Đây là bố trí chiến lược trọng đại nhằm đi sâu thúc đẩy việc xây dựng quốc phòng và quân đội của Trung ương Đảng đứng trên tầm cao của lịch sử và thời đại, hướng tới sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Bố trí này có ý nghĩa hiện thực to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu xa đối với việc thúc đẩy công cuộc xây dựng sức mạnh quân sự, bảo đảm an ninh và sự phát triển của đất nước, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” và “giấc mộng cường quân” (giấc mộng có quân đội mạnh). 

Yêu cầu thời đại của việc thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển 

Thúc đẩy công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển là trách nhiệm lịch sử trọng đại của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đương đại. Lịch sử nhân loại từng phát sinh và đang diễn ra ba cuộc cách mạng quân sự lớn. Thứ nhất là biến đổi từ chiến tranh sử dụng vũ khí lạnh sang chiến tranh sử dụng vũ khí nóng. Khi cuộc cách mạng này bước vào thời kỳ then chốt, nước ta (Trung Quốc) đang ở giai đoạn “Khang-Càn thịnh thế” (từ thời vua Khang Hi tới vua Càn Long, là thời kỳ quốc lực của triều Thanh lên tới đỉnh điểm), nhưng Khang-Càn nghiêm chỉnh chấp hành “tổ tông thành pháp” (những pháp quy mà tiên đế đặt ra thì đời sau cứ thế chấp hành), không chịu thay đổi. Đời sau của Khang-Càn dần trượt vào con đường hủ bại và u mê, cuối cùng đã bỏ lỡ thời cơ cực tốt để thực hiện công cuộc cải cách quân sự. Khi quân xâm lược tiến vào Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã rơi vào bi kịch lịch sử: Lấy đại đao và giáo mác để đấu với súng trường và đại bác của phương Tây. 

Thứ hai là biến đổi từ chiến tranh sử dụng vũ khí nóng sang chiến tranh cơ giới hóa. Khi cuộc cách mạng này bước vào thời kỳ then chốt, Trung Quốc lại đang trong xã hội nửa phong kiến nửa thực dân, hỗn loạn, lãnh thổ bị chia cắt, vừa nghèo vừa yếu, dân tộc nguy vong. Trải qua Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hình thái chiến tranh cơ giới hóa của nhân loại đã hoàn toàn chín muồi. Trung Quốc một lần nữa bị gạt ra bên lề trào lưu cách mạng quân sự thế giới. 
Ngày nay, nhân loại đang bước vào thời kỳ then chốt của cuộc cách mạng quân sự lớn thứ ba – biến đổi từ chiến tranh cơ giới hóa sang chiến tranh thông tin hóa. “Trách nhiệm lịch sử” trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Nước ta có thể nắm chắc cơ hội, tiến lên khắc phục khó khăn, thực hiện công cuộc phục hưng toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực quân sự hay không? Nước ta có thể tránh khả năng tái diễn bi kịch lịch sử hay không? Một trăm năm sau, con cháu đời sau của chúng ta có giống chúng ta ngày hôm nay chỉ trích “Khang-Càn thịnh thế” hay không? Tất cả điều đó, lịch sử đều đặt lên vai người đảng viên cộng sản Trung Quốc hôm nay. Xuất phát từ sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử nóng bỏng, Đại hội 18 đã gióng lên khẩu hiệu chiến lược thúc đẩy công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc. Đây là sự soi xét sâu sắc của lịch sử, là cam kết trịnh trọng của dân tộc Trung Hoa, là trách nhiệm lịch sử đối với con cháu đời sau. 

Thúc đẩy công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển là biện pháp cơ bản để ứng phó với những thách thức của cuộc cách mạng quân sự mới trên thế giới. Đại hội 18 đã thay cụm từ “cải cách quân sự mới của thế giới” bằng cụm từ “cách mạng quân sự mới của thế giới”, thực chất chỉ có một từ thay đổi, nhưng có ý nghĩa trọng đại. Cách mạng quân sự là tiêu chí cho thấy cải cách quân sự đã bước vào thời kỳ thực chất. Đổi từ “cải cách” thành từ “cách mạng” là phán đoán chiến lược quan trọng hoàn toàn mới của Đảng về xu thế lớn của sự phát triển quân sự thế giới, cảnh báo toàn quân một cách rõ ràng và trịnh trọng rằng: Công cuộc phát triển quân sự thế giới đang bước rất nhanh, tình hình đã tới chỗ khẩn cấp. Các nước lớn trên thế giới đều đang tranh giành điểm cao khống chế chiến lược, lấy sự sáng tạo khoa học công nghệ và sáng tạo lý luận làm ánh sáng dẫn đường, lấy việc thông tin hóa cao độ các loại vũ khí trang bị làm nền tảng, lấy việc xây dựng đội ngũ nhân tài thông tin hóa làm hạt nhân, lấy công cuộc cải tạo mang tính cách mạng về thể chế làm trụ cột, thúc đẩy xây dựng hệ thống sức mạnh quân sự kiểu mới. Cùng với đó, chiến tranh hiện đại đã cho thấy đặc trưng rất rõ là “thông tin giữ vai trò chủ đạo, tác chiến trên mọi chiều, đối kháng hệ thống và quyết thắng mạng”. Hiện nay, quân đội Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đặc thù là nhiệm vụ cơ giới hóa chưa hoàn thành đã phải nỗ lực thực hiện thông tin hóa. Mâu thuẫn phải đối mặt chủ yếu vẫn là trình độ hiện đại hóa không thích ứng với yêu cầu đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa, năng lực quân sự không thích ứng với yêu cầu thực hiện sứ mệnh lịch sử của quân đội trong giai đoạn mới, thế kỷ mới. Để giải quyết hai vấn đề không thích ứng này, cách duy nhất là phải tăng cường cải cách, nếu không chúng ta một lần nữa sẽ bị trào lưu phát triển quân sự thế giới đào thải. 

