brp-ramon-alcaraz-8.jpg

Sách trắng Quốc phòng Úc năm 2016 (Defense White Paper-DWP) đã khẳng định quan tâm chiến lược của Úc đối với vấn đề biển ở Đông Nam Á. So với hai cuốn Sách trắng trước, năm 2016 này Úc nhấn mạnh vào 3 vấn đề chủ chốt:

Thứ nhất, nêu rõ các “lợi ích quốc phòng chiến lược” của Úc, bao gồm (i) an ninh ở khu vực phía Bắc của Úc và các đường giao thương biển lân cận; (ii) an ninh ở các khu vực láng giềng, lân cận, bao gồm Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương; (iii) một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ổn định và một trật tự toàn cầu dựa trên cơ sở luật pháp. Những lợi ích này cũng đã được sắp xếp theo trật tự địa lý, tương tự như các “lợi ích chiến lược” đã nêu trong 2 cuốn sách trước.

Thứ hai, nhắc lại chiến lược biển hàng đầu là tập trung vào vùng biển-trời dọc theo lãnh thổ phía Bắc của Úc. Năng lực biển sẽ là trung tâm của tinh thần này, đặc biệt là năng lực tàu ngầm nhằm tạo “lợi thế chiến lược về giám sát và bảo vệ các vùng biển liền kề” của Úc.

Thứ ba, nêu bật “vùng biển ở Đông Nam Á sẽ luôn đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với an ninh của Úc”, bởi “bất kỳ an ninh quân sự thông thường nào đối với Úc” chắc chắn sẽ xuất hiện từ đây.

Sự khác biệt giữa Sách trắng năm nay so với 2 lần trước là các điểm nhấn mạnh có tính chọn lọc, thể hiện ở chỗ: (i) Nếu tất cả các chiến lược quốc phòng đều là quan trọng, thì năm nay Úc đã đặt ưu tiên hơn đối với vấn đề thứ hai đã nêu trên. Biển Đông là khu vực mà “tự do đi lại hàng hải” đang bị đe dọa nhất, đồng thời lại nằm ngay sát với Úc. (ii) Sách trắng năm 2013 cho rằng tranh chấp Biển Đông là quan tâm chiến lược của Úc, thì năm nay Úc đã nhấn mạnh một cách trực tiếp: “Úc không đứng về một bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chúng tôi quan ngại về các hoạt động xây dựng, bồi đắp tôn tạo đảo đá của các nước có đòi hỏi chủ quyền, dấy nên căng thẳng trong khu vực”, đặc biệt là “quy mô và tần suất chưa từng có của các hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo đá của Trung Quốc”. (iii) Những tuyên bố đó của Úc có thể bao gồm việc triển khai “các hoạt động tuần tra về tự do hàng hải” trước những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông và các biện pháp phòng ngừa chống lại cuộc đua quân sự hóa hàng loạt của Trung Quốc. Điều này cũng phần nào minh chứng cho động thái “hiện đại hóa lịch sử của Úc” về năng lực hải quân, khi nước này đã trang bị 12 tàu ngầm liên khu vực, bổ sung 3 tàu khu trục phòng không, và 9 tàu chiến chống ngầm mới.

Tiếp nối 2 cuốn sách trắng trước, Sách trắng năm nay tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, khẳng định chính sách chiến lược tương lai của Úc rằng một nước Úc mạnh sẽ tạo động lực lớn hơn cho khu vực Đông Nam Á trước Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Lợi ích chiến lược của Úc đồng thời sẽ tạo cơ hội hợp tác quốc phòng, thông qua tiếp cận các công nghệ và tình báo quốc phòng của Mỹ, diễn tập quân sự.

Với sự nhạy cảm của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực, câu hỏi đặt ra là liệu các chính sách chiến lược của Úc có chủ yếu dựa trên nguy cơ hiện hữu đối với Úc, hay phần lớn là sự phản ánh đơn thuần chính sách của Mỹ - đồng minh chiến lược của Úc? Có thể lợi ích của Úc cũng trùng với lợi ích của một số nước ASEAN, song với tư cách là thể chế thống nhất, ASEAN cần cẩn trọng để tránh bị lôi kéo quá sâu vào cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời đoàn kết để bảo vệ ASEAN. Nằm giữa Úc và Trung Quốc, Đông Nam Á chắc chắn sẽ là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi tính toán sai lầm hoặc va chạm giữa các lực lượng tuần tra của Úc và Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố của Úc cũng không thể bảo đảm sự ổn định cho toàn khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ASEAN cần thảo luận với Úc nhằm tối đa hóa lợi thế trong một giới hạn nhất định, khi mà ít nhất điều này sẽ giúp củng cố các giải pháp hơn là gây ra rắc rối trên biển.

Tác giả là Tiến sĩ Ristian Atriandi Supriyanto, chuyên gia an ninh biển thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “RSIS” (ngày 8/3).

Nhật Linh (gt)