22(3).jpg

 

Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng thiết lập các tổ chức quốc tế đang nở rộ trên khắp thế giới. Một mặt, xu hướng này rõ ràng cho thấy các nước đang tích cực trong chính sách đối ngoại của họ, tìm cách củng cố vị thế quốc tế của mình thông qua các diễn đàn đa phương. Mặt khác, số lượng các tổ chức quốc tế đang tăng nhanh cũng phản ánh sự bất mãn của các nước đối với hệ thống các tổ chức quốc tế hiện tại. Trên thực tế, số lượng các cuộc khủng hoảng trong số các tổ chức quốc tế đang tăng lên từng ngày; những ví dụ đáng chú ý gần đây bao gồm Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư tại Liên minh châu Âu, việc Nam Phi và Burundi rút khỏi Tòa án hình sự quốc tế, việc hoãn hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tại Pakistan, và sự chia rẽ của ASEAN về tranh chấp Biển Đông.

Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là phải điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân và tác động của các cuộc khủng hoảng căn bản trong các tổ chức hiện tại để rút ra được một số bài học. Trong loạt bài này, tâm điểm sẽ là cuộc khủng hoảng ASEAN, tìm cách trả lời 3 câu hỏi: tại sao tranh chấp ở Biển Đông có thể đặt ra thách thức cho sự thống nhất của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực, những nguyên nhân cốt lõi của cuộc khủng hoảng là gì, và ASEAN có thể làm gì để vượt qua nó. Mặc dù tranh chấp Biển Đông được các phương tiện truyền thông minh họa rộng khắp là vấn đề về những căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng tình huống lại không đơn giản như vậy. Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông quả thực đặt ra mối đe dọa hiện hữu cho ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực. Tranh chấp Biển Đông thách thức khả năng của ASEAN xử lý tình trạng bất ổn khu vực do một cuộc chạy đua vũ trang gây ra, trách nhiệm của tổ chức này bảo vệ các lợi ích kinh tế, sinh mạng của các công dân, môi trường của các nhà nước thành viên và danh tiếng của nó như là một tổ chức quốc tế đáng tin cậy.

Trong khi ASEAN đã có những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy sự hội nhập hơn nữa với Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009-2015, bao gồm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, thì tranh chấp Biển Đông trên thực tế đã cản trở những nỗ lực này bằng cách phong tỏa tính thống nhất ASEAN do những bất đồng xung quanh giải pháp cho cuộc xung đột. Sự leo thang của những căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông kể từ năm 2014 đã đưa xung đột này lên vị trí cao nhất trong chương trình nghị sự của ASEAN – cái được coi là bên đối trọng khu vực hợp pháp duy nhất chống lại Trung Quốc. Không may thay, các nước thành viên ASEAN đã không duy trì được lập trường thống nhất đối với tranh chấp Biển Đông, đặt ra một dấu chấm hỏi lớn về khả năng của cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, cộng đồng tuyên bố cam kết đem lại “sự phát triển chính trị; định hình và chia sẻ những chuẩn mực; ngăn chặn xung đột; giải quyết xung đột; xây dựng hòa bình hậu xung đột và thi hành các cơ chế”.

Chạy đua vũ trang và sự mất an ninh khu vực

Mối đe dọa nổi bật nhất là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông. Tháng 2/2016, Trung Quốc đã triển khai 32 tên lửa đất đối không tiên tiến ở đảo Woody (đảo Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa, khiến Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc trong ASEAN phải lo lắng. Hơn nữa, nhằm đáp trả phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay rằng các tuyên bố của Trung Quốc đối với 90% diện tích Biển Đông là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn tỏ ra thách thức. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn ngấm ngầm đe dọa thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nhằm kiểm soát sự di chuyển của các máy bay trên vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền, điều cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hành động đơn phương bất chấp sự không thừa nhận từ các nhà nước khác. Là bên đối trọng chính trong khu vực, Mỹ đã phản ứng bằng cách liên tục tiến hành “các hoạt động tự do hàng hải” cũng như các cuộc tuần tra quân sự chung với Philippines và có khả năng với Nhật Bản, Úc và Indonesia. Hơn nữa, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ tài chính để củng cố khả năng quân sự của các nước ASEAN và Đông Á, và tăng cường sự cộng tác quốc phòng song phương với những nước này. Các bên tuyên bố chủ quyền đối thủ của Trung Quốc trong ASEAN cũng phản ứng bằng cách gia tăng ngân sách quốc phòng của mình. So với các nước ASEAN khác, Việt Nam có phần gia tăng đáng kể nhất, tăng 113% trong chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2004-2013. Chỉ riêng năm 2013, Việt Nam đã chi 3,4 tỷ USD cho việc thúc đẩy quân đội. Hơn nữa, Việt Nam cũng tích cực tham gia các cuộc hội đàm thương mại vũ khí chiến lược với Ấn Độ, Nga và Mỹ kể từ năm 2014.

