02/11/2013
Mấy năm gần đây, cùng với quan hệ Ấn-Mỹ nhanh chóng ấm lên, hợp tác quốc phòng giữa hai nước không ngừng được nâng lên, số lần diễn tập chung giữa hai nước đặc biệt tăng mạnh.
Quan hệ quốc phòng là một phần của mối quan hệ địa-chính trị, có mối liên hệ chặt chẽ và nhạy cảm với tình hình chính trị, quan hệ quốc phòng tốt đẹp càng có khả năng thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ giữa các nước, việc đi sâu mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã đặc biệt phản ánh chiều sâu và chiều rộng của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Do nỗ lực chung của hai bên, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ không những được mở rộng mà chiều sâu hợp tác cũng không ngừng được tăng cường.
Thứ nhất, giao lưu quân sự cấp cao diễn ra liên tiếp. Ví dụ, chỉ tính riêng 4 năm gần đây, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã thực hiện 5 chuyến thăm viếng lẫn nhau, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã tới thăm Mỹ 2 lần vào năm 2008, 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới thăm Ấn Độ 2 lần vào năm 2008, 2010 và Bộ trưởng Leon Panetta tới thăm Ấn Độ năm 2012. Tháng 7/2012, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã có chuyến thăm Ấn Độ. Các chuyến thăm viếng lẫn nhau của bộ trưởng quốc phòng với tần suất cao như vậy là điều hiếm thấy giữa các nước, thậm chí là giữa Mỹ với các nước đồng minh khác. Ngoài ra, từ năm 2010, hai nước đã lần lượt tiến hành 3 phiên đối thoại chiến lược cấp cao, đề cập tới nhiều lĩnh vực như quốc phòng, kinh tế thương mại, các vấn đề khu vực và giáo dục v.v… Để tạo thuận lợi cho trao đổi và bàn bạc, hai nước còn thiết lập Tiểu ban chính sách quốc phòng chung dựa theo “Biên bản ghi nhớ quan hệ quốc phòng” ký năm 1995, đây được coi là cơ cấu thường trực về hợp tác quốc phòng song phương mang tính tổng hợp giữa chính phủ hai nước, nó có chức năng chủ yếu là chỉ đạo chính sách và kiểm tra hạng mục công việc trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng song phương cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình hợp tác. Qua hơn chục năm hoạt động, chức năng của tiểu ban này ngày càng hoàn thiện, hiện có 6 nhóm công tác trực thuộc gồm: nhóm hợp tác công nghệ cao, nhóm công nghệ chung, nhóm hợp tác quân sự, nhóm mua sắm và sản xuất quốc phòng, nhóm công tác quốc phòng chung và nhóm thực hiện hợp tác. Tháng 2/2012, tiểu ban chính sách quốc phòng chung đã tiến hành 12 lần đối thoại, hai bên đã thảo luận về hợp tác trong các phương diện buôn bán vũ khí, diễn tập quân sự, đào tạo nhân viên quân sự và chuyển nhượng công nghệ v.v…
Thứ hai, các cuộc diễn tập chung không ngừng nâng cấp. Các cuộc diễn tập chung Ấn-Mỹ hàng năm liên quan tới tất cả các quân chủng, hơn nữa quy mô ngày càng lớn, cấp độ ngày càng cao, thậm chí thường có sự tham gia của tàu sân bay. Tháng 3/2012, hai nước tiến hành cuộc diễn tập “chuẩn bị chiến tranh” lần thứ 7 ở sa mạc Thar của Ấn Độ. Cuộc diễn tập không quân mang tên “Cope India” giữa hai nước được tổ chức hai năm một lần. Do Ấn Độ không có lực lượng lính thủy đánh bộ nên các cuộc diễn tập giữa quân đội Ấn Độ và lính thủy đánh bộ Mỹ chủ yếu do Lục quân Ấn Độ chịu trách nhiệm, cuộc diễn tập mang tên “Shtrujeet” được hai bên bắt đầu tiến hành từ năm 2010. Các cuộc diễn tập của lực lượng đặc nhiệm hai nước thường được đưa vào trong diễn tập của hải quân, lục quân và không quân, nhưng cũng có các cuộc diễn tập riêng, chẳng hạn cuộc diễn tập “Vajra Prahar”. Trong tất cả các cuộc diễn tập, quy mô của hải quân là lớn nhất, mỗi năm diễn tập 4 lần gồm: Malabar, Habu Nag, Spitting Cobra và Salvex.
