào cho thấy khát vọng phát triển quân đội liên hợp tác chiến đa binh chủng theo mô hình phương Tây của người TQ.
Ai sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng nhiệm kỳ tới?
Trong đợt điều chỉnh nhân sự vừa qua, Bắc Kinh đã khiến dư luận bất ngờ khi để ông Ngô Thắng Lợi tiếp tục giữ chức vụ Tư lệnh Hải quân, mà không đề bạt vào chức vụ cao hơn là Ủy viên Quân ủy TW. Giới quan sát cho rằng ông Ngô Thắng Lợi hiện là ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, bởi ông có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực đối ngoại quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng là chức vụ cao cấp hàng thứ 3 trong quân đội TQ, phụ trách quản lý quân đội và quan hệ đối ngoại với quân đội nước ngoài, tuy nhiên không có quyền khống chế tác chiến quân sự trên mặt trận. Đồng thời cũng có dự báo khác cho rằng, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc dự kiến diễn ra đầu năm 2013, Tổng Cục trưởng Tổng cục Trang bị Vạn Thường Toàn sẽ có khả năng được đề bạt vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, hai nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội là Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên (63 tuổi) và Tư lệnh Pháo binh số 2 Ngụy Phụng Hòa (58 tuổi) đều có đầy đủ tư cách đảm nhận chức Ủy viên Quân ủy TW. Tân Ủy viên Quân ủy TW Trương Dương (61 tuổi), hiện đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông Trương Dương từng là Chính ủy Quân khu Quảng Châu, phụ trách khu vực Đài Loan, Biển Đông và biên giới Việt - Trung. Nguyên Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Phòng Phong Huy và Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương Trương Hựu Hiệp đều đã được đề bạt vào Quân ủy TW và có khả năng đảm nhận liên tiếp hai nhiệm kỳ. Triệu Khắc Thạch và Phạm Trường Long năm nay đều được bổ nhiệm năm 65 tuổi, cho thấy Quân ủy TW sẽ có thay đổi lớn trong vòng 5 năm tới. Đến năm 2017, ít nhất các vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Không quân đều sẽ có sự thay đổi. Khi đó, quân đội TQ sẽ lại diễn ra một lần thay máu triệt để.
+ Trung - Nga (Mạng Tân Hoa, Sina, Phượng hoàng - 21/1): Nga đã đồng ý bán cho TQ 36 máy bay chiến đấu siêu thanh dòng Tupolev Tu-22M3. Lô hợp đồng có trị giá lên tới 1,5 tỷ USD và sẽ được thực hiện làm hai đợt. Đợt đầu giao 12 chiếc và đợt sau 24 chiếc. Sau khi được giao cho hải quân TQ, những chiếc máy bay này sẽ được đổi tên thành H-10.
Máy bay siêu thanh Tu-22M3 có tầm hoạt động xa, có khả năng tấn công các tàu chiến khi bay ở độ cao thấp để tránh tầm quét của radar. Tu-22M3 được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng sau đó đã được nâng cấp với những thiết bị hiện đại, đặc biệt khi được trang bị tên lửa tầm xa không đối hạm Raduga Kh-22.
Các nhà phân tích cho rằng máy bay Tu-22M3 sẽ giúp TQ cải thiện đáng kể năng lực phòng không của nước này trong bối cảnh TQ đang đẩy mạnh chiến lược phát triển biển.
Trung - Mỹ (Mạng Tân Hoa - 21/1): Ngày 20/1, Hội thảo “Đối thoại Trung - Mỹ” lần thứ 3 do Hội đồng Quỹ Năng lượng TQ tổ chức đã diễn ra tại Hongkong, với chủ đề Hội thảo lần này là “Đối thoại ba bên với Nhật Bản”.
Cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương quân Mỹ Uy-li-am Pha-lơn cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với Mỹ là xử lý tốt vấn đề trong nước, chứ không phải nhúng tay vào muôn vàn vấn đề của thế giới”. Ông nói thêm: “Mỹ cần xử lý tốt vấn đề của mình, mới có tư cách phát biểu để giúp các nước và vùng lãnh thổ giải quyết vấn đề. Hiện nay, kinh tế của Mỹ rất tồi tệ, nhưng có tiềm năng lớn. Tôi tin rằng, người dân Mỹ cũng giống như nhân dân trên toàn thế giới đều có nhu cầu cơ bản giống nhau, điều quan tâm nhất đều là vấn đề của nước mình”.
Hội đồng Quỹ Năng lượng TQ (CEFC) là Cơ quan tham vấn dân gian độc lập của Hongkong.
+, BBC, VOA - 21/1: Trung - Nhật. Trong khi chính phủ Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối phát biểu gần đây của NT Mỹ về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, giới học giả của TQ lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ đang tiếp tay cho phe dân tộc chủ nghĩa cực hữu ở NB.
