Biển Đông đã nổi lên như một điểm nóng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có một số bên yêu sách trong tranh chấp lãnh thổ hàng hải. Một số quốc gia nhỏ hơn thuộc ASEAN tuyên bố chủ quyền đối các khu vực ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ không gian Biển Đông và thậm chí đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài vào tháng 7/2016, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có bất cứ cơ sở pháp lý lịch sử nào. Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của nước này, cùng với Tây Tạng và Đài Loan. Trong những năm qua, Trung Quốc gia tăng các hoạt động như xây dựng đảo, tạo ra khu vực đánh bắt cá mới ở Biển Đông nhằm kiểm soát không gian đại dương này và loại bỏ các bên yêu sách khác. 

Trung Quốc đã tức giận khi Tòa Trọng tài bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người nhậm chức một tháng trước khi có phán quyết, đã hạ thấp phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực của ông Duterte nhằm xoa dịu mối quan hệ với Bắc Kinh, Trung Quốc đã phản đối khi các nhà lãnh đạo quân đội Philippines đến thăm một hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Chính phủ Philippines cho rằng họ sở hữu lãnh thổ nơi mà quân đội và người dân Philippines đã sống trong nhiều thập kỷ. 

Để đạt được các mục tiêu của mình, Trung Quốc đã cố gắng tạo ra sự mất đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc đã sử dụng ngoại giao kinh tế để lôi kéo một số quốc gia thành viên nhất định của ASEAN về phe của Trung Quốc. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tận dụng tối đa lợi thế Philippines khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền và cố gắng tiếp cận Bắc Kinh. Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc thậm chí đã lắp đặt các thiết bị phóng tên lửa trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các cơ sở này chỉ giới hạn trong các nhu cầu về quốc phòng. 

Hành động quân sự hóa của Trung Quốc 

Giải quyết các tranh chấp về yêu sách chủ quyền lãnh thổ của một số quốc gia đối với Biển Đông là vô cùng quan trọng vì lợi ích của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đơn phương quân sự hóa vùng lãnh thổ đang tranh chấp mà không để ý đến sự nhạy cảm của các quốc gia nhỏ hơn có những yêu sách chính đáng của họ. Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành gần hết các công trình nhằm trang bị các hệ thống tên lửa đất đối không trên ba tiền đồn lớn nhất của nước này ở những nơi có tranh chấp trên Biển Đông như là một phần của mô hình quân sự hóa ổn định. Các cấu trúc như vậy đã xuất hiện ở các đảo đá nhân tạo được Trung Quốc nạo vét như Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi và nơi đây cũng đã có các sân bay quân sự. Trung Quốc bắt đầu xây dựng những cấu trúc này vào tháng 9/2016 và đến nay đã xây dựng 8 công trình trên ba tiền đồn của nước này. 

Việc các hành động của Trung Quốc có phải là để đối phó với những nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế các hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông hay không là điều không quan trọng, mà vấn đề đáng quan tâm hơn là các hành động trên là một phần chiến lược quân sự hóa có hệ thống được Trung Quốc xác định rõ ràng để tăng cường vị thế vững chắc của họ trong không gian biểu này. Trung Quốc đã đưa tên lửa HQ-9 SAM với tầm bắn lên đến 200 km tới tiền đồn của mình trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc triển khai các tên lửa là nhằm mở rộng khả năng phòng thủ của Trung Quốc trong cái gọi là “đường 9 đoạn”. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết không "quân sự hóa" các đảo, nhưng Bắc Kinh đã đi trước một bước để bổ sung các hệ thống tên lửa phòng không trên các hòn đảo nhân tạo. Tập Cận Bình không bao giờ khẳng định chính sách của mình là quân sự hóa, khi lập luận rằng việc triển khai này là cần thiết để bảo vệ các hòn đảo. Bắc Kinh tuyên bố những biện pháp này là phù hợp với yêu cầu an ninh quốc gia và là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. 

Như dự đoán, các hoạt động của Trung Quốc gây ra sự báo động ở các thủ đô khác của châu Á, những nước có các tuyên bố tương tự trên các vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Trong khi không có bên tuyên bố yêu sách nào ở trong tình trạng đối đầu quân sự với Trung Quốc, họ lại hướng đến Washington và các bên khác không liên quan trực tiếp đến tranh chấp, nhưng tôn trọng các nguyên tắc toàn cầu để đối phó với cách tiếp cận hung hăng của Bắc Kinh. Trong bất kỳ trường hợp nào, không thể có sự thay thế nào tốt hơn là theo đuổi các cuộc đối thoại và được coi là lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề. Cho dù vậy, sự sẵn sàng của quân đội để đối đầu với Trung Quốc cũng không thể bỏ qua. Bộ quy tắc ứng xử (COC) phải là chìa khóa để giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Mỹ phản ứng bằng việc tiến hành các hành động quân sự của mình để gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Mỹ đã cử nhóm tàu chiến gồm tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson tới Biển Đông tham gia “hoạt động thường lệ” trên biển đầu tiên dưới thời Chính quyền Tổng thống D. Trump. Mặc dù không đề cập đến hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông nhưng việc cử các tàu chiến tới khu vực là minh chứng cho ý định của Mỹ nhằm hạn chế các tuyên bố chủ quyền biển quá mức của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng động thái của Mỹ là mối đe dọa quân sự lớn hơn đối với hòa bình trên biển, coi việc triển khai của Mỹ như một mối đe dọa quân sự trực tiếp. 

