Theo hãng tin Reuters, giới chức ASEAN thông báo sẽ gặp đại diện Trung Quốc ở Singapore  vào ngày 18/3 tới để tìm cách đạt được tiến triển trong quá trình thiết lập một “bộ quy tắc ứng xử” (COC) trên Biển Đông. Trung Quốc đã nhất trí thảo luận về COC tại diễn đàn ASEAN hồi tháng 7/2013, một động thái nhận được nhiều hoan nghênh trong khu vực. Vòng thảo luận đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 9/2013 và kết thúc với nhất trí tìm kiếm “tiến triển và đồng thuận dần dần thông qua tham vấn”.  Tuy nhiên, theo nhà phân tích Shannon Tiezzi trên trang The Diplomat, tiến triển đạt được trong đàm phán hiện nay là chậm chạp còn sự đồng thuận gần như không tồn tại. Việc đàm phán COC là phức tạp bởi một thực tế đơn giản là không phải mọi quốc gia thành viên ASEAN đều có tranh chấp lãnh thổ tại đây. Trong 10 nước ASEAN, chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền nằm trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả 4 nước này cũng không cùng chung mức độ, với Việt Nam và Philippines lớn tiếng phản đối sự quyết đoán của Trung Quốc trong khi Malaysia và Brunei kín tiếng hơn. 

Trong số những nước còn lại, Indonesia , đôi khi là cả Singapore , thường tự đặt mình vào vị trí trung gian hòa giải. Các nước khác như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan có lợi ích rất ít nếu bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt khi Trung Quốc đang chiếm hơn 12% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Trung Quốc là một đối tác lợi ích đặc biệt ở Campuchia, với cam kết hỗ trợ gần 550 triệu USD hồi năm ngoái, và tại Myanmar, nơi Trung Quốc chiếm 1/3 tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Trên thực tế, Trung Quốc và ASEAN đã có một thỏa thuận về Biển Đông, đó là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Văn kiện này bày tỏ mong muốn “củng cố các điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và lâu dài cho những khác biệt và tranh chấp giữa các nước có liên quan”. Trong tuyên bố năm 2002, ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cam kết với luật pháp quốc tế gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và với tự do hàng hải ở Biển Đông. Tất cả các bên cũng nhất trí “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Ngoài ra, các bên nhất trí “tự kiềm chế” trong việc đưa ra hành động có thể “làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng”. 

Cuối cùng, trong tuyên bố chung, ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua một “bộ quy tắc ứng xử” chính thức sẽ “thúc đẩy hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên, kể từ năm 2002, có rất ít tiến triển đạt được hướng đến việc thực hiện bước tiếp theo đó. Trên thực tế, những bất đồng liên quan đến việc làm thế nào giải quyết các đề xuất COC đã khiến Hội nghị bộ trưởng ASEAN 2012 diễn ra tại Campuchia bị chệch hướng. Mỹ được cho là đã thúc ép mạnh mẽ để đạt được một COC, với sự ủng hộ của Việt Nam và Philippines . Các nước ASEAN khác, đặc biệt là chủ nhà Campuchia, đã từ chối ủng hộ đề xuất này. Hội nghị thậm chí đã kết thúc mà không đưa ra được một thông cáo ngoại giao chung như thường lệ. 

Nhiều nước trông đợi Indonesia , được xem là nhà lãnh đạo danh dự của ASEAN, kết nối giữa các nước thành viên. Thực tế Indonesia đã đảm nhận vai trò trung gian hòa giải một cách nghiêm túc. Sau thất bại của hội nghị bộ trưởng ASEAN 2012, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đến Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Singapore. Chuyến ngoại giao con thoi này đã dẫn đến “Nguyên tắc 6 điểm” được đưa ra vào ngày 20/7/2012, được xem là một thắng lợi ngoại giao từ đống tro tàn của Hội nghị bộ trưởng ASEAN. Indonesia cũng được cho là chịu trách nhiệm về một dự thảo “bộ quy tắc ứng xử” tiềm tàng. Theo Reuters, văn bản sơ bộ này kêu gọi chấm dứt diễn tập quân sự ở vùng biển tranh chấp và tái khẳng định tự do hàng hải hoàn toàn trong khu vực. Dự thảo này được cho là cũng đưa ra các quy tắc để tránh xảy ra sự cố trên biển. Trung Quốc hiện phản đối bước vào đàm phán với một dự thảo mẫu, và với đề xuất của Indonesia , không khó để biết lí do. Hải quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập định kỳ tại khu vực tranh chấp, và lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc cũng tuần tra vùng biển này như một cách xác nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc. Nếu một bộ quy tắc ứng xử xem những hành động như vậy là vi phạm, rất khó để Trung Quốc ký vào đó. 

