Bài viết xem xét các yếu tố về lãnh đạo, hiệu quả chính trị và lợi ích quốc gia của Trung Quốc để tìm hiểu quá trình ra quyết sách đối ngoại của nước này. Trái với phân tích về vai trò trung tâm của nhà nước, bài viết cho rằng quan điểm của nhà lãnh đạo tối cao về hiệu quả chính trị là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình ra quyết sách đối ngoại. Và cái gọi là lợi ích quốc gia thường được sử dụng để phục vụ các nghị trình chính trị đặc biệt. Cụ thể, bài viết đánh giá Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” (One Belt, One Road - OBOR) hay việc thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ giúp củng cố vị thế chính trị của ông Tập Cận Bình hiệu quả hơn. So sánh hai vấn đề này cùng với các yếu tố về tính khả thi, tầm quan trọng và chuẩn mực đạo đức. Cuối cùng, bài viết kết luận rằng OBOR dường như được sử dụng hiệu quả hơn để tăng cường vị thế chính trị của ông Tập, điều này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng chính sách đối ngoại Trung Quốc trong tương lai.

Từ khóa: Tập Cận Bình, Một Vành đai, Một Con đường, Biển Đông, quá trình ra quyết sách đối ngoại của Trung Quốc.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và người đứng đầu Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào năm 2012-2013, người ta quan tâm rất nhiều đến phong cách lãnh đạo và chính sách đối ngoại của ông.[1] Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, một số sáng kiến quan trọng về ​​chính sách đối ngoại đã được triển khai, trong đó áp dụng chính sách nghiêm khắc hơn với Bắc Triều Tiên và thiết lập một Vùng Nhận diện Vòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông. Ngoài ra, trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vào tháng 6 năm 2013, ông Tập kêu gọi xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", theo đó Trung Quốc và Mỹ sẽ cố tránh xung đột, tăng cường hợp tác và phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.[2] Có thể nói rằng, kể từ ông Tập trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi rõ ràng, từ chính sách “dấu mình chờ thời” (taoguang yanghui) đã được duy trì suốt hai thập kỷ sang “nỗ lực đạt thành công” (fenfa  youwei).[3]

Đối với khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là tranh chấp Biển Đông, Ông Tập có một số quyết sách khá cứng rắn. Ví dụ, tháng 5 năm 2014 Trung Quốc triển khai giàn khoan HYSY-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), gây ra cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ Việt - Trung. Đáng chú ý hơn, từ cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu cải tạo bảy thực thể mà nước này kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo lớn khiến các nước cáo buộc rằng Bắc Kinh đang "quân sự hóa" các tranh chấp.[4] Và vào tháng 1 năm 2013, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện mà Philippines khởi xướng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để phản bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và sau đó nước này đã bác bỏ phán quyết cuối cùng mà Tòa đưa ra vào ngày 12 tháng 7 năm 2016.[5]

Cùng với việc theo đuổi một chính sách quyết đoán hơn ở Biển Đông, ông Tập cũng phát đi tín hiệu rõ ràng về thiện chí và mong muốn hợp tác với các nước Đông Nam Á. Có lẽ quan trọng nhất là đề xuất của ông Tập về "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa trên Biển của thế kỷ 21" công bố trong tháng 10 năm 2013 - được gọi chung là Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" ​​(OBOR) - nhằm mục đích thúc đẩy phát triển chung, sự thịnh vượng và hợp tác giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á. OBOR cũng nhằm định hướng lại cơ cấu kinh tế trong nước của Trung Quốc bằng cách tăng cường sự kết nối và hợp tác giữa Trung Quốc và phần còn lại của lục địa Á-Âu. OBOR còn là một công cụ hữu ích để Trung Quốc định hình các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, cũng như tăng ảnh hưởng đối với trật tự kinh tế toàn cầu, tất cả điều này đều rất quan trọng đối với hai mục tiêu lớn của ông Tập là hoàn tất “Giấc mơ Trung Hoa” và “công cuộc phục hưng dân tộc” trên bình diện quốc tế.[6]