Thứ ba, quy mô Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ ngày càng mở rộng. Mỹ bán vũ khí và công nghệ cho Ấn Độ là nội dung quan trọng của hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tháng 4/2002, Mỹ và Ấn Độ ký hiệp ước quân sự theo đó Ấn Độ sẽ mua hệ thống rađa từ công ty Raytheon của Mỹ, mở màn cho việc mua bán vũ khí giữa hai nước trong thế kỷ mới. Tháng 11/2002, hai nước thành lập tiểu ban hợp tác công nghệ cao nhằm thúc đẩy thương mại công nghệ cao bao gồm trang thiết bị quân sự, đồng thời xây dựng cơ sở niềm tin thúc đẩy các thương vụ chiến lược khác. Năm 2005, Ấn Độ và Mỹ ký “khuôn khổ quan hệ quốc phòng mới”, đặt nền tảng cho việc nâng cấp quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Hiệp định khung này lập quy hoạch hợp tác quân sự cho hai nước trong 10 năm tiếp theo, đề cập tới diễn tập chung, hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất trang thiết bị vũ khí, đào tạo và trao đổi nhân viên v.v… Sau đó, hai nước đã thành lập tổ mua sắm-sản xuất quốc phòng và nhóm công tác chung. Để đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Ấn Độ, Mỹ đã dần gỡ bỏ một số hạn chế xuất khẩu công nghệ cao. Tháng 7/2009, hai nước đã ký “Hiệp định giám sát người sử dụng cuối cùng”, Mỹ đồng ý bán cho Ấn Độ một số kỹ thuật quân sự tối tân. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 11/2010, Obama tuyên bố Mỹ sẽ nới lỏng hạn chế xuất khẩu kỹ thuật cho Ấn Độ đã được thực thi từ năm 1998 đến nay, hủy bỏ quy định cấm Ấn Độ mua sắm kỹ thuật “lưỡng dụng”. Tiếp đó, Mỹ đã sửa đổi chế độ chuyển nhượng kỹ thuật, loại bỏ một số doanh nghiệp của Ấn Độ khỏi danh sách đen, đồng thời đưa New Delhi vào danh sách các nước đối tác chuyển nhượng kỹ thuật tối tân. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết Washington sẵn sàng cùng New Delhi nỗ lực phá vỡ thủ tục quan liêu ở mỗi nước để nâng cấp việc buôn bán vũ khí, đồng thời giao cho Thứ trưởng Ashton Carter phụ trách việc này. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 7/2012, Thứ trưởng Ashton Carter cho biết trong tương lai, quan hệ Ấn-Mỹ sẽ vượt qua mối quan hệ thương mại hoặc mua bán vũ khí đơn thuần, bước vào giai đoạn cùng nghiên cứu phát triển và hợp tác sản xuất, và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo là một lĩnh vực tiềm tàng để hai nước triển khai hợp tác quốc phòng kiểu này.
Những hiệp định hợp tác quốc phòng này và mong muốn đạt được mục đích giữa Mỹ và Ấn Độ đã thúc đẩy việc buôn bán vũ khí giữa hai nước. Tháng 1/2009, Ấn Độ và Mỹ ký hiệp định theo đó Ấn Độ mua 8 chiếc máy bay tuần tra trên biển P-8 của Mỹ với số tiền là 2,1 tỷ USD, đây là hiệp định mua sắm quốc phòng có giá trị cao nhất giữa hai nước cho đến thời điểm này, Ấn Độ cũng là nước đầu tiên có được loại máy bay này của Mỹ, ngay cả các đồng minh của Mỹ là Australia và Anh rất có hứng thú với loại máy bay này cũng chưa thể ký những hợp đồng mua sắm như vậy với Mỹ. Tháng 10/2010, Ấn Độ lại đặt mua 4 máy bay tuần tra trên biển P-8 của Mỹ. Cũng trong năm này, Ấn Độ đã mua 24 tên lửa không đối đất Harpoon Block II do Mỹ sản xuất. Tháng 2/2011, Ấn Độ mua của Mỹ 6 máy bay vận tải C-130J. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Mỹ được chuyển tới Ấn Độ. Tháng 6/2011, Ấn Độ quyết định mua máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ với số tiền lên tới 4,1 tỷ USD, một khi được thực hiện, vụ mua sắm này sẽ tạo lập kỷ lục cao nhất trong giá trị hợp đồng mua sắm quân sự giữa hai nước. Trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta ở thăm Ấn Độ tháng 6/2012, hai nước lại ký hợp đồng mua sắm quân sự có trị giá 647 triệu USD. Tháng 8, Ấn Độ có kế hoạch đặt mua 22 chiếc máy bay trực thăng tấn công Apache của công ty Boeing với số tiền 1,4 tỷ USD. Theo thống kê, từ năm 2002 tới nay, Mỹ và Ấn Độ đã ký hơn 20 hiệp định bán vũ khí với tổng trị giá lên tới gần 10 tỷ USD, trong đó không kể các vụ mua bán với số tiền nhỏ. Ví dụ như năm tài khóa 2011, hợp đồng mua bán vũ khí Mỹ-Ấn có số tiền là 4,9 tỷ USD, chiếm 17,3% trong 28,3 tỷ USD bán vũ khí của Mỹ. Ấn Độ vì vậy trở thành nước mua vũ khí lớn thứ ba của Mỹ, chỉ sau Đài Loan và Afghanistan.
