31/05/2022
Ngày 20-24/5, Tổng thống Biden đã có chuyến công du Châu Á đầu tiên, làm việc với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl. Tại đây, Mỹ đã đưa ra hai tuyên bố chung cấp lãnh đạo Mỹ - Hàn và Mỹ - Nhật . Mặc dù cùng tập trung vào an ninh khu vực và cùng thúc đẩy quan hệ đồng minh hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, nội dung hai văn bản có nhiều điểm khác biệt.
Tác giả: Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông
Biên tập: Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Biển Đông
Thách thức từ Trung Quốc
Tuyên bố Mỹ - Hàn không hề nhắc đến Trung Quốc. Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng được nhắc tới hết sức “nhẹ nhàng: i) hai nước phải đối mặt với các “thách thức với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” chung chung; ii) về Biển Đông, văn bản cũng chỉ dẫn lại cam kết duy trì tự do hàng hải – hàng không và luật quốc tế mà hai nước từng đề cập nhiều lần trước đó; iii) về Đài Loan, hai nước coi đây là yếu tố “cần thiết” cho hòa bình khu vực.
Trái lại, Tuyên bố Mỹ - Nhật chỉ trích Trung Quốc trực tiếp hơn và liệt kê hàng loạt thách thức cụ thể: i) các hành động cưỡng ép kinh tế và bằng các công cụ khác; ii) về Biển Đông, hai nước phản đối mạnh mẽ yêu sách phi pháp và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc; iii) về Đài Loan, hai nước coi đây là yếu tố “không thể thiếu” và Trung Quốc cần theo đuổi tiến trình hòa bình. Ngoài ra, văn bản còn nêu ra các quan ngại Mỹ - Nhật bỏ qua như năng lực hạt nhân ngày một lớn của Trung Quốc, thỏa thuận an ninh “không minh bạch” giữa Trung Quốc và Solomon, hợp tác quân sự Nga – Trung hay diễn biến nhân quyền tại Hồng Kông và Tân Cương…
Khác biệt này chưa chắc đã vì lý do kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật. Tùy thuộc kinh tế của Hàn Quốc và Nhật vào Trung Quốc cũng rất lớn khi Trung Quốc chiếm hơn 20% kim ngạch thương mại của cả hai nước[1][2].
Chiều hướng chính sách an ninh – đối ngoại vẫn chi phối nhiều hơn. Năm 2021, Nhật Bản có nhiều động thái cho thấy chính sách mạnh mẽ hơn trong các điểm nóng an ninh Đông Á, bao gồm Đài Loan (lần đầu đưa an ninh Đài Loan vào sách trắng) và Biển Đông (liên tiếp nhắc đến Biển Đông trong các bố song – đa phương).
Trong khi đó, chính quyền Moon Jae-in theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc và tập trung đối thoại với Bắc Triều Tiên (do đó, càng cần hỗ trợ của Trung Quốc – nước láng giềng và có “tiếng nói” với Bắc Triều Tiên hơn). Chính quyền của Tổng thống Yoon có thể sẽ thay đổi chiều hướng này nhưng vẫn trong quá trình chuyển giao trong tháng 5/2022 nên cần thời gian.
Chiến sự tại Ukraine
Tại Hàn Quốc, lãnh đạo hai nước có nhắc đến chiến sự tại Ukraine nhưng nhấn mạnh chính sách của mình là một phần nỗ lực chung (phê phán hay trừng phạt kinh tế đều cùng “cộng đồng quốc tế”). Hợp tác riêng của Hàn Quốc và Mỹ về vấn đề Ukraine chỉ tập trung vào an ninh phi truyền thống (năng lượng và khí hậu) và hỗ trợ nhân đạo. Cách tiếp cận này khá tương đồng với lập trường của Hàn Quốc thời Tổng thống Moon Jae-in: không trừng phạt Nga riêng rẽ mà chỉ tham gia cùng các nước khác; một số thành viên của đảng cầm quyền còn chỉ trích phương Tây vì khiêu khích Nga[3].
Khác với Tuyên bố Mỹ - Hàn, Tuyên bố Mỹ - Nhật tiếp cận vấn đề theo hướng mạnh mẽ và chủ động hơn nhiều khi khẳng định “thách thức ngắn hạn lớn nhất” với trật tự khu vực là hành động “thô bạo, đơn phương và không thể biện minh được” của Nga. Mỹ và Nhật cũng gắn lập trường của mình với cộng đồng quốc tế nhưng tiến xa hơn khi khẳng định các trừng phạt kinh tế phải để lại “hệ quả lâu dài” và kêu gọi Trung Quốc phải chỉ trích Nga dứt khoát.
