Trong vòng vài tuần, thậm chí có thể trong vài ngày tới, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague sẽ đưa ra phán quyết về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Các thẩm phán có thể sẽ phán quyết rằng “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Kết quả của phán quyết này sẽ gây chấn động khu vực.

Tuy nhiên, trước khi có thể cân nhắc về vấn đề này, các thẩm phán sẽ phải xem xét liệu họ đã có đủ thẩm quyền hay không. Các quan chức Trung Quốc cho rằng “đường lưỡi bò” về cơ bản là vấn đề về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, do đó Tòa án Trọng tài Thường trực không có quyền tài phán về vấn đề này. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới cho thấy rằng các thẩm phán nên phớt lờ luận điệu nói trên. Các tài liệu do chính Trung Quốc lưu trữ đã chứng minh rằng khi các quan chức Trung Quốc chấp thuận “đường lưỡi bò”, họ chưa từng có ý định lấy nó làm đường biên giới của khu vực. Những bằng chứng khác cũng cho thấy “đường lưỡi bò” chỉ trở thành biên giới của khu vực bởi sự can thiệp của một nhà kinh doanh dầu mỏ Mỹ vào những năm 1990.

Mặc dù đã có rất nhiều tuyên bố trái ngược điều này, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ “tuyên bố chủ quyền lịch sử” một cách chính thức ở các vùng biển nằm trong phạm vi đường lưỡi bò. Nước này đã tuyên bố chủ quyền tại các đảo, đá và “vùng xung quanh” hoặc “các vùng biển có liên quan”, tuy nhiên chưa bao giờ chỉ rõ ra quy mô hay phạm vi chính xác. Trong tháng 5/2009, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đính kèm một bản đồ của “đường lưỡi bò” trong bản đệ trình chính thức gửi tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc nhưng không nói rõ về tầm quan trọng của bản đồ này. Do vậy không ai có thể chắc chắn liệu bản đồ đó có vai trò và ý nghĩa gì.

Sự trình bày mạch lạc nhất về ý nghĩa của bản đồ này là của Giáo sư Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (một tổ chức do Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Hải Nam đồng tài trợ). Theo ông Ngô, tuyên bố đường lưỡi bò bao gồm ba phần chính như sau:

- Chủ quyền đối với các thực thể trong đường lưỡi bò;

- Quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển như trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) quy định.

- “Chủ quyền lịch sử” đối với việc đánh bắt cá, tự do hàng hải và phát triển tài nguyên.

Hai phần đầu tiên, về chủ quyển đối với các thực thể (giả sử là ông Ngô đang nhắc đến các đảo, đá chứ không phải các dải đá ngầm) cũng như về các quyền dựa trên UNCLOS về các vùng nước xung quanh những đảo, đá này là tương đối không gây tranh cãi. Những nước láng giềng của Trung Quốc cũng bất đồng về các tuyên bố nói trên nhưng ít nhất cũng đã thống nhất trên cùng cơ sở hiểu biết chung về luật quốc tế. Vấn đề đối với Trung Quốc, với khu vực cũng như thế giới – là phần ba trong bình luận của ông Ngô. Các học giả về luật pháp của Trung Quốc đang làm việc rất nỗ lực nhưng họ vẫn chưa đưa ra được một sự biện hộ có sức thuyết phục để Trung Quốc có thể sử dụng “chủ quyền lịch sử” trên các vùng biển cách vùng lãnh thổ không tranh chấp của Trung Quốc khoảng 1.500 km.

Những bằng chứng mới cho thấy họ không nên nỗ lực như vậy nữa. Nhờ có công trình của một nhà nghiên cứu Canada, chúng ta có thể thấy rằng các quan chức Trung Quốc đã đề ra đường lưỡi bò năm 1946 – 1947 nhưng chưa bao giờ có ý định sử dụng đường này như một tuyên bố chủ quyền lịch sử trên các vùng nước. Đây chỉ là một công cụ bản đồ để ấn định những đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và chỉ rõ những đảo mà nước này không tuyên bố chủ quyền.

Christopher Chung, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Toronto, là người đầu tiên nghiên cứu về mặt pháp lý các tài liệu lưu trữ của một ủy ban chính thức của Trung Quốc đã vẽ ra đường lưỡi bò này. Ông đã phát hiện ra rằng: “Vào ngày 25/9/1946, các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Tổng Trụ sở Hải quân Trung Quốc (NHQ) đã nhóm họp tại Bộ Nội Vụ để giải quyết một số vấn đề liên quan đến Biển Đông”.

Trong cuộc họp ngày hôm đó, Ủy ban này đã định đoạt những đảo nào mà Trung Quốc sẽ tuyên bố chủ quyền, theo một “Lược đồ vị trí của các đảo trên Biển Đông” đã được những người vẽ bản đồ trong Bộ Nội vụ vẽ nên. Bản đồ này là tài liệu đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc cho thấy “đường lưỡi bò” và ý nghĩa của nó rất rõ ràng đối với Ủy ban: “Đường lưỡi bò” đã định ra “phạm vi sẽ được thừa nhận để phục vụ mục đích tuyên bố chủ quyền mỗi đảo trên Biển Đông”. Mối quan tâm duy nhất của Ủy ban này chỉ là các đảo. Họ không nhắc gì tới các vùng nước, dù có mang tính lịch sử hay không.

