Vài tháng trước, có một người bạn Trung Quốc tìm gặp tôi. Vì lý do công việc, anh bạn của tôi thường xuyên qua lại giữa quốc gia Đông Nam Á. Anh ấy là một nhà quan sát có rất nhiều thông tin và cực kỳ nhanh nhạy về các diễn biến tại Đông Nam Á và chính sách của Trung Quốc đối với khu vực. Những câu chuyện với anh luôn mang lại cho tôi nhiều điều thú vị. Lần nói chuyện này, tôi thấy anh ấy tỏ vẻ lo lắng về tương lai của quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Là một doanh nhân, có lẽ những cuộc nói chuyện của anh ấy với các doanh nhân khác không bị mang tính “ngoại giao” như các cuộc trao đổi giữa quan chức hay thậm chí là giữa thành viên của các viện nghiên cứu có liên hệ với chính phủ. Bất chấp sự hào phóng và thiện chí của Trung Quốc và rất nhiều dấu hiệu tích cực trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, anh bạn của tôi vẫn cảm thấy có một sự dè dặt nhất định nào đó dành cho Trung Quốc. Anh muốn được trấn an rằng mọi thứ đều ổn. Tôi không thể đưa ra lời trấn an nào đủ sức nặng dành cho anh ấy.

Về mặt địa lý, Trung Quốc và Đông Nam Á nằm sát cạnh nhau. Chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc sống cùng nhau. Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí rằng mối quan hệ của họ phải là “đối tác chiến lược”, và lần kỷ niệm lần thứ 10 của mối quan hệ chiến lược này được tổ chức vào năm ngoái. Tại cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng đánh dấu sự kiện này ở Bắc Kinh tháng 8/2013, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng để phát triển mối quan hệ giữa họ và ASEAN. Kế hoạch này được bổ sung thêm về mặt nội dung với đề xuất “Khung Hợp tác 2+7” của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10/2013 tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC tại Bali, và sau đó vài ngày, đề xuất này cũng được Thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc lại tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Brunei. Quan hệ ASEAN - Trung Quốc hiện nay trải rộng trên một loạt lĩnh vực hợp tác, phản ánh những thay đổi lớn của Trung Quốc, ASEAN cũng như của bối cảnh toàn cầu. Ngày nay, quan hệ ASEAN - Trung Quốc rõ ràng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại Đông Á và là một trụ cột cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Tuy nhiên, như anh bạn của tôi đã nhận xét, vẫn tồn tại một sự dè dặt nhất định nào đó. Đáng chú ý, điểm đầu tiên của “2” nhân tố trong “Khung Hợp tác 2+7” đó là “làm sâu sắc lòng tin chiến lược”, điều này cho thấy rõ ràng là đang có một sự thiếu hụt lòng tin.

Các tranh chấp biển tại Biển Đông đã thu hút nhiều sự chú ý, tuy nhiên nó không phải là vấn đề trung tâm. Tranh chấp này là biểu hiện của một vấn đề có tính nền tảng lớn hơn, thể hiện trong toàn bộ chương trình nghị sự của ASEAN - Trung Quốc: sự chênh lệch tuyệt đối về quy mô giữa ASEAN và Trung Quốc và sự bất đối xứng về căn bản trong mối quan hệ giữa hai bên. Tổng dân số của 10 nước thành viên ASEAN còn chưa bằng một nửa dân số của Trung Quốc; GDP của Trung Quốc gấp gần 4 lần GDP của 10 nước thành viên ASEAN cộng lại.

