04/04/2013
Nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama chính thức bắt đầu từ ngày 21/1/2013. Theo tình hình hiện nay Trung Quốc hiển nhiên trở thành một trong những đối tượng quan trọng nhất được quan tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Quan hệ Trung – Mỹ sẽ đi về đâu, là hợp tác, đối đầu, hay cả hai?
Trong bối cảnh đó báo chí Trung Quốc và nước ngoài đồng loạt nhận định về triển vọng quan hệ Trung – Mỹ năm 2013 cũng như quan hệ Trung – Mỹ trong 10 năm tới. Báo “ Quốc phòng Trung Quốc ” mới đây dẫn ý kiến phân tích cho rằng trọng tâm chiến lược quân sự của Mỹ dịch chuyển về phía Đông, trong khi đẩy nhanh nhịp độ tăng cường bố trí quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ cũng đồng thời gấp rút lôi kéo các nước xung quanh Trung Quốc để bao vây, kiềm chế Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ như vậy có thể sẽ dẫn đến va chạm. Tuy nhiên có ý kiến khác cũng được báo trên viện dẫn cho rằng tình hình sẽ không hẳn như vậy, mà hợp tác vẫn là chủ đề song phương, cho dù giữa hai nước luôn phải xử lý nhiều tình huống trắc trở thất thường.
I- Quan hệ Trung – Mỹ là “vấn đề lớn”
Cách đây hai năm, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đi thăm Mỹ có nói quan hệ Trung – Mỹ đã vượt quá phạm trù hai nước, có ảnh hưởng to lớn trên thế giới. Quả thực, quan hệ Trung – Mỹ sở dĩ được quan tâm rộng rãi, báo chí nước ngoài tích cực suy đoán xu hướng quan hệ hai nước năm 2013 như thế nào, lý do cũng chính là vậy. Quan hệ Trung – Mỹ năm 2012 đầy thách thức. Sau khi Obama tuyên bố vào cuối năm 2011 rằng trọng tâm chiến lược của Mỹ dịch chuyển sang châu Á – Thái Bình Dương, tình hình khu vực này đã liên tục gợn sóng. Tình hình yên lặng tương đối từ 10 năm qua bị phá vỡ, không những khiến quan hệ Trung – Mỹ trải qua khảo nghiệm mà còn khiến cho quan hệ giữa các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát sinh những thay đổi to lớn. Obama tái đắc cử, Trung Quốc hoàn thành chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ lãnh đạo, quan hệ Trung – Mỹ năm 2013 tự nhiên trở thành một trong những chủ đề nóng được quan tâm. Trong tương lai, giữa Trung Quốc và Mỹ là quan hệ hợp tác hay đối đầu, là phối hợp hay xung đột, là kiểm soát bất đồng hay kích hoạt mâu thuẫn…, tất cả những khả năng đó sẽ đều được quyết định trực tiếp bởi cuộc đấu lợi ích giữa hai nước trong diễn biến kết cục địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về hình thức biểu hiện, báo chí ở các nước Mỹ, Nhật Bản… cho rằng thế lực giữa Trung Quốc và Mỹ cứ thay thế nhau lên xuống.