Hơn một năm sau đó, không có gì thay đổi khi bản đồ đó được công bố. Vào tháng 2/1948, Trung Quốc đã kết thúc 4 thập kỷ tranh cãi nội bộ về đường biên giới của mình khi Tập bản đồ về các khu vực hành chính của Trung Quốc được công bố. Tập bản đồ này bao gồm các bản đồ mới chính thức của Biển Đông – tài liệu công khai đầu tiên do Chính phủ Trung Quốc soạn thảo và bao gồm đường biên giới. Một lần nữa, các bản đồ này chỉ đề cập đến các đảo, mà không nhắc gì tới “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Sau chiến thắng của cuộc Cách mạng Cộng sản năm 1949, tình hình cũng đã không có gì thay đổi. Khi Chu Ân Lai, lãnh đạo nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa bác bỏ dự thảo Hiệp ước San Francisco năm 1951, ông đã chỉ đề cập đến các đảo và không nhắc tới các vùng nước. “Công hàm về các vùng lãnh hải” của Trung Quốc năm 1958 có đi xa hơn. Khi tuyên bố chủ quyền vùng lãnh hải 12 hải lý, công hàm này đã đặc biệt lưu ý rằng các đảo được tách riêng khỏi đất liền Trung Quốc bởi “các vùng biển chung” và một lần nữa cũng không nhắc gì đến “chủ quyền lịch sử”.

Các yêu sách đã trở nên mập mờ hơn vào tháng 1/1974, ngay trước Hải chiến Hoàng Sa khi các lực lượng Trung Quốc buộc Việt Nam rời khỏi nửa phía Tây của các đảo này. Vào ngày 12/1 cùng năm, tờ Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc đã tuyên bố “Các tài nguyên của các đảo này cũng như các vùng biển kế cận cũng hoàn toàn thuộc về Trung Quốc”. Nhưng đây cũng không phải là một tuyên bố về chủ quyền lịch sử, mà là một dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc hiểu được những kết quả sau những cuộc đàm phán tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã bắt đầu trong năm trước đó: các yêu sách đối với tài nguyên biển sẽ được đo lường từ các bờ biển và các đảo.

Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán UNCLOS từ khi bắt đầu cho tới kết thúc vào năm 1982. Văn bản cuối cùng của UNCLOS mà Trung Quốc và tất cả các thành viên khác đã nhất trí, cũng không nhắc gì tới “chủ quyền lịch sử” trừ một bối cảnh rất hẹp của các “vùng vịnh lịch sử” gần như là vùng bờ biển của một quốc gia. Trung Quốc đã thông qua Hội nghị năm 1996, một lần nữa cũng không đề cập tới chủ quyền lịch sử.

Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã không tuyên bố “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông trong những năm 1946-1948 và trong cả Nghị định của nước này năm 1958, trong tuyên bố năm 1974, tại các cuộc đàm phán UNCLOS cũng như sau này trong Luật về Lãnh hải và các vùng kế cận năm 1992. Tuy nhiên trong thập kỷ 1990, có một số điều đã thay đổi. Thời điểm Trung Quốc đã thông qua Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998, các quan chức Trung Quốc đã cảm thấy cần thiết phải đưa vào những câu chữ như “các điều khoản của Luật này sẽ không ảnh hưởng đến các chủ quyền lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc”. Khái niệm về “chủ quyền lịch sử” chỉ được đưa vào vốn thuật ngữ của các quan chức Trung Quốc trong thập niên 1990; nhưng vì sao lại đúng vào thời điểm đó?.Trong khi có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến điều này trong thập kỷ 1990, một nhân tố đã không được xem xét kỹ lưỡng đó là vai trò của một người kinh doanh dầu mỏ đến từ Denver, Colorado. Vào đầu năm 1991, công ty dầu mỏ chỉ gồm một người của Randall C. Thompson có tên Crestone đã ký một hợp đồng với Philippines, hợp đồng này đã mở rộng tầm nhìn cho ông tới các tài nguyên tiềm năng giàu có của Biển Đông. Các kỹ sư của Tập đoàn dầu khí BP đã khuyên ông rằng “phi vụ lớn tiếp theo” sẽ là ở quần đảo Trường Sa.

