Thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Biden: Trung Quốc trong tâm điểm

Việt Hà, Đỗ Hoàng (@hoangdo_m)

Sáng 8/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc bản thông điệp liên bang thứ hai[1] trong nhiệm kỳ trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Đây được coi là cơ hội để người đứng đầu Nhà Trắng công bố những trọng tâm chính sách của mình trong hai năm cuối nhiệm kỳ, thúc đẩy đồng thuận chính trị nội bộ cũng như “định hướng dư luận” về khả năng ông Biden tranh cử Tổng thống năm 2024.

Tuy không đề ra nhiều chính sách mới, bản thông điệp liên bang của ông Biden năm 2023 có một số điểm đáng chú ý cả về đối ngoại lẫn đối nội.

Trung Quốc và Nga nổi bật trong đối ngoại

Trong khi bản thông điệp liên bang năm 2022 (được Tổng thống đọc chưa đầy một tuần sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine) dành phần lớn nội dung của phần đối ngoại để đề cập đến tình hình châu Âu, bản thông điệp năm 2023 tập trung vào mối quan hệ Mỹ - Trung.

Về cơ bản, các nội dung về Trung Quốc không khác nhiều so với các văn bản trước đó của chính quyền Biden như Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken về cách tiếp cận mới với Trung Quốc[2] hay Chiến lược An ninh Quốc gia[3]. Một mặt, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục khẳng định không muốn xung đột, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của Mỹ và thế giới. Mặt khác, ông cam kết sẽ đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của nước Mỹ, bao gồm hiện đại hóa quốc phòng.

Tuy nhiên, bản thông điệp lần này cũng có một số điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất, Tổng thống Biden nhấn mạnh đến lĩnh vực chip – bán dẫn và công nghệ. Ông nói rõ Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ công nghệ tiên tiến, qua đó khiến Trung Quốc không thể sử dụng công nghệ này để chống lại Mỹ. Trên thực tế, chính quyền Biden đã có những biện pháp triển khai phương hướng này, bao gồm thúc đẩy nhóm CHIP 4[4] và đàm phán thỏa thuận với Hà Lan và Nhật gần đây[5].

Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 10/2022, Mỹ từng đề cập đến yêu cầu hợp tác với đồng minh - đối tác về công nghệ tiên tiến nhưng không gắn với mối đe dọa từ Trung Quốc như trong thông điệp lần này. Công nghệ và chất bán dẫn cũng là mặt trận cạnh tranh nước lớn được chính quyền Biden chú trọng (thay vì tập trung vào thuế quan và thương mại như chính quyền Trump).

Thứ hai, dù Biden không trực tiếp đề cập đến vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ vừa qua, ông ám chỉ Mỹ sẵn sàng đáp trả nếu bị đe dọa. “Như chúng ta đã làm rõ hồi tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng ta sẽ hành động để bảo vệ đất nước. Và chúng ta đã làm vậy,” ông Biden nói. Dù có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng khinh khí cầu không có giá trị do thám quá lớn, phản ứng của Mỹ là “tiêu chuẩn kép” vì Mỹ cũng do thám các nước khác[6], diễn ngôn của Biden đã dùng sự việc để minh chứng cho sức mạnh và quyết tâm của Mỹ trong cạnh tranh nước lớn.

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng là “đối tượng” được Biden chú ý. Về vấn đề Ukraine, ông khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ Kyiv đến cùng. Đây là hàm ý cho thấy Washington sẽ giữ cam kết dài hạn và không “từ bỏ” Ukraine như nhiều ý kiến từng quan ngại[7].

Đối nội vừa “cấp tiến”, vừa kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng

Bản thông điệp liên bang 2023 có khá nhiều điểm thể hiện xu hướng “cấp tiến” (Progressive) như kêu gọi áp trần giá insulin, gọi biến đổi khí hậu là mối đe dọa sống còn, chỉ trích các công ty lớn, nhắc đến các biện pháp bảo vệ quyền lợi người lao động, kêu gọi tăng lương giáo viên và giảm nợ sinh viên, kêu gọi cấm vũ khí tấn công hay ủng hộ quyền nạo phá thai…

Bản thông điệp năm 2022 đã thể hiện xu hướng này nhưng các sự việc trong năm qua như phán quyết củaTòa án tối cao Mỹ bỏ quyền nạo phá thai hay Hiệp Hội Súng trường của tiểu bang New York thắng kiện khiến các vấn đề này trong diễn văn 2023 được thêm đậm nét. Đây cũng là thỏa hiệp giữa phe cải cách và phe thể chế trong Đảng Dân chủ khi Bernie Sanders từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và chính thức ủng hộ Biden năm 2020.    