Theo hãng tin Kyodo, “Báo cáo tình hình quốc tế năm 2030” do Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ công bố mới đây cho rằng đến năm 2030, ngôi vị nước lớn về kinh tế của Mỹ sẽ nhường lại cho Trung Quốc, thời đại đơn cực của Mỹ sẽ trở thành quá khứ. Tạp chí “Chính sách ngoại giao” của Mỹ viết năm 2013 sẽ là một năm có ý nghĩa quan trọng, tình hình thế giới sẽ có bốn thay đổi lớn, trong đó định vị lại quan hệ Trung – Mỹ sẽ là thay đổi được xếp ở vị trí đầu tiên. Bài báo cho biết quan hệ Trung – Mỹ là bộ phận quan trọng nhất trong quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới. Cả hai nước đều mới thay đổi lãnh đạo, chính phủ mới ở Mỹ tuy có thể có biến động về nhân sự nhưng việc Obama liên nhiệm cũng có nghĩa là chính sách trung tâm sẽ không có thay đổi lớn. Hơn nữa, cùng với sự kết thúc mùa bầu cử, Obama sẽ trở lại giải quyết những vấn đề nội chính và ngoại giao trước đó bị gác lại. Bởi địa vị của Trung Quốc không ngừng được nâng lên, để hoạch định chính sách cho phù hợp với sự thay đổi này, Obama chắc chắn sẽ xây dựng nhận thức chung với nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Bài viết cho rằng Trung Quốc cũng đứng trước không ít thách thức. Trên phương diện đối ngoại Trung Quốc tuyệt đối không thể hiện thế yếu, vì đại đa số người Trung Quốc muốn được thấy chính sách ngoại giao tự tin hơn và cao giọng hơn. Năm 2013 cả Trung Quốc và Mỹ sẽ đều phải xử lý quan hệ song phương bằng một thái độ thận trọng. Điều quan trọng nhất là hai bên đều phải bước một bước đi đầu tiên mở đầu quá trình xác định lại quan hệ song phương. Trong phương thức quan hệ mới này, Trung Quốc sẽ không hạ thấp mình như trước, mà sẽ chuyển biến thành vai trò của nước lãnh đạo thế giới nhận trách nhiệm nhiều hơn. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương Kurt Campbell nói một cách thẳng thắn và thành thực rằng làm thế nào để có thể quan hệ được với một nước lớn mới trỗi dậy tự tin hơn mà trước đây chưa bao giờ như vậy, đồng thời xác định được sự lựa chọn toàn cầu của họ, đối với Mỹ đó quả thực là một thách thức phiền não.
II- Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm vào Trung Quốc
Trang mạng của tuần san Jane's Defence Weekly của Anh đăng nội dung trả lời phỏng vấn của Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Samuel J. Locklear. Tư lệnh này cho rằng trong khi tiếp tục điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, một vấn đề quan trọng trong chính sách chiến lược của Mỹ ở khu vực này là tiếp xúc với Trung Quốc, mục tiêu là xây dựng quan hệ song phương, điều chỉnh đưa Trung Quốc vào khuôn khổ an ninh đa phương khu vực một cách tốt hơn nữa. J. Locklear nói: “Mỹ có lợi ích đa dạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi muốn đảm bảo với nước đồng minh rằng chúng tôi sẽ quan tâm đến lợi ích của họ. Đó chính là ý nghĩa điều chỉnh chiến lược, cũng có thể nói đó là việc mà chúng tôi làm, vì Mỹ cũng là một nước ở châu Á-Thái Bình Dương”. Vì thế, trung tâm của chiến lược châu Á-Thái Bình Dương là thiết lập quan hệ vững chắc hơn với Trung Quốc, “chúng tôi mong muốn thúc đẩy hai nước và các nước châu Á-Thái Bình Dương có an ninh, ổn định trên cơ sở kinh tế phát triển lành mạnh, hy vọng có thể sử dụng các tuyến đường giao thông trên biển, trên không, không gian mạng và các khu vực công cộng khác một cách thông suốt mà không gặp trở ngại”. Tuy nhiên, rõ ràng đã không có mấy người tin tưởng vào cách nói như vậy, ít nhất là không tin tưởng hoàn toàn, trong đó bao gồm một bộ phận báo chí Mỹ.