Thúc đẩy công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển là thực hiện lựa chọn chiến lược – phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Nước giàu, quân mạnh là yêu cầu cơ bản của công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Nếu nước giàu mà quân yếu, đây sẽ là "giấc mộng Trung Hoa" tàn phế. Căn cứ vào ghi chép của lịch sử, cuối thế kỷ 19, dự trữ vàng của Trung Quốc đứng đầu thế giới, tài sản của Trung Quốc cũng ở hàng đầu thế giới. Nhưng lịch sử vô tình lưu lại hai tuyến phong cảnh rõ ràng và nặng nề. Một tuyến là máu đỏ - máu chảy thành sông, máu của người Trung Quốc đổ xuống rất nhiều, thấm đẫm đất đai của tổ quốc. Một tuyến là tuyết trắng – bạc trắng tụ lại thành biển, bạc trắng của người Trung Quốc ào ạt chảy ra ngoài, làm căng phồng hầu bao các cường quốc. Một bên đỏ, một bên trắng cho thấy rõ mối quan hệ máu thịt giữa quốc phòng và kinh tế. Lịch sử đi rồi hiện thực lại đến. Irắc từng là một quốc gia phát triển trung bình, nhưng chính quyền và chủ quyền đã sụp đổ trước tên lửa hành trình. Lịch sử và hiện thực cảnh báo người đời rằng: nước giàu quân yếu chắc chắn dẫn tới tai họa. 

Ngày nay, dân tộc Trung Hoa thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại có môi trường và điều kiện tốt đẹp, nhưng cần phải thấy rằng tính tổng hợp, tính phức tạp và tính đa biến trong vấn đề an ninh của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, thể hiện rõ xu thế phức tạp của “bốn sự giao thoa lẫn nhau”: mối đe dọa an ninh truyền thống giao thoa với mối đe dọa an ninh phi truyền thống; mối đe dọa an ninh hiện thực giao thoa với mối đe dọa an ninh tiềm tàng; tình hình an ninh quân sự giao thoa với tình hình an ninh trên lĩnh vực khác; vấn đề an ninh trong nước giao thoa với vấn đề an ninh quốc tế. Đặc biệt, cần phải thấy rằng kinh tế Trung Quốc càng phát triển càng phải hướng ra thế giới, khả năng xung đột với chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và trật tự kinh tế chính trị quốc tế bất hợp lý ngày càng nhiều. Khi xung đột đạt tới giới hạn an ninh và phát triển của Trung Quốc, sức mạnh quân sự buộc phải đẩy lên phía trước. Có thể nói sự mạnh yếu về sức mạnh quân sự quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước! Công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đã không còn là sự nghiệp của bản thân quân sự nữa, mà là yêu cầu chỉnh thể của dân tộc Trung Hoa nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh phức tạp và thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại. 

Tư duy cơ bản của việc thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển 

Hiện nay, công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển. Việc thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc ở khởi điểm mới phải tuân theo mục tiêu cường quân mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra là “nghe theo sự chỉ huy của Đảng, có thể đánh thắng trận và tác phong tốt đẹp”, lấy yêu cầu an ninh cốt lõi của quốc gia làm ánh sáng dẫn đường, kiên trì giải phóng tư tưởng, hoạch định toàn diện, dồn trọng điểm cho vấn đề nổi cộm, dẫn dắt bằng năng lực tác chiến và thúc đẩy khoa học công nghệ, nỗ lực tới năm 2020 về cơ bản đảm bảo việc cơ giới hóa, xây dựng thông tin hóa đạt tiến triển quan trọng, đặt nền tảng vững chắc cho việc quân đội thông tin hóa toàn diện. 

