Tăng cường sự minh bạch thông qua công nghệ viễn thám


Phạm Duy Thực

Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Ngày 19/11/2021, tại phiên thứ tám của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, các học giả đã tập trung thảo luận chủ đề “Tăng cường sự minh bạch thông qua công nghệ viễn thám”. Diễn giả tại phiên hội thảo gồm ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ; Đại tá về hưu Shichen Tian, Nhà sáng lập và Chủ tịch Cơ quan quản trị toàn cầu (GGI) kiêm Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế về hoạt động quân sự trực thuộc GGI, Trung Quốc; ông Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên Dự án Đại sử ký Biển Đông (SCSCI), Việt Nam; và Đại tá về hưu Martin A. Sebastian, Nguyên Giám đốc Trung tâm An ninh và ngoại giao biển, Viện Hàng hải Malaysia (MIMA).

Vai trò gia tăng của công nghệ viễn thám

Các diễn giả và các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi học thuật sôi nổi về chủ đề công nghệ viễn thám ở Biển Đông (thông qua hệ thống nhận diện tự động (AIS), hệ thống giám sát tàu (VMS), hình ảnh vệ tinh…) trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ viễn thám giúp cung cấp thêm thông tin và tăng cường nhận thức về hoạt động và hành vi trên biển của các loại tàu thuyền. Sự phổ biến thông tin viễn thám và hình ảnh vệ tinh cũng đặt ra yêu cầu các nước liên quan phải chia sẻ nhiều hơn các thông tin phản ánh đúng các diễn biến trên thực địa…

Khám phá sự thay đổi trong “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc

Một số diễn giả tập trung trình bày kết quả nghiên cứu dữ liệu viễn thám về hoạt động của tàu dân quân biển và tàu khảo sát biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Kết quả nghiên cứu của các diễn giả cho thấy nét mới trong chiến thuật điều động các lực lượng trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vì sử dụng các tàu hải cảnh là lực lượng chính tham gia vào các vụ việc trên Biển Đông như trước đây, Trung Quốc thời gian qua sử dụng các tàu dân quân biển và tàu khảo sát là lực lượng chính để tiến hành các hoạt động khẳng định chủ quyền, khiêu khích và mở rộng kiểm soát Biển Đông trong khi các tàu hải cảnh vẫn tiếp tục hoạt động và hỗ trợ các tàu dân quân biển và tàu khảo sát.

Tàu dân quân biển của Trung Quốc tràn ra Biển Đông

Ông Gregory B. Poling khẳng định, kể từ khi hoàn thành việc xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa vào năm 2016, Trung Quốc tập trung điều động các tàu dân quân biển để tăng cường quyền kiểm soát không gian Biển Đông trong thời bình. Bề ngoài các tàu dân quân biển của Trung Quốc hoạt động như các tàu cá thương mại, song thực chất phối hợp với các tàu hải cảnh và hải quân của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp.

Tàu dân quân biển của Trung Quốc gồm hai loại chính: tàu dân quân biển chuyên nghiệp và tàu đánh cá thương mại được tuyển chọn tham gia lực lượng dân quân biển theo chương trình trợ cấp (gọi là tàu đánh cá Trường Sa - SBFV). Các tàu chuyên nghiệp thường được chế tạo theo các thông số kỹ thuật khắt khe hơn, gồm các tính năng quân sự, trong khi các tàu SBFV cũng có vỏ thép và có chiều dài ít nhất là 35 mét, nhiều chiếc dài hơn 55 mét. Dân quân biển chuyên nghiệp của Trung Quốc làm việc trong các doanh nghiệp kiểm ngư của Nhà nước và được hưởng lương. Cả dân quân biển chuyên nghiệp và SBFV đều tham gia vào các cuộc triển khai lớn nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và đều có biện pháp chống tàu nước ngoài tiếp cận.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông xuất phát từ 10 cảng ở các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc. Trong số 28 công ty được xác định là trực tiếp sở hữu các tàu dân quân, 22 công ty đóng tại Quảng Đông và 5 công ty đóng tại Hải Nam.