Tháng 4/1991, Thompson đã đến Viện Hải Dương học Biển Đông tại Quảng Châu. Tại đây ông nghiên cứu kết quả địa chấn của các cuộc khảo sát trước đó mà viện này đã thực hiện xung quanh Quần đảo Trường Sa từ năm 1987. Ông cho biết “Họ đã cho tôi thấy một số cấu trúc, tôi đã rất hứng thú và đã tiến hành thêm một số nghiên cứu nữa”. Ông Thompson tiếp tục nỗ lực thuyết phục Trung Quốc rằng Crestone rất nghiêm túc trong vấn đề dầu mỏ này và cho tới năm 1992, sau nhiều thận trọng trong đàm phán ở các cấp cao nhất tại Bắc Kinh, cuối cùng ông cũng đã đưa được đề xuất tới ban Công ty Dầu mỏ xa bờ của quốc gia (CNOOC). Thompson đã đi cùng một cố vấn luật nhằm phân định rõ phần thềm lục đia nào ông muôn có quyền khai thác: Daniel J. Dzurek, cựu Trưởng bộ phân Biên giới của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chính Thompson và Dzurek là những người đã thuyết phục Trung Quốc rằng họ có thể thiết lập nên một trường hợp pháp lý để khai thác dầu mỏ ở các bãi khai thác dầu cách Trung Quốc hàng dặm, về phía bờ biển Nam Việt Nam. Theo ông Thompson, “Tôi đã sử dụng Dzurek để hợp thức hóa khái niệm của chúng tôi rằng đây là vùng biển Trung Quốc và ông ấy đã tán thành mạnh mẽ các quan điểm rằng đây là các vùng biển của Trung Quốc mà không phải của Việt Nam, dựa trên chủ quyền tuyên bố và dựa trên lịch sử”. Tuy nhiên, ông Dzurek đã giảm bớt vai trò của mình, cho rằng ông chưa từng đưa ra lời khuyên nào đối với Trung Quốc về vấn đề biên giới, mà chỉ “đơn thuần giúp tiến hành đàm phán một thỏa thuận cho thuê vùng biển xa bờ”. Tuy nhiên trong một bài viết học thuật được công bố sau thời kỳ Crestone này, ông đã lưu ý rằng khái niệm của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” tốt nhất nên được hiểu là “đường biên giới biển truyền thống”. Ông dường như cũng đã chấp thuận và phát triển ý tưởng rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử trong khu vực nằm ngoài những gì được nêu ra trong UNCLOS”.

Cùng thời điểm đó, các luật sư tại Đài Loan cũng đang nỗ lực phát triển khái niệm về chủ quyền lịch sử. Năm 1993, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra Bản quy tắc chính sách về Biển Đông trong đó nêu rõ “khu vực Biển Đông trong giới hạn vùng biển lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc sở hữu tất cả quyền hạn và lợi ích”. Đoạn này cũng xuất hiện trong dự thảo Luật lãnh hải của Đài Loan, nhưng biến mất trong phiên họp thông qua dự thảo lần 2 của cơ quan lập pháp Yuan (Đài Loan). Luận điểm liệu có tuyên bố chủ quyền lịch sử trong vùng đường lưỡi bò hay không tiếp tục chia rẽ những nhà luật biển ở Đài Loan.

Điều trớ trêu là Trung Quốc dường như đã chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với rủi ro xung đột để bảo vệ cho tuyên bố về “chủ quyền lịch sử” đã được thiết lập bởi một chuyên gia biên giới của Mỹ, mà tuyên bố này có lẽ tồn tại không quá 20 năm. Một số người đã kêu gọi Trung Quốc làm rõ những tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông. Hãy tưởng tượng nếu Bắc Kinh làm rõ tuyên bố của mình trong khi tuyên bố này bị hầu hết các quốc gia còn lại cho là “sai trái” – tuyên bố rằng đường lưỡi bò là biên giới và tất cả vùng nước bên trong về mặt lịch sử là thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bị buộc phải tự bảo vệ cho vị trí của mình, bất chấp sự phi lý về mặt pháp lý cũng như lịch sử của tuyên bố này.

Trung Quốc đã bắt đầu quá trình 5 năm để soạn thảo ra một bộ luật biển mới. Các quan chức và học giả Trung Quốc cũng đã bí mật thừa nhận rằng còn rất nhiều sự mập mờ không rõ ràng trong việc liệu Trung Quốc nên tuyên bố chủ quyền những gì tại Biển Đông và lý do vì sao. Giờ là thời điểm để những người bạn của Trung Quốc giải thích rằng tuyên bố này không chỉ không có cơ sở về mặt luật pháp quốc tế mà còn không có cơ sở ngay cả trong lịch sử của Trung Quốc. Trong khi quá trình thảo luận tiếp diễn, sẽ tốt hơn nhiều nếu Trung Quốc vẫn để tuyên bố của mình không rõ ràng và dần dần thầm lặng đạt được chúng cùng với sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế. Buộc Trung Quốc vào đường cùng, theo một cách mang tính đối kháng với luật pháp, thoạt nghe có vẻ hấp dẫn nhưng sẽ có rủi ro là sẽ tạo nên phản ứng hoàn toàn không đáng có từ các nước trên thế giới.

Bill Hayton là nhà nghiên cứu liên kết của Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Viện Nghiên cứu Chatham House, Anh. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)