Các vùng biển và tuyến hàng hải chiến lược của Đông Á có tầm quan trọng cốt lõi đối với trật tự hàng hải thế giới. Khu vực này đang dẫn đầu về tiến bộ trong quá trình hiện đại hóa hải quân, thương mại hàng hải và khai thác tài nguyên. Nhu cầu củng cố các quy định và thể chế quốc tế trên các lĩnh vực đa dạng từ quân sự, kinh tế, môi trường và khoa học chưa bao giờ lớn đến thế. Tuy nhiên, ở Biển Đông, sự tham gia tương tác phức tạp giữa chủ nghĩa dân tộc về vấn đề trên biển và cạnh tranh chiến lược đang làm suy giảm nghiêm trọng khả năng thực thi một khuôn khổ chung nhằm bảo vệ các vùng biển. Nghiêm trọng hơn, các cơ chế chính trị nhằm củng cố an ninh hàng hải có độ trễ lớn so với thực tiễn phức tạp hiện nay do thiếu lòng tin chiến lược.

Từ góc độ lịch sử, cạnh tranh hàng hải là một vòng tròn lặp lại. Bốn trăm năm trước, thương mại hàng hải trở nên thịnh vượng ở Biển Đông, mở ra một mặt trận mới cho các cường quốc hải quân châu Âu[1]. Học giả người Hà Lan – Hugo Grotius – đã đưa vào bộ luật quốc tế ghi nhận quyền lợi chung cho mọi quốc gia về việc sử dụng biển cho mục đích qua lại trên biển và thương mại. Viết trong tác phẩm năm 1609, ông tranh luận rằng sự độc quyền hàng hải của Bồ Đào Nha dựa trên yêu sách quyền sở hữu danh nghĩa về thuế quan là không có giá trị khi được đặt trong bối cảnh quan hệ thương mại mang tính lịch sử giữa người Ả Rập và người Trung Quốc[2].

Trước đó 2 thế kỷ (thế kỉ XV và XVI), Trung Quốc đã từng trải qua thời kì hoàng kim trong việc thăm dò biển, tiêu biểu là Đô Đốc Trịnh Hà đã thiết lập quan hệ thương mại qua Ấn Độ Dương và biển Ả Rập, vươn đến tận Vịnh Aden (Đông Phi)[3]. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền năm 1644, nhà Thanh đã cấm mọi hoạt động thương mại trên biển nhằm đối phó với công ty Đông Ấn đang tìm cách khai thông quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Ngày nay, hàng hải Đông Á một lần nữa trở thành “tuyến đầu” cạnh tranh địa chính trị và thương mại gay gắt. Xu hướng thống trị đã thay đổi qua thời gian, người nắm vai trò lãnh đạo chuyển từ Ả Rập và Trung Quốc sang Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Mỹ. Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, hiện đang hướng tới mục tiêu phục hưng hàng hải để khẳng định sứ mệnh là một cường quốc biển, dấy lên những câu hỏi chưa có hồi kết về trung tâm quyền lực địa chính trị trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng tự do hàng hải của Hugo Grotius được phổ biến với sự bảo hộ của Công ước Luật biển, bản Công ước ủng hộ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, nhưng cuộc đấu tranh để định nghĩa lại các tập quán hàng hải dựa trên quyền lợi chung vẫn còn tiếp tục.

Điều khác biệt ở thế kỷ 21 chính là cuộc khủng hoảng hàng hải trên biển Đông đang diễn ra trong bối cảnh trật tự hàng hải dịch chuyển mạnh mẽ cả về bản chất và phạm vi: quyền lực bị phân tán nhiều hơn; an ninh và lợi ích kinh tế ngày càng đan xen; các thách thức toàn cầu xung đột với lợi ích quốc gia, càng gây khó khăn hơn cho nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an ninh cho các vùng biển.

Đặt các cuộc đấu tranh đòi các quyền trên biển và sự dịch chuyển trật tự hàng hải cạnh nhau hàm ý rằng sự ổn định khu vực hiện nay có khả năng bất ổn trong tương lai. Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu là dấu gạch nối quan trọng giữa quá khứ và tương lai, nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Hiểu theo nghĩa hẹp, mối quan hệ giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và trật tự hàng hải cản phải được hiểu một cách thực chất nhất. Khá nhiều tài liệu cho rằng Trung Quốc hiện nay đang hướng đến sự bành trướng giống như thời phong kiến một cách bất chấp, điều này chịu ảnh hưởng lớn bởi chủ nghĩa hiện thực[4]. Việc tìm hiểu sâu hơn về các động lực chính từ trong nước đằng sau chính sách đối ngoại Trung Quốc có thể không làm thay đổi nhận thức quá nhiều, nhưng đã góp phần khẳng định chiều hướng gia tăng các động thái quyết liệt (ở nhiều cấp độ) trên biển[5].

