21/02/2020
Bài viết cung cấp góc nhìn tổng quan về các quy định liên quan tới nghiên cứu khoa học biển tại các vùng biển khác nhau theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, đồng thời đề cập tới một số thực tiễn trong triển khai các quy định này.
Hoàng Thị Ngọc Anh*
Tóm tắt: Bài viết cung cấp góc nhìn tổng quan về các quy định liên quan tới nghiên cứu khoa học biển tại các vùng biển khác nhau theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, đồng thời đề cập tới một số thực tiễn trong triển khai các quy định này. Thực tiễn sẽ được đề cập trực tiếp đó là: (i) Tính hợp pháp của hoạt động nghiên cứu thủy văn trong vùng đặc quyền kinh tế, và (ii) Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển, trong đó có các quy định của pháp luật và thực tiễn của Việt Nam.
Đặt vấn đề
Hiện nay, nhân loại mới chỉ khám phá được khoảng 20%[1] toàn bộ đại dương trên thế giới. Nghiên cứu khoa học biển chính là chiếc chìa khóa để con người có thể tìm hiểu những bí mật của đại dương, phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học biển là cơ sở để các quốc gia có thể xây dựng chính sách, pháp luật quản trị đại dương. Nghiên cứu khoa học biển đồng thời là công cụ quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh tế, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, dự đoán và phòng tránh thiên tai. Chính vì những lý do này, các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học biển trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam là thành viên.
1. Quy định về nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS 1982
1.1. Các vấn đề chung về nghiên cứu khoa học biển
Các quy định về nghiên cứu khoa học biển được quy định tại Phần XIII của UNCLOS 1982.
Về định nghĩa nghiên cứu khoa học biển, UNCLOS 1982 đề cập vấn đề nghiên cứu khoa học biển trong nhiều điều khoản, nhưng không đưa ra định nghĩa nghiên cứu khoa học biển. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán UNCLOS 1982, đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm định nghĩa hoạt động nghiên cứu khoa học biển[2], nhưng cuối cùng, không có đề xuất nào được thông qua.
Việc mập mờ về khái niệm dẫn đến phát sinh các tranh cãi pháp lý về tính hợp pháp của các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động tương tự được quy định trong UNCLOS 1982 như hoạt động đo đạc thủy văn (sẽ được phân tích trong phần Tính hợp pháp của hoạt động khảo sát thủy văn trong Vùng đặc quyền kinh tế - EEZ).
Không chỉ thiếu đi một định nghĩa rõ ràng về nghiên cứu khoa học biển trong quy định của UNCLOS 1982 mà trên thực tế cũng chưa có giải thích của các cơ quan tài phán quốc tế về khái niệm này. Năm 2014, Úc đã kiện Nhật Bản lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về tính hợp pháp của chương trình khai thác cá voi mang tên JARPA II của Nhật Bản và đề nghị Tòa xem xét liệu chương trình này có tuân thủ với Điều VIII, Công ước quốc tế về điều chỉnh các hoạt động săn bắt cá voi (ICWR) hay không[3]. Trên thực tế, năm 1982, Ủy ban đánh bắt cá voi (IWC), thành lập theo Công ước ICWR đã đưa ra quyết định tạm ngừng các hoạt động đánh bắt cá voi nhằm mục đích thương mại[4]. Vấn đề là, theo Điều VIII ICWR, các quốc gia vẫn được cấp phép cho các hoạt động săn bắt cá voi vì mục đích nghiên cứu khoa học. Do vậy, câu hỏi quan trọng đặt ra cho Tòa ICJ đó là liệu các hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật Bản trong vụ việc này có nhằm mục đích khoa học, tuân thủ theo Điều VIII ICWR hay không? Tòa đã tránh không giải thích khái niệm nghiên cứu khoa học biển mà đi vào tiếp cận liệu cách Nhật Bản thực hiện đánh bắt cá voi có phù hợp với mục đích khoa học của chương trình JARPA II hay không. Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng kết luận rằng, cách thức Nhật Bản đánh bắt cá voi trên diện rộng với số lượng lớn không tuân thủ mục tiêu nghiên cứu khoa học của chương trình JARPA II. Nhật Bản đã phải ngừng chương trình này và thay thế bằng một chương trình có phạm vi nhỏ hơn là NewRep-A.