Sự bất đối xứng về quy mô và hệ quả của nó là sự bất đối xứng về sức mạnh là một thực tế mà chúng ta buộc phải đối mặt. Nước lớn luôn luôn là nguyên nhân gây ra sự lo lắng nhất định nào đó cho các nước nhỏ nằm ngay sát cạnh họ. Điều này không liên quan gì đến ý đồ của các nước lớn; đây là thực tế mà tất cả các nước lớn trong mọi khu vực của thế giới phải đối mặt trong suốt chiều dài lịch sử. Nước lớn phải có nghĩa vụ trấn an, và Trung Quốc chỉ mới hoàn thành một phần nghĩa vụ này. Nước nhỏ có cái nhìn về thế giới khác hoàn toàn so với nước lớn. Tôi đã đi tới một kết luận đáng buồn là các nước lớn không thể hiểu được các nước nhỏ nghĩ gì. Trong suốt sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi đã không thể làm các bạn Trung Quốc hiểu được điều đó: về lý trí, họ biết được sự khác biệt trên, tuy nhiên, về mặt cảm xúc, họ lại không cảm thông với nước nhỏ. Điều này có lẽ đúng với tất cả các nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với Trung Quốc, đòi hỏi sự cảm thông có lẽ là một việc đặc biệt khó khăn bởi họ có lý do để tự hào cho những thành tựu của mình, bởi vai trò ngày càng tăng của chủ nghĩa dân tộc trong bộ máy chính trị Trung Quốc, và trên hết là bởi Trung Quốc nghĩ rằng vận mệnh của họ là phải khôi phục lại vị trí trước đây của họ ở Đông Á và trên thế giới sau “một trăm năm chịu tủi nhục”. Cụ thể, một vài trí thức và quan chức Trung Quốc dường như luôn nuôi dưỡng, có lẽ là một cách vô thức, một thế giới quan thứ bậc, và nếu họ có tin chủ quyền bình đẳng giữa các quốc gia thì đó cũng chỉ là một niềm tin mong manh.

Gần đây, một trí thức trẻ Trung Quốc mà tôi quen biết nói với tôi rằng Thủ tướng Singapore không nên bày tỏ quan điểm về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku, bởi “người Trung Quốc” cảm thấy bị xúc phạm khi mà nước nhỏ lại đưa ra lời khuyên dành cho nước lớn. Tôi không biết làm thế nào anh bạn này biết được 1,4 tỉ người Trung Quốc đang thật sự nghĩ gì, nhưng, ngài Thủ tướng Singapore chỉ trả lời câu hỏi về một tranh chấp có thể ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh của toàn khu vực. Trong một dịp khác, ngay sau khi Thủ tướng nói về vấn đề Biển Đông tại một hội nghị cấp cao của ASEAN, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc nói với một trong những nhân viên của tôi rằng “im lặng là vàng”. Tôi không thật sự rõ nhà ngoại giao Trung Quốc có ý gì, tuy nhiên nếu ông có ý định truyền đi thông điệp rằng chúng tôi không có quyền có quan điểm về một vấn đề quan trọng như vậy, tôi e rằng ông đã không làm tốt vai trò thúc đẩy ngoại giao của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Đây không phải là những sự kiện cá biệt. Với một tần suất ngày càng tăng, các quan chức Trung Quốc đã gợi ý rằng với tư cách là một nước nhỏ, chúng tôi chỉ nên phát biểu nhằm “giải thích” quan điểm của Trung Quốc. Tôi nghĩ Singapore không phải là trường hợp duy nhất. Một vài năm trước, tại cuộc họp quan chức cấp cao (SOM), lãnh đạo của một quốc gia ASEAN khác nói với tôi rằng khi nước ông làm Chủ tịch ASEAN, Đại sứ Trung Quốc tại nước ông đã yêu cầu ông phải chuyển phái đoàn của ASEAN ra khỏi khách sạn mà trước đó đã được sắp xếp cho họ để cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể ở đó. Ngài Đại sứ này không thay đổi quan điểm dù cho cả hai khách sạn đều có chất lượng như nhau. Tôi nghi ngờ liệu Thủ tướng Ôn Gia Bảo có biết về việc này hoặc liệu có đồng ý nếu ông biết được việc này. Thái độ của Đại sứ Trung Quốc chắc chắn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho lãnh đạo của SOM và phái đoàn của ASEAN đã buộc phải di dời.