Luận điệu chủ yếu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc hiện nay hé lộ rằng giới chức Trung Quốc quan tâm đến việc giành lấy bá quyền tại khu vực Biển Đông bằng mọi giá[6]. Tựu chung lại, lập trường ngày một cứng rắn đối với các yêu sách trên biển và một giải pháp ngày một hoàn thiện nhằm đảm bảo không gian chiến lược nhằm đối trọng với quyền lực Mỹ trong khu vực mở ra một xu hướng hành động đang thay đổi có vẻ không thực sự phù hợp với một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp.

Một hạn chế đáng kể của các cuộc tranh luận hiện nay là khuynh hướng xem xét tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc, trong tương quan với quan niệm cố định về trật tự hàng hải. Trật tự xã hội thường được coi như nguyên tắc tổ chức chủ đạo đảm bảo ổn định khu vực, trong khi vai trò của đồng thuận xã hội trong việc hợp pháp hóa những động cơ quyền lực cũng như cách phản ứng đối với các thách thức an ninh hàng hải lại thường bị coi nhẹ. Chấp nhận một khái niệm xã hội linh hoạt hơn về trật tự hàng hải cho phép chúng ta tạo ra một khuôn khổ hợp pháp hơn nhằm ổn định các quan hệ hàng hải. Hơn nữa, trong trường hợp Trung Quốc, khái niệm này sẽ cho thấy những toan tính chính trị phức tạp liên quan tới nỗ lực trở thành cường quốc hàng hải, đặc biệt trong những điều kiện còn nhiều bất ổn.

Biển Đông là nơi cạnh tranh trên biển mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay. Bản thân việc giải mã sự phức tạp về mặt chính trị và luật pháp của các tranh chấp trên biển đã là một nhiệm vụ khó khăn. Bất kỳ học giả hay nhà phân tích chính sách nào tìm cách nghiên cứu sâu hơn về những động lực thúc đẩy của Trung Quốc đều phải đối mặt nhiều hơn với vấn đề làm thế nào để nắm bắt đầy đủ lợi ích trong một bối cảnh cực kỳ bất ổn, hoặc đánh giá mức độ mà các nhân tố hạn chế từ bên ngoài có thể cân bằng hành vi qua thời gian. Cách tiếp cận trong bài viết này là xác định một cách có hệ thống 3 chiều kích trong tham vọng biển của Trung Quốc: lập trường hiện tại của Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển đối với chủ quyền lãnh thổ và thẩm quyền trên biển; cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ; và chiến lược mới nhằm định hình của Trung Quốc với tư cách một cường quốc biển.

Khi tìm cách phân tích sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc trên Biển Đông, bài nghiên cứu lưu tâm đến cả động cơ của Trung Quốc và những thay đổi xã hội trong khu vực, đặc biệt là sự thù địch ngày càng tăng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Việt Nam và Philippines, và những hệ lụy lớn hơn liên quan tới vấn đề thiết lập trật tự hàng hải hợp pháp.

Bài viết lập luận rằng tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu được thôi thúc bởi sứ mệnh lịch sử phải đạt được vị thế hợp pháp của mình với tư cách là một quốc gia hàng hải, chứ không phải là tham vọng thiết lập bá quyền trên biển. Về bản chất, các lãnh đạo Trung Quốc áp dụng một chiến lược kết hợp giữa củng cố sức mạnh hải quân và cân bằng lợi ích quốc gia: giữ cân bằng giữa việc khẳng định quyền trở thành một cường quốc biển với việc hành động dựa trên tính toán thực dụng nhằm hợp tác với các nước láng giềng và Mỹ duy trì ổn định khu vực. Trong quá trình thử thách giới hạn khả năng kiểm soát các thực thể trên biển và các vùng biển tranh chấp thông qua sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, Trung Quốc chủ yếu mới tập trung vào thể hiện quyết tâm chính trị bảo vệ biên giới trên biển. Nhưng rất khó tìm được đủ bằng chứng để kết luận rằng lãnh đạo Trung Quốc có ý đồ khống chế Biển Đông nhằm mục đích lớn hơn là xây dựng một trật tự hàng hải ở Đông Á lấy Trung Quốc làm trung tâm. 

Nghiên cứu này cho thấy chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề hàng hải hiện là động lực chính tác động đến lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông từ khía cạnh pháp lý, chiến lược và chính trị[7]. Những đánh giá tìm cách giải thích lập trường của Trung Quốc hiện nay chỉ đơn giản dựa trên lập luận của chủ nghĩa hiện thực và các toan tính chiến lược đã bỏ qua một điểm quan trọng: chiến lược trỗi dậy hàng hải của Trung Quốc là nguồn gốc chính cho sự căng thẳng, làm suy giảm tính hợp pháp của Trung Quốc. Điều này làm giảm khả năng góp phần xây dựng một trật tự hàng hải theo hướng tích cực. Hậu quả là Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong mối quan hệ với các cường quốc khu vực khác, làm lộ ra những hạn chế đối với tham vọng biển của họ.