Ông Đổng Mạn Viễn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế của TQ nhận định, phát biểu của bà H. Clinton rõ ràng nghiêng về phía Nhật, và sắp tới “Tokyo sẽ mạnh bạo hơn trong việc có các hành động khiêu khích mới, tình hình sẽ càng thêm mất ổn định… Một cuộc xung đột lớn nổ ra quanh chủ quyền quần đảo, kéo theo đối đầu giữa TQ và Mỹ, hẳn không có lợi cho phía Mỹ”. Tuy nhiên, ông Đổng Mạn Viễn cũng cho rằng bà Clinton sắp mãn nhiệm, nên cần để ý xem tân NT Mỹ John Kerry có tiếp tục chính sách hiện tại hay không.
Trong khi đó, ngày 21/1, NFN/BNG/TQ Hồng Lỗi khẳng định Bắc Kinh đang duy trì liên lạc với Tokyo về vấn đề quần đảo tranh chấp Senaku/Điếu Ngư, TQ hối thúc NB xử lý vấn đề một cách bình tĩnh và thể hiện sự chân thành trong việc cộng tác với Bắc Kinh để giải quyết và kiểm soát tình hình một cách thỏa đáng. TQ kiên định chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại và tham vấn trong khi Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ, thậm chí là cả phòng vệ, chủ quyền lãnh thổ đất nước. Ngoài ra, ông Hồng Lỗi còn khẳng định rằng các chuyến tuần tra chính thức của tàu TQ trên vùng lãnh hải của nước này xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là bình thường và phù hợp với quyền tài phán của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, gần đây, Hứa Kỳ Lượng, tân Phó Chủ tịch Quân ủy TW đảng Cộng sản TQ vừa có chuyến thị sát các đơn vị chủ lực tại Lạc Dương và Thanh Đảo. Tại các đơn vị này, Hứa Kỳ Lượng đã quán triệt chủ trương mới trong huấn luyện - diễn tập đối với các đơn vị chủ lực theo hướng sẵn sàng cho chiến tranh, “bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Về phía NB, ngày 21/1, trước thềm chuyến thăm TQ, Chủ tịch Đảng Komeito Nhật Natsuo Yamaguchi cho biết, vấn đề Senkaku khiến quan hệ Trung - Nhật căng thẳng, nhưng nó không nên trở thành vấn đề lớn ảnh hưởng đến hai nước. Tuy hai bên có bất đồng nhưng quan trọng là ngăn chặn vấn đề leo thang. Hai bên cần tìm kênh đối thoại, đối thoại giữa các chính trị gia rất quan trọng nhưng đã bị gián đoạn, mong chuyến thăm TQ lần này có thể cải thiện quan hệ từ góc độ đại cục, khôi phục các kênh đối thoại. Ông Natsuo tỏ lo ngại việc tàu và máy bay TQ thường xuyên xuất hiện ở vùng biển Senkaku, cho rằng để tránh bất trắc, Nhật sẽ đề nghị TQ cùng nhanh chóng đạt nhận thức chung đối với cơ chế liên lạc an ninh trên biển, đề nghị máy bay quân sự của hai bên không được xuất hiện trên vùng trời Senkaku.
+ “Học giả Singapore nhận định, trong nhiệm kỳ mới Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ cứng rắn hơn trong sách lược Châu Á” (Mạng Thời báo Hoàn cầu - 21/1):
Ngày 21/1, TTh Mỹ Obama làm lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2, liệu TTh Obama có tiếp tục chính sách tập trung vào châu Á trong nhiệm kỳ đang được dư luận quan tâm.
Lý Lịch Đồ - Giảng viên cao cấp Học viện Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Khoa học công Nghệ Nam Dương của Singapore nhận định, chính sách trọng tâm châu Á của Mỹ không những sẽ tiếp tục mà còn được tăng cường cả về kinh tế và chính trị chiến lược. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông và Afghanistan, có thể tập trung để bố trí thế trận chiến lược tại châu Á, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và Biển Đông Hải đã mang lại cơ hội để điều chỉnh chiến lược tại châu Á. Hơn nữa, PLP, NB và VN đều muốn “mời” Mỹ tham gia vào các vấn đề khu vực, bản thân Mỹ cũng muốn thể hiện Mỹ vẫn có khả năng lãnh đạo thế giới.
Lập trường của Singapore là hy vọng Mỹ duy trì được ảnh hưởng tại châu Á, góp phần giữ ổn định tại khu vực.
Lợi ích kinh tế là nguyên nhân lớn nhất trong chính sách châu Á của Mỹ, ASEAN là một trong mười đối tác thương mại lớn hàng đầu của Mỹ, có thể mang lại cho Mỹ hàng triệu việc làm, rất nhiều công ty của Mỹ đầu tư vào ASEAN và Mỹ có trách nhiệm bảo hộ tài sản các công ty này, ngoài ra việc Myanmar cải cách mở cửa thu hút nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn vào làm ăn.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thể bao vây được TQ, cùng với việc Mỹ tăng cường tìm kiếm đồng minh và đối tác tại châu Á, Mỹ nên hiểu TQ hơn và tăng cường giao lưu trao đổi nhiều hơn với TQ. Nếu xảy ra xung đột giữa các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với TQ tại Biển Đông và biển Đông Hải thì có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - TQ, tuy nhiên hợp tác Mỹ - TQ mới là tốt nhất. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường cho Chiến lược châu Á, nhưng đồng thời sẽ không để các đồng minh, đối tác dựa vào chính sách này mà quá cứng rắn, thậm chí thách thức khi đối đầu với TQ.