Trong khi Washington nhận thức được rằng cần phải thể hiện cam kết của mình đối với các đồng minh trong những tình huống nguy kịch. Bắc Kinh luôn lo ngại về sự hiện diện quân sự của Mỹ và cho rằng các hành động đó chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực. Chính quyền của Tổng thống Trump dường như không thể nới lỏng sự quản lý của họ khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng các tổ hợp quân sự lớn ở Biển Đông. Đáng chú ý, trong động thái mới nhất hồi tháng 5 vừa qua, hai máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đã ngăn chặn hoạt động của một máy bay P-3 của hải hải quân Mỹ trong không phận quốc tế ở Biển Đông. Tình huống tương tự đã xảy ra với một tàu khu trục của Mỹ trong hoạt động “tự do hàng hải” đầu tiên dưới thời Tổng thống D.Trump ở khu vực Biển Đông, gần đảo nhân tạo được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. 

Lập trường của Việt Nam 

Việt Nam không muốn chiến tranh với Trung Quốc và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho giải quyết tranh Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng sẽ không ngần ngại phản công nếu Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đơn phương nhằm chống lại các lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam. Trong lịch sử, Việt Nam đã đứng vững và đánh bại người Pháp và sau đó là Mỹ. Nhưng Việt Nam không muốn bị ảnh hưởng bởi cái bóng của lịch sử vì họ muốn hòa bình. Đó là lý do tại sao Chính quyền Obama quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam vốn đã được áp đặt trong một thời gian dài. Việt Nam phản đối khi Bắc Kinh tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. 

Thật không may, không có sáng kiến của bất kỳ nước láng giềng nào của Trung Quốc cho đến nay đã thành công khi thuyết phục Bắc Kinh thay đổi vấn đề. Điều này khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường năng lực quốc phòng, thông qua việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước thân thiện như Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam gắn liền với chính sách xây dựng mối quan hệ với các nước nhưng không phải để chống lại bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam đã hứng chịu rất nhiều khó khăn trong cuộc Chiến tranh Lạnh và không muốn lặp lại điều tương tự. Đó là điều dễ hiểu. 

Sự cần thiết của Bộ Quy tắc ứng xử (COC) 

COC có ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với nhiều quốc gia. Bên cạnh những khu vực đánh bắt cá phong phú và tiềm năng giàu có về dầu lửa, khí đốt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác dưới đáy đại dương, ước tính khoảng 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu hàng năm đi qua Biển Đông. Bên cạnh Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Các vấn đề liên quan đến tranh chấp gồm tự do và an ninh hàng hải, các quy tắc của luật pháp, các tiêu chuẩn toàn cầu về thương mại quốc tế và COC. Trong một diễn biến quan trọng hôm 18/5, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã đồng ý tiến tới một dự thảo khung về COC nhằm tránh xung đột trong các khu vực tranh chấp Biển Đông. 15 năm trước Trung Quốc và ASEAN đã cam kết soạn thảo COC nhưng không đi đến kết quả vì những khác biệt. 

Tuy nhiên, sau khi dự thảo COC được thông qua có những mối quan ngại trong khối ASEAN về việc liệu Trung Quốc có thành thật hay ASEAN có đủ đòn bẩy để buộc Bắc Kinh cam kết với một loạt quy tắc hay không. Dự kiến, khuôn khổ dự thảo sẽ được đệ trình lên cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Manila vào tháng 8 tới để xem xét. Philippines tổ chức các cuộc họp ASEAN vào năm nay và bắt đầu tham vấn lần đầu tiên với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Philippines đã chọn một lập trường chủ động sau khi bắt đầu quan hệ gần gũi với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng các quốc gia ASEAN đã khá mềm yếu đối với các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc trên biển. Họ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công vào khu vực và điều này có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Việc không đưa ra được tuyên bố chung trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh tháng 6/2016 được trích dẫn như là kết quả của một áp lực mà Trung Quốc đưa ra đối với các nhà lãnh đạo ASEAN. 

Kể từ thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết, nhóm ASEAN đã khôi phục các cuộc đối thoại và tham vấn với Trung Quốc với sự tự tin, nhưng không phải là “mở ra trang mới” về giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc ngư dân Philippines được tiếp cận bãi cạn Scarborough sau nhiều năm bị các tàu Trung Quốc ngăn chặn phần nào đã làm giảm căng thẳng quan hệ song phương. Nhưng sự thiếu tin tưởng đã không biến mất. Phải mất 15 năm để đạt được một dự thảo, tuy nhiên COC vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến sự mở rộng những khác biệt khi Trung Quốc cứng rắn hơn. Trong khi đó, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC) đóng vai trò là một điểm tham chiếu khi xuất hiện vấn đề và căng thẳng và là cơ sở để đàm phán một COC chính thức. 

Philippines sẽ tổ chức cuộc họp cấp lãnh đạo lần thứ hai vào tháng 11 tới cùng với các đối tác đối thoại ASEAN như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Nó được kỳ vọng sẽ đạt được sự nhất trí và tìm thấy hướng giải quyết mới cho vấn đề Biển Đông. Mặc dù bản thảo của COC đến nay vẫn được giữ kín, nhưng COC sẽ không hoàn chỉnh nếu không có cơ chế giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, thiếu tính hợp pháp và cam kết của Trung Quốc về phi quân sự hóa các đảo tranh chấp. COC chính thức và có tính ràng buộc nên được thảo luận và hoàn tất khi Manila tổ chức cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 8 tới.

Professor (Dr.) Panda hiện đang công tác tại Hội đồng Ấn Độ cho Chương trình Chủ tịch Liên kết nghiên cứu Quan hệ Văn hóa tại Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết được đăng trên Eurasia Review và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Văn Cường (gt)