Dữ liệu viễn thám cho thấy mỗi ngày có khoảng 300 tàu dân quân đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc trong những năm gần đây gia tăng tài trợ cho lực lượng dân quân biển, như trợ cấp nhiên liệu cho SBFV hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, trợ cấp đóng tàu dân quân chuyên nghiệp, trợ cấp lắp đặt và cải tạo trang thiết bị trên tàu cá, trợ cấp lãi suất vay đóng tàu, cung cấp các chương trình đào tạo, tuyển dụng các cựu quân nhân làm việc trong lực lượng dân quân biển…

Các chính sách trợ cấp hiện hành của Trung Quốc nhằm khuyến khích các tàu dân quân biển hoạt động trong vùng biển tranh chấp hơn là đánh bắt cá thuần tuý. Các tàu có chiều dài ít nhất 55 mét với công suất động cơ ít nhất 1.200 kw hoạt động ở Trường Sa được trợ cấp nhiên liệu đặc biệt với mức 24.175 CNY mỗi ngày (khoảng 3.743,30 USD).

Tàu khảo sát biển của Trung Quốc hoạt động dày đặc ở Biển Đông

Ông Nguyễn Thế Phương cho biết, theo dữ liệu AIS trong 10 tháng qua, Trung Quốc điều động khoảng 20 tàu khảo sát hoạt động rộng khắp Biển Đông, có thời điểm có hai đến ba tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động cùng lúc. Các tàu này đều thuộc về các cơ quan dân sự ở Trung Quốc như Bộ Tài nguyên, Học viện Khoa học Trung Quốc và các trường đại học khác. Nhiều tàu khảo sát trong số này được đóng sau năm 2012, là tàu nghiên cứu toàn diện, có thể thực hiện các hoạt động khảo sát khác nhau. Các tàu này cơ bản có các thiết bị, cảm biến và các thiết bị khác để thu thập dữ liệu đại dương và khí quyển.

Các tàu khảo sát của Trung Quốc phục vụ nhiều mục đích khác nhau, vừa kiểm soát trên thực tế, vừa nhằm mục đích dân sự và quân sự. Các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động ở ba khu vực chính, gồm: (i) khu vực Đông Bắc Biển Đông xung quanh Pratas, và (ii) khu vực phía Nam và Tây Nam Biển Đông, gồm Trường Sa, (iii) phía Tây Bắc Biển Đông giữa Hải Nam và Hoàng Sa.

Ở phía Đông Bắc và xung quanh Pratas, các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động nhằm kiểm soát không gian biển ở Pratas do Đài Loan kiểm soát và các động thái trên biển của các nước liên quan đến Đài Loan, đặc biệt là các luồng lạch dưới biển cho tàu ngầm di chuyển. Các tàu khảo sát của Trung Quốc nghiên cứu địa hình, dòng chảy và các vấn đề liên quan đến đáy biển, có thể cả việc triển khai các cảm biến và thiết bị ngầm hiện đại (cấp 12).

Ở phía Tây Nam, các tàu Trung Quốc rất chủ động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia. Các tàu khảo sát của Trung Quốc (HD-8, Hướng Dương Hồng 10, Shen Kuo…) hoạt động dọc theo đường phân cách giữa thềm lục địa và Trường Sa, một mặt để tìm kiếm tài nguyên, mặt khác khảo sát đáy biển, khảo sát đại dương và khí quyển để kiểm soát đường đi của tàu ngầm ở khu vực phía Nam Biển Đông. Tàu Hai Da Hao của Trung Quốc khảo sát ngoài Vịnh Cam Ranh nhằm nhận biết toàn diện về địa hình và đặc điểm đại dương của các khu vực xung quanh Cam Ranh để phát hiện, áp đảo và vô hiệu hóa tàu ngầm của Việt Nam trong lúc Trung Quốc tiếp tục hiện đại hoá khả năng chống tàu ngầm ở Trường Sa. Các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động gần Philippines một mặt nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Trung Quốc với khu vực này, gồm Scarborough, mặt khác nhằm mục tiêu chiến lược nhắm vào Mỹ và dự phòng trước sự mở rộng hiện diện tàu ngầm Úc trong tương lai qua Biển Sulu vào Biển Đông…

Các hoạt động khảo sát của Trung Quốc diễn ra một cách thường xuyên và liên tục, kéo dài trong suốt thời gian qua. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ luôn duy trì một tần suất nhất định các nhiệm vụ khảo sát ở Biển Đông với địa bàn hoạt động rộng khắp và thời gian không hạn chế. Điều này đảm bảo nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng quan trọng hơn tất cả là giúp Trung Quốc nắm vững và theo dõi các điều kiện khoa học thuận lợi để duy trì khả năng nhận thức hàng hải vượt trội của mình ở Biển Đông. Một số báo cáo khoa học cho thấy Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một mạng lưới nhận thức hàng hải bốn chiều ở Biển Đông, đặc biệt là xung quanh Trường Sa. Mạng lưới các cảm biến, thiết bị theo dõi dưới lòng biển, ra-đa đặt trên các đảo nhân tạo, và vệ tinh trên không gian giúp Trung Quốc có khả năng theo dõi 24/24 động thái của bất cứ một bên liên quan nào khác trên thực địa.