Về phần mình, Trung Quốc cũng có những yêu cầu riêng cho một COC, như Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra hồi năm ngoái. Ông Vương khẳng định “sự đồng thuận thông qua đàm phán”, cho rằng quá trình đàm phán nên “làm tất cả các bên thoải mái về tư tưởng”. Từ quan điểm của Trung Quốc, điều này đồng nghĩa các nước có quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh không nên bị gây áp lực ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử cứng rắn. Dường như Bắc Kinh chẳng mấy quan tâm đến sự “thoải mái” của Việt Nam và Philippines bị vi phạm bởi một bộ quy tắc ứng xử quá lỏng lẻo. Ông Vương cũng kêu gọi “loại trừ sự can thiệp”, khẳng định lý do ASEAN và Trung Quốc không đạt được tiến triển về COC là do sự can thiệp bên ngoài. Ngoại trưởng Trung Quốc ám chỉ tới những nỗ lực khuyến khích một COC của Mỹ. Bắc Kinh đã liên tục chỉ trích sự can dự của Mỹ trong các hội nghị ASEAN là can thiệp vào cái mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã gọi là cấu trúc khu vực “thuần Á”. Tờ China Daily viết “chỉ người châu Á mới nên dẫn dắt quá trình giải quyết các vấn đề khu vực”, sau khi Mỹ nêu Biển Đông là một vấn đề thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2010. Nói cách khác, Trung Quốc muốn Mỹ bị loại khỏi các cuộc đối thoại khu vực, và sẽ không thúc đẩy một COC chừng nào Mỹ còn can thiệp. 

Thực tế cho thấy đồng thuận sẽ rất khó đạt được trong ASEAN, tuy nhiên không quốc gia thành viên nào khuyến nghị thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử mà không có sự đồng thuận. Bên cạnh đó, một điều kiện chính của ông Vương dường như không thể được đáp ứng. Kể từ khi Mỹ liên tục tuyên bố rằng mình có lợi ích với giải pháp hòa bình trong tranh chấp tại Biển Đông, “sự can thiệp” như vậy dường như sẽ không thể bị loại bỏ sớm. Mỹ sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ một COC, mà Trung Quốc sẽ diễn dịch là sự can thiệp không mong muốn. Việc Mỹ can dự vào tiến trình sẽ cho phép một số người ở Trung Quốc phủ nhận việc bản thân ASEAN quan tâm đến COC, và tạo cái cớ cho Bắc Kinh kéo dài tiến trình này. 

Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ là bên thiệt hại nhất từ COC. Một thỏa thuận như vậy sẽ hạn chế hoạt động của nước này tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và kiểm soát tạm thời (như Hoàng Sa và, ngày càng nhiều là bãi cạn Scarborough), trong khi cũng cản trở chiến lược của Trung Quốc tăng cường vùng kiểm soát tạm thời thông qua các chuyến tuần tra biển. Các nước nhìn chung sẽ không từ bỏ lợi thế quốc gia (trên thực tế và trong suy nghĩ) để đổi lấy sự ổn định có được từ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn như Mỹ, đến nay vẫn chưa tán thành UNCLOS. Trung Quốc dường như cũng không phải là ngoại lệ. Nước này sẽ mất ít và lợi nhiều từ việc kéo dài đàm phán COC, hoặc ít nhất đảm bảo rằng dự thảo cuối cùng sẽ bị làm loãng đến mức chẳng có ý nghĩa về thực chất./.

Vũ Hiền (gt)