+ RFI - 21/1: Chính sách châu Á của Mỹ liệu có thay đổi với hai "cựu binh Việt Nam" Kerry và Hagel? Trong nội các của TTh Mỹ Barack Obama lần này, có 2 nhân vật đã thu hút mọi sự chú ý: Thượng nghị sĩ John Kerry, được bổ nhiệm lãnh đạo ngành ngoại giao, và Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, được đề cử giữ chức BT Quốc phòng.
Từ nay đến cuối tháng 1/2013, phương hướng hành động của hai BT Ngoại giao và quốc phòng tương lai của Mỹ sẽ được biết rõ hơn nhân cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ, định chế có thẩm quyền chuẩn y hay bác bỏ đề nghị bổ nhiệm của Tổng thống. Ông John Kerry sẽ ra trước Ủy ban đối ngoại ngày 24/1, và ông Chuck Hagel một tuần sau đó, vào ngày 31/1, trước Ủy ban Quân vụ.
Trong một bài viết công bố ngày 18/1, Hiệp hội Heritage Foundation, một cơ quan tham vấn có uy tín tại Mỹ, đã nêu bật một số điểm thiết yếu trong chính sách châu Á của Mỹ, mà họ cho là cần phải được Thượng viện lưu tâm và hai tân BT Ngoại giao và Quốc phòng làm rõ. Trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, quan hệ Mỹ - châu Á phải chú ý đến 4 vấn đề chính : (1) Thách thức ngày ngày mạnh đến từ TQ ; (2) mối đe dọa đến từ TT ; (3) Thế liên kết chặt chẽ giữa các đồng minh châu Á của Mỹ với nhau và với Mỹ; (4) Khả năng bất ổn định tại TQ và TT.
Trên cơ sở đó, Heritage Foundation cho là Thượng viện Mỹ phải yêu cầu tân NT Mỹ thực hiện một số ưu tiên trong đó có hai điểm liên quan trực tiếp đến vùng Đông Nam Á: "Làm rõ lập trường của Mỹ về Biển Đông và nhắc lại những lời bảo đảm từng xác định với PLP vào năm 1999 về việc áp dụng Hiệp ước An ninh Hõ tương Mỹ - PLP... Giải thích quan điểm về liên minh Mỹ - TL trên nền tảng các tài liệu thành lập căn bản như Hiệp định Manila (1954) và Bản Thông cáo Thanat-Rusk (1962)".
Đối với Tân BTQP Mỹ, Heritage Foundation cũng khuyến cáo các Thượng nghị sĩ là phải buộc ông Hagel thúc đẩy việc giám sát thường niên tiềm lực của quân đội TQ, nói rõ quan điểm của ông về việc bán chiến đấu cơ đời mới F-16 C/D cho ĐL, và bán máy bay tiêm kích tối tân F-35 cho ẤĐ nếu có yêu cầu.
Về Biển Đông, ông Hagel cần "giải thích quan điểm của ông về giá trị của Chương trình Tự do Hàng hải của Hải quân Mỹ, bằng cách khẳng định cụ thể quyền hợp pháp của Mỹ được hoạt động trong vùng biển quốc tế". Theo The Heritage Foundation, Thượng viện Mỹ phải buộc tân BT Quốc phòng cam kết là sẽ tiếp tục cho phép Hải quân thực hiện các chiến dịch đó, vốn dĩ phù hợp với các nguyên tắc lâu dài của Mỹ, kể cả khi phải đối mặt với sự phản đối từ nước khác như TQ chẳng hạn.
Theo các nhà phân tích, một cách tổng quát thì chính sách ngoại giao và quốc phòng nói chung, và châu Á nói riêng, của Mỹ trong nhiệm kỳ hai của TTh Barack Obama sẽ tiếp tục và phát huy thêm đường hướng đã được hoạch định từ nhiệm kỳ một. Trường hợp bang giao Mỹ - Việt cũng thế.
Trả lời phỏng vấn của RFI về khả năng thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, với việc hai cựu binh thời chiến tranh VN lên lãnh đạo hai ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California trước tiên xác định là tại Mỹ, chính sách là do Tổng thống quyết định chứ cá nhân người được cử lãnh đạo Bộ Ngoại giao hay Quốc phòng chỉ giữ một vai trò tương đối. Tuy nhiên, do việc hai nhân vật này đã từng hoạt động tại VN, vấn đề bang giao Mỹ - Việt tất nhiên sẽ được họ lưu tâm hơn so với người khác.
Tổng hợp
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...