Phần trình bày của TS. Alan Dupont - Đại học New South Wales, Úc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông

Xin chào quý ông và quý bà. Tôi được biết rằng ở Washington mọi người phải nói ngắn gọn và dễ hiểu. Vì vậy tôi sẽ nói trong 10 phút. Tôi được yêu cầu nói về quan điểm của Philippines, Malaysia, Indonesia và ASEAN về tranh chấp Biển Đông. Nhưng tôi sẽ không làm thế, tôi sẽ đưa ra một vài nhận xét bao quát về tầm quan trọng của Biển Đông và tôi sẽ tập trung trình bày một vài điểm chính yếu trong bài viết của mình .

Điều đầu tiên tôi muốn nói về Biển Đông đấy là phương Tây nhìn chung không đánh giá đúng về tầm quan trọng của Biển Đông, cho dù thực tế vấn đề này được nhắc đến nhiều lần trên mặt báo những năm qua. Nếu các bạn đọc những bài viết về Biển Đông, bạn sẽ thấy chúng được viết dưới lăng kính và góc nhìn lấy Châu Âu làm tâm điểm. Bạn thường thấy Biển Đông được nhắc tới bằng các thuật ngữ Châu Âu hay Bắc Mỹ, ví dụ như “Biển Đông- Biển Địa Trung Hải của Châu Á” hay “biển Ca-ri-bê của Trung Quốc”. Tôi cho rằng cách viết này không hữu ích khi xem xét vấn đề Biển Đông. Thứ nhất là vì nó làm giảm tầm quan trọng của Biển Đông; thực tế Biển Đông hoàn toàn khác với các điểm nóng khác ở Châu Âu mà chúng ta thường nhìn nhận về phương diện lịch sử. Và quan trọng nhất, quan điểm của tôi là Biển Đông ngày nay đã trở thành vùng biển quan trọng nhất thế giới, không chỉ bởi dòng chảy thương mại quốc tế mà còn bởi dòng chảy năng lượng cũng như các vấn đề chiến lược đang bị đe dọa tại khu vực này do các tranh chấp biển đảo. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đề cao tầm quan trọng của Biển Đông lên tầm quốc tế và nhận thức đúng về việc các điểm nóng của thế giới trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Vì đây không phải là vấn đề khu vực mà là một vấn đề của toàn thế giới.

Nếu các bạn nghĩ về dòng chảy thương mại, bạn sẽ nghĩ về các vấn đề chiến lược đang bị đe dọa tại đây. Nếu một cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông, chắc chắn nó sẽ gây hệ lụy đến toàn thế giới vì nếu con đường thông thương qua eo biển Malacca tại Biển Đông bị gián đoạn, hệ lụy sẽ không chỉ bó hẹp tại riêng Đông Nam Á. Tôi đảm bảo với bạn như vậy. Để minh họa cho điểm này, Eo biển Malacca được cho là đã trở thành con đường trên biển trọng yếu của thế giới, theo thống kê, lượng dầu đi qua eo biển Malacca nhiều hơn 3 lần đi qua kênh đào Suez, nhiều hơn 15 lần đi qua kênh đào Panama. Vì vây, tôi có thể nói rằng eo biển Malacca đã trở nên quan trọng hơn cả kênh đào Suez, kênh đào Panama hay eo biển Hormuz. Và đấy là lý do vì sao tranh chấp đối với các nhóm đảo, bãi đá san hô ở Biển Đông lại trở nên quan trọng đến thế. Đây không phải chỉ vì vấn đề chủ quyền lãnh thổ - bên nào sở hữu các đảo này - mà còn bởi nếu bạn có chủ quyền đối với các đảo, bạn sẽ sở hữu cả tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển, không chỉ dầu khí mà còn rất nhiều tài nguyên sinh vật-các loài cá. Tôi đã viết về chủ đề này trên tạp chí Washington Quarterly cách đây vài tháng. Tôi cho rằng đó là một thực tế bị bỏ qua trong nhiều cách giải thích truyền thống về nguyên nhân của xung đột trên Biển Đông: cá - vừa là một nguồn tài nguyên quan trọng, vừa là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tranh chấp Biển Đông. Và nguyên nhân sâu xa hơn cả chuyện lãnh thổ, xa hơn cả vấn đề tài nguyên là sự dịch chuyển cán cân quyền lực, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc tại nước này, là những điều thường được gắn với vấn đề Biển Đông vì các tranh chấp ở đây đã châm ngòi cho các xung đột rộng hơn giữa các siêu cường trong khu vực. Đơn giản là Trung Quốc rõ ràng coi Biển Đông là của họ, không chỉ trên danh nghĩa (mà còn cả trên thực tế và muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương). Vì vậy đây là câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc và về việc các quốc gia khác kháng cự lại sự trỗi dậy này. Và đó là lý do vì sao tranh chấp này được nhìn nhận quan trọng hơn nhiều vẻ bề ngoài của nó