Manila cũng tiến tới nâng cấp quân đội của mình. Philippines đã tuyên bố chi 885 triệu USD cho việc mua sắm “3 máy bay tấn công nhanh trang bị tên lửa điều khiển, 2 khinh hạm tàng hình trang bị tên lửa điều khiển và 2 trực thăng chống tàu ngầm”. Là một đồng minh truyền thống của Mỹ, Philippines cũng đã tích cực tham gia các cuộc diễn tập quân sự song phương với Mỹ và Nhật Bản vào năm 2015 dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino. Và bất chấp sự chia rẽ ban đầu giữa Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Philippines đã tái khẳng định cam kết hợp tác quân sự của nước này với Mỹ trong năm 2016. Malaysia cũng đã chính thức gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10% vào tháng 10/2014 vì sự gây hấn của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp gần bãi cạn James. Đô đốc Aziz Jaafar, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, đã tuyên bố các kế hoạch nhằm có được “8 tàu hộ tống nhỏ trang bị tên lửa điều khiển và 6 trực thăng chống tàu ngầm… cũng như việc mua sắm máy bay nhỏ và thay thế hệ thống ngư lôi và tên lửa cũ trên các tàu hải quân”. Ngay cả Indonesia, một nước không tuyên bố chủ quyền, cũng nhắc lại mối quan ngại của nước này về an ninh ở Biển Đông và tuyên bố ý định của họ tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia ở quần đảo Natuna.

Tóm lại, việc quân sự hóa nhằm ứng phó với tranh chấp Biển Đông gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan không thể tránh khỏi về an ninh đối với các nước ASEAN. Trước đây đã có những sự cố về xung đột vũ trang trong khu vực. Chẳng hạn, tháng 1/1974, trận chiến quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến gần 100 binh lính ở cả hai bên thiệt mạng. Một lần nữa, vào năm 1988, 64 thủy thủ của Việt Nam đã hy sinh trong một cuộc xung đột xung quanh Đá Gạc Ma (Johnson Reef) giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cũng đã có những sự cố gây thương vong giữa Trung Quốc và Philippines. Năm 1996, các tàu chiến của Trung Quốc và Philippines đã đụng độ xung quanh đảo Capones. Năm 2012, hai bên đã có một cuộc đối đầu hải quân về quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Nếu các hoạt động quân sự tiếp tục gia tăng, thì các công dân của ASEAN chắc chắn sẽ phải trải qua tình trạng bất ổn và mất an ninh.