Kiên trì lấy việc giải phóng tư tưởng thực sự làm ánh sáng dẫn đường. Dân tộc lạc hậu nhất tuyệt đối không phải là dân tộc bần cùng, mà là dân tộc tự ti bảo thủ. Quân đội lạc hậu nhất tuyệt đối không phải là quân đội trang bị nghèo nàn, mà là quân đội có quan niệm cũ kĩ. Trở ngại lớn nhất đối với công cuộc cải cách quân sự không nằm ở lĩnh vực công nghệ mà nằm trong quan niệm. Do đó, cần phải nỗ lực giải phóng khỏi các loại lý luận quân sự xơ cứng và giáo điều; nỗ lực giải phóng quan niệm tư tưởng trong chiến tranh thời đại công nghiệp; nỗ lực thoát khỏi phương thức tư duy và công tác dưới thể chế kinh tế kế hoạch; nỗ lực giải phóng khỏi quan niệm lợi ích và quyền lực hạn hẹp; nỗ lực giải phóng khỏi sự ỉ lại trong tư tưởng và hành vi kiểu tuần tự; nỗ lực giải phóng khỏi vòng luẩn quẩn tâm lý của chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa quan liêu; nỗ lực giải phóng khỏi sự “tự khen” của cái gọi là “mưu lược nước lớn”; nỗ lực giải phóng khỏi gánh nặng lịch sử của cái gọi là “bậc thầy thắng lợi”; thực sự đặt nền móng quan niệm tư tưởng tốt đẹp cho sự nghiệp thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc. 

Kiên trì lấy việc hoạch định khoa học làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hoạch định khoa học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công cuộc thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc. Phải kiên trì nguyên tắc thống nhất giữa cách mạng hóa, hiện đại hóa và chính quy hóa, nhìn về toàn cục phát triển của công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc; hoạch định xây dựng quân đội lâu dài và hình thành năng lực mang tính giai đoạn; hoạch định xây dựng quân đội thông tin hóa và cơ giới hóa; hoạch định sự phát triển nhịp nhàng của các yếu tố trang bị vũ khí, nhân tài quân sự, lý luận tác chiến, giáo dục huấn luyện; hoạch định việc xây dựng và vận dụng các lực lượng tác chiến kiểu mới; hoạch định việc xây dựng và phát triển các binh chủng lục quân, hải quân, không quân và pháo binh II (tên lửa chiến lược); hoạch định việc đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội; hoạch định sự phối hợp nguồn lực của quân đội và của địa phương, làm cho công cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc thực sự bước vào quỹ đạo phát triển khoa học. 

Kiên trì lấy việc xây dựng hệ thống sức mạnh quân sự kiểu mới làm trọng điểm. Trên cơ sở yêu cầu chung của Đại hội 18 là “xây dựng hệ thống sức mạnh quân sự hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc”, cần phải nỗ lực xây dựng một hệ thống có sự liên hệ chặt chẽ và dung hợp với nhau giữa 4 hệ thống trụ cột: hệ thống trang bị vũ khí hiện đại lấy hệ thống thông tin quân sự làm chỗ dựa, lấy vũ khí hiện đại làm chủ thể; hệ thống nhân tài kiểu thực chiến lấy nhân tài chỉ huy tác chiến liên hợp làm trọng điểm, lấy nhân tài quản lý xây dựng thông tin hóa, nhân tài chuyên ngành kĩ thuật thông tin, nhân tài thao tác bảo vệ trang bị mới làm trụ cột; hệ thống sức mạnh tác chiến tổng thể phối hợp hữu cơ giữa các lực lượng tấn công và lực lượng phòng ngự, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh tấn công cứng và sức mạnh tấn công mềm, gắn kết hữu cơ giữa lực lượng chiến dịch và lực lượng hậu bị, lấy các lực lượng tác chiến kiểu mới gồm dự báo sớm về chiến lược, hàng không vũ trụ quân sự, phòng thủ tên lửa, tấn công phòng thủ thông tin, vận chuyển chiến lược, phòng vệ biển xa làm nòng cốt, lấy lực lượng công nghệ cao các quân binh chủng làm chủ thể; hệ thống bảo đảm trang bị hậu cần hiện đại hóa kết hợp giữa thời bình và thời chiến, phối hợp giữa quân và dân, nhất thể hóa về thể chế bảo đảm, xã hội hóa về phương thức bảo đảo, thông tin hóa về các biện pháp bảo đảm, bảo đảm hữu hiệu cho thực chiến, xây dựng lực lượng và cải cách quân sự. 