Về phân loại nghiên cứu khoa học biển, có hai loại nghiên cứu khoa học biển là nghiên cứu cơ bản (fundamental/pure research) và nghiên cứu ứng dụng (applied research/resource-oriented research[5]). Cách thức phân loại như vậy có nguồn gốc từ Công ước Geneva năm 1958 về thềm lục địa. Trước 1950, nghiên cứu khoa học biển không được điều chỉnh bởi bất cứ điều ước quốc tế nào. Tập quán quốc tế là nguồn chính của luật trong lĩnh vực này[6]. Việc gia tăng nghiên cứu khoa học tại các đại dương và việc phát triển công nghệ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với các ứng dụng vào việc thăm dò, khai thác tài nguyên đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế phát triển và pháp điển hóa khung pháp lý cho nghiên cứu khoa học biển. Nghiên cứu khoa học biển lần đầu tiên được đề cập trong Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1958. Trong bốn công ước Geneva năm 1958, Công ước về Thềm lục địa đã quy định cụ thể nghiên cứu khoa học biển tại khoản 8 Điều 5:
“Cần phải có sự chấp thuận của các quốc gia ven biển đối với bất cứ nghiên cứu khoa học biển nào liên quan và được thực hiện tại khu vực thềm lục địa. Tuy nhiên, các quốc gia không được rút lại sự chấp thuận của mình nếu như yêu cầu nghiên cứu khoa học biển được đệ trình bởi một tổ chức có đủ năng lực (a qualified institution) với mục đích nhằm nghiên cứu khoa học cơ bản/thuần túy (pure research) về cấu trúc vật lý hoặc sinh học của thềm lục địa”.
Trong UNCLOS 1982, Điều 246(3) và Điều 246(5)(a) có thể được sử dụng làm căn cứ để phân loại nghiên cứu khoa học biển cơ bản và nghiên cứu khoa học biển ứng dụng[7]. Cụ thể, theo Điều 246(3), các quốc gia ven biển, trong hoàn cảnh thông thường, đảm bảo cấp phép cho các nghiên cứu khoa học biển được thực hiện với “mục đích hòa bình và nhằm nâng cao kiến thức khoa học về môi trường biển vì lợi ích của nhân loại”. Trong khi đó, Điều 246(5)(a) quy định, các quốc gia ven biển có thể tùy ý không cấp phép các nghiên cứu khoa học biển liên quan đến “thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên”. Từ điều khoản này, có thể kết luận, nghiên cứu khoa học biển cơ bản là nghiên cứu được thực hiện với “mục đích hòa bình và nhằm nâng cao kiến thức khoa học về môi trường biển vì lợi ích của nhân loại”. Nghiên cứu khoa học ứng dụng được coi là nhằm mục đích “trực tiếp tác động tới việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên”.
Có thể nhận thấy, Công ước năm 1958 về Thềm lục địa và UNCLOS 1982 không nêu định nghĩa chính xác về tính chất và sự khác biệt giữa hai loại nghiên cứu khoa học biển cơ bản và ứng dụng. Nhìn lại lịch sử soạn thảo UNCLOS 1982, trong Hội thảo Luật Biển lần thứ ba, phân loại nghiên cứu khoa học biển cơ bản hay nghiên cứu khoa học biển ứng dụng cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi[8]. Đặt trong bối cảnh khó khăn của việc phân loại giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng (đặc biệt bởi vì sự chồng chéo giữa 2 lĩnh vực, khi nghiên cứu khoa học cơ bản thường là cơ sở cho các quyết định thực tiễn tiếp theo, và để định hướng các nghiên cứu ứng dụng nhằm mục đích thương mại), việc UNCLOS 1982 không thiết lập hai quy chế pháp lý riêng biệt trong Công ước dành cho hai loại nghiên cứu khoa học này là điều hợp lý[9].
Về chủ thể thực hiện nghiên cứu khoa học biển, Điều 238 - điều khoản mở đầu phần XIII - UNCLOS 1982 quy định tất cả các quốc gia, dù vị trí địa lý ở đâu và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền đều có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học biển phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác được quy định trong Công ước. Như vậy, từ điều khoản này, có thể thấy có 2 nhóm chủ thể có thể thực hiện nghiên cứu khoa học biển đó là các quốc gia (dù quốc gia có biển hay không có biển) và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển. Trên thực tế, có nhiều tổ chức quốc tế có thẩm quyền thực hiện nghiên cứu khoa học biển, như: Hội đồng quốc tế về thăm dò biển (ICES), Ủy ban hải dương học liên chính phủ UNESCO (IOC).
Về các điều kiện để thực hiện nghiên cứu khoa học biển, nghiên cứu khoa học biển phải được thực hiện vì mục đích hòa bình, bằng các biện pháp khoa học phù hợp, không dẫn đến việc cản trở các hoạt động sử dụng biển hợp pháp phù hợp với công ước khác[10]. Một điểm đáng chú ý đó là nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho bất cứ yêu sách nào về một phần của môi trường biển hay các tài nguyên thuộc môi trường biển đó[11].
