Ít nhất, cuộc tranh luận công khai về các Hoạt động Tự do Hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) đã bắt đầu. Một số quan niệm sai lầm cho rằng FONOPS của Mỹ sẽ là một sự leo thang nghiêm trọng của Washington trong vùng Biển Đông.

Tuy nhiên, lịch sử của Chương trình Tự do Hàng hải và mối quan hệ của nó với luật pháp quốc tế cho thấy rõ rằng những hoạt động này sẽ bổ trợ cho ngoại giao Mỹ và mặc dù chúng sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng nước và không phận theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng chúng sẽ không thách thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu chính quyền Obama quyết định bắt đầu các hoạt động này trong những ngày tới, thì có một số cách để Mỹ đánh tín hiệu báo rằng FONOPS chỉ đơn giản là công chuyện như thường lệ.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Obama - Tập Cận Bình và với việc Bắc Kinh khẳng định mạnh mẽ lập trường của mình rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng những gì mình muốn ở quần đảo Trường Sa, Washington có thể bắt đầu FONOPS trong khu vực trong những ngày tới hoặc tuần tới. Nếu Mỹ làm như vậy, thì các thực tế cơ bản của Chương trình Tự do Hàng hải và của UNCLOS cần phải đóng vai trò như là lời nhắc nhở rằng các hoạt động này không phải là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố hồi tháng 5 rằng Mỹ sẽ tiếp tục "cho báy bay bay, tầu chạy và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép," và chính quyền Obama đã nhắc lại cam kết này với ông Tập trong tháng 9.

Thứ nhất, theo nguyên tắc qua lại vô hại của UNCLOS, lực lượng hải quân nước ngoài có quyền quá cảnh trong lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia, miễn là chiếc tàu đó không làm gì gây phương hại đến hòa bình. Nói một cách khác, ngay cả khi Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đi chăng nữa (thực tế là không) thì luật pháp quốc tế vẫn cho phép Mỹ qua lại gần đó một cách hòa bình. Trung Quốc đã thực hiện quyền này vào đầu tháng 9, khi nó đã quá cảnh lãnh hải Mỹ ở Biển Bering. Tòa án Công lý quốc tế đã khẳng định rằng điều này và các hoạt động như FONOPS phù hợp với quyền qua lại vô hại.

Thứ hai, chính vì các vùng lãnh thổ ở Biển Đông đang có tranh chấp, và bởi vì Washington không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền này, nên Mỹ không cần phải công nhận lãnh hải hoặc không phận xung quanh bất kỳ cấu trúc nhân tạo nào của Trung Quốc hay của các nước khác. Nói ngắn gọn, lãnh hải là một chức năng của chủ quyền quốc gia được công nhận, và nơi nào mà chủ quyền đó còn có tranh chấp, thì tàu bè và máy bay có thể tự do qua lại.

Thứ ba, ngay cả khi việc chiếm giữ Trường Sa của Trung Quốc không bị thách thức đi nữa, thì sự thật vẫn là bảy cấu trúc đảo của Bắc Kinh là nhân tạo. Theo UNCLOS, các hòn đảo nhân tạo không có lãnh hải hoặc vùng trời riêng. Thay vào đó, chúng chỉ được trao một vùng an toàn 500 mét. Trong trường hợp của Trung Quốc, trước vụ mạnh tay xây dựng của nó, ít nhất có ba trong bảy hòn đảo nhân tạo của nó là phần nhô lên hay rạn san hô khi triều thấp, chứ không phải là núi đá hay đảo. Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hay bất cứ ai khác thậm chí không được tuyên bố có chủ quyền đối với các cấu trúc này. Theo logic này, thậm chí không có tranh chấp chủ quyền kéo dài, các rạn san hô như Đá Vành Khăn, Đá Gaven, và Đá Xu bi sẽ không có được vùng nước hoặc vùng trời riêng của chúng, và do đó có thể là các cấu trúc đặc biệt phù hợp cho việc quá cảnh xung quanh chúng.

Cùng với việc Washington đang chuẩn bị tiến hành FONOPS, có hai bước Mỹ có thể thực hiện để cho thấy rằng các hoạt động này không phải là hành động leo thang mà là những thực hành thông thường trong những vùng chung của nhân loại trên toàn cầu. Bước một, Washington cần thông báo cho các nước trong khu vực về các kế hoạch của mình và nên yêu cầu có sự ủng hộ công khai của họ nếu có thể. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản thời gian gần đây đều đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về việc xây dựng đảo của Trung Quốc sẽ đe dọa quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Sự ủng hộ công khai của họ đối với các hoạt động của Mỹ sẽ cho thấy điều này không phải là một vấn đề của đấu đá qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc mà là một vấn đề của ngoại giao và pháp quyền khu vực.

Bước 2 là, dù Lầu Năm Góc quyết định các hoạt động trong phạm vi 12 hải lý chỉ của những cấu trúc của Trung Quốc (mà trước đây là các rạn san hô), hoặc chỉ quá cảnh gần các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc, Mỹ cũng cần tiến hành các FONOPS xung quanh các cấu trúc của các bên yêu sách khác, bao gồm các rạn thấp do Philippines kiểm soát hay các đảo đá do Malaysia hay Việt Nam chiếm giữ. Trước việc những nước này đã tỏ quan ngại sâu sắc về tự do hàng hải và đã bày tỏ sẵn sàng ủng hộ các kiến ​​nghị ngoại giao gần đây của Mỹ để ngăn chặn các hoạt động gây mất ổn định ở Biển Đông, khó có khả năng họ sẽ phản đối việc triển khai thực hiện nguyên tắc pháp lý này .

Các hoạt động FONOPS ở Quần đảo Trường Sa hoàn toàn phù hợp với lập trường của Mỹ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố hồi tháng 5 là Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Bằng cách thu hút sự ủng hộ của các quốc gia khác trong khu vực và tiến hành các hoạt động xung quanh các cấu trúc của nhiều bên tranh chấp, Washington có thể tăng cường lịch sử lâu đời và hồ sơ của chương trình này (khởi nguồn từ đầu thế kỷ 19 và được chính thức hóa vào 1979). Tự do hàng hải chỉ là thực hành như thường lệ ở Biển Đông.

Theo “Foreign Affairs

Hương Trà (gt)