Theo Mạng Liên hợp Tảo báo Singapore, vừa qua, tại cuộc hội đàm giữa TTg/Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với TTg/Nhật Bản Abe, hai bên quyết định tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh, cùng đối phó với vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Việt Nam là nước quản lý chặt chẽ báo chí, báo chí địa phương cố ý không nhấn mạnh chủ đề an ninh tại hội đàm giữa hai bên, nhưng thái độ cứng rắn của Hà Nội đối với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn dễ thấy, bàn tay sắt dưới găng tay nhung lúc ẩn lúc hiện. Ngày 1/1 khi “Luật Biển Việt Nam” có hiệu lực, Hà Nội đã nói công khai chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa) và Tây Sa” (Hoàng Sa) của Trung Quốc.

Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam thực hiện chính sách cân bằng mềm (soft balancing) đối với Trung Quốc. Khác với chính sách cân bằng truyền thống, đặc trưng chính của chính sách này là đồng minh không chính thức và hợp tác an ninh có giới hạn, đi sâu hợp tác kinh tế với Trung Quốc, hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời tích cực phát triển quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự phi chính thức với các nước và tổ chức quốc tế khác, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, ASEAN là đối tượng trọng điểm.

Điều đáng chú ý là, trong khuôn khổ cân bằng mềm đối với Trung Quốc, mấy năm gần đây Việt Nam lôi kéo lực lượng bên ngoài khu vực vào kiềm chế Trung Quốc, cản trở Trung Quốc thu hồi lãnh thổ đang nằm trong tay Việt Nam, Việt Nam có ý mở rộng hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong lĩnh vực quân sự, xây dựng quan hệ đồng minh mang tính tạm thời với những nước này. Trên thực tế lãnh đạo Việt Nam coi Mỹ là người cân bằng với Trung Quốc tại Đông Nam Á, dự định một khi khai chiến với Trung Quốc, sẽ nâng cấp hợp tác Mỹ - Việt lên quan hệ đồng minh.

Việt Nam và Trung Quốc đều là nước do ĐCS lãnh đạo, hình thái ý thức của Việt Nam học theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, mô hình kinh tế không khác biệt lớn với chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc. Điều bất hạnh là, bắt nguồn từ quan điểm lịch sử cực đoan của một bộ phận người Việt Nam, cách nhìn nhận tiêu cực của Hà Nội đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21, cho rằng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh sẽ hạn chế việc mở rộng lợi ích của Việt Nam, với ý chí đơn phương Bắc Kinh sẽ thu hồi những đảo ở “Nam Hải” (Biển Đông) đã bị Việt Nam chiếm lĩnh. Một trong những mục tiêu hiện thực của chính sách cân bằng mềm đối với Trung Quốc là bảo vệ lợi ích lãnh thổ đã có của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc tồn tại mấy sai lầm lớn. Đầu tiên, nhược điểm của đồng minh quân sự phi chính thức là khó ứng phó với tình hình quân sự phát sinh bất ngờ và đối thủ dùng chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh. Tiền đề vận dụng thành công đồng minh quân sự phi chính thức là sau khi một bên bị tấn công quân sự vẫn có lực lượng tổ chức phòng ngự, một bên can dự vào giai đoạn sau của xung đột sau khi hoàn thành trình tự chính trị, pháp luật và quân sự cần thiết. Cục diện gắt gao mà Việt Nam phải đối diện là, nếu Quân giải phóng phát động chiến tranh chớp nhoáng, thu quân nhanh, thì quân đội Việt Nam cơ bản không có cơ hội kéo dài xung đột, mà nước Mỹ với quá trình quyết sách chậm chạp sẽ chẳng thể làm gì.

Cho dù tình trạng chiến tranh đi ngược lại với mong muốn của Quân giải phóng, hai quân đội ở trạng thái giằng co, thì cuối cùng Mỹ có can dự hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Chỉ cần Trung Quốc kiên trì uy hiếp hiệu quả đối với Mỹ, bảo đảm thực lực đánh vào lãnh thổ của Mỹ, thì Washington thực sự sẽ không dám dễ dàng cuốn vào tranh chấp Trung - Việt. Xét đến cùng, Mỹ không muốn mất hết sự ủng hộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực như: vai trò đồng tiền thanh toán và dự trữ của USD, phân tán vũ khí quy mô lớn, trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Cho dù Washington quyết định tham chiến, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ lấy sức nhàn đánh sức mỏi, khí thế mạnh mẽ, thì quân Mỹ cũng không thể chiếm ưu thế hơn.