1.2. Quy định cụ thể về nghiên cứu khoa học biển tại các vùng biển
Nghiên cứu khoa học biển được điều chỉnh bởi các quy định khác nhau của UNCLOS phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển nơi tiến hành hoạt động nghiên cứu. Dưới đây là phân tích cụ thể về nghiên cứu khoa học biển ở từng vùng biển:
1.2.1. Nghiên cứu khoa học biển tại vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia
Nội thủy và lãnh hải
Nội thủy và lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển[12]. Do vậy, các quốc gia ven biển có đặc quyền để điều chỉnh các nghiên cứu khoa học biển trong các khu vực kể trên. Trên cơ sở đó, Điều 245 UNCLOS 1982 quy định: Các quốc gia ven biển, khi thực hiện chủ quyền của mình, có đặc quyền điều chỉnh, chỉ đạo và thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lãnh hải. Các nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển này chỉ được thực hiện với sự chấp thuận theo những điều kiện được đưa ra bởi các quốc gia ven biển.
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Tại EEZ và thềm lục địa, các nghiên cứu khoa học biển phải được thực hiện với sự chấp thuận của các quốc gia ven biển[13]. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển phải đảm bảo, “trong các hoàn cảnh thông thường” (in normal circumstances), chấp thuận cho các dự án nghiên cứu khoa học biển với mục đích hòa bình và nhằm tăng cường kiến thức khoa học về môi trường biển vì lợi ích của nhân loại[14]. Khái niệm hoàn cảnh thông thường ở đây mà Công ước muốn đề cập có thể được suy diễn từ chính khoản 3 và khoản 4 Điều 246[15]. Theo đó, hoàn cảnh thông thường là hoàn cảnh: (i) Không dẫn đến việc ngăn cấm cấp phép phi lý đối với các nghiên cứu khoa học biển vì mục đích hòa bình và nhằm tăng cường kiến thức khoa học về môi trường biển vì lợi ích của nhân loại (các quốc gia ven biển phải ban hành các quy định và thủ tục để đảm bảo việc cấp phép như vậy) và (ii) Việc thiếu đi quan hệ ngoại giao giữa quốc gia ven biển và quốc gia thực hiện nghiên cứu khoa học biển sẽ không phải là lý do dẫn đến việc không tồn tại hoàn cảnh thông thường.
Nếu một dự án nghiên cứu khoa học biển được thực hiện bởi một tổ chức quốc tế mà quốc gia ven biển là thành viên, sự chấp thuận sẽ được coi là mặc nhiên nếu như quốc gia ven biển đó không thể hiện sự phản đối trong thời hạn bốn tháng kể từ khi nhận được thông báo về dự án nghiên cứu khoa học biển đó theo Điều 247 UNCLOS 1982. Do vậy, đồng thời, nếu quốc gia ven biển không phản hồi đối với các nghiên cứu khoa học biển trong thời hạn bốn tháng kể từ khi nhận được các thông tin cần thiết về dự án nghiên cứu khoa học biển quy định tại Điều 248 thì coi như quốc gia đã chấp thuận với dự án nghiên cứu khoa học biển đó (Điều 252).
Trong hoàn cảnh thông thường, các quốc gia ven biển có nghĩa vụ cấp phép cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây quốc gia ven biển có thể rút sự chấp thuận cho hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở EEZ và thềm lục địa (khoản 5 Điều 246):
- Nếu dự án ảnh hưởng trực tiếp đến việc thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật;
- Nếu dự án dự kiến có việc khoan trong thềm lục địa, sử dụng chất nổ hay đưa chất độc hại vào môi trường biển;
- Nếu dự án dự kiến việc xây dựng, khai thác hay sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình nhân tạo nêu ở các Điều 60 và 80;
- Nếu những thông tin được thông báo về tính chất và mục tiêu của dự án theo Điều 248 không đúng hoặc nếu quốc gia hay tổ chức quốc tế có thẩm quyền, tác giả của dự án không làm tròn những nghĩa vụ đã cam kết với quốc gia hữu quan trong một dự án nghiên cứu trước đây.
Tuy nhiên, khoản 5 không áp dụng với thềm lục địa mở rộng (khoản 6 Điều 246).
Theo khoản 1 Điều 249, các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế phải tuân thủ các nghĩa vụ khi thực hiện các nghiên cứu khoa học biển với sự chấp thuận của các quốc gia ven biển ở EEZ và thềm lục địa như sau:
- Đảm bảo quyền lợi của các quốc gia ven biển tham dự vào các nghiên cứu khoa học biển;
- Cung cấp kết quả và kết luận liên quan đến dự án nghiên cứu khoa học biển đó cho các quốc gia ven biển;
- Cho phép quốc gia ven biển tiếp cận với tất cả các dữ liệu và mẫu vật từ dự án nghiên cứu khoa học biển;
- Cung cấp cho quốc gia ven biển các đánh giá về dữ liệu, mẫu vật và kết quả nghiên cứu;
- Đảm bảo kết quả nghiên cứu được công khai với cộng đồng quốc tế.
