us-navy-400x266.jpg

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến trong giới phân tích và quốc phòng đã chỉ trích cách thức chính quyền Obama tiến hành các hoạt động tuần tra. Thực tế, hoạt động FONOP xung quanh bãi Xu Bi vừa qua là hoạt động tuần tra đầu tiên của Mỹ trong 36 năm qua. Hoạt động này mặc dù có mục đích thách thức các tuyên bố bất hợp pháp trên biển của Trung Quốc nhưng trên thực tế lại giúp Trung Quốc củng cố các tuyên bố bất hợp pháp này. Vì vậy, trong hoạt động FONOP lần hai, chính quyền Obama cần tránh lặp lại sai lầm. Có thể thấy, diễn biến trên Biển Đông sẽ quyết định số phận của luật biển quốc tế trong thế kỷ 21. Về vấn đề này, có thể thấy một số điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, Mỹ có rủi ro cao khi can dự vào Biển Đông. Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành bồi đắp cát cho các bãi chìm, cho tới nay đã hình thành khu vực 7 đảo nhân tạo với quy mô khoảng 3000 mẫu Anh. Việc xây dựng này sẽ giúp Trung Quốc: (i) Củng cố các tuyên bố lãnh thổ tại các khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông; (ii) Nâng cao khả năng phóng tầm sức mạnh quân sự tại khu vực; (iii) Cung cấp căn cứ ở vùng nước sâu cho đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tránh khỏi bị kẻ thù phát hiện; (iv) Tạo cơ sở để Trung Quốc kiểm soát khu vực quan trọng cả về chiến lược và kinh tế tại Biển Đông, với hơn một nửa lượng hàng hóa thương mại đi qua mỗi ngày.

Sự can thiệp của Mỹ như vừa qua có khả năng sẽ mang lại quyền lãnh hải trên biển cho Trung Quốc, điều mà Trung Quốc chưa có được theo pháp luật quốc tế và cũng chưa hề đưa ra tuyên bố. Trong các mâu thuẫn Mỹ - Trung hiện nay, vấn đề tự do hàng hải là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, một phần do sự diễn giải khác nhau giữa hai bên về UNCLOS. Mỹ muốn duy trì cơ chế biển tự do như hiện nay, cho phép các tàu được tự do đi lại ở các vùng biển quốc tế, ở bên ngoài khu vực “lãnh hải” 12 hải lý của các nước như UNCLOS quy định. Trong khi đó, Trung Quốc và một số nước khác, như Iran và Nicaragua, lại muốn hạn chế việc luật biển quốc tế cho phép các quốc gia được tự do đi lại như vậy. Lập trường của Trung Quốc là kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tàu quân sự nước ngoài ở khu vực lãnh hải và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Chính vì vậy, tàu Mỹ và tàu Trung Quốc thường xuyên va chạm ở khu vực phía tây Thái Bình Dương thời gian qua.

Thứ hai, Mỹ dường như có rất ít lựa chọn nếu muốn thách thức hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. UNCLOS không cấm việc cải tạo, và Mỹ cũng không phản đối khi các quốc gia như Philippines, Đài Loan và Việt Nam bồi đắp cát để xây dựng các công trình trên Biển Đông, mặc dù với quy mô nhỏ hơn của Trung Quốc. Cho tới nay, những gì Mỹ làm là thể hiện rõ lập trường không công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền trái phép nào của Trung Quốc xung quanh các đảo nhân tạo mà theo UNCLOS là các bãi chìm chỉ có 500 mét vùng an toàn. Nhiều công trình do Trung Quốc xây dựng thuộc trường hợp này.

Thứ ba, hoạt động FONOP lần thứ nhất của Mỹ dường như đã được tiến hành quá muộn. Ngay sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc cảnh cáo máy bay Trung Quốc rời khỏi “khu vực cảnh báo quân sự” quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc vào hồi tháng 5/2015, giới chuyên gia đã kiến nghị chính quyền tiến hành hoạt động FONOP một cách nhanh chóng và bớt ồn ào. Tuy nhiên, BQP Mỹ đã liên tục trì hoãn để giảm căng thẳng giữa hai nước trước Đối ngoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, cũng như trước khi Tập Cận Bình thăm Mỹ. Việc trì hoãn này đã kéo dài thời gian dư luận Trung Quốc bàn luận về chiến dịch của Mỹ, làm kích động chủ nghĩa dân tộc và khiến lập trường của Trung Quốc ngày càng cứng rắn. Truyền thông Trung Quốc ngày càng sôi động không khí chống Mỹ, thậm chí đe dọa đối đầu trên Biển Đông. Tháng 9/2015, Trung Quốc tiến hành đưa tàu chiến lần đầu tiên đi vào lãnh hải của đảo Aleutian của Mỹ, đồng thời máy bay Trung Quốc khiêu khích máy bay của Mỹ ở không phận quốc tế cách bờ biển tỉnh Sơn Động 80 dặm. Chỉ sau khi Tập Cận Bình và Obama không đạt được hiểu biết chung về các đảo nhân tạo ở Trung Quốc nhân chuyến thăm Mỹ của Tập thì Obama mới quyết định phê chuẩn hoạt động FONOP sau khi Tập rời Mỹ.

Sự chậm chễ của Mỹ dường như đẩy chính quyền vào một cuộc chơi đầy nguy hiểm: phải kiểm soát thái độ cứng rắn của phe dân tộc chủ nghĩa và phải chịu tới trả giá cao hơn nếu Trung Quốc muốn thái độ nhân nhượng và hòa giải trong tương lai. Ngay sau khi Mỹ tiến hành hoạt động, Thời báo Hoàn cầu lập tức đăng bài kêu gọi kiểm chế, nhấn mạnh Mỹ “không muốn có xung đột quân sự với Trung Quốc trên Biển Đông”, và hoạt động vừa qua chỉ là “show diễn chính trị”.

Thứ tư, hoạt động FONOP thứ nhất của Mỹ dường như đã thất bại. Giới quân sự Mỹ rất bất ngờ khi tàu khu trục Lassen không tiến hành các hoạt động mà UNCLOS cấm khi một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải của một nước khác. Vì vậy, thay vì thách thức khả năng Trung Quốc đưa ra tuyên bố lãnh hải 12 hải lý, tàu Lassen lại thách thức Trung Quốc bằng việc khẳng định quyền được đi qua lãnh hải mà không gây hại. Hầu hết các quốc gia đều cho phép tàu nước ngoài thực hiện hoạt động này mà không báo trước. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia đề nghị các nước phải báo trước. Do đó, bằng việc cho tàu đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà không báo trước, Mỹ đã thách thức Trung Quốc trên bình diện này, tuy nhiên việc tuần tra không gây hại như vậy lại không có ý nghĩa gì trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Rất nhiều quan chức quốc phòng của Trung Quốc đã tỏ ra thất vọng. Hệ lụy của đợt FONOP lần thứ nhất thậm chí còn tồi tệ hơn do theo định nghĩa, việc đi qua không gây hại chỉ có thể tiến hành trong “lãnh hải” của một quốc gia. Nếu như vậy, dường như hoạt động tuần tra của tàu Lassen lại có tác dụng ngược, mang lại cơ sở để Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền lãnh hải quanh bãi Xu Bi trong tương lai./.

Theo “Foreign Affairs

Anh Thư (gt)