Sau đây là một số chi tiết về cuộc nghiên cứu đó cùng với ý kiến của các chuyên gia về hệ quả đối với Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. 

Theo tường thuật của phóng viên Đài TNHK từ Xítni thì từ năm 2007 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ôxtrâylia. Xuất khẩu các nguyên vật liệu như than, sắt cùng nhiều mặt hàng khác sang Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh nền kinh tế của Ôxtrâylia. Các giao dịch thương mại với Trung Quốc cũng giúp đẩy mạnh các nền kinh tế của nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định liệu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có giúp nước này mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực hay không? 

Ông John Lee, một nhà phân tích thuộc Viện Lowy, Xítni, vừa thực hiện cuộc nghiên cứu về các quan hệ kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Ông Lee nói vì nhu cầu của giới tiêu thụ ở Trung Quốc còn tương đối thấp, và vì các hạn chế áp dụng đối với các công ty nước ngoài gây khó khăn cho các công ty này trong việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc, cho nên các nước láng giềng sẽ tiếp tục dựa vào những giao dịch thương mại với nhau và với các cường quốc kinh tế phương Tây như Mỹ và Liên minh châu Âu. Sau đây là nhận định của ông Lee: 

“Trung Quốc là một cường quốc bị nhiều nước trong khu vực rất nghi kỵ, mặc dù nước này là đối tác thương mại chủ yếu của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và cả Ấn Độ. Trong thời gian gần đây, hầu như tất cả các nước lớn của châu Á đã xích lại gần Oasinhtơn để được bảo vệ trước sự bành trướng của Trung Quốc. Về thực tế, cũng như về mặt chiến lược, chúng ta thấy nhiều nước đang về phe với nhau để chống lại Trung Quốc, bất chấp sức mạnh kinh tế của nước này cũng như tầm quan trọng của Bắc Kinh trong cương vị là đối tác thương mại quan trọng của các nước liên quan.” 

Trong phúc trình mới công bố, Viện nghiên cứu Lowy nói nhiều nước láng giềng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Hải và Biển Đông. 

Trung Quốc nhấn mạnh họ là một đối tác hòa bình ở châu Á và muốn giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải qua đối thoại. Nhưng sự kiện Bắc Kinh tăng ngân sách để củng cố các lực lượng hải quân và quân đội đã khiến nhiều nước càng thêm nghi ngờ. 
Trong khi phúc trình của Viện Lowy cho rằng những hoài nghi đó hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, một số nhà phân tích khác không đồng ý về điểm này. Ông Devy, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Ôxtrâylia, nói đà tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc và những khoản chi tiêu khổng lồ mà nước này đổ vào lĩnh vực quân sự dần dần có thể khiến cho vai trò của Mỹ tại châu Á trở nên mờ nhạt. Ông Devy nói: 

“Thách thức chiến lược cho 20 năm tới, theo tôi, sẽ là thế tiếp tục đi lên của Trung Quốc và tình trạng suy thoái tương đối của Mỹ, cũng như hệ quả của sự thể này đối với các khu vực quyền lợi chung.” 

Mỹ đang thẩm định lại vị thế và sức mạnh của mình trên thế giới, đặc biệt tại Tây Thái Bình Dương trong bối cảnh ngày càng rõ rệt là các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam lâm vào thế ngày càng dễ bị thách thức, trong khi Trung Quốc tiếp tục củng cố khả năng quân sự. 

Tuy vậy, theo các nhà phân tích tại Viện Lowy, trong mấy năm gần đây Mỹ đã thành công trong nỗ lực kêu gọi sự tham gia của các nước châu Á. Một mặt Oasinhtơn củng cố các liên minh hiện hữu với Nhật Bản và Ôxtrâylia, mặt khác lại thiết lập các quan hệ với những đối tác mới như Ấn Độ và Việt Nam. 

Hồi tháng 6/2011, Ôxtrâylia đã tiến hành tái thẩm định khả năng quân sự quốc gia để có thể củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ vùng duyên hải phía Tây Bắc, một khu vực rất phong phú tài nguyên của Ôxtrâylia. 

Dựa trên sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, Trung Quốc đã tỏ thái độ quyết liệt hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt với Việt Nam và Philíppin. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, tin rằng trước nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam phải vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ông nói: 

“Việt Nam đã thu hút được phần nào sự chú ý của quốc tế, đó phải là chiến lược của Việt Nam . Bởi vì so với Trung Quốc, Việt Nam yếu thế hơn nhiều. Và vì vậy, phải vận động để chiếm cảm tình của các nước trong khu vực cũng như trên toàn cầu mới mong có thể mặc cả với Trung Quốc một cách công bằng hơn”. 

Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Oasinhtơn, cũng đồng ý với Giáo sư Thayer, cho rằng Việt Nam phải tìm cách tạo một thế cân bằng trong các tương tác với Trung Quốc. Ông Bower tin rằng Việt Nam đã có các nỗ lực theo chiều hướng đó: 

“Tôi tin rằng Việt Nam đã cố gắng làm việc để có được nhiều giải pháp. Vì thế họ đã gia nhập ASEAN với một tư duy chiến lược, và đã tìm cách phát triển các quan hệ với nhiều quốc gia trên khắp thế giới nhằm tạo ra thế cân bằng đó”. 

Trước ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của châu Á đối với tương lai của Mỹ. Ông Ernest Bower nhận định tiếp: 

“Tôi nhận thấy, và tôi tin rằng tương lai của chúng ta ở Mỹ đang chuyển về châu Á. Điều rất quan trọng là chúng ta phải hiểu điều đó. Tôi không tin rằng người Mỹ nói chung thấu hiểu được tầm quan trọng của châu Á đối với tương lai của chính họ.” 

Ông Bower nhận định sức mạnh quân sự của Trung Quốc và việc nước này tỏ ra hung hăng hơn trong các đòi hỏi chủ quyền của mình, cùng với sự kiện châu Á trong thời gian tới sẽ là trung tâm phát triển kinh tế thế giới chính là những lý do mà Mỹ nên đặt khu vực này vào hàng ưu tiên về cả kinh tế lẫn an ninh quốc gia./.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ

Thuỳ Anh(gt)