Thứ tư, hợp tác chống khủng bố từng bước được tăng cường. Chống khủng bố cũng là nội dung quan trọng của hợp tác quân sự Ấn-Mỹ. Ngay từ năm 2000 hai nước đã thành lập nhóm công tác chung chống khủng bố với nhiệm vụ chủ yếu là trao đổi thông tin tình báo, đào tạo phương pháp chặn đứng dây chuyền cung cấp vật tư và tiền cho tổ chức khủng bố cũng như quản lý và giám sát biên giới v.v… Sau sự kiện 11/9, hợp tác chống khủng bố giữa hai nước được tăng cường hơn nữa. Trước và sau khi Mỹ tấn công quân sự ở Afghanistan, Ấn Độ đã ủng hộ Mỹ mạnh mẽ, bao gồm cung cấp ảnh vệ tinh về Afghanistan và thông tin tình báo cho Mỹ, thậm chí lần đầu tiên cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của Ấn Độ, đây là sự “đãi ngộ” mà ngay cả Liên Xô trước đây có quan hệ “bán đồng minh” với Ấn Độ cũng chưa từng được hưởng. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ còn hộ tống cho Hạm đội Mỹ đi qua eo biển Malacca và biển Andaman. Sự giúp đỡ tích cực của Ấn Độ đã nhận được sự khen ngợi của Mỹ, Mỹ gọi Ấn Độ là “một đồng minh phi chính thức quan trọng” trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Sau khi xảy ra vụ đánh bom kinh hoàng ở Mumbai cuối tháng 11/2008 (gần 200 người thiệt mạng trong đó có 6 người Mỹ), hợp tác chống khủng bố giữa hai nước được tăng cường hơn nữa. Cục Điều tra liên bang Mỹ lần đầu tiên đã tham gia vụ điều tra của Ấn Độ, phỏng vấn 70 người chứng kiến sự việc, có được một số thông tin tình báo, phản hồi tin tức cho Ấn Độ. Đồng thời, Mỹ còn viện trợ kỹ thuật để Ấn Độ điều tra vụ án này. Tháng 10/2009, Mỹ đã bắt được hai kẻ nghi phạm có dính líu tới vụ đánh bom Mumbai ở Chicago . Tháng 7/2010, hai nước đã ký “Sáng kiến hợp tác chống khủng bố”. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 11/2010, Tổng thống Obama nêu rõ: “Chủ nghĩa khủng bố với bất kể hình thức nào đều cần bị lên án”, “hai nước phải tăng cường hợp tác chống khủng bố”. Tháng 3/2011, hai nước tiến hành hội nghị nhóm công tác chống khủng bố lần thứ 9. Tháng 5, hai nước tổ chức đối thoại an ninh lãnh thổ lần đầu tiên, quyết định nâng cao mức độ hợp tác chống khủng bố bao gồm cùng chia sẻ thông tin tình báo, đảm bảo dây chuyền cung ứng toàn cầu, phá tan các hoạt động tài chính bất hợp pháp, nâng cao an ninh mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh then chốt. Dưới sự giúp đỡ của tình báo Mỹ, tháng 6/2012 Ấn Độ đã bắt được nghi phạm chính của vụ đánh bom ở Mumbai. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác đào đạo nhân viên quân sự. Mỹ đã thông qua dự án “Giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế” đào tạo nhân viên quân sự cho Ấn Độ. Dự án này chuyên phục vụ cho các đồng minh và các nước hữu nghị của Mỹ. Trong dự án này, sự trợ giúp của Mỹ dành cho Ấn Độ tăng từ 500.000 USD năm 2001 lên 140 triệu USD năm 2011; nhân viên quân sự Ấn Độ có thể lựa chọn chương trình học mình cảm thấy hứng thú từ 2000 chương trình thuộc 150 trường quân sự của Mỹ.
Nguyên nhân căn bản khiến hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ có thể liên tục được tăng cường là do hai nước đang có lợi ích chung trong vấn đề này, đều hy vọng thông qua hợp tác quốc phòng nâng cấp toàn diện quan hệ hai nước. Trước tiên, hai nước đều hy vọng dựa vào hợp tác quốc phòng nâng cấp quan hệ song phương. Cùng với trọng tâm chính trị, kinh tế thế giới dịch chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ tuyên bố “quay trở lại” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tới năm 2020, 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ được triển khai ở khu vực này. Vì lý do này, Mỹ cần các đối tác có thể đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn trong các hành động có cường độ thấp ở châu Á, có thể đem lại cơ hội huấn luyện thậm chí căn cứ quân sự cho Mỹ. Do vị trí chiến lược, quy mô và lực lượng quân sự tương đối tiên tiến của mình, Ấn Độ đã trở thành đối tác có sức hút nhất đối với Mỹ. Một khi Mỹ sử dụng cơ sở quân sự của Ấn Độ thì điều này sẽ có nghĩa là Mỹ có khả năng tránh để các đồng minh truyền thống châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia có những thay đổi nhanh chóng. Chỉ xét về địa chính trị, Ấn Độ nằm giữa hai khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích quốc gia Mỹ. Vòng cung bất ổn của thế giới từ Bắc Phi xuyên qua Trung Đông, sau đó tiến vào Pakistan và Afghanistan, cuối cùng dừng ở biên giới phía Tây Ấn Độ. Ở phía Đông Ấn Độ, Trung Quốc đang trỗi dậy và có tranh chấp biên giới với Ấn Độ, hơn nữa theo một số người Mỹ nó có thể sẽ tạo thành thách thức đối với bá quyền Mỹ. Ngoài ra, lãnh thổ Ấn Độ đi sâu vào Ấn Độ Dương, chiếm vị trí hết sức quan trọng ở khu vực có địa vị chiến lược ngày một nổi rõ này. Vì vậy, nhiều thách thức và vấn đề mang tính toàn cầu của Mỹ cũng là thách thức và vấn đề khu vực của Ấn Độ, nước này có thể lợi dụng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để giúp Mỹ giải quyết những vấn đề này. Có nhà phân tích của Mỹ chỉ ra rằng Ấn Độ lợi dụng sức mạnh liên tục tăng lên để theo đuổi lợi ích quốc gia của mình, điều này cũng có lợi cho Mỹ. Vì Ấn Độ có Lục quân đứng thứ ba, Không quân đứng thứ tư và Hải quân đứng thứ năm thế giới, hơn nữa đều đã thực hiện hiện đại hóa, điều này có thể giúp Mỹ đối phó với một số thách thức. Cựu đại sứ Mỹ ở Ấn Độ Robert Blackwill từng nói: “Mỹ là nước cung cấp trang thiết bị quân sự đáng tin cậy của Ấn Độ, lực lượng quân sự Ấn Độ lớn mạnh, có hiệu quả phù hợp với lợi ích của Mỹ. Ấn Độ sẽ ủng hộ mạnh mẽ Mỹ trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa thế giới, tấn công chủ nghĩa khủng bố cũng như đảm bảo an ninh các tuyến đường biển có tính sống còn mà kinh tế thế giới dựa vào.” Để làm cho Ấn Độ phát huy được những vai trò này, Mỹ đã thông qua các con đường bao gồm hợp tác quốc phòng nhằm không ngừng thắt chặt quan hệ với Ấn Độ.
