Nhân cuộc hội thảo Hà Nội tháng 11 năm ngoái, Giáo sư Nhật Bản Kazunime Akimoto khẳng định rằng tất cả các quốc gia Đông Á đều liên quan đến Biển Đông. Nếu khu vực này bị một quốc gia nào đó độc chiếm, tác hại không chỉ xảy ra cho khu vực mà cả cho an ninh toàn thế giới.

Do tranh chấp Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế, theo nhiều nhà quan sát, công việc tìm giải pháp nên được quốc tế hoá. Quốc tế hoá không chỉ là đưa vấn đề ra các cuộc đàm phán đa phương, các định chế quốc tế, mà còn nhằm đánh động dư luận thế giới thông qua các Hội nghị hay diễn đàn thảo luận.

 

 

Cách ứng xử của Trung Quốc mang tính quyết định trong tranh chấp Biển Đông. Ngoài khoảng thời gian vào cuối những năm 1990, khi Bắc Kinh có chính sách tạm gọi là mềm dẻo hơn và các nước liên quan tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có thể ký với nhau Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, Trung Quốc đã quay lại đường lối ngày càng cứng rắn. Nguyên do có thể là vì một loạt yếu tố, như nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng gay gắt; lợi ích về dầu lửa, về các tuyến hàng hải và cả chủ nghĩa dân tộc đang sôi sục ở trong nước.
Ngày 13/3 vừa rồi, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Phó Giáo sư Peter Dutton của Viện Nghiên cứu Biển Trung Hoa thuộc trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng cách tiếp cận mang tính quốc tế hóa đối với vấn đề Biển Đông là phù hợp nhất lúc này vì có nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền và có lợi ích tại đây. Tiến trình quốc tế hóa có thể sẽ thất bại nếu Trung Quốc không sẵn lòng tham gia các cuộc hội thảo cũng như tìm kiếm các giải pháp quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực phải chứng tỏ mình là một nước láng giềng tốt đối với các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng có tiếng nói hữu ích, giúp giải quyết các bất đồng.

Trung Quốc có thể từ chối tham gia giải quyết vấn đề, nhưng điều đó sẽ khiến họ tự biến mình thành người ngoài cuộc. Cho dù các cuộc đàm phán quốc tế không giải quyết được từng vấn đề như chủ quyền đối với các hòn đảo hay đường lãnh hải, nhưng ít ra các cuộc thương thuyết đó sẽ tìm ra cách đẩy nhanh tiến trình tìm giải pháp.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong khu vực cũng như đang ngày càng có ảnh hưởng lớn trên thế giới, vì thế các quốc gia khác sẽ xem Bắc Kinh giải quyết vấn đề Biển Đông ra sao cũng như xem các tuyên bố tôn trọng các nước khác của Trung Quốc có đúng với những hành động của họ hay không. Nói chung, việc Trung Quốc có tham gia đàm phán hay không về một giải pháp quốc tế sẽ là một chỉ dấu về thái độ của Bắc Kinh trong tương lai.

Về cơ chế quản lý đa phương cũng như triển vọng làm hồi sinh một đề xuất khai thác tài nguyên chung giữa các nước ở Biển Đông, ông Dutton nhận định triển vọng đó thực sự phụ thuộc vào lòng tin lẫn nhau. Việc xây dựng lòng tin thông qua các cuộc đàm phán song phương, đa phương mang tính quốc tế là bước đi quan trọng đầu tiên và điều đó có thể từng bước dẫn tới các giải pháp đa phương.

Bước tiến đầu tiên có thể là thỏa thuận phát triển, nghiên cứu và đánh bắt cá chung. Có nhiều cơ hội để các bên tiến lên một cách hữu hiệu. Các bên cũng nên thừa nhận rằng tất cả các nước xung quanh khu vực Biển Đông đều quan tâm và có lợi ích trong việc quản lý các nguồn lợi tại đó một cách hợp lý, nhằm đem lại lợi ích cho mọi quốc gia trong phạm vi vùng biển này; hay quan tâm tới việc bảo đảm môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai; cũng như quan tâm tới việc duy trì an ninh và ổn định đối với các tuyến hàng hải cũng như việc khai thác ở Biển Đông. Điều quan trọng là trước tiên các bên cần phải xây dựng lòng tin và sau đó là phát triển các sáng kiến cũng như lợi ích.

 

 

Nhật báo Trung Quốc mới đây trích lời một giới chức hải quân cấp cao của Trung Quốc bày tỏ quan ngại trước việc các nước thành viên ASEAN tăng cường hạm đội tàu ngầm và coi đó là một mối đe dọa tới Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã quá lo xa, còn theo ông Dutton, tàu ngầm luôn là một mối đe dọa đặc biệt. Tuy nhiên, sức mạnh hải quân của Trung Quốc rõ ràng mạnh hơn nhiều so với các nước trong khu vực Biển Đông, do vậy không thấy có một mối đe dọa thực tế nào đối với hải quân Trung Quốc. Nếu các nước đồng lòng ngồi lại đàm phán đa phương và xây dựng lòng tin thì không nước nào muốn quân sự hóa vấn đề tranh chấp này./.

Linh Hương (Theo báo nước ngoài)