Bên cạnh đó, bản thông điệp cũng phảng phất màu sắc chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Ông Biden tuyên bố Mỹ có thể trở lại thành quốc gia dẫn đầu thế giới về chế biến - chế tạo, qua đó tạo ra việc làm cho người Mỹ. Ông cũng gắn đạo luật CHIPS với việc làm cho người Mỹ thay vì gắn với cạnh tranh Mỹ - Trung. Trước đó, ông tuyên bố Mỹ đã đánh mất lợi thế về bán dẫn trong những thập kỷ qua, gây ra thiệt hại có thể thấy rõ trong đại dịch Covid-19 nên cần phải giành lại thế trận này.

Đây có thể là “chiêu” Biden thừa hưởng từ Trump nhằm tập hợp ủng hộ từ phía các nhóm dân túy. New York Times nhận định dù nhiều tổng thống Mỹ trước đây từng sử dụng chiến thuật này nhưng Trump & Biden đưa chủ nghĩa dân tộc lên tầm cao mới. [8]

Cuối cùng, dù diễn ngôn mang tính đảng phái, Biden vẫn liên tục nhấn mạnh thông điệp đoàn kết và nhu cầu hợp tác giữa đảng Dân chủ với đảng Cộng hòa. Ngay khi mở đầu bài phát biểu, ông Biden cũng đã dành sự hoan nghênh cho tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Trong suốt diễn văn, ông Biden nhiều lần tham chiếu đến các đạo luật được lưỡng đảng thông qua để chứng minh hai đảng vẫn có thể hợp tác hiệu quả.

“Gửi đến những người bạn đảng Cộng hòa của tôi: Nếu chúng ta có thể hợp tác trong nhiệm kỳ quốc hội trước, không có lý do gì mà chúng ta không thể hợp tác trong nhiệm kỳ này”, ông Biden khẳng định. “Tôi đã ký hơn 300 đạo luật lưỡng đảng kể từ khi trở thành tổng thống”.

Đây cũng có thể là chiến thuật để Biden chuẩn bị cho tranh cử Tổng thống 2024. Dù chưa tuyên bố chính thức, trong bản thông điệp, ông Biden cũng phần nào ám chỉ đến khả năng ra tranh cử năm 2024. Chỉ trong hơn một tiếng, người đứng đầu Nhà Trắng đã 12 lần nhắc đến cụm từ “(để chính quyền Biden) làm nốt việc” (finish the job) hay khẳng định “(chính quyền Biden) mới chỉ bắt đầu”.

Nhìn chung, bản thông điệp liên bang 2023 là chỉ dấu về các chính sách đối nội và đối ngoại sẽ được chính quyền của Tổng thống Biden triển khai trong hai năm cuối nhiệm kỳ, đặt trọng tâm vào cạnh tranh nước lớn, hàn gắn chia rẽ nội bộ, cải cách nội trị theo hướng cấp tiến và mở đường hướng tới bầu cử 2024. Các biện pháp triển khai chính sách cụ thể của Washington trong thời gian tới sẽ là tâm điểm chú ý của giới quan sát.

Bài viết thể hiện quan điểm tác giả.

[1] https://www.nytimes.com/2023/02/08/us/politics/biden-state-of-the-union-transcript.html

[2] https://www.state.gov/the-administrations-approach-to-the-peoples-republic-of-china/

[3]https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf

[4] https://www.ft.com/content/98f22615-ee7e-4431-ab98-fb6e3f9de032

[5]https://www.reuters.com/technology/us-official-acknowledges-japan-netherlands-deal-curb-chipmaking-exports-china-2023-02-01/

[6]https://www.channelnewsasia.com/commentary/china-spy-balloon-us-surveillance-biden-3259151

[7] https://www.washingtonpost.com/national-security/interactive/2022/ukraine-road-to-war/

[8] https://www.nytimes.com/2023/02/07/us/politics/biden-state-of-the-union-takeaways.html