Nhưng chính sách quyết đoán của ông Tập trong vấn đề Biển Đông và sáng kiến OBOR có đối lập nhau hay không? Ông Tập ở trong tình thế rất khó khăn khi vừa phải thúc đẩy hợp tác đối với sáng kiến OBOR, đồng thời triển khai chính sách quyết đoán ở Biển Đông. Trong thập kỷ qua, các yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông luôn gây nhiều tranh cãi, khiến căng thẳng không ngừng gia tăng giữa Bắc Kinh và các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á (như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và thậm chí là Indonesia), và giữa Trung Quốc với các bên khác có lợi ích liên quan như Mỹ và Nhật Bản. Một số học giả thậm chí đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh ở Biển Đông.[7] Một cuộc chiến như vậy, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, sẽ hủy hoại toàn bộ khu vực. Điều này cũng đặt dấu chấm hết cho sáng kiến ​​hợp tác rất lớn của Trung Quốc là OBOR.

Ở Trung Quốc, người ta cũng có ý kiến ​​khác nhau về việc nên ưu tiên OBOR hay vấn đề Biển Đông. Một số học giả dường như không đánh giá cao OBOR và cho rằng việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cần được ưu tiên hơn.[8] Các chuyên gia khác ở Trung Quốc lại cho rằng OBOR quan trọng hơn so với Biển Đông, và theo đuổi một chính sách cứng rắn đối với các tranh chấp sẽ ảnh hưởng tới sáng kiến trên. Họ lập luận Trung Quốc không nên để tình hình Biển Đông xấu hơn nữa, và cần làm mọi cách để tránh chiến tranh.[9] Để đảm bảo thành công của sáng kiến OBOR, những người ủng hộ cho rằng chính phủ Trung Quốc nên lưu ý phương châm của cựu lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đó là Trung Quốc cần gác lại tranh chấp, hợp tác khai thác chung các nguồn tài nguyên biển, cùng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, bớt gay gắt trong các hoạt động tuyên truyền mà chính phủ tài trợ để xoa dịu căng thẳng và tạo lập một môi trường thuận lợi để tiến tới giải pháp hòa bình.[10]

Tất cả những ý kiến ​​trái chiều này đều có giá trị riêng. Tuy nhiên, những quan điểm này có những điểm yếu giống nhau: thiếu sự chặt chẽ về mặt lý thuyết khi mà các nhà phân tích chỉ thảo luận về tầm quan trọng tương đối của Biển Đông và OBOR. Ngoài ra, nhiều người tiếp cận vấn đề từ quan điểm lợi ích quốc gia của Trung Quốc để đưa ra các lựa chọn chính sách tương lai. Mặc dù đây là phương pháp phân tích truyền thống nhưng một số vấn đề cần được nghiên cứu trong thực tế. Ví dụ, đối tượng nào sẽ xác định các lợi ích quốc gia? Nếu quyền quyết định này được trao cho các chính trị gia, vấn đề có thể nảy sinh bởi họ sẽ lựa chọn như thế nào nếu những lợi ích quốc gia này xung đột với lợi ích của đảng hoặc các cá nhân, có lẽ đây là trường hợp của Trung Quốc.

Như một khung lý thuyết, bài viết này xem xét quan điểm của nhà lãnh đạo tối cao về hiệu quả chính trị để phân tích các lựa chọn chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai. Khuôn khổ này là quan trọng, xét cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, bởi trong hệ thống quyền lực có tính tập trung cao như ở Trung Quốc, lãnh tụ tối cao thường là người có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết sách đối ngoại. Những lãnh đạo như vậy là người đi đầu trong chính sách ngoại giao của đất nước và thường công bố các quyết sách đối ngoại quan trọng.[11] Giống như các chính trị gia khác trên thế giới, ưu tiên của các nhà lãnh đạo thường bị lợi ích riêng của nhà lãnh đạo đó chi phối, chứ không phải lợi ích của đất nước.