Tôi có thể kể hàng giờ những câu chuyện như vậy, nhưng tôi nghĩ chỉ một ví dụ kể trên là đủ để chúng ta hiểu rõ. Xét tổng thể, những sự cố như vậy đã cho thấy một định kiến không hề tốt cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong tương lai. Sự bất đối xứng trong mối quan hệ này sẽ ngày một dễ thấy hơn khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Các dự án trong “Khung Hợp tác 2+7”, quan hệ thương mại phát triển tốt đẹp giữa ASEAN - Trung Quốc, và đầu tư của Trung Quốc vào hệ thống cơ sở hạ tầng đang kết nối khu vực Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á trở thành một không gian kinh tế, và từ đó sẽ là một không gian chính trị và chiến lược. Những lợi ích ở đây là rõ ràng và đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, cùng với đó, các khái niệm căn bản về quan hệ giữa các quốc gia đang dần bị thay đổi. Trong lịch sử, đường biên giới phân định giữa Trung Quốc với các khu vực tiếp giáp phía nam của họ luôn biến động. Sức ép của toàn cầu hóa, các chương trình đã được lên kế hoạch giữa ASEAN - Trung Quốc, và các sáng kiến như con đường tơ lụa trên biển đang tái tạo lại các mô hình lịch sử theo những cách mới và tạo thêm nhiều tầng nấc phức tạp cho ngay cả những mối quan hệ tích cực nhất. Trừ phi định kiến mà tôi nói tới ở trên thay đổi, tôi e rằng con đường phía trước sẽ không được trơn tru như những gì mà Trung Quốc và ASEAN kỳ vọng.

Lịch sử Đông Nam Á hiện đại cũng giống với lịch sử Trung Quốc hiện đại, có thể được mô tả như là một cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ. Ở Đông Nam Á, việc thành lập ASEAN là một bước đi vô cùng quan trọng trong hành trình đó. Không một quốc gia nào, dù là nhỏ nhất, dễ dàng từ bỏ những gì mà họ đã khó khăn mới giành được. Câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần phải đối mặt đó là khi nào mới đạt được trạng thái cân bằng về quyền tự chủ giữa nước lớn và nước nhỏ. Cho đến giờ, sự hứng khởi trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác mới, đầy hứa hẹn và có vai trò quan trọng đã khiến chúng ta không chú ý nhiều đến vấn đề này. Nó chỉ tồn tại như một làn sóng ngầm trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Tuy nhiên, để tiến đến tương lai, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề này. Tôi cho rằng nó sẽ có tác động vô cùng quan trọng tới sự phát triển của mối quan hệ mà chúng ta coi là “đối tác chiến lược” giữa ASEAN và Trung Quốc.

Môi trường tại Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang ngày càng trở nên phức tạp bởi khu vực đang phải tìm cách tự cân bằng trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang tạo ra một điểm cân bằng mới. Ở trên tôi đã từng khẳng định rằng quan hệ ASEAN - Trung Quốc là một trụ cột quan trọng cho sự ổn định và phát triển của khu vực, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mối quan hệ này có vai trò quan trọng nhất. Rõ ràng, quan hệ Mỹ - Trung mới là yếu tố quan trọng nhất đối với sự ổn định tại Đông Á, và sau đó là quan hệ Trung - Nhật, và trong tương lai sẽ là quan hệ Trung - Ấn. Chúng ta cũng không thể bỏ qua lợi ích của các nước như Hàn Quốc, Úc và Nhật.

Tất cả những mối quan hệ trên đều có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Từ đó suy ra rằng chúng ta không thể tách rời bất cứ quan hệ đối tác nào giữa ASEAN và các cường quốc, dù cho mối quan hệ đó có mang tính chiến lược đến đâu đi chăng nữa. Điều này cũng có lý do là bởi quan hệ quốc tế ở Đông Á là quá rối rắm. Tôi biết những người bạn Trung Quốc không thích cụm từ “cân bằng” bởi họ xem đó như một di sản từ thời Chiến tranh Lạnh và nhằm chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên đây không phải là cách mà các quốc gia ASEAN hiểu hay sử dụng thuật ngữ này. “Cân bằng” là một khái niệm sống còn với các quốc gia nhỏ bởi họ chỉ có thể giữ được sự tự chủ trong một không gian được tạo ra từ sự cân bằng giữa các cường quốc. “Cân bằng” theo nghĩa này không nhằm trực tiếp vào quốc gia nào; đúng hơn, đây là tình trạng tìm kiếm điểm cân bằng từ nhiều hướng. Không một quốc gia ASEAN nào muốn lựa chọn giữa các cường quốc. Chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt nhất có thể với tất cả các cường quốc. Chúng tôi tìm kiếm “cân bằng” theo nghĩa nói trên trong bối cảnh của một cấu trúc khu vực mở, phù hợp với lợi ích quốc gia của mình và không nằm dưới sự chi phối hay làm phương hại đến lợi ích của bất cứ cường quốc nào.

