13457629406652.jpg

Khi Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN ngày 26/12 có bài viết biện bạch về lập trường của Trung Quốc liên quan tới vụ kiện của Philippines tại Toà Trọng tài Quốc tế, trong đó chỉ nêu lại những luận điệu cũ rích về cái gọi là quyền lịch sử hay bác bỏ thẩm quyền của Toà Trọng tài, chúng tôi đã không bận tâm trả lời. Thực tế, không lập luận nào có thể rõ ràng hơn phán quyết của Toà Trọng tài, trong đó khẳng định Tòa có đầy đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện này: “Việc Philippines khởi kiện lên tòa trọng tài không cấu thành hành vi lạm dụng tiến trình”, cũng như “việc Trung Quốc vắng mặt trong các thủ tục tố tụng không tước đi thẩm quyền của Tòa án”. Tòa đã tuyên rằng “Philippines đã tìm cách đàm phán với Trung Quốc và [...] luật pháp quốc tế không đòi hỏi một Nhà nước phải tiếp tục đàm phán khi nhà nước đó kết luận rằng không có khả năng đạt được một giải pháp qua thương lượng.”

Theo quy định tại Điều 33 (1) Hiến chương LHQ cũng như trong Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, được thông qua tại ĐHĐ LHQ, sử dụng các biện pháp trọng tài và pháp lý là một trong những công cụ để giải quyết tranh chấp và “không nên được coi là một hành động không thiện chí giữa các quốc gia”.

Tuy nhiên, trong bài viết thứ 2 ngày 14/1, Đại sứ Trung Quốc đã cố tình nêu lên rất nhiều điểm không chính xác và gây hiểu nhầm, thực chất nhằm che mắt người đọc và biện minh cho những hành động cưỡng ép và khiêu khích của Trung Quốc, từ việc đối xử thô bạo với ngư dân, phá hoại các cấu trúc địa lý, tới phô trương sức mạnh hải quân một cách ngạo mạn ở Biển Đông.

Những hành động như quấy rối và phun vòi rồng vào tàu thuyền của ngư dân tại bãi cạn Scarborough, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn, phá hoại môi trường biển, áp đặt ADIZ tại Biển Đông như đã làm ở khu vực Biển Hoa Đông, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, hạ đặt dàn khoan trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam hay vi phạm khu vực an toàn tại giếng dầu Galoc nằm cách đảo Palawan 37 hải lý về phía Tây Bắc nay lại được định nghĩa lại như là “các hoạt động phát triển” vì lợi ích công và dưới danh nghĩa theo đuổi hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Dù ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhóm G7, Nghị viện châu Âu và các đối tác của ASEAN đã liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành vi hung hăng phá vỡ nguyên trạng của Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc vẫn liên tục có những hành vi gây lo ngại cho các nước láng giềng và gia tăng quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Trong bài báo, Đại sứ Trung Quốc có kể về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm lôi kéo ASEAN và các nước khác cùng tham gia chuyến đi về miền tươi sáng - mà theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là Thế kỷ châu Á - với các đề xuất “Con đường tơ lụa trên biển” và “Một con đường, Một vành đai”. Nhưng khoảng cách giữa những gì Trung Quốc nói tại các diễn đàn ngoại giao và những gì đang thực sự diễn ra ở Biển Đông đang ngày càng lớn. Bất chấp những lời hứa tốt đẹp, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch bành trướng và thay đổi nguyên trạng nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Chính Trung Quốc đã khởi xướng tất cả các hành động khiêu khích gây ra căng thẳng trong khu vực.

Philippines đã thực hiện phần việc của mình để ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc bằng cách đưa vấn đề này đến cơ quan thích hợp. Tòa án Trọng tài được thành lập trong khuôn khổ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Các nước bạn bè trong ASEAN, Cấp cao Đông Á, Hội nghị Á - Âu và nhiều diễn đàn khác đã cùng chung tiếng nói kêu gọi Trung Quốc chấm dứt gây ra bất cứ hành động nào gây mất ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Khi Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố dứt khoát rằng Natunas thuộc về Indonesia và không nên là đối tượng cho bất cứ yêu sách chủ quyền nào của các cường quốc bên ngoài, bà đã đưa ra một quan điểm nguyên tắc để bảo vệ chủ quyền của Indonesia, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Do đó, chúng ta không nên lơ là và phải luôn luôn cảnh giác trong việc giữ gìn các quy tắc của luật pháp ở khu vực. Khi Tòa án trọng tài đưa ra quyết định về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào đầu năm 2016, chúng tôi sẽ tuân theo quyết định này. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thực hiện điều tương tự. Trên thực tế, tất cả các công dân yêu chuộng hòa bình của khu vực này và trên thế giới nên tuân theo phán quyết của cơ chế mà chúng ta đã tin tưởng giao phó là người trọng tài trong công cuộc tìm kiếm hòa bình và an ninh. Luật pháp quốc tế giúp tạo ra sự cân bằng tuyệt vời giữa các quốc gia, đồng thời cho phép các nước nhỏ có thể tồn tại bình đẳng với các nước lớn. Những ai cho rằng rằng “sức mạnh là lẽ phải” sẽ phải nghĩ ngược lại: “Lẽ phải là sức mạnh”. Trung Quốc phải thực hiện đúng lời nói của mình về trỗi dậy hòa bình, không có các hành động hung hăng và chứng tỏ cho ASEAN cũng như phần còn lại của thế giới thấy nước này đáng tin cậy và có trách nhiệm, thay vì là nhân tố chính gây ra bất ổn và xung đột./.

Bài viết của Đại sứ Philippines tại ASEAN bà Elizabeth P. Buensuceso đăng trên tờ “Jakarta Post

Vũ Hiền (gt)