Tôi muốn đề cập đến 5 điểm lớn về xung đột tại Biển Đông. Điểm thứ nhất đấy là khi bạn nhìn nhận nó từ quan điểm của ASEAN, vào giai đoạn đầu của xung đột tại Biển Đông, đã có rất nhiều sự quan ngại về xung đột nội khối giữa các nước thành viên ASEAN. Cần nhớ rằng có 4 nước trong khối ASEAN có yêu sách về các đảo và bãi đá ở Biển Đông. Và đây là một vấn đề lớn đối với ASEAN. Rõ ràng, Trung Quốc là một mối quan ngại lớn dài hạn với các nước ASEAN, đơn giản vì sức nặng chiến lược của Trung Quốc ngày càng tăng và sự thể hiện mức độ lớn chủ nghĩa đơn phương (unilateralism) mà bất cứ ai đã có thể đoán được từ 10 hoặc 15 năm trước đây. Vì vậy chúng ta đang chuyển từ quan ngại về sự đoàn kết và năng lực của ASEAN bị ảnh hưởng bởi tranh chấp này sang quan ngại về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông mà tôi tin rằng hầu hết các bạn đều biết là bao trùm gần như 90% Biển Đông.

Thứ hai, cho dù Việt Nam và Philipines có vẻ bị cô lập trong các nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông lên thành mối quan ngại chung của toàn ASEAN, tôi cho rằng đang có sự thay đổi trong nội bộ ASEAN - hướng tới một lập trường mạnh mẽ và đoàn kết hơn đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã từng rất thành công trong việc chia rẽ các nước ASEAN và tạo áp lực buộc họ phải lờ đi tranh chấp hoặc thừa nhận yêu sách của Trung Quốc. Và Trung Quốc đã khá thành công trong suốt 5 năm qua nhưng tôi nghĩ trong tương lai họ sẽ khó thể tiếp tục làm như vậy vì ASEAN hiện nay đang cực kỳ lo sợ và bất an trước cái mà tôi gọi là, chủ nghĩa đơn phương sử dụng sức mạnh (muscular unilateralism) của Trung Quốc trong một vài năm trở lại đây.

Điểm thứ ba đấy là quan điểm của Indonesia - quốc gia trụ cột trong ASEAN. Các bạn đều biết Indonesia không phải quốc gia có yêu sách ở Trường Sa. Tuy nhiên gần đây Indonesia đã tham gia vào tranh chấp này vì một nhóm đảo có tên là Natuna ở phía nam Biển Đông. Indonesia đã tuyên bố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc có thể chồng lấn trên thực tế lên vùng đặc quyền kinh tế của đảo Natuna. Vậy là giờ đây Indonesia đã trở nên quan tâm với việc tham gia vào tranh chấp - một nước trước đây theo đuổi cách tiếp cận mềm dẻo với Trung Quốc giờ chuyển sang một quan điểm cứng rắn hơn trong việc lôi kéo sự chú ý của Trung Quốc vào thực tế rằng Indonesia kiên quyết bảo vệ yêu sách chủ quyền đối với đảo Natuna.

Điểm thứ tư đấy là ASEAN đang ngày càng tìm kiếm bên ngoài khối cho chiến lược phản công của mình. Đây là một sự thay đổi rất đáng chú ý trong khi suốt 30, 40 năm qua các nước ASEAN luôn thống nhất là phải làm việc cùng nhau, ra quyết định dựa trên cơ chế đồng thuận và miễn cưỡng trong việc hướng ra ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi việc đang thay đổi. Việt Nam và Philippines đang tìm kiếm sự bảo vệ từ các nước lớn khác để cân bằng với Trung Quốc và vậy là việc dịch chuyển cán cân quyền lực diễn ra.

Điểm thứ năm và cũng là điểm cuối cùng tôi muốn nói đến đấy là chạy đua vũ trang đang diễn ra tại Đông Nam Á. Không nghi ngờ gì nữa, việc tăng cường các hoạt động quân sự hóa tại Trường Sa trong tranh chấp Biển Đông là một mối quan ngại lớn cho khu vực. Nhìn vào chi tiêu quốc phòng và đặc biệt là chi tiêu trong lĩnh vực hải quân có thể bắt đầu thấy các nước ASEAN đang tăng cường chi tiêu vào quân sự, đổ nhiều tiền vào nâng cao năng lực trên biển. Và không may mắn là, theo quan điểm của tôi, điều này có khả năng làm tồi tệ thêm tranh chấp bởi những ngòi nổ cho xung đột vũ trang trong tương lai ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn. Cho dù đây không phải một sự thay đổi tích cực, nhưng tôi cho rằng điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu bạn ở trong địa vị của ASEAN và chứng kiến những gì Trung Quốc đang làm ở đây.

TS. Alan Dupont – Đại học New South Wales, Úc. Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

Người dịch: Ngọc Diệp

Hiệu đính: Minh Ngọc