Các lãnh đạo của cả Trung Quốc và Mỹ đều nói rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là đủ cho cả hai và họ không muốn buộc ASEAN phải chọn đứng về bên nào. Các lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ có lẽ hiểu được rằng việc ASEAN đi với bất kỳ quốc gia bên ngoài chắc chắn sẽ khiến Đông Nam Á một lần nữa trở thành đấu trường cho sự cạnh tranh của các cường quốc, và từ đó ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, bất kể lớn nhỏ. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng các quan chức cấp thấp hơn của Washington và Bắc Kinh hiểu được điều này.

Cậu trí thức trẻ người Trung Quốc mà tôi biết, người mà tôi đã nhắc đến ở trên, nói rằng Singapore đã mắc phải “sai lầm chiến lược” khi chọn xích lại gần Mỹ, bởi Trung Quốc mới là tương lai. Thái độ của anh ta phần nào gợi nhớ cho tôi về John Foster Dulles. Quan điểm của cậu ta trái ngược với những lãnh đạo của mình, những người luôn đề cao sự phát triển hòa bình của Trung Quốc và mối quan hệ láng giềng hữu hảo. Tôi nói với cậu ấy rằng cho dù cậu có tin rằng Singapore đang quá thân với Mỹ thì một số người bạn Mỹ của tôi lại cho rằng Singapore đang ngả quá nhiều về Trung Quốc, vì vậy chúng tôi cần phải làm gì đó để giúp chèo lái một cách cân bằng mối quan hệ giữa hai cường quốc. Liệu thái độ của cậu ấy có phải có phải là thái độ điển của giới trẻ Trung Quốc hay không? Tôi không chắc về điều này. Nhưng tôi đã được nghe nhiều phát ngôn tương tự từ những người Trung Quốc khác mà tôi quen biết, cho dù họ không nói thẳng ra một cách sỗ sàng như vậy.

Tranh chấp tại Biển Đông là mối đe dọa lớn nhất có thể gây chia rẽ ASEAN và khu vực. Dù muốn hay không, cái cách mà một nước lớn xử lý vấn đề chủ quyền với một nước nhỏ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận về nước lớn này. Các vấn đề về chủ quyền có thể sẽ kéo theo những làn sóng dân tộc chủ nghĩa tồi tệ nhất; không một nước nào dễ dàng từ bỏ vấn đề chủ quyền mà không phải trả những cái giá chính trị rất lớn, và do đó, không thể loại trừ mong muốn bảo vệ chủ quyền bằng cách thiết lập sự kiểm soát trên thực tế thông qua sức mạnh vũ trang vượt trội. Một lần nữa, đây không phải là câu chuyện về ý đồ của một quốc gia nào cả, và tôi không cho rằng ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông là đặc biệt hiếu chiến, các quốc gia tranh chấp khác cũng đều như vậy cả thôi. Tất cả các bên tranh chấp đều thật sự tin rằng họ chỉ đang hành động một cách tự vệ trước sự khiêu khích của các nước khác. Trong hoàn cảnh này, khái niệm khiêu khích có lẽ chưa hẳn đã đúng hay phù hợp.