Phần đầu tiên của bài viết đánh giá tính cách của ông Tập qua lăng kính về hiệu quả chính trị ngoại giao, chủ yếu thông qua các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc sau khi ông chính thức nắm quyền lực. Phần thứ hai phân tích những cách thức, dựa vào đó hiệu quả chính trị có thể được củng cố trên ba khía cạnh. Phần thứ ba sẽ so sánh OBOR và tranh chấp Biển Đông trên cơ sở về tính khả thi, tầm quan trọng và chuẩn mực đạo đức. Phần cuối cùng của bài viết tóm lược về kết quả so sánh và các tác động có thể có đối với xu hướng chính sách đối ngoại trong tương lai của Trung Quốc.

Nỗ lực Hướng tới Hiệu quả Chính trị của ông Tập

Hiệu quả Chính trị là một khái niệm gắn bó chặt chẽ với tính chính danh chính trị. Theo nhà xã hội học Max Weber, tính chính danh chủ yếu đề cập về "mối quan hệ trực tiếp giữa mệnh lệnh và sự phục tùng” dựa trên niềm tin về tính hợp pháp của nó.[12] Ông Weber cũng chia ra ba loại quyền lực hợp pháp dựa trên nội hàm về tính phục tùng lệ thuộc và các phương thức thống trị bên ngoài: quyền lực truyền thống; quyền lực có sức hút; và quyền lực hợp pháp. Mặc dù thực tế những định nghĩa của Weber vẫn còn gây tranh cãi, các khái niệm về tính hợp pháp là một phần quan trọng của triết học chính trị hiện đại và là trọng tâm trong nhiều nghiên cứu theo kinh nghiệm về chính trị.[13]

Các nghiên cứu về Trung Quốc không vượt ra khỏi mô hình lý thuyết về tính chính danh. Ví dụ, ông Zhao Dingxin đã thay thế ba yếu tố đặc trưng lý tưởng về tính chính danh của ông Weber - tính truyền thống, uy tín và tính hợp pháp - bằng một khái niệm bao gồm ba thành tố là ý thức hệ, tính chính danh do bầu cử hợp pháp và hiệu quả, để phân tích đời sống chính trị của Trung Quốc.[14] Trong khi đó, một số nghiên cứu thực chứng lập luận rằng kể từ bắt đầu thời kỳ đổi mới vào cuối năm 1970, Trung quốc đã thông qua một chiến lược thực dụng về "tính chính danh hiệu quả", theo đó chính phủ dựa vào việc hoàn thành các mục tiêu cụ thể như tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường sức mạnh quốc gia và "quản trị tốt" (quản trị năng lực và trách nhiệm) để duy trì tính chính danh trong nước.[15] Có thể lập luận rằng tính chính danh hiệu quả là chìa khóa giúp chúng ta hiểu về chính trị nội bộ Trung Quốc. Bài viết này khác với các nghiên cứu trước đây bằng việc đánh giá thêm khía cạnh quốc tế của tính chính danh hiệu quả, nghĩa là việc sử dụng hiệu quả chính sách đối ngoại để tăng cường tính chính danh của giới lãnh đạo.[16]