Hành vi của các tàu Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế

Ông Gregogy B. Poling cho rằng các tàu của Trung Quốc vi phạm một số nguyên tắc của luật pháp quốc tế: hành vi ngăn chặn các hoạt động hợp pháp của các quốc gia có yêu sách khác trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luậ Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các tàu Trung Quốc hành động không an toàn nhằm cản trở hoạt động của tàu nước ngoài và tạo ra nguy cơ va chạm là vi phạm Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGS).

Trong khi đó, Đại tá về hưu Shichen Tian chĩa mũi nhọn vào Mỹ, tập trung phản bác các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Ông Shichen Tian cho rằng tình hình an ninh ở Biển Đông trở nên xấu đi do sự phổ biến tàu ngầm, gần đây là sự cố tàu ngầm của Mỹ, và rủi ro trong tương lai do AUKUS có thể tạo ra. Mỹ sử dụng dữ liệu công nghệ viễn thám hiện đại, tinh vi để bêu xấu Trung Quốc, phục vụ cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Sử dụng đúng đắn dữ liệu viễn thám

Bên cạnh ưu điểm giúp tăng cường hiểu biết thêm về tình hình trên thực địa ở Biển Đông, các đại biểu cho rằng dữ liệu viễn thám, nhất là AIS có thể bị các nước thao túng và lợi dụng nhằm mục đích chính trị, tạo thông tin sai lệch và diễn giải sai để tuyên truyền phê phán nước khác. Minh chứng là Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, thường sử dụng dữ liệu AIS không được kiểm chứng để “bêu xấu” Việt Nam rằng, Việt Nam điều động nhiều tàu dân quân biển xâm nhập vùng biển xung quanh Hải Nam và vùng biển của Malaysia. Trong khi đó, các tàu của Trung Quốc thường tắt AIS, tạo ra sự không minh bạch thông tin khi di chuyển, càng tạo ra nghi ngờ đối với hành tung của các tàu đó. 

Để tăng cường sự minh bạch và sử dụng đúng đắn dữ liệu công nghệ viễn thám, các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện để xử lý dữ liệu công nghệ viễn thám; theo dõi dữ liệu một cách có hệ thống, nhiều lớp thông tin và so sánh với các cơ sở dữ liệu khác nhau về thông tin tàu, như hình ảnh vệ tinh, báo cáo của các cơ quan liên quan, tuyên bố từ các quan chức và tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia kỹ thuật của các công ty viễn thám để kiểm chứng dữ liệu.

Cựu Đại tá Martin A. Sebastian cho rằng cần sử dụng hệ thống giám sát tàu (VMS) để theo dõi tàu cá. VMS cho phép theo dõi, giám sát và kiểm soát nạn đánh bắt cá quá mức và quản lý hoạt động khai thác thủy sản. VMS có lợi thế hơn so với AIS do được kiểm soát bởi chính phủ, áp dụng để truy suất nguồn gốc tàu đánh cá thương mại và các tàu nội địa. VMS cũng có thể được kết hợp với dữ liệu AIS và các công nghệ theo dõi khác để xác minh thông tin, gồm quét mã QR các tàu thuyền và sử dụng thiết bị không người lái để giám sát.

Nếu các dữ liệu viễn thám và hình ảnh vệ tinh được kiểm chứng có độ chính xác cao có thể được sử dụng làm bằng chứng để đệ trình lên toà án quốc tế hoặc toà trọng tài trong các vụ kiện liên quan (ví dụ Philippines đã sử dụng các ảnh vệ tinh làm chứng cứ đệ trình lên Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông).

Tóm lại, các đại biểu tại phiên thứ tám của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã trao đổi học thuật sôi nổi về chủ đề công nghệ viễn thám ở Biển Đông. Đây là một vấn đề mới nổi, theo sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, công nghệ viễn thám nên được quan tâm và đầu tư hơn nữa để góp phần cung cấp thông tin đầy đủ hơn về tình hình thực địa trên Biển Đông, giúp các nước liên quan đưa ra đối sách phù hợp và công chúng hiểu đúng đắn hơn về tình hình Biển Đông./.