Các điều kiện nêu trên là yếu tố cần thiết để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia ven biển và lợi ích của các cộng đồng nghiên cứu khoa học biển quốc tế. Đồng thời, ở một mức độ nhất định, các điều kiện đó góp phần tăng cường hợp tác quốc tế với việc đảm bảo sự tham dự của các quốc gia ven biển và công khai các kết quả nghiên cứu[16].
1.2.2. Nghiên cứu khoa học biển trong các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia
Biển Cả
Tại Biển Cả, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do nghiên cứu khoa học biển[17]. Tuy nhiên, các quốc gia và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền có nghĩa vụ trao đổi thông tin dữ liệu từ các nghiên cứu khoa học biển đó[18]. Khoản 2 Điều 119 của UNCLOS 1982 quy định rằng, các thông tin nghiên cứu khoa học biển sẵn có liên quan đến bảo tồn nguồn cá phải được đóng góp và trao đổi cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền. Các thông tin nghiên cứu khoa học bao gồm dữ liệu sinh học, tập quán di cư của các loài sinh vật liên quan.
Vùng
Tại Vùng, tất cả các quốc gia (dù vị trí địa lý ở đâu), và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền có quyền thực hiện các nghiên cứu khoa học biển phù hợp với Phần XIII UNCLOS 1982[19]. Các nghiên cứu khoa học biển tại Vùng phải được thực hiện phù hợp với mục đích hòa bình và lợi ích của toàn thể nhân loại, tuân thủ khoản 1 Điều 143 UNCLOS 1982. Khoản 3 Điều 143 yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển bằng việc: (1) Tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế và khuyến khích các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển do nhân viên của các nước hoặc do nhân viên của Cơ quan quyền lực đáy đại dương thực hiện; (2) Đảm bảo các chương trình được triển khai bởi Cơ quan quyền lực đáy đại dương hoặc các tổ chức quốc tế thích hợp với lợi ích của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển.
2. Một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu khoa học biển
2.1. Tính hợp pháp của hoạt động khảo sát thủy văn trong vùng đặc quyền kinh tế
Hiện nay, tính hợp pháp của hoạt động khảo sát thủy văn của các quốc gia khác trong EEZ khi không có sự cho phép của quốc gia ven biển đang là một vấn đề gây tranh cãi.
Sự thiếu thống nhất trong quy định của UNCLOS 1982 chính là nguyên nhân gây ra các tranh cãi này. Cụ thể, trong phần II về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải của UNCLOS 1982 có đề cập tới cả hai hoạt động “nghiên cứu khoa học biển” và “khảo sát thủy văn”. Theo Điều 21 (g), các quốc gia ven biển có thể viện dẫn các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại trong lãnh hải của mình liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học biển và khảo sát thủy văn. Tuy nhiên, trong Điều 56, liên quan tới quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với EEZ, UNCLOS 1982 lại không đề cập tới hoạt động khảo sát thủy văn, mà chỉ đề cập tới hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Nguyên nhân của sự thiếu thống nhất trong quy định này có thể là do các điều khoản liên quan đến nghiên cứu khoa học biển được đàm phán và soạn thảo bởi nhiều Ủy ban khác nhau. Trong quá trình soạn thảo UNCLOS 1982, có nhiều Ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo các điều khoản liên quan đến nghiên cứu khoa học biển[20]. Cụ thể, Ủy ban số 3 được chỉ định tập trung vào các vấn đề nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển và chuyển giao công nghệ. Hai ủy ban khác (Ủy ban số 1 và Ủy ban số 2) thực hiện một số đàm phán khác về nghiên cứu khoa học biển trong quyền hạn và chức năng của mình. Ủy ban số 1 chịu trách nhiệm về khai thác ở đáy biển, Vùng. Ủy ban số 2 về lãnh hải, quyền qua lại vô hại và một số vấn đề khác.
