Theo giải thích của Bắc Kinh, chủ yếu là do tàu cung cấp của Philippines (cho binh lính đồn trú trên xác tàu mắc cạn ở bãi Cỏ Mây) có phóng viên nước ngoài và bất cứ hành động nào cũng đều phải đặt sinh mạng con người lên trên hết (do đó mới không có hành động mạnh mẽ với tàu cung cấp của Philippines). Tuyên bố này xem ra cũng có lý và vấn đề là liệu lần thứ hai như vậy tiếp diễn, Bắc Kinh có quyết tâm cắt đứt tuyến cung cấp của quân đội Philippines, bao gồm cả trên không và trên biển, hay không để buộc nước này phải tự động từ bỏ việc đóng quân trên chiếc tàu đó. 

Tác giả Cổ Lữ nhận thấy rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã có sự thay đổi. Tác giả tin rằng ông Tập Cận Bình có quyết tâm trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lợi ích ở Biển Đông, bao gồm bảo vệ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), củng cố các đảo bãi đang kiểm soát và lên kế hoạch tổng thể thu hồi các đảo mà tác giả cho rằng “đang bị chiếm đóng”. Về tổng thể, chính sách của ông Tập Cận Bình vẫn là “đấu tranh ở biển Hoa Đông, ổn định tại Biển Đông”. Điều đó có nghĩa tại biển Hoa Đông, Bắc Kinh kiên quyết đấu tranh với chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, không cho ông Abe bất cứ cơ hội nào tới khi nhân vật này rời khỏi cương vị Thủ tướng.

Đương nhiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không xuất binh tấn công đánh chiếm quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) bởi vì dù có chiếm được Điếu Ngư thì giá phải trả cho việc cố thủ ở đây quá lớn và quan trọng hơn là sẽ hoàn toàn phá hủy tuyên ngôn trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, đặt Bắc Kinh vào thế đứng của kẻ nuốt lời. 

Hiện nay, biển Hoa Đông là hướng đấu tranh chủ yếu của Trung Quốc và nước này cũng không có khả năng “ra đòn bằng cả hai tay” được. Mỹ từng tuyên bố quân đội Mỹ có thể đồng thời đánh thắng hai cuộc chiến tranh, nhưng chiến trường Iraq và chiến trường Afghanistan đã khiến Mỹ thương tích đầy mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện nay cũng không thể đồng thời ứng phó trên cả hai hướng châu Á và châu Âu. Vì thế có thể thấy rằng nếu biển Hoa Đông lặng sóng, Philippines sẽ không có những ngày bình yên và chiếc tàu cũ nát kia của nước này ở bãi Cỏ Mây sẽ tan tành xác pháo. 

Xuất phát từ thực tế hiện nay, tác giả cho rằng sách lược ổn định Biển Đông của Trung Quốc tuyệt đối không phải là không làm gì, cũng không phải là từ bỏ tất cả các yêu sách, mà là tận dụng các biện pháp hòa bình để giành lấy lợi ích tối đa. Trọng điểm tính toán của Bắc Kinh là trong điều kiện hiện nay làm thế nào để giành được lợi ích thực tế tại Biển Đông. 

Dẫn ra những tin tức mới nhất, tác giả cho biết Trung Quốc đã bắt đầu khai thác khí tự nhiên ở khu vực Biển Đông cách Hong Kong khoảng 300 km. Đó là mỏ khí tự nhiên Lệ Loan được phát hiện năm 2006 và vừa được đưa vào sản xuất thương mại. Theo hãng Husky Energy của Canada tham gia liên doanh, khu vực nước sâu ở phía Bắc Biển Đông có triển vọng khai thác khí tự nhiên rất lớn, hiện nằm trong giai đoạn đầu của việc khai thác phát triển. Trong 3 giếng khí đã được phát hiện tại mỏ Lệ Loan, sản lượng khai thác năm đầu tiên của mỏ Lệ Loan từ giếng thứ nhất sẽ đạt 2,5 tỷ m3. Sáu tháng cuối năm nay, khi giếng thứ hai đi vào sản xuất, sản lượng của mỏ Lệ Loan có thể nâng lên 3,1 tỷ m3. Dự kiến, giếng thứ ba sẽ đi vào sản xuất trong năm 2016 hoặc 2017, khi đó tổng sản lượng hàng năm của mỏ khí Lệ Loan sẽ tăng lên trong khoảng từ 4,1 tỷ m3 tới 5,1 tỷ m3. 

Điều đáng chú ý là Lệ Loan đã trở thành hạng mục khai thác khí tự nhiên biển sâu đầu tiên của Trung Quốc. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), đơn vị giữ quyền kiểm soát trong liên doanh khai thác tại mỏ Lệ Loan, cho biết với việc khai thác khí ở mỏ Lệ Loan, Trung Quốc đã tiến một bước lịch sử trong tiến trình khai thác năng lượng biển sâu ở Biển Đông. Trên thực tế, theo tác giả, sự lạc hậu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông mấy năm gần đây chủ yếu không phải biểu hiện ở khía cạnh số lượng đảo bãi nằm trong quyền kiểm soát ít, mà là một lượng lớn tài nguyên dầu khí trên biển bị nước khác tranh giành mất. Do đó, điều mà Trung Quốc cần phải làm là tăng tốc trong vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông và bên nào khai thác được nhiều hơn thì bên đó mới giành chiến thắng. 

Báo “Thái dương” của Hong Kong