Nguyệt san “Chính luận” của Nhật Bản số ra tháng 1/2013 đăng bài của Goosen Yoshihisa, biên tập viên đặc biệt của tờ “Sankei Shimbun” thường trú tại Oasinhtơn cho biết bối cảnh chung trong chính sách Trung Quốc của Chính quyền Obama hiện nay là “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, thể hiện trong lĩnh vực an ninh là chiến lược “tái cân bằng”, lấy việc triển khai sức mạnh quân sự làm nội dung chính. Từ khi nêu ra chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, việc trang bị cho các nước đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương luôn là “trọng tâm trong mọi trọng tâm” của Chính quyền Obama, còn các loại vũ khí trang thiết bị tiên tiến mà Mỹ dự định bán cho các nước khu vực xung quanh Trung Quốc năm 2013 sẽ tăng mạnh. Ngày 24/12/2012 Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức thông báo với Quốc hội sẽ bán cho Hàn Quốc bốn máy bay không người lái “Global Hawk”. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết trước đó quân đội Hàn Quốc luôn có ý định mua máy bay “Global Hawk” nhưng không được Mỹ hồi đáp, nay lại chủ động đưa đến trước cửa nhà của Hàn Quốc, đồng thời quân đội Mỹ cũng vừa bố trí máy bay “Osprey” ở Okinawa, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng có kế hoạch mua loại máy bay trực thăng cánh quạt này để tăng cường phòng vệ ở các đảo phía Tây Nam. Ngày 3/1 Obama đã ký dự án ủy quyền quốc phòng năm 2013, trong đó có một điều khoản công khai kêu gọi Mỹ bán máy bay tiên tiến F-16C/D hoặc loại máy bay chiến đấu tương tự cho Đài Loan.
III- Có thể xảy ra va chạm?
Trung Quốc là nước lớn mới nổi đang trỗi dậy, Mỹ lại tìm đủ mọi cách để kiềm chế, do đó năm 2013 giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ xảy ra va chạm dữ dội. Trang mạng của đài truyền hình Iran “Press TV” đăng bài của Tổng thư ký Hội liên hiệp Hồi giáo Tây Ban Nha Yusuf Fernandez, viết rằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ rõ ràng có mặt nhằm vào Trung Quốc, ngoài tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ còn tích cực lôi kéo các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương để bao vây, kiềm chế Trung Quốc một cách toàn diện, muốn thông qua các tuyến đường biển trọng yếu ở vùng Vịnh Pécxích, vùng biển châu Á và Eo biển Malắcca để khống chế đường vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Như vậy tất sẽ khiến tình hình quân sự căng thẳng giữa hai nước leo thang, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ ở cả lục địa châu Á, thậm chí có thể dẫn đến đối đầu công khai giữa Trung Quốc và Mỹ, từ đó dễ dẫn đến bờ vực xung đột mang tính hủy diệt trên toàn thế giới.
Bài viết cho rằng các căn cứ quân sự của Mỹ trên dọc tuyến biên giới giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ tạo thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh, đó là một trong những biện pháp của Mỹ nhằm bao vây toàn diện Trung Quốc. Hiện nay ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philíppin, Thái Lan, Xinhgapo, Guam và Ôxtrâylia, Mỹ đều đã thiết lập căn cứ quân sự. Không những thế, Tổng thống Mỹ Obama còn cho biết Liên minh Mỹ-Nhật là “trụ cột an ninh ở khu vực”, tỏ ý ca ngợi kế hoạch của Ấn Độ phát huy vai trò quan trọng hơn “với tư cách là nước lớn châu Á”. Tháng 11/2012, Mỹ và Philíppin đã ký “Tuyên bố chung Manila ”, tuyên bố hai nước cần phải xây dựng quan hệ quân sự vững chắc hơn nữa. Gần đây Obama đi thăm Mianma để làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Ngoài ra, Mỹ còn thiết lập lại quan hệ quân sự và chính trị với Việt Nam, đồng thời lợi dụng sự hiện diện quân sự của mình trên tuyến đường biển trọng yếu của thế giới nhằm khống chế đường vận chuyển năng lượng của Trung Quốc.