Các nhà phân tích Mỹ cho biết thông qua hợp tác quốc phòng có thể thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, hợp tác quốc phòng là vô cùng quan trọng vì nó có thể hàn gắn những bất đồng ngắn hạn hoặc lâu dài giữa hai bên. Về phía Mỹ, hợp tác quốc phòng có thể là cách tốt nhất thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ. Cựu Trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Nam Á, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, Karl F. Inderfurth, cho biết: “Liên kết sức mạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự lại với nhau, quan hệ Ấn-Mỹ có tiềm năng thay đổi sự phân bố lực lượng của châu Á và thế giới, và hợp tác quốc phòng-an ninh là phần cấu thành then chốt của mối quan hệ này.” Trong thời gian ở thăm Ấn Độ, Tổng thống Obama cũng công khai cho biết: “Sự nâng cấp của mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước mấy năm gần đây đã giúp tăng cường sự hiểu biết của hai nước đối với hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường khả năng đối phó với thách thức như thảm họa thiên nhiên, chủ nghĩa khủng bố và cướp biển của các bên, đẩy mạnh sự phát triển của mối quan hệ song phương. Nói tóm lại, theo Mỹ, một Ấn Độ hùng mạnh có lợi cho Mỹ duy trì sự ổn định và cân bằng lực lượng của châu Á. Cho dù các đồng minh châu Á khác cũng có thể phát huy vai trò này, nhưng trong 20 năm tới Ấn Độ có khả năng sẽ trở thành đối tác quan trọng nhất của Mỹ.
Ấn Độ với thực lực khá yếu kém tự nhiên càng mong muốn hợp tác quốc phòng với siêu cường Mỹ. Ấn Độ hy vọng trở thành nước lớn thế giới, có một ghế trên vũ đài quốc tế nên cần có môi trường bên ngoài tốt đẹp và điều này không tách rời sự ủng hộ và giúp đỡ của Mỹ. Vì vậy, Ấn Độ cần phát triển mối quan hệ hợp tác với Mỹ ở nhiều phương diện, chẳng hạn quốc phòng. Các nhà phân tích của Ấn Độ nhận thức được “chức năng quan trọng của ngoại giao quốc phòng là đạt được mục tiêu chính sách ngoại giao và an ninh đặc biệt. Nó không chỉ giúp tăng thêm niềm tin, mà còn có thể thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên phương diện chính trị và kinh tế. Điểm này được thể hiện hết sức rõ rệt trong quan hệ Ấn-Mỹ. Ngoại giao quốc phòng đã giúp nâng cao mạnh mẽ mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Ấn Độ muốn trỗi dậy trở thành nước lớn thế giới thì cần thiết lập mối quan hệ gắn bó với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.” Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Ấn Độ, Gill cũng phân tích: “mối quan hệ lành mạnh Ấn-Mỹ không tách khỏi sự thúc đẩy của hợp tác quốc phòng chặt chẽ.”
Thứ hai, hai nước đều hy vọng thông qua hợp tác quốc phòng để tấn công chủ nghĩa khủng bố. Mỹ luôn là đối tượng tấn công trọng điểm của các phần tử khủng bố. Năm 1993, 1998, Trung tâm thương mại thế giới và sứ quán Mỹ ở Kenya , Tanzania đều bị tấn công khủng bố. Sự kiện 11/9 là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất Mỹ phải gánh chịu kể từ khi Chiến tranh hai miền Nam-Bắc trong nước kết thúc đến nay. Sau đó, mặc dù Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, nhưng các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ và người Mỹ vẫn liên tiếp xảy ra. Năm 2011, các vụ tập kích nhằm vào người Mỹ trên khắp thế giới đã khiến 17 người Mỹ thiệt mạng, 14 người bị thương, ngoài ra có 3 người bị bắt cóc. Tháng 9/2012, Đại sứ Mỹ tại Lybia Christopher Stevens và ba nhân viên sứ quán đã thiệt mạng do bị tấn công khủng bố. Những điều này cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa chủ yếu mà nước Mỹ phải đối mặt. Một khi tổ chức Al-Qaeda và các thành viên của nó sử dụng kỹ thuật và vũ khí mang tính hủy diệt thì tất sẽ giáng những đòn nặng nề vào an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ. Vì vậy, “Mỹ phải tích cực áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đồng thời xóa bỏ những mối đe dọa này”. Tuy nhiên, chỉ dựa vào bản thân nước Mỹ thì căn bản không có cách nào thực hiện được mục tiêu này. Do đó, Mỹ cần liên kết với các nước khác để cùng nhau chống khủng bố. Do có kinh nghiệm phong phú về chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, thêm vào đó lại tiếp giáp với Pakistan, liền kề với Afghanistan và Trung Đông, Ấn Độ tự nhiên đã trở thành đối tượng Mỹ tranh thủ hợp tác. Đúng như lời một chuyên gia về vấn đề Nam Á của Mỹ: “Chiến lược an ninh và năng lực quốc phòng liên tục mạnh lên của Ấn Độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Mỹ sau sự kiện 11/9 vì tổ chức thực hiện các vụ tập kích khủng bố nhằm vào Mỹ lại nằm ở khu vực Nam Á, các cuộc bàn bạc về hợp tác chống khủng bố đã giúp Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau.” Các quan chức Mỹ thừa nhận: “Mỹ sẽ coi quan hệ với Ấn Độ là mối quan hệ then chốt để duy trì sự ổn định lâu dài của châu Á và tấn công chủ nghĩa khủng bố, việc nâng cấp quan hệ quốc phòng giữa hai nước là điều cần thiết để thực hiện những mục tiêu này.”
