Lưu ý: Bài viết là bản chỉnh sửa từ bài viết được trình bày tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác và Khai thác tại Biển Đông do Viện Hàng hải Trung Quốc tổ chức vào tháng 8, 2011 tại Bắc Kinh.

BÀI VIẾT NÀY CHỈ LÀ BẢN THẢO: KHÔNG DÙNG CHO MỤC ĐÍCH LƯU HÀNH HOẶC TRÍCH DẪN MÀ KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

 

GIỚI THIỆU

Các thực thể tại Biển Đông, đặc biệt là các thực thể ở quần đảo Trường Sa là nguyên nhân gây căng thẳng và xung đột tại khu vực Biển Đông trong những năm qua. Brunie, Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Việt Nam và Đài Loan có yêu sách đối với một số hoặc tất cả các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Với số lượng các bên tranh chấp và sự nhạy cảm của các tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo, các bên tranh chấp được cho là sẽ không thể giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng trong tương lai gần. Hơn nữa, các bên tranh chấp cũng sẽ không đồng ý đưa tranh chấp chủ quyền ra tòa án hoặc tòa trọng tài.

Từ những năm 1980 đã có đề xuất rằng cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng ở quần đảo Trường Sa là gác tranh chấp chủ quyền và cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong và dưới các vùng biển xung quanh quần đảo. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao gần đây của Trung Quốc đã thúc đẩy nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác". Khái niệm này lần đầu tiên được Đặng Tiểu Bình công khai ngày 11 tháng 5, 1979 liên quan đến tranh chấp về quẩn đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc với Nhật Bản.[1] Ông cho rằng có thể xem xét khai thác chung các nguồn tài nguyên tiếp giáp với quần đảo Điếu Ngư mà không đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ.[2]

Khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á trong những năm 1970 và 1980, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra đề xuất tương tự để giải quyết tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa, ông khẳng định:

Từ thời xa xưa, quần đảo Trường Sa đã là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng các tranh chấp đối với quần đảo này đã xảy ra từ  những năm 1970. Xét thực tể rằng Trung Quốc có quan hệ tốt với các nước hữu quan nên chúng tôi muốn gác vấn đề này lại và tìm kiếm một giải pháp mà đôi bên có thể chấp nhận được. Chúng ta nên tránh xung đột quân sự và theo đuổi biện pháp khai thác chung.[3]

Trung Quốc và ASEAN cũng đã thực hiện một số bước nhằm gác tranh chấp chủ quyền và tranh chấp ranh giới trên biển và cùng khai thác các nguồn tài nguyên. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002) năm 2002 đã được Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh vào ngày 4 tháng 11 năm 2002.[4] DOC 2002 bao gồm quy định về các vấn đề sau: (a) giải pháp hòa bình tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán; (b) tự kiềm chế việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, (c) các biện pháp xây dựng lòng tin, và (d) các hoạt động hợp tác.

Năm 2011, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua Bản Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC 2002.[5] Mặc dù vậy, rất ít các cuộc thảo luận về gác tranh chấp và cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong các khu vực tranh chấp diễn ra.

UNCLOS cơ sở pháp lý cho Khai thác chung

Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)[6] thiết lập khuôn khổ pháp lý để quản lý tất cả các hoạt động sử dụng biển. UNCLOS được thông qua vào năm 1982 sau chín năm đàm phán. UNCLOS có hiệu lực vào tháng 11 năm 1994 và đã được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận. Các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với tất cả hoặc một số đảo trong Biển Đông - Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippin và Việt Nam – đều là thành viên của UNCLOS.[7]  Đài Loan không thể phê chuẩn UNCLOS, vì không được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia nhưng cũng đã tiến hành điều chỉnh nội luật cho phù hợp với UNCLOS.[8]

UNCLOS không có quy định về việc làm thế nào để giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể ở ngoài khơi. Tuy nhiên, UNCLOS có các điều khoản về phân định biên giới biển. Các điều khoản của UNCLOS về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa cho thấy không phải lúc nào cũng có thể đàm phán các hiệp định biên giới trong khu vực có các yêu sách chồng chéo do các tranh chấp chủ quyền hoặc các lý do lịch sử khác nên.

Các điều khoản của UNCLOS về phân định biển

Các điều khoản của UNCLOS về phân định ranh giới biển nhằm đưa ra giải pháp cho thực trạng là các quốc gia khó có thể đạt được thỏa thuận trong các khu vực có yêu sách chồng chéo về EEZ và thềm lục địa. Giải pháp này được quy định tại khoản 3 của Điều 74 và Điều 83, trong đó quy định nếu việc phân không thể có thể thực hiện bằng thỏa thuận thì:

Các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hợp tác và hiểu biết, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến việc phân định cuối cùng.