Để có thể đạt được tham vọng của mình, câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc là làm sao thúc đẩy theo hướng xây dựng một trật tự hàng hải thực sự dựa trên luật pháp vừa bao gồm các nước trong khu vực vừa mang tính hợp pháp ở Đông Á. Cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc có lợi từ những lợi ích mà những quy tắc và thể chế quản lý các vùng biển và đại dương hiện hành mang lại. Về phần mình, Trung Quốc có vai trò trong việc giảm xung đột và tích cực bảo vệ tính toàn vẹn của các vùng biển chung. Nhưng để thành công, công cuộc này cần có sự hội nhập sâu hơn với trật tự hàng hải hiện đang hình thành trên cơ sở tái cam kết gánh vác trách nhiệm tập thể.

Trật tự hàng hải hợp pháp[8]

Việc đánh giá tiềm năng hội nhập toàn diện hơn của Trung Quốc vào một trật tự dựa trên luật pháp thường được đánh giá trên cơ sở thuyết nhị nguyên, phân biệt rạch ròi quan điểm của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do. Theo quan điểm truyền thống của chủ nghĩa hiện thực, trật tự cấu thành nên sự ổn định, và sự ổn định này sẽ bảo đảm độc lập chủ quyền cho các quốc gia. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa tự do nhấn mạnh lợi ích chung của trật tự dựa trên hành động chung, đòi hỏi chia sẻ chủ quyền và hợp tác thể chế hóa ở mức độ nhất định. Trật tự này được cả lợi ích chung và luật pháp quốc tế ủng hộ, nhằm phân phối công bằng hơn lợi ích trên biển giữa các cường quốc hải quân và các quốc gia ven biển.

...

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Katherine Morton là Giám đốc, Giáo sư chương trình nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, Đại học Sheffield, Anh. Bài viết được trích từ cuốn sách sắp ra mắt của tác giả, China re-orients the world (Oxford: Oxford University Press), chương. 6, ‘Controlling or safeguarding the maritime commons’.

Biên dịch: Nguyễn Văn Quân

Hiệu đính: Đinh Thị Hiền Lương

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Geoffrey C. Gunn, History without borders: the making of an Asian world region, 1000–1800 (Hong Kong: Hong Kong University Press, 2011)

[2] Hugo Grotius, Mare liberum sive de jure quod Batavis competit ad Indicana commercia dissertatio [Quyền tự do trên biển hay quyền tham gia thương mại Đông Ấn thuộc về Hà Lan, khóa luận] (Leiden:Elzevir, 1609).

[3] Yang Jinlin and Fan Zhongyi, Zhongguo haifang shi [Lịch sử phòng vệ trên biển của Trung Quốc] (Beijing: Ocean Press, 2005).

[4] Xem Toshi Yoshihara and James R. Holmes, Red star over the Pacific: China’s rise and the challenge to US maritime strategy (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2010); Robert D. Kaplan, ‘The South China Sea is the future of conflict’, Foreign Policy, no. 188, Sept.–Oct. 2011, pp. 76–85; Leszek Buszynski, ‘The South China Sea: oil, maritime claims, and US–China strategic rivalry’, Washington Quarterly 35: 2, 2012, pp. 139–56. Để biết về các nghiên cứu gần đây, xem Robert D. Kaplan, Asia’s cauldron: the South China Sea and the end of stable peace (New York: Penguin Random House, 2014).

[5] Xem Michael D. Swaine and M. Taylor Fravel, ‘China’s assertive behavior, part two: the maritime periphery’, China Leadership Monitor, no. 35, Summer 2011, pp. 1–29; Alastair Iain Johnston, ‘How new and assertive is China’s new assertiveness?’, International Security 37: 4, 2013, pp. 7–48.

[6] Phiên bản cực đoan của quan điểm này có liên quan đến cân bằng quyền lực quân sự trong khu vực, xem Andrew F. Krepinevich Jr, ‘How to deter China: the case for archipelagic defense’, Foreign Affairs, March–April 2015, pp. 78–86.

[7] Lập luận này ủng hộ cho quan điểm của Robert Ross có liên quan đến việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc trước đó: xem ‘China’s naval nationalism: sources, prospects, and the US response’, International Security 34: 2, 2009, pp. 46–81.

[8] Ý tưởng về một trật tự hàng hải hợp pháp được trình bày trong bài viết như một khuôn khổ sơ bộ nhằm mục đích diễn tả những rào cản trong tham vọng trên biển của Trung Quốc và khả năng về một điểm cân bằng vững chắc hơn giữa quyền lực và tính hợp pháp trên vùng biển Đông Á. Ý tưởng này khởi nguồn từ công trình của các học giả Quan hệ quốc tế tập trung vào mối quan hệ giữa tính hợp pháp và cân bằng quyền lực cũng như các học giả Luật quốc tế về sự tiến triển của trật tự quốc tế. Xem Ian Clarke, Legitimacy in international society (Oxford: Oxford University Press, 2005); Andrew Hurrell, On global order, power, values, and the constitution of international society (Oxford: Oxford University Press, 2008); Hilary Charlesworth and Jean-Marc Coicaud, The evolution of international order and faultlines of international legitimacy (New York: Cambridge University Press, 2010).