Đến từ một quốc gia có lợi ích quan trọng, tuy nhiên lại không phải là một bên có yêu sách lãnh thổ hay yêu sách biển tại Biển Đông, tôi có đủ sự khách quan để nói rằng không có ai là thiên thần trong tranh chấp này cả. Tất cả các bên tranh chấp đều có những hành động bị các bên còn lại coi là khiêu khích. Về cơ bản thì rõ ràng là như vậy, bởi mỗi bên đều thực hiện các hành động mà họ cho là hoàn toàn phù hợp với các quyền mà họ có trong khu vực thuộc chủ quyền của mình, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ yêu sách chủ quyền này lại bị các bên khác phản đối. Sẽ là vô ích nếu cố gắng sắp xếp xem đâu là những hành động đáng biểu dương hay đáng lên án. Cũng chẳng có ích gì khi chúng ta yêu cầu tranh chấp chỉ nên giải quyết giữa các bên liên quan; đây là một điều hiển nhiên và thường được nhắc đi nhắc lại một cách thừa thãi về yêu sách lãnh thổ và biển tại Biển Đông. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng các quốc gia khác không có những lợi ích quan trọng trong việc các tranh chấp này được quản lý như nào. Chí ít thì chúng ta đều có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp và trong việc duy trì sự toàn vẹn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Việc một quốc gia nào đó bảo vệ những gì mà họ coi là quyền chủ quyền của mình là lẽ tự nhiên. Tương tự như vậy đối với việc mọi quốc gia đều muốn sở hữu lực lượng quân sự tốt nhất có thể, bởi năng lực bảo vệ quốc gia là một đặc trưng quan trọng của chủ quyền. Do đó, tôi không lấy làm lạ về yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông hay chương trình hiện đại hóa quân sự của họ. Điều quan trọng là cách theo đuổi các yêu sách chủ quyền đó như thế nào. Liệu họ sẽ theo đuổi các yêu sách dựa trên các khuôn khổ chuẩn mực chung, bao gồm cả trình tự thay đổi những chuẩn mực bị coi là lỗi thời hoặc không công bằng, hay bằng các hành động đơn phương dựa vào sức mạnh quân sự vượt trội của mình? Trung Quốc đã giải quyết một số tranh chấp biên giới khác, ví dụ như biên giới trên bộ với Việt Nam và biên giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ,chủ yếu dựa trên các khuôn khổ đã được công nhận, và cách giải quyết của họ là công bằng, thậm chí có lẽ là hào phóng. Tuy nhiên tại Biển Đông, mọi việc không như vậy  và Trung Quốc đã không hành xử một cách nhất quán. Trong báo cáo đệ trình lên Liên Hợp Quốc để biện minh cho việc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển tranh chấp Hoàng Sa, Trung Quốc đã trích dẫn luật pháp quốc tế và UNLOS. Tuy nhiên, trong một vài vụ việc khác Trung Quốc lại nói rằng yêu sách của mình có trước UNCLOS và do đó không thể chỉ dựa vào mỗi cơ chế này để xác định chủ quyền.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là việc các bên ngày càng dựa quá nhiều vào lịch sử. Cho dù có gạt sang một bên thực tế rằng trong luật pháp quốc tế, lịch sử chỉ có vai trò trong việc giải quyết yêu sách về lãnh thổ chứ không phải là yêu sách biển, thì các tranh cãi lịch sử vẫn gây ra nhiều lo lắng cho các quốc gia có cũng như không có tranh chấp. Trung Quốc có một lịch sử rất lâu đời và tôi không nghi ngờ rằng người Trung Quốc cổ đại đã đặt tên cho nhiều thực thể ở Biển Đông cũng như ngoài khu vực. Tuy nhiên việc đặt tên các thực thể và yêu sách chủ quyền là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Người Trung Quốc cổ đại có một tên riêng dành cho đảo Pedra Buranca (Pai Chiao), thực thể mà Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2008 đã phán quyết là thuộc về Singapore; người Trung Quốc cũng có một cái tên dành cho Eo biển Singapore (Loong Ya Men); họ thậm chí còn đặt tên cả cho Temasek (Ta-ma-hsi), vùng đất sau này được biết đến là Singapore. Thực tế này chứng minh điều gì? Liệu trong thời cổ đại có tồn tại khái niệm chủ quyền được hiểu như trong bối cảnh hiện nay hay không? Và vì có nhiều thực thể hoặc giúp định hướng hoặc là chướng ngại cho việc đi lại trên biển, nó còn được người đi biển của nhiều quốc gia khác biết đến. Pedra Branca, ví dụ, là tên tiếng Bồ Đào Nha, tuy nhiên bên cạnh tên tiếng Trung cũng có một tên Malay dành cho hòn đảo này, đó là Pulau Batu Puteh. Lịch sử luôn phụ thuộc vào nhiều cách diễn giải khác nhau, và các cách diễn giải này thường bị sửa đổi khi những dữ kiện mới xuất hiện hoặc khi lợi ích thay đổi. Vì vậy, có nguy cơ là những cách diễn giải lịch sử riêng của chúng ta sẽ lái chúng ta theo những hướng mà bản thân không chủ đích chọn. Trong bất kỳ trường hợp nào, những lời mà các cường quốc nói ra sẽ còn vọng lại nhiều dư âm hơn so với họ tưởng tượng.