Kiên trì lấy việc “có thể đánh trận, đánh thắng trận” làm yêu cầu cốt lõi. Cải cách quân sự cuối cùng là nhằm phục vụ cho việc đánh thắng trận, phải tuân theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình: “Có thể đánh trận, đánh thắng trận”, lấy nhu cầu thực chiến làm điểm xuất phát, lấy việc nâng cao sức chiến đấu làm tiêu chuẩn căn bản, lấy việc sẵn sàng đấu tranh quân sự trong lĩnh vực an ninh mới như sẵn sàng cho “các trận đánh ác liệt”, sẵn sàng đấu tranh quân sự bảo vệ quyền lợi biển, vũ trụ và không gian mạng… làm ánh sáng dẫn đường, lấy phương hướng chiến lược chủ yếu và lĩnh vực trọng yếu làm trọng điểm, dẫn dắt trình độ chiến đấu và tính sẵn sàng chiến đấu của các binh chủng, các phương hướng, các lĩnh vực tiến bộ toàn diện vượt bậc. 
Kiên trì lấy việc sáng tạo khoa học kĩ thuật làm động lực căn bản. Cải cách quân sự bắt nguồn từ cách mạng khoa học kĩ thuật quân sự, sáng tạo khoa học kĩ thuật là động lực đầu tiên để cải cách quân sự đi sâu phát triển. Cần phải nỗ lực nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật quốc phòng và hàm lượng khoa học kĩ thuật trong trang bị vũ khí, đặc biệt là hàm lượng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc thay mới trang bị vũ khí; không ngừng nâng cao tố chất khoa học kĩ thuật của sĩ quan binh lính, đặc biệt là tố chất thông tin, đặt nền móng nhân tài vững chắc cho việc xây dựng quân đội thông tin hóa; không ngừng nâng cao hàm lượng khoa học kĩ thuật của thể chế chỉ huy, thực sự dựa vào cơ sở khoa học kĩ thuật để thực hiện chỉ huy tác chiến liên hợp thống nhất; không ngừng nâng cao hàm lượng khoa học kĩ thuật trong huấn luyện quân sự, vận dụng hệ thống thông tin tổ chức huấn luyện tác chiến liên hợp; không ngừng nâng cao hàm lượng khoa học kĩ thuật trong sáng tạo lý luận quân sự, vận dụng các biện pháp khoa học kĩ thuật cao và phương pháp phân tích lượng hóa làm phong phú và mở rộng con đường sáng tạo lý luận quân sự. 

Một số mối quan hệ chiến lược cần phải xử lý đúng đắn khi thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển 
Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa biến đổi quân sự và biến đổi xã hội. Cải cách quân sự của các nước phương Tây mà Mỹ là đại diện được tiến hành trong bối cảnh xã hội ổn định và điều kiện kinh tế thị trường tương đối chín muồi nên nó chỉ là sự “cải cách đơn nhất” trong lĩnh vực quân sự. Đối với Trung Quốc thì khác, đó là “cải cách kép” trong lĩnh vực quân sự và xã hội, hơn nữa còn đồng thời bước vào thời kỳ củng cố, vào “vùng nước sâu”. Trong bối cảnh đặc thù về tình hình đất nước, nhà nước sẽ phải đảm trách nhiệm vụ khó khăn là tiến hành cải cách lớn ở nhiều lĩnh vực, đương nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mà phương Tây chưa từng phải đối mặt. Do đó, cần phải làm tốt công tác hoạch định cải cách quân sự và xã hội. Một mặt tăng cường quy hoạch tổng thể, đưa cải cách quân sự vào trong bối cảnh lớn của xây dựng và cải cách tổng thể của đất nước, làm cải cách quân sự gắn kết với cải cách thể chế chính trị, cải cách thể chế kinh tế và cải cách trong các lĩnh vực khác, tiến hành phối hợp nhịp nhàng giữa cải cách quân sự và cải cách xã hội. Mặt khác, trong giai đoạn lịch sử diễn ra cuộc cải cách xã hội tổng thể, cải cách quân sự không thể vượt qua khả năng chịu đựng của cải cách xã hội. Việc này rất quan trọng đối với cải cách quân sự và tổng thể phát triển của đất nước. 

Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa việc thúc đẩy biến đổi và duy trì ổn định. Bất cứ một cuộc cải cách quân sự nào trong lịch sử nhân loại điều phải tiến hành cải tạo mang tính cách mạng đối với hệ thống quân sự sẵn có, cho nên, việc gặp phải trở lực, đối mặt với rủi ro, rối loạn và phải trả giá là điều tất yếu. Đặc biệt, cải cách thể chế liên quan tới tái điều chỉnh quyền lực, cải cách kết cấu liên quan tới việc phân phối lại lợi ích. Không thể phá vỡ hàng rào lợi ích, dừng bước trước trở lực và cái giá phải trả, thường là nguyên nhân cơ bản khiến cải cách chết yểu. Để đi sâu thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc thì phải xây dựng được nhận thức về rủi ro và ý thức trả giá quyết liệt, nếu quá coi trọng giá thành hoặc cái giá phải trả của cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc, nếu quá cầu ổn định, lo sợ loạn lạc, nhìn trước ngó sau, do dự chần chừ, cuối cùng sẽ khiến cải cách quân sự đứt gánh giữa đường, đánh mất cơ hội lịch sử. Đồng thời phải thấy rằng rủi ro và cái giá phải trả cho cải cách quân sự là điều tất yếu. Nhưng mức độ và phạm vi của rủi ro cũng như của cái giá phải trả lại có thể kiểm soát được, cần phải phát huy hết ưu thế của chúng ta, vừa dám cải cách, vừa giỏi vận dụng phương thức và biện pháp khoa học giảm rủi ro và cái giá phải trả của cải cách tới mức thấp nhất, đạt được sự thống nhất giữa ổn định và biến đổi, giữa động và tĩnh. 

Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng trang bị vũ khí và xây dựng trong lĩnh vực khác. Cải cách quân sự thường phân thành 3 thời kỳ: sơ khởi, công kiên và chín muồi. Thời kỳ sơ khởi chủ yếu là nắm chắc khoa học kĩ thuật quân sự và trang bị vũ khí. Đây là cơ sở để tiến hành cải cách quân sự phát triển theo chiều sâu. Nhiệm vụ của thời kỳ công kiên chủ yếu là thực hiện sự dung hợp hữu cơ giữa hai yếu tố lớn mang tính nền tảng về sức chiến đấu (trang bị vũ khí, nhân tài quân sự) và 4 yếu tố lớn mang tính giao thoa với nhau (chế độ quân sự, kết cấu thể chế, lý luận tác chiến, huấn luyện quân sự). Trong đó, cốt lõi nhất là giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn theo chiều sâu như sự cũ kĩ về chế độ quân sự, kết cấu quân sự lạc hậu, quần thể lợi ích phức tạp… Đây là ranh giới xác định cải cách quân sự đạt được thành công cuối cùng hay không. Hôm nay, cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc sau khi đã trải qua thời kỳ sơ khởi ra sức phát triển vũ khí trang bị, đang tiến vào thời kỳ củng cố. Do đó, cần phải coi trọng cao độ và tuân thủ quy luật cải cách, thức thời quyết đoán chĩa mũi nhọn của cải cách vào các vấn đề và mâu thuẫn tầng sâu, có như vậy mới có thể bảo đảm cải cách đạt được thành công. 

Bài “Quán triệt thực hiện bố trí chiến lược của Đại hội 18, thúc đẩy cuộc cải cách quân sự mang đặc sắc Trung Quốc đi sâu phát triển” của Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc đăng trên bán nguyệt san “Cầu Thị” kỳ 13 năm 2013 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. 
*** 
Nguyệt san Minh báo số tháng 7 phát hành ở Hồng Công đăng bài của Thượng tướng Lưu Á Châu. Ông Lưu Á Châu hiện là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữ chức Chính ủy Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – PLA. Trong bài viết với tiêu đề “Tuyên ngôn cải cách quân đội”, Thượng tướng Lưu Á Châu chỉ rõ “quân đội Mỹ đang bỏ xa các nước khác về tư tưởng chiến tranh, lý luận tác chiến và chiến thuật công nghệ”, Nhật Bản “chuẩn bị cho chiến tranh đầy đủ hơn nhiều so với chúng ta (Trung Quốc)”. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc lại phải đối mặt với vấn đề của chính mình, đó là “giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc hiện nay tồn tại khoảng cách lớn về giáo dục, khiến sự bất hợp lý về kết cấu xã hội chuyển dịch vào trong quân đội”. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Theo Thượng tướng Lưu Á Châu, cách tốt nhất là phải thay đổi quan niệm. Dưới đây là toàn văn bài viết “Tuyên ngôn cải cách quân đội” của Thượng tướng Lưu Á Châu: 

Cuộc cách mạng quân sự đang đến một cách rầm rộ. Cải cách quân đội các nước đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Thời gian dành cho quân đội Trung Quốc không còn nhiều. 

Chiến tranh đã thay đổi hình dạng 

Chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói: “Quân Mỹ đánh tới đâu, nhân dân ở đó học được cách đánh trận”. Thực tế diễn ra trong những năm gần đây đã chứng minh lời nói của Người là chân lý. Từ Chiến tranh vùng Vịnh vào những năm 1990 tới nay, quân đội Mỹ cứ 3 năm thì tiến hành một cuộc chiến tranh nhỏ, 5 năm lại tiến hành một cuộc chiến tranh lớn và đã đánh trận được gần 20 năm. Quân đội Mỹ đã hoàn thành 4 cuộc chiến tranh quy mô trung bình, thực hiện thay đổi chính quyền ở 3 quốc gia. Trong 4 cuộc chiến tranh này, cuộc chiến tranh sau có diện mạo mới và phức tạp hơn so với cuộc chiến tranh trước. Qua đó, quân đội Mỹ không chỉ được thể hiện, mà còn tiếp thu được bài học từ thực tế. Quân nhân toàn thế giới đều là học trò của quân đội Mỹ. Đồng thời với việc phát động chiến tranh, Mỹ cũng phát động cuộc cách mạng quân sự mới. Quân đội Mỹ giống như chuột túi, luôn đi đầu thế giới. 