Ấn Độ là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và đa ngôn ngữ, các mâu thuẫn đan xen phức tạp vì vậy việc liên tiếp xảy ra các vụ khủng bố ở trong nước, cộng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo ở Nam Á và sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo, khiến mối đe dọa khủng bố mà Ấn Độ phải đối mặt ngày càng nghiêm trọng. Chuyên gia chống khủng bố nổi tiếng của Ấn Độ B.Raman cho biết: “Cái gọi là tổ chức khủng bố ‘thánh chiến’ xuất hiện với các động cơ sinh trưởng nhanh như nấm mọc sau mưa mang lại những mối đe dọa hết sức to lớn đối với Ấn Độ.” Hiện nay, các mối đe dọa mà an ninh trong nước Ấn Độ phải đối mặt chủ yếu đến từ 3 thế lực lớn: Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, lực lượng vũ trang chống chính phủ cánh tả (Naxalites), chủ nghĩa chính giáo tôn giáo và chủ nghĩa hiếu chiến. Năm 2011, ba thế lực này đã gây ra các vụ xung đột khiến 1074 người thiệt mạng ở 254 khu thuộc 640 khu vực hành chính của Ấn Độ. Trong đó, 182 khu vực thuộc 20 bang chịu ảnh hưởng của lực lượng vũ trang chống chính phủ cánh tả. Từ năm 1994-2011, có 61.323 người thiệt mạng do các vụ tấn công khủng bố, trong đó có 23.521 dân thường; 9 tháng đầu năm 2012, lần lượt là 623 người và 189 người. Để tấn công chủ nghĩa khủng bố, Ấn Độ một mặt áp dụng một loạt biện pháp chống khủng bố, mặt khác hy vọng có thể hợp tác với nước Mỹ hùng mạnh nhất, dựa vào năng lực và kinh nghiệm chống khủng bố của Mỹ.
Thứ ba, hai nước có ý đồ thông qua hợp tác quốc phòng kiềm chế Trung Quốc. Từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai tới nay, những toan tính hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Mỹ là ngăn chặn sự xuất hiện ở châu Âu hoặc châu Á một kẻ tranh giành bá quyền tạo thành mối đe dọa đối với Mỹ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ cho rằng Liên Xô tạo thành mối đe dọa bá quyền đối với mình. Sau Chiến tranh Lạnh, cùng với thực lực của Trung Quốc liên tục tăng lên, Mỹ lại coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất. Để đối phó với cái gọi là sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường hai trụ cột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (liên minh quân sự song phương và bố trí lực lượng quân sự hùng mạnh ở dải tiền duyên), hơn nữa tích cực thúc đẩy các quốc gia mang tính then chốt trỗi dậy về quân sự và kinh tế, những nước này có tiềm năng, có mong muốn ngăn chặn Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm của khu vực để Mỹ giữ chủ đạo cục diện châu Á-Thái Bình Dương vĩnh viễn. Trước đây Mỹ không hề đánh giá cao Ấn Độ, xem nhẹ vai trò của nước này ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, nhưng hiện nay lại cho rằng Ấn Độ có thể phát huy vai trò cân bằng ở hai khu vực này. Chuyên gia các vấn đề quốc tế nổi tiếng của Mỹ Robert Kaplan cho biết: “Ấn Độ sẽ trỗi dậy đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới… từ góc độ quân sự, sự trỗi dậy của Ấn Độ sẽ mang đến sự lớn mạnh của hải quân, điều này làm cho Ấn Độ có thể thể hiện hơn nữa ở Ấn Độ Dương, về phương diện cân bằng với Trung Quốc, Ấn Độ là một lực lượng quan trọng”. Các nhà quyết sách Mỹ đã không công khai đề cập tới nỗi lo ngại của Ấn Độ đối với Trung Quốc đồng thời coi đó là động lực tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ vì New Delhi lo ngại sự viện trợ quân sự của Washington sẽ bị Bắc Kinh hiểu là nhằm vào Trung Quốc; nhưng Washington tỏ ra rất hào hứng với việc viện trợ quân sự, nâng cao sức mạnh quân sự cho Ấn Độ vì điều này có thể giúp tăng cường sự tự tin của Ấn Độ đối phó với mọi tình huống khẩn cấp có khả năng xuất hiện khi đối diện với Bắc Kinh. Có học giả chỉ ra rằng khi cân nhắc về nhân tố Trung Quốc, Chính quyền Obama đặc biệt hy vọng có thể nâng cấp toàn diện quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ vì sự bao vây chiến lược của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc chính là tạo điều kiện cho Ấn Độ trở thành một phần không thể chia cắt trong dây chuyền quân sự ở châu Á. Nếu Trung Quốc trở nên không ổn định, Mỹ có thể xây dựng liên minh vững chắc với Ấn Độ để ngăn chặn sự bành trướng của nước này.