Tháng 2/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp Liên Chấn, cựu Thủ tướng và Phó Tổng thống Đài Loan, cuộc gặp được mô tả là cuộc trao đổi cấp cao nhất kể từ khi Mao Trạch Đông gặp Tưởng Giới Thạch năm 1945. Trong bài phát biểu tại cuộc gặp, được tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải trên trang nhất với nhan đề “Giấc mộng Trung Hoa: Hoàn thành công cuộc phục hưng vĩ đại thống nhất toàn bộ dân tộc Trung Hoa”, Chủ tịch Tập đã đặt cuộc gặp gỡ trong bối cảnh lịch sử liên quan đến việc Đài Loan đã bị các thế lực ngoại bang chiếm đóng tại thời điểm mà đất nước Trung Quốc suy yếu trong quá khứ. Phần lớn của bài phát biểu là dành cho Đài Loan, và sự hòa giải giữa hai bờ chắc chắn rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, việc coi sự hòa giải với Đài Loan như là một ví dụ của hành động sửa đổi những bất công trong lịch sử đã xảy ra với một Trung Quốc yếu ớt cho thấy Trung Quốc đang để ngỏ việc giải quyết một loạt các vấn đề khác. Từ thế kỷ 19, Trung Quốc hiển nhiên đã phải chịu tổn thương từ sự xâm chiếm của các thế lực ngoại bang. Liệu điều đó có nghĩa rằng họ định sửa lại mọi bất công của lịch sử hay không? Nếu không, từng vụ việc sẽ khác nhau thế nào? Ai sẽ người quyết định sự khác nhau đó? Tâm lý là-một-nạn-nhân có vẻ không phù hợp với một nước lớn như Trung Quốc.

Vậy, chúng ta kết luận được điều gì từ dây? Đặc điểm địa lý không cho chúng ta lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Một số vấn đề đã đi đúng hướng, ví dụ như các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Bên cạnh Khung Hợp tác 2+7, vẫn còn nhiều dự án giữa ASEAN - Trung Quốc đang được tiến hành. Tất cả những chương trình kể trên đều rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên trừ phi chúng ta giải quyết một cách thẳng thắn và khôn khéo vấn đề cốt lõi về sự bất đối xứng, nếu không, tôi e rằng nó sẽ gây ra những hậu quả không lường trước đối với quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Theo tôi, Mạnh Tử chính là người đã nói rằng trong mối quan hệ với nước nhỏ, nước lớn hơn cần phải thể hiện “sự cao thượng”, và trong mối quan hệ với nước lớn, nước nhỏ phải sử dụng sự khôn ngoan. Đây là một lời khuyên rất hữu ích, tuy nhiên, định nghĩa chính xác về “sự cao thượng” và “sự khôn ngoan” vẫn còn bỏ ngỏ. Tôi e rằng cả nước lớn và nước nhỏ ở chừng mực nào đó đều có cách hiểu khác nhau về hai khái niệm này, cũng như khái niệm “lòng tin chiến lược chung”. Như một câu ngạn ngữ xưa đã nói: “Nếu ngôn ngữ không thể hiện đúng bản chất sự việc, mọi việc sẽ không thể nào thành công.” (Ngôn bất thuận tắc sự bất thành). “Sự thật” trong những khái niệm mà chúng ta vừa đề cập ở trên, cũng như trong các khái niệm khác góp phần vào việc định hình tương lai của quan hệ ASEAN - Trung Quốc, cần được ASEAN và Trung Quốc định nghĩa và xây dựng trên cả phương diện chính trị và ngoại giao. Hai bên cần phải có một quan hệ đối tác thật sự, trong đó các bên có nghĩa vụ đảm bảo giấc mơ của một bên sẽ không trở thành ác mộng của bên còn lại.

Tác giả Bilahari Kausikan từng là Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore. Bài viết đăng trên trang The American Interest.

Người dịch: Quang Tiệp

Hiệu đính: Kim Minh