Bên cạnh vấn đề tính chính danh, có những lý do khác khiến chúng ta cần nghiên cứu việc ông Tập hướng tới hiệu quả chính trị trên trường quốc tế. Đầu tiên, ông Tập, người đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới nhất Trung Quốc, đang đứng trước cơ hội lịch sử chưa từng có trong ​​hai nhiệm kỳ tới đây. Vào năm 2021, ĐCS Trung Quốc sẽ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập, ở thời điểm đó Trung Quốc có thể đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một vị thế như vậy đòi hỏi các sáng kiến ​​ngoại giao lớn bởi Trung Quốc sẽ gánh vác trách nhiệm toàn cầu lớn hơn. Thứ hai, cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã để lại cho Trung Quốc di sản lớn về chính sách đối ngoại. Trong kỷ nguyên của Mao, Thủ tướng Chu Ân Lai đề xuất Năm Nguyên tắc sống Hòa bình, xét từ quan điểm của Trung Quốc, đây được coi là một sáng kiến ​​lớn trong lịch sử quan hệ quốc tế và đóng góp mang tính lịch sử trong việc hình thành một trật tự quốc tế mới phù hợp và công bằng.[17] Trong thời gian nắm quyền, Đặng Tiểu Bình đề xuất chiến lược taoguang yanghui (che giấu thực lực và chờ thời) và gezhi zhengyi gongtong kaifa (gác tranh chấp và phát triển chung), cho đến khi ông Tập nắm quyền, được coi là tạo nền tảng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ. Các sáng kiến ​​về đối ngoại của Mao và Đặng là hình mẫu tuyệt vời cho ông Tập, người đã trở thành thế hệ lãnh đạo thứ ba sau Mao và Đặng.[18]

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Wenjuan Nie là Phó Giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh. Địa chỉ: Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs.

Tuấn Đinh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Michael  D.  Swaine,  “The  18th  Party  Congress  and  Foreign  Policy:  The  Dog that Did  Not  Bark?”,  China  Leadership  Monitor  40  (Mùa đông  2013):  1–12; Alice  L.   Miller,   “How  Strong  is   Xi   Jinping?”,  China  Leadership    Monitor 43 (Mùa xuân 2014): 1–2; Yan Xuetong, “From Keeping a Low Profile to Striving for Achievement”, The  Chinese  journal  of  international  Politics  7, số 2 (tháng 4 năm 2014): 153–84; Irene Chan và Li Mingjiang, “New Chinese Leadership, New Policy in the South China Sea Dispute?”, journal of Chinese Political Science 20, số 1 (tháng 3 năm 2015):  35–50;  Jean-Marc  F.  Blanchard, “The People’s Republic of China Leadership Transition and its External Relations: Still Searching for Definitive Answers”, journal of Chinese Political Science 20, số 1 (tháng 3 năm 2015): 1–16; Nele Noesselt, “China’s Foreign Strategy After the 18th Party Congress: Business as Usual?”, journal of Chinese Political Science 20,  số 1 (tháng 3 năm 2015): 17–33; Julian V. Advincula Jr., “China’s Leadership Transition and the Future of US–China Relations: Insights from the Spratly Islands Case”, journal  of  Chinese  Political  Science  20,  1 (tháng 3 năm 2015): 51–65.

[2] Ohn Daewon Mason Richey, “China’s Evolving Policy towards the Democratic People’s Republic of Korea under Xi Jinping”, asian  Studies  Review  39,  số  3 (tháng 7 năm 2015):  483–502.

[3] Yan,  “From  Keeping  a  Low  Profile”,  trong tài liệu đã dẫn,  tr. 153–84.

[4]Pentagon Chief Urges End to Island-Building in South China Sea”, Reuters, 28/5/2015, xem tại <http://www.reuters.com/article/us-asia-usa-pentagon- idUSKBN0OC2L620150528>.

[5] “Chinese Leaders Reject S. China Sea Arbitration Award”, Xinhuanet, 12 July 2016, xem tại <http://news.xinhuanet.com/english/2016-07/12/c_135507946. htm>.

[6] Về phân tích cặn kẽ hơn, xem Zhao   Zhouxian      Liu   Guangming, “Yidai Yilu Lianjie Zhongguomeng He Shijiemeng” [One Belt One Road is a Bridge Connecting China’s Dream with the World  Dream],  Renminribao,  24/12/2014.

[7] Robert  D.  Kaplan,  “The  South  China  Sea  is  the  Future  of  Conflict”,  Foreign Policy 188 (15/8/2011), xem tại <http://foreignpolicy.com/2011/ 08/15/the-south-china-sea-is-the-future-of-conflict/>.