Trong EEZ, UNCLOS 1982 không có quy định cụ thể về hoạt động khảo sát thủy văn, mà chỉ có quy định quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển[21]. Câu hỏi đặt ra rằng liệu hoạt động khảo sát thủy văn có thuộc vào hoạt động nghiên cứu khoa học biển hay không? Hay hoạt động đo đạc thủy văn là một hoạt động riêng rẽ so với hoạt động nghiên cứu khoa học biển? Nếu khảo sát thủy văn thuộc hoạt động nghiên cứu khoa học biển thì hoạt động này sẽ thuộc phạm vi quyền tài phán của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, nếu không phải, việc không đề cập tới hoạt động này trong phạm vi quyền của các quốc gia ven biển làm nảy sinh vấn đề liệu hoạt động này có được tự do thực hiện bởi các quốc gia khác hay không, đặc biệt khi hoạt động khảo sát thủy văn thường được thực hiện bởi các tàu hải quân.
Khảo sát thủy văn là việc thu thập thông tin về các khu vực ven biển hoặc các vùng biển nông nhằm mục đích thiết lập các bản đồ hàng hải hoặc các sản phẩm tương tự nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải. Hoạt động khảo sát thủy văn có thể bao gồm việc đo độ sâu của nước, cấu trúc và bản chất của đáy biển, hướng và lực của dòng chảy, độ cao và thời gian của thủy triều, các mối nguy hiểm đối với hàng hải[22]. Trên thực tế, việc hình thành các bản đồ từ hoạt động thủy văn có thể đóng góp vào việc thúc đẩy hoạt động đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên. Các bản đồ này có thể được sử dụng để điều chỉnh các vấn đề ô nhiễm môi trường biển… Trước năm 1990, rất khó khăn khi thực hiện các khảo sát thủy văn nếu không có sự đồng ý của các quốc gia ven biển. Tuy nhiên, sau khi có Hệ thống định vị toàn cầu Navstar Global Positioning System (GPS) vào năm 1994, các khảo sát thủy văn có thể thực hiện được mà không cần nhờ đến các cơ sở hạ tầng ở trên bờ gần các khu vực tiến hành nghiên cứu thủy văn[23]. Do vậy, dễ hiểu khi các hoạt động khảo sát thủy văn trong EEZ lại thành một vấn đề gây tranh cãi trong những thập kỷ gần đây, khi các quốc gia ven biển rất khó có thể nhận biết được hoạt động này trong vùng biển của quốc gia mình. Khác nhau trong quan điểm của các quốc gia đã dẫn đến nhiều vụ đụng độ EEZ, trong đó phải kể đến vụ các tàu và máy bay Trung Quốc ngăn chặn các tàu chiến của Mỹ (Bowditch, Impecacable, Victorious) khi các tàu này đang tiến hành các khảo sát thủy văn tại EEZ của Trung Quốc lần lượt vào tháng 3/2001, 9/2002, 3/2009 và 5/2009.
Lập trường của Mỹ và Anh về vấn đề này đó là các khảo sát thủy văn và quân sự được thực hiện tự do trong EEZ mà không cần đến sự cho phép của các quốc gia ven biển[24]. Bởi việc sử dụng biển vào mục đích hòa bình liên quan đến quyền tự do hàng hải và hàng không theo Điều 58 của UNCLOS 1982.
Trái lại, một vài quốc gia ven biển giữ quan điểm các hoạt động quân sự và khảo sát thủy văn tại EEZ phải được sự chấp thuận của các quốc gia ven biển. Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ quan điểm này[25].
2.2. Quy định về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển
Với sự rộng lớn của đại dương trong khi nguồn nhân lực và vật lực hạn hẹp, các quốc gia có xu thế hợp tác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển. Mục 2 phần XIII UNCLOS 1982 quy định về các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học biển. Khoản 1 Điều 242 quy định nghĩa vụ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển. Cụ thể, Điều 243 quy định các quốc gia và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền hợp tác để “tạo những điều kiện thuận lợi thực hiện nghiên cứu khoa học biển về môi trường biển và tổng hợp nỗ lực của các nhà khoa học để nghiên cứu bản chất của các hiện tượng và quá trình xảy ra trong môi trường biển và mối quan hệ giữa các hiện tượng này”.
Tầm quan trọng của hợp tác nghiên cứu khoa học biển được nhấn mạnh tại Điều 255 UNCLOS 1982 khi yêu cầu các quốc gia ven biển thông qua các quy định và các thủ tục phù hợp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển. Điều 244 quy định các quyền và nghĩa vụ để công bố và phổ biến thông tin có kết quả từ nghiên cứu khoa học biển. Điều 202 UNCLOS 1982 liệt kê một loại nghĩa vụ liên quan đến các hỗ trợ về khoa học và kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển. Các hỗ trợ này bao gồm: (i) Đào tạo cán bộ kỹ thuật và khoa học; (ii) Tạo điều kiện tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế; (iii) Cung cấp các trang thiết bị và các phương tiện kỹ thuật cần thiết; (iv) Tăng cường năng lực sản xuất các trang thiết bị; (v) Đưa ra lời khuyên và hỗ trợ triển khai nghiên cứu, điều hành, đào tạo và các chương trình khác.