Xem xét ở một ý nghĩa nào đó, quân đội Mỹ đã bị quân đội Trung Quốc ép phải đi đầu. Trong lịch sử 200 năm kể từ khi thành lập nước, quân đội Mỹ chưa từng nếm mùi thất bại, trừ lịch sử “không giành chiến thắng khi đối đầu với cộng sản” vào thế kỷ trước, gồm Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam mà đối thủ giao chiến đều là Trung Quốc và Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Sau hai cuộc chiến tranh này, quân đội Mỹ đã trở nên bất bại. Sự thay đổi của quân đội Mỹ đi ngược lại lịch sử quân sự thế giới: Cách mạng quân sự thường nảy sinh ở các quốc gia chuyên chế. Pháp tuy có De Gaulle, nhưng tư tưởng chiến tranh bằng xe tăng cũng không đứng chân được ở nước này, mà tư tưởng đó lại được Hitler sử dụng và khoác lên tấm áo mới. Thành Cát Tư Hãn, Napoleon và cả Stalin đều là các bậc thầy về cách mạng quân sự. Không phải là do những nhân vật này có trí tuệ siêu việt, mà là xuất phát từ yêu cầu định sẵn: Muốn thôn tính nước khác thì phải có sức mạnh quân sự lớn mạnh. Đồng thời, thể chế của quốc gia chuyên chế giúp quốc gia đó có thể dễ dàng hoàn thành việc mà người khác không làm được. Mỹ đã thay đổi định luật này. 

Trong 4 cuộc chiến tranh (quy mô trung bình gần đây), quân đội Mỹ đã xóa bỏ khái niệm “tiền tuyến”. Chiến tranh đã xuất hiện với hình thức hoàn toàn mới, lấy việc tiêu diệt đầu não chính quyền làm hạt nhân, tấn công hạ tầng kinh tế làm trọng điểm và phá hủy ý chí nhân dân quốc gia thù địch làm căn bản, khiến toàn thế giới phải chấn động. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 là cuộc chiến tranh thông tin hóa. Cuộc chiến tranh Nam Tư là tác chiến liên hợp nhất thể hóa. Cuộc chiến tranh Ápganixtan cho thấy phương thức tác chiến nhất thể hóa và minh bạch hóa. Cuộc chiến tranh Irắc lại là tác chiến “toàn chiều” (tất cả các chiều), sử dụng biện pháp trấn áp điện tử đối với kẻ địch ngay từ khi chiến tranh thông tin bắt đầu. Rất nhiều quân nhân đã kinh ngạc vì họ nhìn thấy chiến tranh mà không hiểu. 

Bốn cuộc chiến tranh này đã mách bảo chúng ta: Điều gì cũng có thể lặp lại, nhưng chiến tranh thì không. Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh trước không thích ứng với cuộc chiến tranh sau. Tôi có một cảm giác chân thực rằng phương thức tác chiến thông tin hóa sẽ lỗi thời rất nhanh. Đây có thể là bi kịch của quân đội Trung Quốc. Tại sao nó không là một vở kịch vui? Chúng ta (quân đội Trung Quốc) vẫn chưa tiến hành một cuộc chiến tranh cơ giới hóa nào, nhưng phương thức chiến tranh đó đã bị đào thải. Tuy nhiên, điều may mắn là chúng ta có thể đứng trên vai người khác để nhìn về tương lai. Một định luật của chiến tranh là: Đi theo con đường của người khác khiến họ không có đường để đi. Một định luật chiến tranh khác là: Mình không có đường nào đi, cho nên phải đi theo con đường mới. 

Quân đội đã được thu nhỏ 

Người Mỹ nói rằng chiến tranh của thế kỷ 21 là chiến tranh của tiểu đội trưởng. Câu nói này thật tuyệt. Nó phản ánh một chân lý: Chiến tranh kiểu mới cần quân đội kiểu mới. Chiến tranh trong quá khứ coi trọng chiều sâu chiến lược. Liên Xô và Trung Quốc đều dựa vào chiều sâu chiến lược để giành chiến thắng trong chiến tranh. Chiến tranh ngày nay đã xuyên qua không trung, kéo vào vũ trụ, chiều sâu chiến lược thực sự nằm ở vũ trụ. Sau Chiến tranh Grenada , quân Mỹ đã ra khái niệm “tam hóa”, gồm: Ngụy trang hóa lục quân, tàng hình hóa không quân và lưỡng thê hóa hải quân. Điểm cốt lõi của “tam hóa” là thu nhỏ. 