Ấn Độ tương tự hết sức lo ngại đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo chính trị tối cao của nước này cho rằng trong ngắn hạn Trung Quốc nhất định tạo thành mối đe dọa đối với Ấn Độ, nhưng về lâu dài thì điều này là không thể. Các quan chức quân đội Ấn Độ nhiều lần cảnh báo chính phủ rằng thực lực quân sự của nước này ngày càng không đối xứng với Trung Quốc. Lãnh đạo Hải quân Ấn Độ cho biết Ấn Độ không có khả năng làm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc. Cựu Tổng tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ cho biết mối đe dọa của Trung Quốc đối với Ấn Độ đã hơn hẳn mối đe dọa của Pakistan . Mặc dù Trung Quốc nhiều nhất chỉ đặt Ấn Độ ở vị trí ưu tiên an ninh cấp độ 3 – đặt hẳn xa sau an ninh nội bộ của Trung Quốc và các thách thức trên biển Đông Á, nhưng Ấn Độ lại đặt Trung Quốc ở vị trí ưu tiên an ninh cấp độ 1. Theo Ấn Độ, Trung Quốc chứ không phải Mỹ có thể ngăn chặn nước này trong các lĩnh vực như địa chính trị hoặc tạo thành người cạnh tranh với nước này. Các nhà quyết sách Ấn Độ cho rằng việc liên kết thành đồng minh với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ, song trước sự vươn lên không ngừng của Trung Quốc và những tác động của nó đối với châu Á và thế giới, đối sách phù hợp nhất là nâng cao thực lực quốc gia để duy trì sức cạnh tranh thậm chí tạo thành sự răn đe nhất định đối với Trung Quốc, và Mỹ có thể phát huy vai trò quan trọng giúp Ấn Độ thực hiện mục tiêu này. Họ còn cho rằng tuy thực lực của Trung Quốc được nâng lên nhanh chóng, nhưng Ấn Độ chắc chắn không thể từ bỏ niềm tin giành vị trí ngang hàng với Trung Quốc vì Ấn Độ đang đứng trước những thời cơ tuyệt vời khi quyền lực châu Á được sắp đặt lại cũng như mối quan hệ nước lớn liên tục được điều chỉnh; mấu chốt để thực hiện được mục tiêu này là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Mỹ, điều này làm cho Ấn Độ có thể đóng vai trò cân bằng Trung Quốc ở trong và ngoài khu vực, từ đó làm cho Trung Quốc hiểu rõ lập trường của Ấn Độ trong vấn đề biên giới cũng như mối quan tâm của nước này đối với việc Trung Quốc viện trợ cho Pakistan; Ấn Độ không thể trông chờ Moskva phát huy vai trò này vì mấy năm gần đây Nga đã tiến gần về phía Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết: “Trong tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, lập trường của Ấn Độ và Mỹ là nhất trí cao độ: cùng cố gắng hợp tác ngăn chặn Trung Quốc trở thành quốc gia mang tính chủ đạo… Nói tóm lại, Trung Quốc trỗi dậy làm cho Ấn Độ và Mỹ không ngừng tăng cường sự phối hợp về ngoại giao và chiến lược”.
Cuối cùng, Mỹ và Ấn Độ có ý định thông qua hợp tác quốc phòng đẩy mạnh việc buôn bán vũ khí giữa hai nước. Mỹ hy vọng thông qua hợp tác quốc phòng chiếm được thị trường vũ khí to lớn của Ấn Độ. Từ năm 2007-2011, Ấn Độ luôn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với số tiền là 12,7 tỷ USD, chiếm 10% tổng số tiền nhập khẩu vũ khí của thế giới. Năm 2012, số tiền nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ ước tính là 30 tỷ USD. Trung tâm nghiên cứu chiến tranh và hòa bình Stockhom Thụy Điển dự đoán đến năm 2025, số tiền Ấn Độ mua sắm trang thiết bị quốc phòng có thể lên tới 200 tỷ USD. Do Ấn Độ duy trì xu thế tăng trưởng với tốc độ nhanh về nhập khẩu vũ khí nên các nhà xuất khẩu vũ khí chủ yếu đã đua nhanh giành giật thị phần của thị trường Ấn Độ. Từ năm 2000-2011, trong số vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ: Nga chiếm 77%, đứng thứ nhất; Israel 5%, Anh 4%, Mỹ, Pháp và Đức lần lượt chiếm 2%. Lẽ hiển nhiên, so với các nước cung cấp vũ khí truyền thống, Mỹ vẫn đóng một vai trò nhỏ trên thị trường vũ khí Ấn Độ. Vì vậy, Mỹ hy vọng nhanh chóng làm thay đổi tình hình này để giành được nhiều cơ hội có lợi từ các thương vụ vũ khí nhằm giúp Mỹ phục hồi kinh tế, đồng thời tạo thêm hàng nghìn cơ hội việc làm. Điều này cũng trở nên hết sức quan trọng trong tình hình Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng và kinh tế không mấy khởi sắc. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 11/2010, Tổng thống Obama bày tỏ: “Việc Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ phản ánh mối quan hệ quốc phòng vững chắc giữa hai nước chúng ta, nó sẽ giúp tạo cơ hội việc làm cho người dân Mỹ.” Cựu quan chức ngoại giao Mỹ John Schlosser cũng nói: “Việc Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ không những thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước mà còn có thể tăng cường mối liên hệ giữa doanh nghiệp quốc phòng tư nhân và Chính phủ Mỹ.” Để đẩy mạnh việc xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ, Mỹ đã nới lỏng một số điều kiện hạn chế, hơn nữa còn cử riêng nhóm đào tạo tới Ấn Độ giảng giải chương trình bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ. Đồng thời, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về quy tắc mua sắm vũ khí của Ấn Độ do Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ tổ chức.