3. Việt Nam và hợp tác nghiên cứu khoa học biển tại Biển Đông
3.1. Quy định của Việt Nam về nghiên cứu khoa học biển
Là thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ những quy định của Công ước thông qua việc ban hành những điều luật cụ thể về nghiên cứu khoa học biển, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học biển.
Trước khi Việt Nam trở thành viên của UNCLOS 1982, từ năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài tại Việt Nam[26].
Việt Nam đã ban hành Luật Biển năm 2012[27], Luật Khoa học và công nghệ 2013[28], Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015[29], trong đó, đều có các quy định cụ thể liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Năm 2016, Nghị định số 242/HĐBT chính thức hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định số 41/2016/NĐ-CP quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, phù hợp với Hiến pháp, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, UNCLOS 1982, các điều ước quốc tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Về khái niệm nghiên cứu khoa học biển:
Tương tự UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 không định nghĩa cụ thể về nghiên cứu khoa học biển nhưng xác định nghiên cứu khoa học với “mục đích hòa bình” và thực hiện phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế (Điều 36).
Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 cũng không nêu định nghĩa nghiên cứu khoa học biển, nhưng có nhắc đến khái niệm nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo[30], đồng thời Luật này dẫn chiếu đến việc hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải phù hợp với pháp luật về khoa học công nghệ[31].
Liên quan tới pháp luật về khoa học và công nghệ của Việt Nam, khái niệm nghiên cứu khoa học nói chung được định nghĩa cụ thể trong Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2013. Theo đó, nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn[32]. Luật này phân chia cụ thể hai loại nghiên cứu khoa học là: (i) Nghiên cứu cơ bản và (ii) Nghiên cứu ứng dụng. Như vậy, nếu xét nghiên cứu khoa học biển nằm trong phạm vi nghiên cứu khoa học nói chung thì theo pháp luật Việt Nam, nghiên cứu khoa học biển có hai loại là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Nghị định số 41/2016/NĐ-CP quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cũng không có định nghĩa nghiên cứu khoa học biển.
Tuy nhiên, Nghị định số 242/HĐBT trước đây đã đề cập đến “nghiên cứu khoa học biển” tại Điều 2 như sau[33]:
“Việc nghiên cứu khoa học biển nói trong quy định này bao gồm: Các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong phạm vi vùng nước bên trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển cũng như vùng trời của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm điều tra, thăm dò, nghiên cứu tài nguyên, các điều kiện tự nhiên, môi trường biển và các hoạt động khác nhằm mục tiêu dân dụng và phục vụ mục đích hòa bình”.
Như vậy, Nghị định số 242/HĐBT đã liệt kê một danh sách mở các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và giới hạn các hoạt động này phải đảm bảo: (i) Mục tiêu dân dụng và (ii) Phục vụ mục đích hòa bình.
Như vậy, mặc dù các văn bản luật liên quan không định nghĩa hoặc liệt kê cụ thể các hoạt động thuộc phạm vi nghiên cứu khoa học biển nhưng nghiên cứu khoa học biển phải vì mục đích hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam
Tóm lại, dù không có định nghĩa cụ thể, nhưng có thể kết luận rằng, theo pháp luật Việt Nam, nghiên cứu khoa học biển là một loại hình nghiên cứu khoa học, gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng vì mục tiêu hòa bình, tuân thủ pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng.
Về tính hợp pháp của các hoạt động khảo sát/đo đạc thủy văn:
Cách tiếp cận Luật Biển Việt Nam năm 2012 về nghiên cứu khoa học biển và hoạt động đo đạc thủy văn tương tự như UNCLOS 1982. Luật Biển dành một điều khoản riêng (Điều 36) quy định về nghiên cứu khoa học biển; hoạt động đo đạc thủy văn không được điều chỉnh riêng mà gắn với nghiên cứu khoa học biển tại điểm g khoản 1 Điều 24[34].
Về hợp tác nghiên cứu khoa học biển:
Nghị định số 41/2016/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy lãnh hải Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam phải được sự cho phép và chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam và việc chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được thể hiện bằng quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học. Theo Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng phê duyệt ngày 25/4/2017, Nghiên cứu khoa học biển đã trở thành lĩnh vực ưu tiên quan trọng trong chính sách phát triển của Việt Nam. Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao theo chuẩn quốc tế[35].
3.2. Thực tiễn hợp tác của Việt Nam về nghiên cứu khoa học biển tại Biển Đông
Biển Đông là một biển nửa kín. Theo ước tính, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước ven biển[36]. Có lợi thế về mặt địa lý là vậy, tuy nhiên, do thiếu nguồn lực, mà các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của Việt Nam tại Biển Đông còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển[37].