Các cơ chế tiểu đa phương
Tuyên bố Mỹ - Hàn có một nội dung mới: Mỹ “hoan nghênh” quan tâm của Tổng thống Yoon với Quad. Tuyên bố Mỹ - Nhật cũng có một ý tứ tương tự: hai nước nhấn mạnh các hoạt động quan trọng của AUKUS. Dù quan chức Hàn Quốc đã bày tỏ ý muốn hợp tác với Quad[4][5] và quan chức Nhật đã đưa ra tín hiệu tương tự về AUKUS trước đó[6] (Đại sứ Nhật tại Úc tuyên bố Nhật sẵn sàng hợp tác với AUKUS[7]; Tổng thống Yoon đã tuyên bố sẽ xem xét “tích cực” nếu Hàn Quốc được mời vào Quad[8]), đây là lần đầu tiên những ngôn từ này được đưa vào tuyên bố chung với Mỹ.
Mỹ đã khẳng định chưa chính thức mời Hàn Quốc vào Quad[9] và Nhật vào AUKUS[10] nhưng có thể các Tuyên bố chung là động thái mở đường, nhất là khi: i) hai nước đã “đánh tiếng” muốn hợp tác với các cơ chế; ii) khi Quad dần định hình cơ chế theo hướng phi quân sự và tập trung vào các nền dân chủ, Hàn Quốc là lựa chọn đương nhiên. Hàn Quốc đã từng tham gia cơ chế Quad+ về COVID-19. Việc Tuyên bố chung Mỹ - Hàn không nhắc đến Trung Quốc, kết hợp với các nỗ lực ngoại giao của Chính quyền Biden như bỏ áp lực thời Trump về chi phí quân sự lên Hàn Quốc và tham vấn Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên Nhật… có thể khiến Hàn Quốc cảm thấy thoải mái hơn về hợp tác với Quad; iii) về AUKUS, Nhật vừa ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng với Úc và Anh trong năm 2022, hoàn tất khung thỏa thuận an ninh với cả ba nước AUKUS.
Tuyên bố chung Mỹ - Hàn và Mỹ - Nhật năm 2022 phản ánh hợp tác an ninh của các nước với Mỹ trong bối cảnh quốc tế và đối nội mới (cả Nhật và Hàn Quốc đều có lãnh đạo mới trong năm vừa rồi), góp phần củng cố hệ thống đồng minh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn trong khu vực. Tuy nhiên, hai văn bản có nhiều khác biệt, nhất là về hợp tác trong các cơ chế tiểu đa phương và các tiếp cận thách thức từ Nga và Trung Quốc, phản ánh khác biệt về chiều hướng chính sách đối ngoại tổng thể của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
[1] https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_northkorea/945284.html
[2] https://www.reuters.com/article/us-japan-china-idUSTRE6810LQ20100902
[3] http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220301000260
[4]https://www.thehindu.com/news/national/south-korea-to-examine-joining-quad-grouping/article65358035.ece
[5] https://en.yna.co.kr/view/AEN20220503009400315
[6]https://www.theguardian.com/australia-news/2021/nov/19/japan-should-work-with-aukus-on-cybersecurity-and-ai-says-shinzo-abe
[7] https://www.aspistrategist.org.au/is-now-the-time-for-jaukus/
[8] http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220426000151
[9] https://www.japantimes.co.jp/news/2022/05/03/asia-pacific/south-korea-quad-invitation/
[10] https://www.japantimes.co.jp/news/2022/04/14/national/japan-aukus-join-denial/
Ngày 11 tháng 4 năm 2025, tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (Antalya Diplomacy Forum, gọi tắt ADF 2025), diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Prabowo Subianto có bài phát biểu về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong đó có đề cập đến ý tưởng phát triển chung giữa Indonesia và Trung Quốc trên...
Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1993 và chịu nhiều tác động bởi các yếu tố lịch sử, khác biệt về tự do chính trị, dân chủ, nhân quyền và quan hệ với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump...
Trong 50 ngày đầu nắm quyền, Chính quyền Trump 2.0 đã có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách đối ngoại, tạo ra nhiều “cú sốc” với cả đồng minh và đối thủ. Tuy nhiên, tại Biển Đông, chiều hướng can dự của Chính quyền Trump 2.0 (tạm gọi là “chính sách Biển Đông” của Trump 2.0) có phần ổn định hơn. Đâu...
Với chiến thắng trước ứng cử viên Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2024, Donald Trump đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến thắng này đem lại niềm vui cho một bộ phận lớn cử tri Mỹ, song cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại.
Ngày 21.2, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở của Việt Nam trong vịnh Bắc bộ. Đây là hoạt động chính đáng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm (UNCLOS) 1982 và phù hợp với luật Biển Việt Nam năm 2012.
Thời gian gần đây Trung Quốc có xu hướng vừa gia tăng hiện diện trên thực địa để hiện thực hóa các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa thúc đẩy các cam kết về hợp tác khai thác chung tài nguyên biển với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.