THÔNG BÁO VÀ TUYÊN BỐ KHỞI KIỆN

I.              GIỚI THIỆU

Nước Cộng hoà Phi-líp-pin tiến hành khởi kiện theo thủ tục trọng tài đối với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) để phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên Biển Đông và vùng đáy biển cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc là 870 hải lí - các vùng biển mà Trung Quốc không có quyền theo Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 (gọi tắt là “UNCLOS” hoặc “Công ước”), và cũng là các vùng biển mà, theo Công ước, cấu thành nên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin.

Dù Trung Quốc đã trở thành thành viên của UNCLOS vào tháng 6 năm 1996, và bất chấp yêu cầu theo Điều 300 về việc các Quốc gia Thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ của mình một cách có thiện chí theo Công ước, Trung Quốc đã yêu sách “chủ quyền” và “quyền chủ quyền” đối với một vùng biển rộng lớn nằm trong cái được gọi là “đường chín đoạn” bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông. Bằng việc yêu sách toàn bộ vùng nước và đáy biển trong “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã mở rộng thẩm quyền về biển mà mình tự yêu sách vào trong khu vực cách bờ biển của hai đảo Luzon và Palawan của Phi-líp-pin 50 hải lí và đã can thiệp một cách trái với Công ước việc Phi-líp-pin thực hiện các quyền của mình theo Công ước, bao gồm cả trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Hơn nữa, trong vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, Trung Quốc cũng yêu sách, chiếm giữ và xây dựng các công trình trên một số bãi chìm, mỏm đá và bãi cạn nửa nổi nửa chìm – những cấu tạo không thoả mãn yêu cầu về đảo theo Công ước mà là những phần của thềm lục địa Phi-líp-pin hoặc đáy biển quốc tế. Trung Quốc cũng đã cản trở việc Phi-líp-pin thực hiện các quyền của mình đối với các cấu tạo này cũng như trong vùng nước bao quanh chúng mà Trung Quốc đã đưa vào vùng an ninh của mình.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã chiếm giữ một số bãi san hô nhỏ, không có người ở và hiếm khi nằm trên mặt nước ở mức thuỷ triều dâng cao – những bãi này là các “đá” theo Điều 121(3) của UNCLOS. Trung Quốc yêu sách các vùng biển xung quanh các cấu tạo này vượt ra ngoài 12 hải lí và cố gắng gạt bỏ Phi-líp-pin khỏi các vùng biển này cho dù các vùng biển này đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin hoặc các vùng biển quốc tế.

Vào tháng 6 năm 2012, Trung Quốc đã chính thức thành lập một đơn vị hành chính, đặt dưới sự quản lí của tỉnh Hải Nam, bao gồm tất cả các cấu tạo biển và vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. Vào tháng 11 năm 2012, chính quyền cấp tỉnh của tỉnh Hải Nam đã thông qua luật kêu gọi việc thanh tra, trục xuất hoặc bắt giữ các tàu đi vào các vùng nước mà Trung Quốc yêu sách trong vùng này “một cách bất hợp pháp”. Luật mới này có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2013.

Đáp lại các hành động bất hợp pháp này cũng như các hành động khác không phù hợp với UNCLOS, Phi-líp-pin mong muốn có được một Phán quyết: (1) tuyên bố rằng các quyền và nghĩa của từng Bên tranh chấp đối với các cùng nước, đáy biển và các cấu tạo biển tại Biển Đông đều được quy định bởi UNCLOS và rằng yêu sách của Trung Quốc dựa trên “đường chín đoạn” không phù hợp với Công ước và vì thế vô giá trị; (2) xác định liệu, theo Điều 121 của UNCLOS, một số cấu tạo biển mà cả Trung Quốc và Phi-líp-pin yêu sách có phải là đảo, bãi cạn nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm không và liệu chúng có được hưởng các vùng biển rộng hơn 12 hải lí hay không; và (3) tạo điều kiện để Phi-líp-pin thực hiện và hưởng các quyền trong và ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước.

Phi-líp-pin không yêu cầu trọng tài xem xét Bên tranh chấp nào có chủ quyền đối với các đảo mà hai bên cùng yêu sách. Phi-líp-pin cũng không yêu cầu phân định ranh giới biển. Phi-líp-pin nhận thức được rằng Tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 25 tháng 8 năm 2006 theo Điều 298 của UNCLOS và đã tránh không đưa ra các vấn đề hoặc các yêu cầu mà Trung Quốc bằng Tuyên bố này đã loại trừ ra khỏi thẩm quyền trọng tài.

Tất cả mọi yêu cầu của Phi-líp-pin trong trọng tài lần này đã được các Bên tiến hành đàm phán một cách có thiện chí. Hai bên đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi ý kiến. Các yêu cầu của Điều 279 đã được thoả mãn. Do đó, Toà Trọng tài không gặp bất kì trở ngại nào về thẩm quyền đối với các yêu cầu mà Phi-líp-pin đưa ra.

II. BỐI CẢNH

A.   Các vùng biển

Biển Đông, trong đó một phần được biết đến tại Phi-líp-pin với cái tên biển Tây Phi-líp-pin, là một vùng biển nửa kín ở Đông Nam Á, có diện tích khoảng 2,74 triệu kilomet vuông. Biển Đông được bao quanh bởi sáu quốc gia và Đài Loan. Về phía Bắc là bờ biển phía nam của Trung Hoa lục địa và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Về phía Đông Bắc là Đài Loan. Về phía Đông và Đông Nam là Phi-líp-pin. Ranh giới phía nam của biển được bao quanh bởi Brunei, Malaysia và Indonesia. Và về phía Tây là Việt Nam.

Có nhiều cấu trúc đảo trên biển Đông. Chúng chủ yếu tập trung vào ba nhóm địa lý riêng biệt: quần đảo Hoàng Sa ở Tây Bắc, bãi Hoàng Nham (Scarborough) ở phía Đông; và quần đảo Trường Sa ở phía Đông Nam. Quần đảo Hoàng Sa không liên quan gì đến trọng tài lần này. Bãi Hoàng Nham, cách bờ biển phía Tây của Phi-líp-pin khoảng 120 hải lí và hơn 350 hải lí từ Trung Quốc, là một bãi san hô chìm với sáu mỏm đá nhô lên tại mức thuỷ triều cao. Quần đảo Trường Sa bao gồm một nhóm 150 cấu tạo nhỏ, trong đó có nhiều bãi san hô chìm, bãi chìm, bãi cạn nửa nổi nửa chìm. Các cấu tạo này nằm cách đảo Palawan của Phi-líp-pin từ 50 đến 350 hải lí và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 550 hải lí. Không một cấu tạo nào trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng thích hợp cho con người đến sống hoặc có đời sống kinh tế riêng của mình.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây. Đọc bản gốc tiếng Anh tại đây.

Người dịch: Nguyễn Ngọc Lan và Trần Hoàng Yến