Ấn Độ hy vọng mua vũ khí của Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự đất nước, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí, thoát khỏi sự lệ thuộc quá mức vào Nga, chiếm vai trò chủ động trên thị trường vũ khí quốc tế. Quan trọng hơn là, Ấn Độ hy vọng thông qua nhập khẩu vũ khí tiên tiến của Mỹ để đạt được hiệp định nghiên cứu phát triển vũ khí với Mỹ, giành được các công nghệ tối tân, đẩy mạnh nội địa hóa trang bị vũ khí. Ấn Độ luôn coi việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa làm mục tiêu, đồng thời coi nó là tượng trưng của nước lớn thế giới. Sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị, thực lực mềm cũng như năng lực hạt nhân của Ấn Độ đều đang liên tục tăng lên trong mấy năm gần đây nhưng lại chưa thể tự túc về trang bị vũ khí, Ấn Độ coi đó là một trở ngại lớn ngăn cản nước này trở thành nước lớn thế giới. Hiện chỉ có 15% trang thiết bị vũ khí của Ấn Độ đạt tới trình độ tiên tiến, 30% thuộc loại quen thuộc, 50% là lỗi thời; 70% trang thiết bị vũ khí cần thiết là phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ấn Độ kiên trì giành được, cuối cùng có được và duy trì việc nghiên cứu phát triển, sản xuất công nghệ trang thiết bị vũ khí. Vì lý do này, tháng 1/2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố riêng “chính sách sản xuất quốc phòng” đầu tiên của nước này, yêu cầu cuối cùng thực hiện nội địa hóa 70% vũ khí trong khi nhập khẩu công nghệ của nước ngoài.
Về tổng thể, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ dựa vào mối quan hệ tổng thể của hai nước, vừa là kết quả của mối quan hệ hai nước ấm lên nhanh chóng, vừa đẩy mạnh quan hệ hai nước phát triển. Do mục tiêu chiến lược cụ thể khác nhau, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ cũng tồn tại một số mâu thuẫn và bất đồng, chẳng hạn Ấn Độ không hài lòng với việc quân đội Mỹ viện trợ cho Pakistan, hai bên có quan điểm khác nhau đối với tiêu chuẩn chống khủng bố, Ấn Độ phản đối Mỹ thực hiện kiểm soát và chế độ giấy phép trong chuyển nhượng khoa học công nghệ cao. Mỹ phàn nàn việc Ấn Độ không nâng cao tỉ trọng đầu tư nước ngoài cho công nghiệp quốc phòng và khăng khăng phát triển quan hệ với Iran, nhưng dù trong quá khứ hay tương lai họ cũng sẽ không ngăn cản xu thế lớn của hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Vì vậy, mức độ hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ được nâng lên hơn nữa trong thời gian tới.
Đúng như những gì được chỉ ra trong báo cáo năm 2011 của Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt được những tiến triển lớn trong mấy năm gần đây nhưng chưa khai thác hết toàn bộ tiềm lực, và vẫn rất có triển vọng trong lĩnh vực này. Trong tương lai, giao lưu cấp cao giữa hai nước vẫn sẽ được tăng cường hơn nữa, đồng thời có khả năng hình thành cơ chế thăm viếng lẫn nhau hàng năm của bộ trưởng quốc phòng. Cấp độ và quy mô diễn tập quân sự chung của hai nước sẽ tiến thêm một nấc, chống khủng bố đặc biệt là hợp tác tấn công cướp biển sẽ càng trở nên thiết thực, sâu sắc. Trong đó, việc mua bán vũ khí giữa hai nước có khả năng có được những tiến triển mang tính đột phá nhất. Cùng với việc Mỹ từng bước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ đối với Ấn Độ cũng như Ấn Độ từng bước nới lỏng đầu tư cho vốn nước ngoài trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này, việc bán vũ khí của Mỹ đối với Ấn Độ sẽ mở rộng rõ rệt về mặt quy mô, nâng cao về trình độ công nghệ; hai nước thậm chí có khả năng triển khai hợp tác nghiên cứu chế tạo vũ khí. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ dần dần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và không gian vũ trụ. Và về mặt địa chính trị, Ấn Độ Dương và khu vực xung quanh nước này sẽ là những nơi hai nước hợp tác quân sự chặt chẽ nhất. Ấn Độ luôn khá nhạy cảm đối với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương, song với những tiến triển trong hợp tác song phương, Ấn Độ ngày càng hy vọng có thể hợp tác với Mỹ ở khu vực này để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường mối liên hệ kinh tế và quân sự với các nước Ấn Độ Dương. Cùng với thực lực của Trung Quốc ngày một nâng lên cũng như tăng cường sức mạnh hải quân ở Ấn Độ Dương, Mỹ và Ấn Độ sẽ không ngừng đẩy mạnh hợp tác ở khu vực này. Đại sứ Ấn Độ ở Mỹ Nirupama Rao rất am hiểu về điều này, ông cho biết: “Tuyến đường thương mại trên biển Ấn Độ Dương có ý nghĩa to lớn đối với thương mại quốc tế và năng lượng toàn cầu, hai nước sẽ cùng chia sẻ lợi ích chung về phương diện đảm bảo an ninh trên biển.”