Những mối đe dọa đối với các hoạt động kinh tế, công dân và môi trường

Ngoài những mối quan ngại về quân sự, đã có rất nhiều cuộc xung đột đáng tiếc xét về mặt lợi ích kinh tế, an ninh dân sự và môi trường. Thực tế là không có hệ thống báo cáo nào đếm số lượng các cuộc tấn công nhằm vào ngư dân ở Biển Đông hoặc bất kỳ cơ chế nào để điều tra hoặc giải quyết hậu quả của những cuộc tấn công đó, thể hiện sự thiếu sót khác mà ASEAN cần cải thiện. (Cho dù ASEAN có cả Diễn đàn tham vấn nghề cá lẫn Kế hoạch chiến lược cho hợp tác hành động nghề cá giai đoạn 2016-2020, nhưng không có quy chế nào liên quan đến các cuộc tấn công nhằm vào ngư dân ở Biển Đông, đặc biệt là khi một nước bên ngoài như Trung Quốc có dính líu tới). Nếu ASEAN không tìm cách đàm phán một bộ quy tắc ứng xử thích hợp và hiệu quả hơn với Trung Quốc ở Biển Đông, thì sinh mạng của những công dân vô tội sẽ tiếp tục bị đe dọa. Có một chiến lược chung, nhưng nguy hiểm, trong số các nước tuyên bố chủ quyền khuyến khích các ngư dân liên tục thực hiện hoạt động đánh bắt ở các vùng biển tranh chấp để khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những nước này. Khẩu hiệu là ngư dân là những người bảo vệ dũng cảm vùng lãnh hải quốc gia. Trong khi chiến lược này có hiệu quả trong việc nhắc lại các tuyên bố chủ quyền, do luật pháp quốc tế công nhận việc có được chủ quyền đối với lãnh thổ khi và chỉ khi có “sự biểu dương sức mạnh và thẩm quyền có chủ đích xung quanh lãnh thổ, bằng cách thực hiện quyền tài phán và các chức năng nhà nước, trên cơ sở liên tục và hòa bình”, thì nó lại gây nguy hiểm tới tính mạng của những công dân vô tội.

Chẳng hạn, năm 1999, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã chìm gần bãi cạn Scarborough sau vụ va chạm với tàu của hải quân Philippines. Năm 2000, binh lính Philippines đã khiến 1 người thiệt mạng khi bắn vào ngư dân Trung Quốc gần đảo Palawan. Trong trường hợp của Việt Nam, 3 năm liên tiếp 2014, 2015, 2016 đã chứng kiến một số lượng đáng kể các vụ va chạm giữa các tàu cá của Việt Nam với tàu của Hải quân Trung Quốc, trong đó các tàu của Hải quân Trung Quốc đã cố ý tấn công và đâm chìm các tàu cá của Việt Nam. Malaysia cũng cho biết những quan ngại về việc các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc khiêu khích các tàu thăm dò dầu khí của Malaysia trong EEZ của Malaysia. Ngoài ra, Biển Đông là tuyến thương mại rất quan trọng trong khu vực với hơn 5.000 tỷ USD giá trị thương mại đi qua mỗi năm. Là một tổ chức khu vực, chính ASEAN phải có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích kinh tế to lớn như vậy nhân danh các nước thành viên thông qua đàm phán hòa bình và các biện pháp chính trị khác (ASEAN không có một cơ chế an ninh chung).

Một mối nguy hiểm nổi bật khác là hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và những tổn hại đã gây ra đối với môi trường tự nhiên. Cụ thể, ý tưởng của Trung Quốc xây dựng các trạm điện hạt nhân trên những hòn đảo mong manh này đem lại các mối đe dọa nghiêm trọng về môi trường đối với Biển Đông. Một lần nữa, với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN được trông đợi phải ngăn chặn các mối đe dọa này. Nếu không thể đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để quản lý quan hệ với Trung Quốc cũng như giữa các nước thành viên, thì ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực sẽ thất bại.

Mục đích tồn tại: Một thách thức đối với di sản của ASEAN

Nếu ASEAN không thể đảm bảo an ninh cơ bản cho công dân ASEAN, thì không có lý do có ý nghĩa nào để tổ chức này tiếp tục tồn tại. Và điều này dẫn tới thách thức về di sản của ASEAN. Trên thực tế, trường hợp của ASEAN có sự tương đồng lớn với trường hợp của NATO vào thời điểm Liên Xô tan rã năm 1991. NATO – Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – là một sáng kiến rất độc đáo: một tổ chức quân sự được thành lập trong thời bình. Ý tưởng ban đầu là xây dựng một liên minh an ninh tập thể để chống lại sức mạnh quân sự mang tính đe dọa của Liên Xô. Vào thời điểm đó, NATO đã đóng một vai trò then chốt trong cấu trúc quyền lực, mà ở cốt lõi là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và khối phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, khi Liên Xô, và sau đó là Khối Hiệp ước Vacsava, tan rã năm 1991, đối thủ chính trên thực tế – và lý do cho sự tồn tại của NATO – đã bị loại bỏ. Kết quả là NATO phải trải qua một quá trình đánh giá lại cẩn thận để tái xác định mục đích, bản chất và các trách nhiệm của tổ chức này – hay nói ngắn gọn là lý do tồn tại của nó – trong lục địa châu Âu.