Nắm chắc hình thức chiến tranh mới thì thường chỉ cần phải tấn công kẻ địch một lần. Khai chiến cũng là quyết chiến. Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, chúng ta còn nhìn thấy cảnh máy bay và xe tăng của Irắc bị tiêu diệt với quy mô lớn cũng như cảnh Vệ binh Cộng hòa Irắc tan đàn xẻ nghé. Nhưng trong cuộc chiến tranh Irắc mới, thế giới chỉ nhìn thấy cảnh quân Mỹ tiến băng băng trên chiến trường, mỗi ngày đi được gần 200 km. 
Điều lệnh mới của quân đội Mỹ quy định: Đại đội trưởng phải có đủ ý thức của tư lệnh. Hiểu sâu thêm là đại đội trưởng của lục quân, cơ trưởng của biên đội máy bay chiến đấu F-16 và thuyền trưởng của hải quân đều phải chuẩn bị đóng vai trò chính trong một giai đoạn nào đó của chiến tranh. Cho nên, họ phải học cách nắm bắt đại cục. Điều này phản ánh việc Mỹ đã thu nhỏ quân đội tới mức nào. 

Thu nhỏ tuyệt nhiên không phải là giảm quân số mà là ưu việt hóa tổ chức. Khái niệm quân đội toàn năng mà quân đội Mỹ đưa ra là: binh lính của Trung Quốc, tham mưu của Đức, sĩ quan cấp thiếu tá của Nhật Bản và tướng lĩnh của Mỹ. Binh lính Trung Quốc có thể chịu đựng gian khổ nhiều nhất. Tố chất khoa học tham mưu của Đức là tốt nhất, làm gì cũng chính xác. Sĩ quan cấp cơ sở của quân đội Nhật Bản là có trách nhiệm nhất, tuân thủ kỉ luật. Cuối cùng, quân Mỹ chỉ huy cả ba thành phần đó. Chỉ có ưu việt hóa mới trở nên ưu tú. Trước thời Tần, kị binh Trung Quốc không tốt là do không có giống ngựa tốt. Hán Vũ Đế đã không tiếc tiền nhập giống ngựa Đại Uyển tốt từ Tây Vực về với quy mô lớn. Người đời chỉ có nhìn thấy thú chơi ngựa xa hoa của Hán Vũ Đế mà không nhìn thấy dụng ý quân sự trong đó: Sử dụng ngựa của Tây Vực cải thiện giống ngựa của Trung Nguyên mới có chiến thắng trong cuộc chinh phạt Hung Nô sau này. 

Cuối thế kỉ trước, Nga cũng từng cắt giảm quân đội, nhưng chỉ là cắt giảm quân số, nhằm giảm ngân sách. Vấn đề là binh sĩ giảm, nhưng sĩ quan vẫn giữ nguyên. Sau khi lên nắm quyền, Putin bắt đầu giảm sĩ quan. Trước đây, quân đội Nga là quân đội kiểu số lượng, quân đội Mỹ là quân đội kiểu công nghệ còn quân đội Trung Quốc là quân đội kiểu mưu lược. Hiện nay, quân đội Nga không còn theo kiểu số lượng nữa, quân đội Mỹ được xây dựng theo mô hình vừa có công nghệ, vừa có số lượng và cộng thêm mưu lược nhất định. 

Cải cách quân đội không phải là quân sự mà là chính trị 

Từ khi Đặng Tiểu Bình xác lập đường lối chính sách cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đi qua hơn 30 năm bình ổn. Nếu có thể tiếp tục có được 30 năm bình ổn nữa, sẽ không có một lực lượng nào có thể ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng có thể thấy điều này không phù hợp với lợi ích của các nước phương Tây. 

Quy luật lịch sử của Trung Quốc là: Sự kiện quan trọng thường dẫn đến biến đổi quan trọng. Không có Chiến tranh Nha phiến thì không có Thái bình Thiên quốc. Không có Chiến tranh Giáp Ngọ thì không có Cách mạng Tân Hợi. Không có Cách mạng Văn hóa thì không có cải cách mở cửa. Trong tương lai có 3 sự kiện lớn ảnh hưởng tới Trung Quốc. Một là chiến tranh Eo biển Đài Loan. Hai là chiến tranh Trung-Nhật. Trong đó, chiến tranh Eo biển Đài Loan có thể dẫn tới chiến tranh Trung-Nhật. Xung đột ở biển Hoa Đông cũng có thể dẫn tới chiến tranh Trung-Nhật. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản tồn tại bất đồng không thể điều hòa trong vấn đề phân giới biển Hoa Đông. Thái độ quá cứng rắn của Trung Quốc có thể dẫn tới chiến tranh. Thái độ quá yếu mềm của Trung Quốc cũng dẫn tới chiến tranh. Ba là, biên giới nổ ra động loạn. Khả năng nổ ra chiến tranh do phong trào ly khai ở Tân Cương rất lớn. 
Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị. Chiến tranh một khi nổ ra, Trung Quốc chỉ có thể có một lựa chọn, nhưng Mỹ lại có thể có nhiều lựa chọn. 