[8] “‘Yidai  Yilu’  Ying  Bimian  He  Nanhan  Wenti  Guagou”  [The  OBOR Initiative Should Be Avoided Being Linked with the South China Sea Issue], Dagongwang, 30/5/2015, xem tại <http://news.takungpao.com/mainland/focus/ 2015-05/3001095.html>.

[9] “‘Yidai Yilu’: Zhanlue Gouxiang Ruhe ‘Zoujin Xianshi’” [The OBOR Initiative: How The Strategic Plan “Come into  Reality”],  Guangmingwang,  4/2/2015, xem tại <http://news.gmw.cn/2015-02/04/content_14733100.htm>.

[10] “Zhongguo  Junfang  Xuezhe:  Nanhai  Shi  Tuixing  Yidai  Yilu  Zhi   Guanjian” [From the Chinese Military Scholars: The South China Sea is the Key to the Implementation  of  the  OBOR],  Fenghuangwang,  6/1/2015,  xem tại <http://phtv.ifeng.com/a/20150106/40932657_0.shtml>.

[11] Lee  Jung-nam,  “Outlook  on  Chinese  Foreign  Policy  in  the  Coming  Era   of Xi Jinping  from  China’s  Perspective”,  The  Korean  journal  of  Defense  analysis 24,  số  3  (tháng 9 năm 2012): 375.

[12] Max Weber, Economy and Society (Oakland, California: University of California Press, 1978); C.S. Bryan Ho, “Re-Conceptualizing ‘Legitimacy’ for Studying Electoral Politics  in  Rural  China”,  journal  of  Chinese  Political  Science  16, số 2 (tháng 6 năm 2011): 207–27.

[13] Gilley Bruce, “The Meaning and Measure of State Legitimacy: Results for 72 Countries”, European  journal  of  Political  Research  45  (tháng 5 năm  2006): 499–525.

[14] Zhao Dingxin, “The Mandate of Heaven and Performance Legitimation in Historical and Contemporary China”, american Behavioral Scientist 53, số 3 (tháng 11 năm 2009): 416–33.

[15] Zhu Yuchao, “‘Performance Legitimacy’ and China’s Political Adaptation Strategy”, journal of Chinese Political Science 16,  số  2  (tháng 6 năm 2011):  123–40;  Gunter Schubert, “One-Party Rule and the Question of Legitimacy in Contemporary China: Preliminary Thoughts on Setting Up a New Research Agenda”, journal of Contemporary  China  17,  số 54  (February  2008):  191–204;  Wang  Gungwu and Zheng Yongnian, Reform, Legitimacy and Dilemmas:  China’s  Politics  and Society  (Singapore:  World  Scientific,  2000).

[16] Nele Noesselt nhấn mạnh mối liên hệ giữa tính chính danh của đảng cầm quyền và chính sách đối ngoại.Xem Nele  Noesselt,  “China’s  Foreign  Strategy  after  the 18th Party Congress:  Business  as  Usual?”,  journal  of  Chinese  Political  Science 20,  số 1 (2015): 17–33.

[17] Xem  “Xi’s  Speech  on  ‘Five  Principles  of  Peaceful  Coexistence’ Anniversary”, China.org.cn, 7/7/2014, xem tại <http://www.china.org.cn/world/ 2014-07/07/content_32876905.htm>.

[18] Ông Tập không phải lãnh đạo thế hệ thứ ba theo trật tự nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hòa được thành lập vào năm 1949. Tuy nhiên ông Tập là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao và Đặng. Để biết thêm thông tin, xem “Zheng  Yongnian: Xi Jinping de Zhengzhi Luxiantu” [Xi Jinping’s Political Roadmap], Fenghuangwang, 16/10/2014, xem tại <http://news.ifeng.com/a/20141016/42218742_0.shtml>.