Tương tự, ASEAN đang ở giai đoạn xác định lại vai trò của mình trong khu vực và tranh chấp Biển Đông là một bài kiểm tra then chốt đòi hỏi ASEAN phải thay đổi bản thân để đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Cho dù 2 trường hợp này không giống nhau 100% – việc Liên Xô tan rã đã làm giảm bớt sự căng thẳng của NATO trong khi thái độ hung hăng gia tăng của Trung Quốc đem lại nhiều khó khăn hơn cho ASEAN – lôgích về việc mất đi lý do tồn tại là giống nhau. ASEAN là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc hậu chiến của Đông Á. Tổ chức này có tiền thân là Hiệp hội Đông Nam Á (ASA), được thành lập năm 1961 bởi Malaysia, Philippines và Thái Lan, và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Mỹ và Anh. Bản thân ASEAN được thành lập năm 1967 bởi 5 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, mà có mối liên hệ gần gũi với phương Tây, đặc biệt khi Washington là cường quốc toàn cầu vào thời điểm đó. Mục tiêu chính của ASEAN trong những ngày đầu là cung cấp một cấu trúc an ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc thành lập ASEAN ban đầu được thúc đẩy bởi sự thất kinh lan rộng trước chủ nghĩa cộng sản, và sự hăng hái để đạt được thịnh vượng kinh tế. Khối cộng sản gồm Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam chỉ được phép gia nhập trong nửa cuối những năm 1990.

Khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô chấm dứt, ASEAN đã tích lũy được nhiều ảnh hưởng chính trị hơn trong khu vực và dần nổi lên như là một bên tham gia quan trọng trong các hoạt động kinh tế và an ninh của khu vực. Trong những năm 1990, ASEAN theo đuổi mô hình ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để làm đối trọng với ảnh hưởng thống trị của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương với sáng kiến APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã là một đối tác quan trọng và một nguồn cân bằng trước Mỹ cho ASEAN. Tuy nhiên, quan hệ đối tác thân thiện ASEAN-Trung Quốc đã thay đổi khi Trung Quốc phát triển thành một cường quốc trên thế giới với các tham vọng lớn hơn trong khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm tại châu Á-Thái Bình Dương do “cuộc chiến chống khủng bố”. Kết quả là tranh chấp Biển Đông đã chứng kiến các căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này, đòi hỏi ASEAN phải thích nghi bản thân với một bối cảnh chính trị mới. Điều không may là ASEAN đã liên tục thất bại trong việc thiết lập một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc, bá chủ đang trỗi dậy. Vì vậy, ASEAN có nguy cơ đánh mất lý do tồn tại của mình.

Nói tóm lại, nếu thất bại trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, ASEAN sẽ đánh mất sự tín nhiệm của mình ở cấp quốc tế với tư cách là một tổ chức khu vực hiệu quả, và giữa các nước thành viên với tư cách là bên đảm bảo đáng tin cậy cho an ninh và thịnh vượng của các nước thành viên. ASEAN đã tận hưởng thời kỳ “hoàng kim” của mình trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, hoàn thành thành công nhiệm vụ của mình là thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và dàn xếp xung đột giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã thay đổi lập trường và tham vọng của mình trong khu vực, ASEAN cũng cần phải thích nghi bản thân với một bối cảnh chính trị mới, đối mặt với các thách thức của sự quân sự hóa khu vực, các vấn đề kinh tế, dân sự và an ninh môi trường. Biển Đông thực sự là một bài kiểm tra then chốt cho vai trò của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực./.

Linh Tong là Biên tập viên về Đông Á của “Eurasia Diary” và trợ lý nghiên cứu tại Đại học ADA. Bài viết đăng trên trang “The Diplomat” (ngày 21/12)

Anh Thư (gt)