Phát biểu của NT Mỹ Clinton về “Nam Hải” (Biển Đông) khiến cho người Trung Quốc nổi giận. Nhưng phát biểu đó rõ ràng và vì các nước ASEAN muốn mượn sức mạnh của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc. Một vấn đề khó nhất mà Trung Quốc cần phải giải quyết trong tương lai về vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), là làm thế nào để xóa bỏ sự lo ngại của một số nước ASEAN đối với Trung Quốc.

 

Về vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), Trung Quốc luôn chủ trương đàm phán 1 - 1. Nhưng một vài nước ASEAN ngày càng thể hiện rõ ý định thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông). Trung Quốc là nước lớn mạnh nhất ở khu vực “Nam Hải” (Biển Đông), rất dễ trở thành đối tượng bị các nước khác liên kết phòng ngừa. Ngoại giao Trung Quốc đã từng thành công trong việc hóa giải mối nguy này. Nhưng Mỹ lại đẩy sự việc bất lợi về phía Trung Quốc.

 

Trung Quốc ít nhất có 2 lợi ích lớn ở “Nam Hải” (Biển Đông). Một là, gìn giữ thiện chí của các nước ASEAN đối với Trung Quốc, từ đó bảo đảm môi trường bên ngoài cho công cuộc phát triển của Trung Quốc. Hai là, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ở "Nam Hải" (Biển Đông) . Để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu trên, đòi hỏi dân tộc Trung Hoa cần phải có trí tưởng tượng, cần có trí tuệ và tấm lòng rộng mở.

 

Có rất nhiều người ở các nước xung quanh “Nam Hải” (Biển Đông) lo ngại chủ trương “gác tranh chấp” của Trung Quốc hiện nay là đợi sau khi đủ sức mạnh mới giải quyết tranh chấp. Dư luận Trung Quốc lại lo ngại, nếu cứ nhẫn nhịn thì chủ quyền của Trung Quốc sẽ bị lu mờ. Ở “Nam Hải” (Biển Đông) liên tục xảy ra các sự kiện gây mất lòng tin lẫn nhau và lấn chiếm địa bàn. Điều này khiến Mỹ nhúng tay vào rất dễ dàng. Mỹ có ý đồ biến tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) thành vấn đề đối đầu giữa Trung Quốc và toàn bộ ASEAN.

 

Muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở “Nam Hải” (Biển Đông) hiện nay, Trung Quốc cần dốc sức làm cho chiến lược tương đối mơ hồ như hiện nay trở thành một lộ trình rõ ràng hơn. Trước đây, Trung Quốc luôn nhấn mạnh nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Mặc dù nguyên tắc này được các nước Đông Nam Á chấp nhận, nhưng trong khi thực hiện, tranh chấp rất khó gác lại, cùng khai thác lại chưa thực hiện đầy đủ. Làm thế nào để thực hiện cụ thể nguyên tắc này là nội dung chính của lộ trình “Nam Hải” (Biển Đông).

 

Trung Quốc muốn kiên định thúc đẩy cùng khai thác, cần phải tìm ra “cửa mở” (đột phá khẩu) trong khu vực tranh chấp. “Nam Hải” (Biển Đông) có 200 đảo nhỏ tồn tại tranh chấp, việc tìm ra một vài “cửa mở” là có thể. Việc né tránh hoặc đi đường vòng vừa không có lợi cho Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi biển của mình và cũng không có lợi cho giải quyết tranh chấp. Chỉ có đột phá trong lĩnh vực cùng khai thác, tạo ra quan hệ về lợi ích, mới có thể biến tranh chấp lãnh hải thành lợi ích kinh tế, xóa bỏ triệt để nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và ASEAN do tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), khiến Mỹ không còn cơ hội lợi dụng.

 

Cần thấy rằng, tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) được hình thành trong lịch sử, không thể thông qua biện pháp đơn giản giải quyết trong thời gian ngắn. Hiện nay, các nước đều đưa ra đòi hỏi chủ quyền, việc bất kỳ bên nào đưa ra nhượng bộ về vấn đề này đều hết sức khó khăn. Cho dù phần lớn các nước đều đồng ý không quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông), nhưng để kiên trì điểm này, không để Mỹ nhúng tay vào là mục tiêu hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc hiện nay.

 

Trung Quốc là nước phải chịu nhiều vết thương trong lịch sử, Đài Loan vẫn tự xưng là “Trung Hoa dân quốc”, đảo Điếu Ngư bị Nhật chiếm đóng, các thế lực thù địch bên ngoài luôn kích động “Tây Tạng độc lập”, “Tân Cương độc lập”. Giải quyết vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) phải trở thành động lực mới để Trung Quốc trỗi dậy. Chỉ có một nước Trung Quốc không ngừng lớn mạnh mới đủ sức đứng trên tầm cao để nhìn rõ và giải quyết vấn đề của hôm nay.

 

Vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) là khảo nghiệm tổng hợp đối với sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chỉ có giải quyết hòa bình vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) với các nước xung quanh và giữ vững giới hạn lợi ích của mình, Trung Quốc mới có thể được Châu Á và thế giới tôn trọng, kính nể.