Quá trình quân sự hóa ở Biển Đông gia tăng trong những tháng gần đây đã đặt chính phủ Úc và nhiều nước đối tác của Úc ở khu vực trong tình trạng báo động. Lên án bằng ngôn từ không còn là chiến thuật hữu hiệu để chống lại các hành động quyết đoán của Trung Quốc, vì vậy Thủ tướng Malcolm Turnbull dường như bất đắc dĩ phải đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Dù không nêu chi tiết các hoạt động của quân đội Úc nhưng Sách trắng Quốc phòng năm 2016 cũng cho thấy Úc sắp tới sẽ có hành động mạnh hơn ở Biển Đông.

Là một doanh nhân trước khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất nước Úc, Thủ tướng Turnbull có khá nhiều thiện cảm với Trung Quốc. Ông Turnbull thường xuyên phát biểu về những lợi ích toàn cầu mà sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại và khẳng định tầm quan trọng của nó đối với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của nước Úc. Vì thế, việc ông Turnbull không thích đối đầu công khai với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là điều không mấy ngạc nhiên. Mặc dù đầu nhiệm kỳ ông Turnbull đã có những phát biểu về thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng ông lại muốn dựa vào ngoại giao mềm.

Trong khi các quan chức Mỹ và Đông Nam Á đã trực tiếp chỉ trích Trung Quốc về hành động quân sự hóa và lên án nước này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), ông Turnbull chỉ đưa ra các tuyên bố thận trọng. Mặc dù rất nhanh nhẹn khi thể hiện sự ủng hộ đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhưng Turnbull lại thiếu các hành động công khai mạnh mẽ để hiện thực hóa sự ủng hộ này.

Nhưng việc Trung Quốc gần đây đưa các tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm cùng với việc lắp đặt các thiết bị ra-đa cao tần ở Trường Sa đã trở thành chất xúc tác gia tăng áp lực chính trị hối thúc ông Turnbull phải đánh giá lại lập trường của mình. Lực lượng đối lập chính trị ở Úc đã nhiều lần kêu gọi tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông. Ví dụ, ngày 21/01/2016, Người phát ngôn quốc phòng của Đảng Lao động Úc (ALP) Stephen Conroy viết bài đăng trên tờ báo The Australian hối thúc “Úc nên chuẩn bị hành động để ủng hộ hệ thống quốc tế ở Biển Đông và Úc không nên rụt rè về hành động và mục tiêu của mình trong triển khai các hoạt động này.”

Gần đây hơn, vào ngày 18/02/2016, ALP công bố rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, đảng này sẽ khởi động hoạt động tự do hàng hải trong lãnh hải của các đảo tranh chấp. Theo quy định của UNCLOS, các đảo tranh chấp không được hưởng lãnh hải, điều này đã thúc đẩy Conroy tuyên bố rằng Úc có thể cho tàu thuyền đi lại "hợp pháp [và] hòa bình" trong phạm vi 12 hải lý.

Ngoài ra, hoạt động ngoại giao của ông Turnbull cũng phải đối mặt với thách thức từ đảng cầm quyền do cựu Thủ tướng Tony Abbott dẫn đầu. Trong một bài phát biểu tại Tokyo vào ngày 26/02/2016, ông Abbott nhấn mạnh Úc cần phải thực hiện các quyền tự do hàng hải “bởi vì đây không phải là thứ mà chỉ mình Mỹ có thể kiểm soát. Với tư cách là cựu thủ tướng, ý kiến ​​của ông Abbott làm tăng thêm áp lực chính trị và gia tăng chia rẽ nội bộ trong Đảng Tự do cầm quyền (LNP) về sự cần thiết phải tiến hành hoạt động tự do hàng hải độc lập để thách thức trực tiếp yêu sách của Trung Quốc.

Các sĩ quan quân đội Mỹ cũng đồng ý rằng việc bảo vệ tự do hàng hải phải là trách nhiệm chung. Trong chuyến thăm gần đây tới Sydney, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ đã nói ông mong rằng việc Mỹ thách thức các hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông không nên bị xem là Mỹ đang chống lại Trung Quốc, mà thay vào đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu” đều phải bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo luật biển. Khi được hỏi liệu có phải ý ông muốn nói rằng Úc nên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực tranh chấp hay không, Đô đốc Aucoin trả lời thẳng thắn là có. Ý kiến của ông Aucoin vượt xa hơn các phát biểu của bất kỳ quan chức nào khác của Mỹ và là minh chứng cho áp lực quốc tế ngày một gia tăng thúc đẩy Úc phải tăng cường đóng góp cho việc bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Đối mặt với các sự kiện thực tế đang diễn ra cùng với áp lực trong và ngoài nước, ông Turnbull đã buộc phải xem lại mong muốn chính của mình là tập trung làm sâu sắc quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Sách trắng quốc phòng 2016 công bố ngày 25/02/2016 cho thấy sự thay đổi miễn cưỡng từ lập trường kiềm chế sang hành động quyết đoán và đây là chỉ dấu rõ nhất về cách tiếp cận mới của chính phủ Thủ tướng Turnbull.

Trong khi khả năng tiến hành một hoạt động tự do hàng hải độc lập trước cuộc bầu cử liên bang vào giữa năm hay vẫn còn chưa chắc chắn, cam kết khổng lồ nhằm tăng cường năng lực quốc phòng trên biển đã cho thấy Úc có thể sẽ can dự sâu hơn vào Biển Đông. Sách trắng quốc phòng cũng cho thấy Úc đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2020-2021, nâng chi tiêu quốc phòng hơn 20 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, sắm mới 12 tàu ngầm để thay thế hạm đội đã già cỗi và mua các trang thiết bị mới như tàu khu trục, xe bọc thép chuyển quân, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái.

Thủ tướng Turnbull đã không còn đủ vốn liếng chính trị để đặt cược vào niềm tin rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận và chơi theo các luật lệ đã được thiết lập, và vì thế đang chuyển sang tăng cường năng lực cho Úc để bảo vệ các lợi ích an ninh biển ở khu vực. Sách trắng quốc phòng cũng thừa nhận công khai rằng Biển Đông sẽ trở thành sân khấu chính trong cuộc cạnh tranh giữa một số cường cuốc lớn nhất của thế giới và Úc cần phải tăng cường năng lực quân sự tương xứng để đối phó với các thách thức an ninh biển. Do đó, trong tương lai Úc sẽ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải độc lập để thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Tác giả Ellen Chambers là Thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế của trường American University. Bài viết lần đầu tiên được đăng trên cogitASIA.

Người dịch: Phạm Duy, Quách Huyền, Lê Hà

Bản dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.