Thứ hai, nhìn từ góc độ Trung Quốc, mục tiêu quân sự và kinh tế của chính sách cân bằng mềm của Việt Nam đối với Trung Quốc là xung đột lẫn nhau. Hành động quân sự của Bắc Kinh tất nhiên sẽ đi kèm với chế tài kinh tế. Việt Nam có sự giao lưu kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, chế tài sẽ đánh nặng vào phát triển kinh tế và kết cấu thị trường của Việt Nam, làm hạ thấp nhanh chóng chất lượng cuộc sống của dân chúng.

Trung Quốc đã liên tục 7 năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với các sản phẩm than, gạo, máy vi tính, cao su thiên nhiên, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tình trạng mất cân bằng thương mại song phương cũng đang được cải thiện rõ rệt. 6 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 59,6%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam 10,6%.

Sản phẩm Trung Quốc giúp Việt Nam hạ thấp tỷ lệ lạm phát. Các sản phẩm của Trung Quốc đẹp giá rẻ, mang lại lợi ích thực sự, gia tăng thu nhập thực tế cho người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với sự mở rộng quy mô xuất khẩu sản phẩm cơ điện của Trung Quốc, Việt Nam và những nước ASEAN có thể có được tư liệu sản xuất và công cụ sản xuất rẻ từ Trung Quốc, như xe máy, ô tô giá rẻ…, làm cho những thương gia nước này thu được lợi ích to lớn. Sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vô cùng quan trọng đối với việc hạ thấp lạm phát của Việt Nam. Bloomberg ngày 2/1 đưa tin, TTg/Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ, năm nay tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn có thể cao. Sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chứ không phải từ phương Tây sẽ là lựa chọn không thể khác đối với kế hoạch phục hưng kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, chính sách cân bằng mềm không thể khỏa lấp điểm yếu tài chính của Việt Nam. Thị trường tài chính Việt Nam quy mô không lớn, nhưng mở cửa nhanh chóng, lợi dụng đầu tư nước ngoài quá độ, dễ bị sự tấn công của tư bản bên ngoài, trong đó bao gồm cơ cấu tài chính đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập năm 2000, chỉ trong vòng 12 năm, quy mô thị trường đã mở rộng 50 lần, giá trị thị trường năm 2011 đã chiếm 27% GDP của Việt Nam, số lượng lên sàn đã đạt gần 800 công ty. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, Việt Nam bắt đầu mở cửa đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này, giới hạn trần của đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của các công ty lên sàn được mở rộng tới 49%, vì vậy đầu tư nước ngoài vào ồ ạt, nhanh chóng đẩy cao giá tài sản ở Việt Nam, hình thành bong bóng phạm vi lớn. Bị ràng buộc bởi quy phạm quốc tế, thị trường tài chính Việt Nam hầu như không thể ngăn cản được sự tấn công có dụng ý xấu của tư bản bên ngoài.

Cuối cùng, chính sách cân bằng mềm của Việt Nam đối với Trung Quốc đặt Việt Nam vào vị trí nguy hiểm chính quyền bị lật đổ. Thể chế chính trị của Việt Nam khác với phương Tây, tuy Mỹ và EU vui mừng vì thái độ cứng rắn của Việt Nam đối với Trung Quốc, nhưng cũng thường xuyên phê phán chính sách và hành động trấn áp của Việt Nam đối với những nhân sĩ bất đồng chính kiến. Dân chủ hóa kiểu phương Tây phù hợp với lợi ích căn bản của Washington, lực lượng chống chính phủ luôn nhận được sự che chở của các nước phương Tây. Xa rời Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam mất đi một bình phong nước lớn có hình thái ý thức gần nhau, mở ra cánh cửa lớn cho cách mạng màu.

Đồng thời, xung đột quân sự liên quan đến bên ngoài sẽ khiến các thế lực thù địch với Việt Nam thừa cơ đi vào. Nếu Trung - Việt gươm giáo gặp nhau, nhìn từ tình hình thế giới hiện nay, lực lượng dân tộc thiểu số không cùng giá trị quan của Việt Nam chắc chắn sẽ nổi dậy, cục diện thống nhất đất nước e rằng sẽ đổ ra biển cả.

Do chính sách cân bằng mềm của Việt Nam đối với Trung Quốc không đủ thiên thời, Bắc Kinh có thể lựa chọn nhiều biện pháp chống kiềm chế và hầu như đều ở vào vị trí bất bại. Nếu tranh chấp Đảo Điếu Ngư đi vào tình trạng va chạm lâu dài, Quân giải phóng có thể dương Đông kích Nam, giải quyết sự quấy nhiễu ở hai cánh trước khi chính diện đọ sức với đồng minh Mỹ - Nhật, một cách làm ổn thỏa cải thiện an ninh xung quanh Trung Quốc. Quân giải phóng đi qua Việt Nam để bước lên con đường Đảo Điếu Ngư, không thể không được!

Theo Đại Công Báo (Hồng Công)