Quy định này nhằm “thúc đẩy các chế độ tạm thời và các biện pháp thực tế nhằm mở đường cho việc sử dụng tạm thời các khu vực tranh chấp trong khi chờ phân định” và “tạo nên một sự ngầm thừa nhận về tầm quan trọng của việc tránh kìm hãm phát triển kinh tế trong khu vực biển có tranh chấp.”[9]

Nghĩa vụ liên quan đến “các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn”

Việc sử dụng từ "tạm thời" ngụ ý rằng các dàn xếp chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ phân định ranh giới biển cuối cùng.[10] Việc sử dụng thuật ngữ “các dàn xếp” ngụ ý rằng dàn xếp có thể bao gồm cả các văn bản chính thức như Công hàm Ngoại giao, Công hàm Trao đổi, Biên bản thỏa thuận, Biên bản ghi nhớ , v.v[11] cũng như  các thỏa thuận chính thức hơn, chẳng hạn như các điều ước.[12] Liên quan đến ý nghĩa của cụm từ “tính chất thực tiễn”, bản thân điều khoản không đưa ra nhiều chỉ dẫn, nhưng được giải thích có nghĩa là các dàn xếp tạm thời “là những giải pháp thiết thực đối với những vấn đề thực tế liên quan đến việc sử dụng một khu vực mà không ảnh hưởng đến vấn đề phân định cũng như các vấn đề về lãnh thổ”.[13]

Rõ ràng có hai khía cạnh trong nghĩa vụ được quy định tại Điều 74(3) và 83(3). Đầu tiên là các quốc gia hữu quan làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn. Thứ hai là các quốc gia, với thiện chí, làm hết sức mình để không làm phương hại đến việc ký kết thỏa thuận phân định cuối cùng.

Nghĩa vụ làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn được các học giả tóm tắt ngắn gọn dựa trên các án lệ như Vụ Thềm Lục địa Biển Bắc:

Các quốc gia hữu quan có nghĩa vụ “đàm phán để đi đến thỏa thuận” thiết lập các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và “không đơn thuần là tiến hành một cuộc đàm phán chính thức.” Các cuộc đàm phán không phải là các cuộc đàm phán mà các bên kiên định với quan điểm của mình mà không có ý định sửa đổi nó.” Tuy nhiên, nghĩa vụ đàm phán không hàm ý nghĩa vụ đạt được thoả thuận…[14]

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bài viết của Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế Singapore. Bài viết là bản chỉnh sửa từ bài viết được trình bày tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác và Khai thác tại Biển Đông do Viện Hàng hải Trung Quốc tổ chức vào tháng 8, 2011 tại Bắc Kinh. Bản gốc tiếng Anh được đăng trên Center for International Law, National University of Singapore.

Thái Giang (dịch)



[1] “Gác tranh chấp, cùng  khai thác”, 17 tháng 11 năm 2000, xem tại website của Bộ Ngoại giao Cộng hòa dân chủ Nhân dân Trung Hoa: <http://www.fmprc.gov.cn/eng/ziliao/3602/3604/t18023.htm>

(truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2012).

[2] Nt

[3] Nt

[4] Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kí tại tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh, Campuchia vào ngày 4 tháng 11 năm 2002, xem tại Cơ sở Dữ liệu của CIL: <http://cil.nus.edu.sg/2002/2002-declaration-on-the- conduct-of-parties-in-the-south-china-sea-signed-on-4-november-2002-in-phnom-penh-cambodia-by-the- foreign-ministers/>; <http://www.asean.org/asean/external-relations/china/item/declaration-on-the-conduct- of-parties-in-the-south-china-sea>

(truy cập ngày 16 tháng 11, 2012).

[6] 1833 UNTS 397, thông qua tại Montego Bay, Jamaica, ngày 10/121982, có hiệu lực ngày 16/11/1994. Tính đến ngày 12/112012, có 164 thành viên, bao gồm cả Liên minh Châu Âu.

[7] Ngày 5 quốc gia tranh chấp phê chuẩn UNCLOS: Brunei Darussalam,  5/11/1996; Trung Quốc, 7/6/1996, Malaysia, 14/10/1996, Philippin, 8/5/1984, và Việt Nam, 25/71994. Các hiệp ước của UN, Tình trạng của các hiệp ước xem tại <http://treaties.un.org/> (truy cập 16/11/2012).

[8] Đối với hành đông Đài Loan thông qua luật để yêu sách các vùng biển được quy định trong UNCLOS cũng như sự so sánh vị trí  của Trung Quốc và Đài Loan, xem  Yann-Huei Song and Zou Keyuan, ‘Maritime Legislation of Mainland China and Taiwan: Developments, Comparison, Implications, and Potential Challenges for the United States’, 31 Ocean Development and International Law (2000), 303-345, 310-312.

[9] Xem vụ Guyana v Suriname, Phán quyết Tòa trọng tài, 17/12/2007 tại 153, đoạn 460, tại

<http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1147> (accessed 16 November 2012).

[10] Ranier Lagoni, ‘Interim Measures Pending Maritime Delimitation Agreements’ (1984) 78 American

Journal of International Law 345 at 356.

[11] Sun Pyo Kim, Maritime Delimitation and Interim Arrangements in North East Asia (The Netherlands: Martinus Nijhoff Publishers, 2004) at 47. Ông Kim lưu ý rằng một số quốc gia có thể thích Biên bản ghi nhớ như các dàn xếp tạm thời  hơn các thỏa thuận chính thức bởi vì chúng có ưu điểm trong một số khía cạnh: không cần công bố vì đây không phải là điều ước: không cần các điều khoản cuối cùng hoặc các thủ tục khi xây dựng hiệp ước; dễ sửa đổi, và không cần đêh trình lên quốc hội để thông qua”  Xem thêm Lagoni, chú thích 10, 358.

[13] Lagoni, chú thích 10, 358.

[14] Lagoni, nt, 356.