Xét về ý nghĩa của nó, do Mỹ là nước hùng mạnh nhất thế giới, Ấn Độ là “quốc gia dân chủ” lớn nhất và là nước đông dân thứ hai thế giới hơn nữa đang trỗi dậy, việc Mỹ và Ấn Độ không ngừng tăng cường hợp tác quốc phòng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với hai nước cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương thậm chí thế giới. Từ phạm vi hai nước cho thấy trong khi tăng cường niềm tin với nhau, hợp tác quốc phòng cũng đã thúc đẩy việc thực hiện một số lợi ích của từng bên. Thông qua hợp tác, Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh quân sự, làm dao động lập trường của Mỹ trong vấn đề Ấn Độ thử nghiệm hạt nhân và chen chân vào câu lạc bộ các nước có vũ khí hạt nhân, nâng cao địa vị trên vũ đài quốc tế, cải thiện môi trường quốc tế có lợi cho mình vươn lên, và trên một mức độ nhất định cũng đẩy nhanh các bước trỗi dậy. Mỹ thì từng bước mở cửa thị trường vũ khí của Ấn Độ, tạo cơ hội việc làm cho các doanh nghiệp quốc phòng và người dân Mỹ, đồng thời để Ấn Độ chia sẻ phí tổn, làm dịu sức ép trong tấn công cướp biển và chống khủng bố. Xét ở phạm vi châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ đã thuận theo sự bố trí chiến lược cho Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù Mỹ không thể hoàn toàn kéo Ấn Độ vào quỹ đạo chiến lược của mình, xuất phát từ lợi ích quốc gia và truyền thống ngoại giao, Ấn Độ cũng sẽ không liên kết thành đồng minh với Mỹ, nhưng Mỹ ít nhất không cần lo ngại Ấn Độ sẽ ngăn cản nước này “quay trở lại” châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa Mỹ còn làm cho Ấn Độ trở thành đối tác quan trọng giúp nước này giải quyết các vấn đề nan giải như Afghanistan và an ninh tuyến đường trên biển. Ấn Độ thậm chí dần áp dụng lập trường nghiêng về Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran , đồng thời đạt được thỏa thuận ngầm với Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ cũng đẩy mạnh các cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Pakistan . Pakistan là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, có quan hệ gắn bó với Mỹ, nhưng lại có oán hận chất chứa lâu dài với Ấn Độ, luôn giữ cảnh giác và lo ngại đối với hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ. Điều này sẽ làm cho Pakistan tăng cường trang bị quân sự để đối kháng với Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh mức độ nhập khẩu vũ khí từ Mỹ hoặc các quốc gia khác. Do bị kích động bởi điều này, Ấn Độ ngược lại sẽ có các biện pháp đối phó hơn nữa, từ đó làm cho “tình trạng bất ổn về an ninh” giữa Ấn Độ và Pakistan càng thêm trầm trọng. Các nước nhỏ khác ở Nam Á vốn mang trong lòng nỗi sợ hãi đối với Ấn Độ, cùng với việc sức mạnh quân sự của Ấn Độ được tăng cường hơn nữa do hợp tác với Mỹ, sự không tin cậy của những nước này đối với Ấn Độ càng lớn, từ đó làm cho môi trường an ninh xung quanh của Ấn Độ trở nên xấu đi. Ngoài ra, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ sẽ làm gia tăng rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Trong tình hình Ấn Độ chưa ký “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, việc Mỹ và Ấn Độ ký “Hiệp định hạt nhân dân dụng”, cũng như Mỹ ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân, cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa cũng như Hiệp định Wassenaar v.v… không chỉ giáng đòn nặng nề vào cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã yếu ớt mà còn khuyến khích ý thức mạo hiểm khiến các nước khác vượt qua ngưỡng hạt nhân.
Hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ cũng sẽ nảy sinh ảnh hưởng nhất định đối với Trung Quốc. Về mặt an ninh trên biển, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình trỗi dậy cũng như gia tăng mức độ hội nhập toàn cầu hóa, Trung Quốc sẽ không ngừng hướng ra biển, đặc biệt là Ấn Độ Dương ở gần. Phần lớn dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông và châu Phi, nguồn khoáng sản nhập khẩu phần nhiều đến từ các nước châu Phi ở tuyến phía Tây và Nam Mỹ, Australia ở tuyến phía Đông. Ấn Độ Dương là tuyến đường giao thông quan trọng để Trung Quốc nhập khẩu các nguồn tài nguyên chiến lược và buôn bán với bên ngoài. 40% thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều phải đi qua Ấn Độ Dương. Vì vậy, an ninh của tuyến đường trên biển đi qua Ấn Độ Dương liên quan tới sự phát triển kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Hợp tác an ninh Ấn-Mỹ lấy mục tiêu là kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương thậm chí Tây Thái Bình Dương rõ ràng đã làm tăng thêm rủi ro an ninh trên các tuyến đường biển đi qua Ấn Độ Dương, trên mức độ nhất định tạo thành các thách thức an ninh. Các nhà phân tích dự đoán cùng với sức mạnh hải quân tăng lên, Ấn Độ sẽ ngày càng hoạt động dồn dập ở Biển Nam Trung Hoa và Tây Thái Bình Dương, và có khả năng dẫn tới xung đột Trung-Ấn, giống như có khả năng dẫn tới xung đột Trung-Ấn khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở Ấn Độ Dương. Robert Kaplan cho biết Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương là khu vực hải quân Mỹ và Trung Quốc có khả năng xảy ra xung đột nhất. Về an ninh trên đất liền, hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ đã làm tăng thêm sức ép an ninh ở biên giới phía Tây Trung Quốc. Ấn Độ sẽ bố trí ở khu vực biên giới Trung-Ấn các loại vũ khí tối tân mua của Mỹ, đồng thời dựa vào sức mạnh của Mỹ gây sức ép với Trung Quốc để nâng cao con bài đàm phán khi quan hệ với Trung Quốc, ép nước này nhượng bộ trong vấn đề biên giới. Có học giả cho biết bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã có ý đồ lợi dụng sức mạnh của Mỹ kiềm chế Trung Quốc cho dù có chút không hài lòng với cách làm của chủ nghĩa bá quyền Mỹ. Robert Kaplan chỉ rõ Ấn Độ nhất định sẽ trở thành quốc gia trung tâm chiến lược của khu vực Âu-Á vì nước này đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ. Một khi tính cạnh tranh trong quan hệ Trung-Mỹ tăng lên, thái độ của Ấn Độ đối với Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định bản đồ địa chính trị Âu-Á thế kỷ 21. Vì lý do này Trung Quốc phải quan tâm chặt chẽ, đánh giá tổng hợp để có sự phòng ngừa trước, ngăn chặn hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ làm tổn hại lợi ích và an ninh quốc gia Trung Quốc./.
Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc
Lê Sơn (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...