“Báo cáo tình hình thế giới năm 2030” của Mỹ cũng cho biết, trạng thái đối lập giữa Mỹ là nước duy trì ảnh hưởng ở châu Á với Trung Quốc là nước có xu hướng hoạt động trên biển ngày càng mạnh có thể sẽ gay gắt thêm, nếu không có cơ chế an ninh khu vực vững chắc thì tình hình căng thẳng ở châu Á có thể sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của Mỹ, quan hệ giữa các nước xung quanh Trung Quốc và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục xấu đi. Báo “ Asia Times Online ” ở Hồng Công cho rằng Obama chuyển sang bao vây Trung Quốc, có kế hoạch liên minh không chính thức với các nước láng giềng của Trung Quốc và các nước châu Á khác nhằm gây sức ép đối với Bắc Kinh. Việc Mỹ bao vây Trung Quốc đem lại hậu quả là một loạt thế lực mới và cũ ở châu Á xuất hiện, không những chỉ có Nhật Bản mà Việt Nam và Ấn Độ cũng đều mượn thời cơ Mỹ và Trung Quốc va chạm để cùng trỗi dậy. Các nước này tự nhiên sẽ nhảy múa theo điệu nhảy của Mỹ.
IV- Hợp tác vẫn là chủ đề song phương
Bài báo cho rằng trong năm 2013 quan hệ Trung - Mỹ tuy có thể có một số trắc trở nhưng tình hình chung sẽ không mất kiểm soát, không thể xảy ra cục diện đối đầu theo hướng đưa thế giới đến bờ vực xung đột mang tính hủy diệt như trên đã nói. Bên cạnh va chạm vẫn đồng thời có hợp tác, hơn nữa hợp tác sẽ vẫn là chủ đề song phương. Đúng như Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel J. Locklear đã nói, “tất cả các bên tham gia quan trọng trong môi trường an ninh toàn cầu sẽ đều không thể không xem xét quan hệ Trung-Mỹ trong mấy chục năm tới, không có nơi nào quan trọng hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giữa chúng ta (Mỹ) và Trung Quốc đang có những lợi ích đi đến nhất trí với nhau, đó là điều căn bản”. J. Locklear còn cho rằng điều mà người dân Trung Quốc cần cũng chính là điều mà người dân ở Mỹ đang cần, đó là đem lại cho trẻ em môi trường an ninh và có một ngày mai tốt đẹp hơn. Hai nước đều phải thừa nhận rằng cả hai đều là một bộ phận của xã hội toàn cầu, phải đặt trọng tâm vào tính chất chung, thúc đẩy lợi ích chung, đồng thời thử nghiệm xem có thể có đột phá trong những lĩnh vực như vậy được hay không. Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao 34 năm, quan hệ song phương có thể nói là quanh co khúc khuỷu, vừa đấu tranh trắc trở cũng vừa hợp tác ổn định.
Đến nay mặc dù giữa hai nước vẫn còn rất nhiều bất đồng nhưng hai nước đều cho rằng quan hệ Trung - Mỹ là cặp quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời cũng là cặp quan hệ phức tạp nhất thế giới, liệu hai nước có chung sống được với nhau hay không, ảnh hưởng của quan hệ hai nước như vậy sẽ vượt xa phạm trù quan hệ song phương, liên quan đến hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả thế giới. David Shambaugh, Giáo sư Khoa chính trị học và quan hệ quốc tế, Đại học Oasinhtơn nói, quan hệ Trung - Mỹ luôn có đặc điểm rõ rệt là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, trước đây tương đối cân bằng nhưng hiện nay trạng thái cân bằng này đã có sự chuyển dịch, cạnh tranh tăng lên mạnh hơn, đó là trạng thái “cạnh tranh cùng tồn tại”. Có chuyên gia Mỹ còn quy quan hệ Trung - Mỹ thành trạng thái hợp tác, cạnh tranh, va chạm cùng tồn tại. Trung Quốc luôn thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ phát triển lành mạnh, tới đây sẽ vẫn như vậy. Bill Gross, Cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao, Cố vấn kiểm soát hạt nhân và giải trừ quân bị của Mỹ thời kỳ Chính quyền Clinton, gần đây có bài viết kêu gọi Mỹ phải thấy rõ được rằng Trung Quốc còn không gian rất rộng để trỗi dậy, nước Mỹ vừa không thể ngăn cản, lại vừa không thể lật đổ, vì thế phương thức chung sống hiệu quả nhất là hai bên tiếp tục tìm kiếm điểm chung, chiều sâu về lợi ích chung trên cơ sở hợp tác cùng tồn tại.
Lê Sơn (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...