spotlight_81412.jpg

Hoạt động triển khai gần đây của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm mang một ý nghĩa chiến lược lớn hơn. Ngoài việc có dấu hiệu không thể nhầm lẫn của quân sự hóa, các hành động của Bắc Kinh làm nổi bật tính hiệu quả của chiến lược mở rộng ở Biển Đông của Trung Quốc và tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” mà Washington và những nước khác đang phải đối mặt trong việc tạo ra phản ứng. Từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã liên tục nâng cấp hệ thống cảng, ra-đa và cơ sở hạ tầng quân sự tại đảo Phú Lâm.

Năm ngoái, Trung Quốc đã hoàn thành một đường băng mới để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu quy mô lớn và xây dựng nhà chứa máy bay để phục vụ và bảo vệ máy bay. Sau hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải đầu tiên của Hải quân Mỹ (FONOP) tháng 10/2015 diễn ra ở khu vực cách quần đảo Trường Sa khoảng 700 km, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm, báo hiệu khả năng sử dụng tiền đồn này cho lực lượng không quân. Chưa đầy hai tuần sau FONOP lần thứ hai của Mỹ, lần này là trong quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Phú Lâm khoảng 120km - Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện của mình bằng cách triển khai HQ-9, có thể tấn công tên lửa và máy bay trong khoảng cách 200km. Mặc dù đây là lần thứ ba HQ-9 được đặt trên hòn đảo này, nhưng là lần đầu tiên HQ-9 hoạt động ngoài phạm vi các cuộc diễn tập quân sự. Việc sử dụng J-11 đánh dấu lần đầu tiên máy bay chiến đấu và tên lửa được Trung Quốc triển khai đồng thời.

Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, những hành động này cho thấy Trung Quốc đang xây dựng có tính toán một khu vực chống tiếp cận nhằm ngăn chặn Mỹ và những nước khác triển khai lực lượng quân sự xung quanh Hoàng Sa. Các ý kiến cũng cho thấy 3 khía cạnh rộng lớn hơn của chiến lược mở rộng hiệu quả của Trung Quốc tại Biển Đông, đó là:

Thứ nhất, Bắc Kinh đang sử dụng các FONOP của Mỹ như là sự biện minh cho việc thực hiện các hành vi quân sự hóa cụ thể. Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ngay sau hai FONOP cuối cùng của Mỹ, Trung Quốc đã gia tăng quân sự trên đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, trò chơi “ăn miếng trả miếng” này chỉ là một phần của câu chuyện. Trung Quốc đã xây dựng sân bay và các cơ sở quân sự khác từ lâu trước khi Nhà Trắng cho khởi động các FONOP. Hơn nữa, thời điểm triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu Trung Quốc không phải luôn trùng hợp với sự khiêu khích của Mỹ. Nói cách khác, các động cơ của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần là phản ứng, mà chủ yếu là nhằm mở rộng liên tục. Ở mức độ chiến lược cơ bản hơn, một chu kỳ hành động theo kiểu phản ứng đang trở thành cố thủ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó các yếu tố của tình thế tiến thoái lưỡng an về an ninh rõ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề nao núng bởi các FONOP của Mỹ và sẵn sàng khai thác chúng như là các cơ hội để đẩy mạnh việc triển khai quân sự.

Thứ hai, cách Trung Quốc đang tăng cường hiện diện chiến lược và quân sự trên đảo Phú Lâm làm cho các nước khác khó ứng phó hiệu quả. Ở mức độ nào đó, đây là hành động “cắt lát salami” của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc triển khai các thiết bị quân sự một cách mạnh bạo, nhanh chóng và quyết liệt hơn thì Washington và các nước khác đã có thể phản ứng quyết tâm hơn nữa. Quan trọng hơn, nếu Trung Quốc phản ứng với các FONOP của Mỹ với các hành động ngăn chặn tiếp cận trên không và hải quân, giống như những sự cố xảy ra năm 2013 và năm 2014, thì khu vực này sẽ trở nên báo động hơn nữa - và nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột sẽ gia tăng đáng kể. Ngược lại, việc triển khai một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu và tên lửa sẽ không dẫn đến khủng hoảng an ninh. Tương tự, việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo cũng dần thúc đẩy sự hiện diện chiến lược của Trung Quốc với mức độ rủi ro hoặc va chạm thấp. Điều này làm cho việc ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, hoặc bất kỳ cấu trúc nào Trung Quốc đang chiếm giữ, trở nên khó khăn.

Cuối cùng, sự dễ dàng của Bắc Kinh trong chuyển đảo Phú Lâm thành một khu vực chống tiếp cận cho thấy Trung Quốc có thể đưa các thiết bị tương tự đến quần đảo Trường Sa. Sau kế hoạch đảo Phú Lâm, Trung Quốc có thể triển khai tên lửa đất-đối-không trong quần đảo Trường Sa. Mặc dù các tên lửa này cần phải được bảo vệ khỏi sự ăn mòn và có thể phải bảo dưỡng ở những nơi khác, nhưng chúng sẽ có hiệu quả trong củng cố các đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc. Sự kết hợp của hệ thống ra-đa tiên tiến, máy bay chiến đấu, tên lửa và tàu chiến sẽ tăng đáng kể chi phí và rủi ro cho tàu và máy bay Mỹ thách thức tuyên bố Biển Đông của Bắc Kinh.

Triển khai quân sự của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm là đỉnh của tảng băng trong một thách thức chiến lược lớn và lâu dài hơn. Mặc dù các khả năng đơn lẻ sẽ không thể làm thay đổi cán cân khu vực, nhưng sự kết hợp nhiều lực lượng quân sự và sự hình thành khu vực chống tiếp cận sẽ âm thầm giúp Bắc Kinh mở rộng sự có mặt ở quần đảo Hoàng Sa. Như một bản đồ do CSIS cung cấp gần đây, sự nhân rộng mô hình đảo Phú Lâm trong quần đảo Trường Sa sẽ cho phép Bắc Kinh cơ bản khoanh vùng Biển Đông. Trong khi các FONOP của Mỹ gửi một thông điệp đầy thách thức rằng Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ tuyên bố hàng hải quá đáng, những hành động này nhạt nhòa so với các lợi ích chiến lược lâu dài Trung Quốc có được từ việc mở rộng dần dần.

Tác giả Ashley Townshend là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney và là học giả khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị và Hợp tác Thái Bình Dương, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Bài viết đăng trên “Interpreter” (ngày 1/3)

Vũ Hiền (gt)