19/08/2020
Ngày 19/8/2020, Học viện Ngoại giao cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã tổ chức Đối thoại biển với chủ đề “Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU”.
Thông cáo báo chí
Đối thoại biển
“Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU”
Hà Nội, ngày 19/8/2020
Ngày 19/8/2020, Học viện Ngoại giao cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã tổ chức Đối thoại biển với chủ đề “Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU”. Đối thoại là cơ hội trao đổi quan điểm và thực tiễn phát triển bền vững kinh tế biển và thúc đẩy hợp tác biển giữa Việt Nam và EU. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, phù hợp với nội dung của Nghị quyết 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển. Đây cũng là một lĩnh vực ưu tiên trong tài liệu Hành động của EU về Hợp tác An ninh với châu Á, trong đó có Việt Nam.
Khoảng 150 đại biểu đã tham dự sự kiện, trong đó có hơn 20 chuyên gia, học giả EU và các nước thành viên, 20 đại diện đến từ 14 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 chuyên gia, đại biểu Việt Nam cùng nhiều phóng viên đến từ hơn 30 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước. Hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho phép các chuyên gia quốc tế tham dự và phát biểu tại Đối thoại.
Hội thảo có 4 phiên chính gồm: (i) Chính sách về phát triển biển bền vững của Việt Nam và EU; (ii) Quản lý Môi trường biển; (iii) Kinh tế biển xanh bền vững; và (iv) Các xu thế mới trong các vấn đề liên quan đến biển và tương lai hợp tác biển Việt Nam – EU.
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo, xem đây là sự kiện nhiều ý nghĩa sâu sắc trong hàng loạt sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU. Ông Thắng khẳng định, chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác quốc tế về biển, nhất là với những đối tác có nhiều kinh nghiệm như EU và các nước Châu Âu trong triển khai Chiến lược biển của mình. EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những nước Châu Á – TBD có quan hệ đối tác sâu rộng nhất với EU. Theo khuôn khổ hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA), hai bên cam kết tăng cường hợp tác bảo vệ và gìn giữ môi trường biển và duyên hải, thúc đẩy sự quản lý hiệu quả đối với các tài nguyên biển hướng tới sự phát triển biển bền vững.
Ông Thắng khẳng định, “hợp tác biển không chỉ là xu hướng chung của thế giới ngày nay mà còn là nghĩa vụ được quy định trong luật pháp quốc tế. Thông qua hợp tác, chúng ta thúc đẩy các nỗ lực chung bảo đảm an ninh, hoà bình, ổn định cho các vùng biển trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển, cùng đảm bảo quyền tự do khai thác tài nguyên trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình không bị chèn ép.”
Cùng phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định quan hệ Việt Nam – EU chưa bao giờ trở nên sâu sắc và gần gũi như hiện nay, nhất là sau khi hai bên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Tuy nhiên, hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực biển vẫn còn hạn chế, đặc biệt là hợp tác trong từng vấn đề biển cụ thể. Đối với Liên minh châu Âu, phát triển biển bền vững, hay còn gọi là Tăng trưởng xanh (Blue Growth) là một chiến lược dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tổng thể trên biển trong từng lĩnh vực, và là một phần của Chiến lược Châu Âu 2020 vì sự phát triển bền vững, thông minh và bao trùm. EU là bên có nhiều kinh nghiệm trong thúc đẩy kinh tế biển bền vững thông qua thúc đẩy hợp tác biển. Cách tiếp cận này phù hợp với những ưu tiên cao của Việt Nam, như được phản ánh trong các văn kiện về phát triển bền vững kinh tế biển. Hội thảo hôm nay quy tụ các chuyên gia từ châu Âu và Việt Nam để chia sẻ quan kinh nghiệm chung trong lĩnh vực này, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nên trong các lĩnh vực liên quan. Ông bày tỏ hi vọng sự kiện này góp phần làm rõ hơn về các chính sách biển của EU, vốn là công cụ thúc đẩy sự ổn định và giải quyết các tranh chấp biển, như chúng ta thấy ngày nay ở Đông Địa Trung Hải, hoặc Biển Đông.
Ngoài các đại biểu từ Hà Nội tham dự trực tiếp sự kiện, các diễn giả đến từ châu Âu và các địa phương ven biển Việt Nam trình bày tham luận và thảo luận thông qua hình thức trực tuyến. Các biện pháp giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai dựa trên khuyến cáo của các cơ quan chức năng./.
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)