Không chỉ phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, việc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các quốc gia ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường lòng tin, là cơ sở giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp biển giữa các quốc gia[38]. Hay nói cách khác, các hợp tác nói chung và hợp tác nghiên cứu khoa học biển nói riêng tại Biển Đông, trong đó có hợp tác về nghiên cứu khoa học biển có thể trở thành chất keo gắn kết các quốc gia trong khu vực, thay đổi tư duy khi nhắc đến Biển Đông là nhắc đến một khu vực có yêu sách tranh chấp dai dẳng kéo dài. Từ quan điểm đó, năm 1994, Việt Nam đã cùng với Philippines đưa ra sáng kiến về Chương trình khảo sát, nghiên cứu khoa học biển chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS)[39]. Từ năm 1994 đến năm 2007, bốn hoạt động JOMSRE (JOMSRE I đến IV) đã hoàn thành[40].
JOMSRE-SCS giữa Philippines-Việt Nam được dự trù là một biện pháp xây dựng lòng tin song phương ở Biển Đông theo thoả thuận giữa nguyên Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos và Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Philippines và Việt Nam đồng ý mở rộng JOMSRE bao gồm các nhà khoa học từ các nước khác. Năm 2007, trong cuộc họp lần thứ 4 của Nhóm công tác thường trực chung về các mối quan tâm hàng hải và đại dương giữa Philippines-Việt Nam (JPWG-MOC), hai nước đồng ý kết thúc chương trình.
Trong tương lai, Việt Nam nên thúc đẩy nhiều hơn các hợp tác nghiên cứu khoa học biển với các quốc gia ở Biển Đông như mô hình JOMSRE vì những lý do như sau: (i) Thông qua hợp tác thúc đẩy lòng tin giữa các quốc gia; (ii) Thông qua những thông tin, tri thức thu được từ các hợp tác nghiên cứu khoa học biển đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Hợp tác với chuyên gia nước ngoài sẽ góp phần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học biển Việt Nam.
Kết luận
Nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển, các quốc gia trong quá trình soạn thảo UNCLOS 1982 đã lồng ghép nhiều quy định nhằm mục tiêu tạo ra khung pháp lý thống nhất cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển giữa các quốc gia thành viên. Những quy định này đồng thời phản ánh mục tiêu cân bằng lợi ích của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 vẫn chưa giải quyết được những vấn đề gây ra tranh cãi khi một số định nghĩa, khái niệm liên quan đến nghiên cứu khoa học biển chưa được quy định một cách cụ thể.
Khám phá đại dương không thể chỉ phụ thuộc đơn lẻ vào từng quốc gia, mà cần sự hợp tác giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Phù hợp với quy định của Luật biển quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển nói riêng và hợp tác biển nói chung. Các hợp tác này không chỉ là cơ hội để mỗi quốc gia có được những dữ liệu quý giá cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa thiên tai…, mà còn là cơ hội xây dựng lòng tin, là công cụ chính trị, ngoại giao để thúc đẩy quan hệ cùng có lợi giữa các quốc gia. Quan điểm này là phù hợp và được thể hiện rõ trong Chiến lược Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020 với sự chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển: Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý… trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển; đẩy mạnh tham gia nghiên cứu khoa học, khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên tại các vùng biển quốc tế.
Hoàng Thị Ngọc Anh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12(380) năm 2019. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
* Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
[1] National Ocean Service, U.S Department of Commerce, How much of the ocean have we explored?, https://oceanservice.noaa.gov/facts/exp loration.html, truy cập ngày 3/1/2018.
[2] Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea Office of Leagl Affairs, the United Nations, 2010, Marine Scientific Research: A revised guide to the implementation of the relevant provisions of the United Nations Convention on the Law of the Sea, https://www.un.org/Depts/los/doalos_publications/publicationstexts/msr_guide%202010_final.pdf, truy cập ngày 4/7/2019.
[3] Whaling case (Australia v. Japan), ICJ, 2014.
[4] International Whaling Commission, Commercial Whaling, https://iwc.int/commercial, truy cập ngày
Tham khảo: Trần Hữu Duy Minh, Nhật Bản rút khỏi Công ước về Đánh bắt cá voi (IWC), https://iuscogens-vie.org/2019/03/03/nhat-ban-ca-voi/, truy cập ngày
[5] Yoshifumi Tanaka, The International Law of the Sea, Cambridge University Express, 2012, tr. 337.
[6] Marine Scientific Research, tlđd.
