Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng đẩy mạnh hoạt động thăm dò và giám sát môi trường, đặc biệt là các hoạt động tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), xu hướng tăng cường sử dụng thiết bị bay không người lái hoặc máy bay không người lái phi sát thương càng làm gia tăng sự phức tạp trong những tranh cãi chính sách đối ngoại giữa các quốc gia yêu sách phản đối sự kiếm soát của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vài tháng trước, Lầu Năm Góc đã công bố thương vụ bán 34 máy bay không người lái ScanEagle trị giá 47 triệu USD, do hãng Boeing sản xuất, cho chính phủ các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Khoảng 12 máy bay không người lái không vũ trang cùng trang thiết bị đang trên đường vận chuyển tới Malaysia, và tiếp sau đó Indonesia cùng Philippines sẽ tiếp nhận lần lượt 8 máy bay, và cuối cùng là Việt Nam với 6 chiếc ScanEagle. Các máy bay này sẽ được dùng để phục vụ hoạt động tuần tra và tình báo.

Công nghệ máy bay không người lái ngày càng phát triển. Công ty Nghiên cứu Doanh nghiệp (TBRC) ước tính tổng giá trị thị trường máy bay không người lái thương mại toàn cầu trong năm 2018 đã đạt mức 3,45 tỷ USD, và dự kiến lên tới 7,12 tỷ USD vào năm 2022. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ có bước tăng trưởng nhảy vọt bởi nhận thức về nhu cầu sử dụng máy bay không người lái dân sự ngày càng gia tăng, cũng như nhờ thực tế là chính phủ nhiều nước đã có sự nới lỏng nhất định trong quy định đối với việc sử dụng các phương tiện bay không người lái vì mục đích thương mại, hoặc quân sự liên quan tới an ninh biên giới.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn tới sự gia tăng về nhu cầu phát triển máy bay không người lái là các lo ngại trước việc Trung Quốc toan tính thiết lập một mạng lưới giám sát quy mô mới ở Biển Đông. Các máy bay không người lái điều khiển từ xa hạng nhẹ của Trung Quốc có thể trực tiếp chụp và chuyển về trung tâm điều phối- cả cố định và di động - những bức ảnh cũng như băng ghi hình tại các khu vực khó tiếp cận. Khả năng này giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể ưu thế và năng lực giám sát tại các vùng biển tranh chấp.

Hiện nay, nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia quốc phòng dường như đều đồng quan điểm cho rằng những mối đe dọa phi quân sự như thiếu tài nguyên hoặc thảm họa môi trường trong tương lai là những nguy cơ lớn hơn nhiều so với các mối đe dọa quân sự, bởi liên minh quân sự không thể đủ để giải quyết các vấn đề môi trường. Vì vậy các thiệt hại về môi trường, đánh bắt cá, thiệt hại trên diện rộng của các loài sinh vật vùng duyên hải do cải tạo đất đai, hay phát triển nông nghiệp và ven biển được xem là những mới đe dọa thực sự đối với lợi ích quốc gia.

Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, nói: “Xu hướng sử dụng các phương tiện bay không người lái trong các hoạt động hàng hải chắc chắn sẽ gia tăng do sự phức tạp của vấn đề Biển Đông”. Các hệ thống máy bay không người lái được xây dựng để đáp ứng những mục tiêu trong bối cảnh các quốc gia gia tăng hợp tác nhằm giám sát và kiểm soát những hoạt động đánh bắt cá trái phép và không được đăng ký, cũng như các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, hay các nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, có một câu hỏi pháp lý hóc búa đang đặt ra thách thức đối với việc triển khai máy bay không người lái để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học hàng hải trong phạm vi EEZ của các quốc gia khác. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia duyên hải có chủ quyền đối với nguồn tài nguyên biển tự nhiên trong phạm vi EEZ, khu vực trải dài 200 hải lý tính từ đường bờ biển của họ. UNCLOS không cho phép một quốc gia có các hoạt động nghiên cứu khoa học tại vùng EEZ của một quốc gia khác, song các nghiên cứu quân sự lại được chấp thuận cho dù có sự đồng ý của quốc gia duyên hải đó hay không. Vì vậy, mọi nghiên cứu hải dương học, kể cả các nghiên cứu được tiến hành bằng thiết bị bay không người lái, đều không được chấp thuận.

Phó giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Chính trị Michael J. Boyle, làm việc tại Đại học La Salle, cho rằng điều rõ ràng ở đây là “việc phổ biến máy bay không người lái sẽ thay đổi các nguyên tắc và quy định trong việc quản lý các hoạt động giám sát và thăm dò, đồng thời sẽ dẫn đến những biện pháp đối đầu ngày càng làm gia tăng bất ổn giữa các nước đối địch trong dài hạn”.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay không người lái thực tế vẫn đem đến nhiều lợi ích bởi trong quá trình các nhà hải dương học nghiên cứu và theo dõi đời sống sinh vật biển, nhất là ở những khu vực xa xôi và khó tiếp cận, công nghệ có thể giúp họ giảm thiểu chi phí cũng như những rủi ro về con người trước các hoạt động tuần tra của hải quân cũng như của các tàu bán dân sự thiếu thiện chí.

Các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đang là khu vực có nguồn ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Hơn một nửa lượng rác thải nhựa tới từ 5 quốc gia châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Đây là lý do vì sao Giám đốc Plastic Tide Peter Kohler cam kết đưa vào vận hành các máy bay không người lái và công nghệ để tìm kiếm và phát hiện những khu vực ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng trên biển, trong đó có cả vùng Biển Đông. Hàng năm, khoảng từ 4,8-12,7 triệu tấn nhựa bị thải xuống biển, vì vậy việc vận hành các máy bay không người lái và các công nghệ giám sát từ xa để phát hiện rác thải nhựa trôi nổi là điều hết sức cần thiết.

Bối cảnh địa chính trị tại Biển Đông đang phức tạp bởi một số chuyên gia quốc phòng cho rằng việc thúc đẩy và phát triển các hệ thống vũ khí là cần thiết, trong khi giới khoa học lại nhấn mạnh các quốc gia nên tập trung vào các biện pháp giám sát và bảo vệ môi trường./.

Theo “Washingtonpost”

Vũ Hiền (gt)