Ngày 18/3, Mỹ và Philippines đã bế mạc vòng Đối thoại an ninh song phương thường niên lần thứ sáu tại Washington DC. Tại vòng đối thoại lần này, một trong những kết quả ban đầu mà Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mang đến là việc công bố năm căn cứ quân sự, ở đó Mỹ có thể điều luân phiên quân đội và đặt sẵn các cơ sở và vật chất để thúc đẩy chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương của mình.

Đáng chú ý, bốn trong năm vị trí này là các căn cứ không quân, bao gồm: căn cứ không quân Basa ở Luzon, căn cứ không quân Antonio Bautista ở Palawan, căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở Cebu và căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao nơi có các lực lượng phiến loạn. Chỉ có căn cứ Fort Magsaysay nằm ở phía bắc thủ đô Manila là cơ sở huấn luyện chuyên dụng dành cho lực lượng mặt đất.

Việc chọn lựa như trên có thể mang đến một số khả năng thú vị. Căn cứ Basa là địa bàn của các phi đội tấn công chiến lược của không quân Philippines và có dư chỗ để đón bất cứ lực lượng tiềm năng nào của Bộ Tư lệnh Chiến đấu Không quân Mỹ như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Căn cứ Mactan tọa lạc ở gần trung tâm quần đảo, nơi cất giữ hầu hết các máy bay vận tải của không quân Philippines và cũng tọa lạc cùng địa điểm với một sân bay quốc tế và một cảng biển gần đấy. Căn cứ Lumbia nằm ở tỉnh Mindanao thường xuyên bị quân phiến loạn quấy rối, nhưng phía bắc nơi này mới là nơi xảy ra các cuộc giao tranh gần đây, và là địa bàn của Cánh quân tấn công thứ 15 – đội quân phát huy sức mạnh không quân để chống lại lực lượng phiến quân trong những năm qua.

Chính cánh quân tấn công thứ 15 đó là lực lượng mở cuộc tấn công dẫn đường chính xác đầu tiên của không quân Philippines sử dụng bom Paveways chống lại quân phiến loạn Abu Sayaf ở khu vực với sự hỗ trợ kỹ thuật của không quân Mỹ - là tín hiệu tốt cho những gì sắp diễn ra. Căn cứ Antonio Bautista nằm trên đảo Palawan và sát với quần đảo Trường Sa, cách Pagasa dưới 300 hải lý – địa bàn đóng quân của Philippines trong chuỗi đảo tranh chấp. Căn cứ Fort Magsaysay là địa bàn quen thuộc vì là nơi tổ chức các cuộc trao đổi quân sự chung trước đây giữa Mỹ và Philippines.

Việc công bố các căn cứ này diễn ra theo sau sự kiện hoạt động chung là tập trận Balikatan (Vai kề vai) năm 2016.

Ngoài căn cứ Fort Magsaysay và khả năng sử dụng một số căn cứ không quân cho việc nghỉ chân, trong tương lai, cuộc tập trận này sẽ được hưởng lợi từ các căn cứ nói trên. Hiện tại, việc trang bị mới các căn cứ cần được cung cấp tài chính và phải hoàn tất trước khi các căn cứ có thể sẵn sang hoạt động. Tuy có một số lời chỉ trích rằng việc làm này đang làm sống dậy thời kỳ Chiến tranh Lạnh do Mỹ dẫn dắt, điều quan trọng cần nhớ đó là tất cả các căn cứ này hiện do Philippines sở hữu và điều hành. Mỹ chỉ điều động quân luân phiên, xây dựng cơ sở và triển khai trước cơ sở vật chất bên trong phục vụ cai quản căn cứ, không phải toàn quyền sở hữu và điều hành như căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark trước đây.

Sự khác biệt này rất quan trọng, và đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng thêm, ví dụ, quyền chỉ huy căn cứ và mô hình hoạt động vẫn chưa được xác định. Ai sẽ chịu trách nhiệm tổng thể, và Mỹ có thể hành động đơn phương từ khu vực căn cứ của mình hay không? Ngoài ra, nó sẽ làm phức tạp thêm mối đe dọa mà Trung Quốc tạo ra: không giống như các cuộc va chạm trên biển, một cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ ở các trại đóng quân theo Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường sẽ là một cuộc tấn công trực tiếp vào Philippines theo mô hình chiếm đóng. Không có sự khác biệt và không có khả năng tách biệt giữa một cuộc tấn công chủ điểm vào các lực lượng hoặc vào các cơ sở vật chất của Mỹ.

Trong khi chính sách xoay trục là một trong những nhân tố thúc đẩy việc triển khai EDCA, các căn cứ này sẽ là các cơ sở tiên phong để hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HA/DR). Mactan-Benito Ebuen nằm ở trung tâm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cơn bão mạnh trong những năm vừa qua, và đó sẽ là một nơi tập kết hoàn hảo để các máy bay hạng nặng và nhẹ mang đến những món viện trợ cần thiết trong những thời điểm đó.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các căn cứ hải quân lại vắng mặt trong danh sách này. Trong lúc an ninh biển là thách thức trung tâm ở khu vực, không lực không thể một mình giải quyết gốc rễ của các bất ổn, sự hiện diện và tiềm lực của hải quân là cần thiết.

Vậy tại sao căn cứ Subic và những căn cứ khác không nằm trong danh sách này?

Vì một điều duy nhất là Subic đã chuyển thành một khu xuất khẩu kinh tế sau khi Mỹ rút đi vào năm 1991 và trở thành khu công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn. Chỉ đến giữa năm 2015, nằm trong một phần của các hoạt động hỗ trợ Luật Hiện đại hóa, Bộ Quốc phòng Philippines đã ký một hợp đồng cho thuê 15 năm với Ban Quản lý khu Xuất khẩu để lấy lại các phần của căn cứ hải quân cũ.

Chính vì vậy, các nỗ lực nâng cấp vẫn đang được tiến hành và các cảng có thể vẫn chưa sẵn sàng để mở rộng và đón nhận thêm lực lượng như Hạm đội 7 của Mỹ. Tổng thống Benigno Aquino sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào mùa hè này, và chính quyền của ông có thể đã lựa chọn để lại quyết định này cho chính quyền tiếp theo.

Cuộc bầu cử tháng 5 có thể làm phức tạp việc lên kế hoạch vì điều này phụ thuộc vào tổng thống mới – một số người dẫn đầu cuộc đua đã có quan điểm theo hướng ủng hộ Trung Quốc một cách rõ ràng và không ủng hộ việc hiện đại hóa. Điều này chắc chắn sẽ khiến Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhà hoạch định chính sách và chiến lược của Bộ Quốc phòng không rời mắt khỏi các sự kiện này.

Bài viết của tác giả Armando J. Heredia lần đầu tiên được đăng trên USNI News.

Người dịch: Phạm Duy, Quách Huyền

Bản dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.