[7] Paul Gragl, Marine Scientific Research, The IMLI Manual on International Maritime Law: Volume I: The Law of the Sea biên tập bởi David Attard, Malgosia Fitzmaurice, Norman A. Martinez Gutierrez, Oxford University Press, 2014, tr. 417.
[8] Marine Scientific Research, tlđd, đoạn 4, Mục 3, tr. 3, https://www.un.org/Depts/los/doalos_publications/ publicationstexts/msr_guide%202010_final.pdf, truy cập ngày 30/12/2018.
[9] Paul Gragl, tlđd, tr. 402.
[10] Điều 240 UNCLOS 1982.
[11] Điều 241 UNCLOS 1982.
[12] Điều 2 (1) và Điều 2 (2) UNCLOS 1982.
[13] Điều 246 UNCLOS 1982.
[14] Điều 246 UNCLOS 1982.
[15] Paul Gragl, tlđd, tr. 417.
[16] Yoshifumi Tanaka, The International Law of the Sea, Cambridge University Express, 2012, tr. 421.
[17] Điều 87(1)(f), UNCLOS 1982.
[18] Điều 119(2) UNCLOS 1982.
[19] Điều 256 UNCLOS 1982.
[20] Marine Scientific Research: A revised guide to the implementation of the relevant provisions of the United Nations Convention on the Law of the Sea, tr. 3, https://www.un.org/Depts/los/doalos_publications/ publicationstexts/msr_guide%202010_final.pdf, truy cập ngày 30/12/2018.
[21] Điều 56 UNCLOS 1982.
[22] The Commander’s Handbook On The Law Of Naval Operations, http://www.jag.navy.mil/documen ts/NWP_1-14M_Commanders_Handbook.pdf, truy cập ngày 3/12/2018.
[23] Yoshifumi Tanaka, The International Law of the Sea, Cambridge University Express, 2012, tr. 344.
[24] Sam Bateman, Hydorgraphic Surveying in Exclusive Economic Zones: Jurisdictional Issues, https://journals.lib.unb.ca/index.php/ihr/article/view/20645, truy cập ngày 3/12/2018.
[25] Sam Bateman, Hydorgraphic Surveying in Exclusive Economic Zones: Jurisdictional Issues, https://journals.lib.unb.ca/index.php/ihr/article/view/20645, truy cập ngày 3/12/2018.
[26] Nghị định số 242/HĐBT “Quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, http://www. chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=9&mode=detail&document_id=1504, truy cập ngày 30/12/2018.
[27] Tham khảo Điều 36 Nghiên cứu khoa học biển.
[28] Tham khảo khoản 4, 5, 6 Điều 3 Giải thích từ ngữ, về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản.
[29] Tham khảo Điều 19, 20 về vấn đề cấp phép và quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân nước ngoài thực hiện nghiên cứu khoa học biển tại vùng biển của Việt Nam.
[30] Khoản 2 Điều 4 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015.
[31] Khoản 1 Điều 17 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015.
[32] Khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
[33] Điều 2 Nghị định số 242/HĐBT.
[34] Điều 24: Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại, Luật Biển Việt Nam năm 2012.
[35] Quyết định số 562/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/ portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=189540, truy cập ngày 3/12/2018.
[36] TS. Trần Nam Tiến, Vị trí địa lý và tiềm năng Biển Đông, https://tuoitre.vn/vi-tri-dia-ly-va-tiem-nang-bi en-dong-508420.htm, truy cập ngày 3/12/2018.
[37] Tham khảo thêm Bích Ngọc, Lỗ hổng nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam, https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/lo-hong-nghien-cuu-bien-d ong-o-viet-nam-3759933.html, truy cập ngày 2/7/2019.
[38] Tham khảo thêm: Henry S. Bensurto, Tổng thư ký, Ủy ban các vấn đề Biển và Hải dương (CMOAS), Bộ Ngoại giao Philippines, Hợp tác ở Biển Đông: Đánh giá về hợp tác giữa Philippines và Việt Nam trong các vấn đề biển và đại dương, http://nghien cuubiendong.vn/toa-dam-hoi-thao/hoi-thao-quoc-te-ve-bien-dong-lan-2-ho-chi-minh-112010/1197-hop-tac-bien-dong-giua-phi-viet, truy cập ngày 3/12/2018.
[39] Joint Oceanographic and Marine Scientific Research Expedition in the South China Sea (jomsre-scs), https://www.balikbalangay.com/jomsre-scs. html, truy cập ngày 3/12/2018.
[40] I A Satywan, The Diplomacy of Scientific research in the South China Sea: The Case of Joint to Oceanographic marine scientific research expedition between Vietnam and the Philippines, https://iops cience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/129/1/012 024, truy cập ngày 3/12/2018.
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...