Đối với Mỹ, Nhật Bản thắng có thể coi là Mỹ thắng, Đài Loan thắng cũng có thể coi là Mỹ thắng. Tân Cương ly khai, Mỹ vẫn thắng. Ngược lại, Nhật Bản thua, Mỹ vẫn thắng; Đài Loan thua, Mỹ có thể lựa chọn việc rút khỏi chiến tranh hoặc để Đài Loan trở về với Trung Quốc. Cho dù Đài Loan trở về Trung Quốc, quân Mỹ vẫn có thể lưu lại châu Á, giữ được thế cờ không bại. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thất bại thì đó lại là một cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ khác. Chính phủ Trung Quốc rớt đài không quan trọng, nhưng Tân Cương, Tây Tạng, thậm chí cả Nội Mông sẽ tách khỏi Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có thể chịu đựng được một thất bại như vậy? 

Đằng sau ba sự kiện lớn ảnh hưởng tới Trung Quốc đều có hình ảnh của Mỹ, đồng thời cho thấy bóng dáng của quân đội Mỹ. Mấy năm lại đây, trong khi quân đội Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường chuẩn bị đấu tranh quân sự với quân Đài Loan, thì Đài Loan lại liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Điều này cho thấy Đài Loan muốn chiến tranh với Trung Quốc trong hệ thống của quân đội Mỹ. Trung Quốc không thể trở thành kẻ địch của Mỹ, quân đội Trung Quốc lại nhất định phải lấy quân đội Mỹ làm kẻ địch. Lấy quân đội Mỹ làm kẻ địch thì phải học quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ đã tiến những bước dài. Quân đội Mỹ đang bỏ xa các nước khác về tư tưởng chiến tranh, lý luận tác chiến và chiến thuật công nghệ, “có thể đánh bại liên quân thế giới”. 

Nhật Bản chuẩn bị cho chiến tranh đầy đủ hơn chúng ta (Trung Quốc) rất nhiều. Hải quân Nhật Bản đã đứng thứ hai trên thế giới, vượt qua Nga, chỉ sau Mỹ. Tuy Nhật Bản gọi là Lực lượng Phòng vệ trên biển, nhưng kỳ thực chỉ thiếu mỗi tàu sân bay. Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản nói rằng có thể giành quyền kiểm soát trên không cả vùng phía Bắc Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi khai chiến. Phát biểu này tuy cuồng vọng, nhưng đáng được coi trọng. 

Tiền đồ của đất nước chưa bao giờ phải dựa vào quân đội như ngày nay. 

Chúng ta thường nói là coi trọng chính trị, vậy nhân tố nào lớn nhất trong “coi trọng chính trị”? Đẩy nhanh cách mạng quân sự và cải cách quân đội là nhân tố chính trị lớn nhất của quân đội chúng ra. Đây là trận đánh chính trị sát sườn nhất. Quân đội của chúng ta dựa vào chính trị để lấy thiên hạ. Một nhân viên nghiên cứu của Mỹ từng nói uy lực của PLA bắt nguồn từ “chi bộ đảng”. Ông ta luôn muốn làm rõ ma lực của “chi bộ đảng” vốn chỗ nào cũng có rốt cuộc là cái gì mà có thể khiến PLA đánh trận nào thắng trận đó. Quân đội thời kỳ mới của chúng ta nên coi trọng “chi bộ đảng” giống như coi trọng việc cải cách quân đội. 

Đột phá nằm ở đâu? 

Điểm đột phá của quân đội chúng ta nằm ở đâu? Trong lĩnh vực trang bị? Không phải. Trong lĩnh vực lý luận? Không phải. Trong biên chế thể chế? Cũng không phải. Điểm đột phá của chúng ta nằm trong trái tim mỗi người. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Mỹ trở thành “quốc gia hải quân” hùng mạnh nhất thế giới, khống chế tất cả các đại dương trên toàn cầu. Putin cải cách quân đội Nga, cái mà chúng ta có thể nhìn thấy là Nga muốn nỗ lực trở thành “quốc gia không quân”. Việc máy bay ném bom của Nga bay lượn ở Trung Mỹ là một minh chứng. Còn quân đội Trung Quốc? Có một câu nói của người Mỹ khiến chúng ta bừng tỉnh: “Trung Quốc vẫn là quốc gia lục quân”. Người Mỹ còn đưa ra lý do giải thích. Một là thành phần chủ yếu của Hồng quân, Bát lộ quân và PLA vẫn là nông dân. Nông dân vĩnh viễn dựa vào ruộng đất, rất khó có thể hướng ánh mắt về phía bầu trời và biển cả. Hai là từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập tới nay, trong các cuộc chiến tranh chiến thắng huy hoàng, đặc biệt là Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Trung-Ấn, lục quân lập được công lớn. Ba là, Trung Quốc có lãnh thổ rộng, không thể không có nhiều binh lực để trấn giữ. 

Để thay đổi hiện trạng này, trước tiên phải dựa vào nhà nước. Đặng Tiểu Bình từng nói rằng giáo dục đặt ở vị trí hàng đầu. Kết cấu của PLA chủ yếu được tạo thành bởi nông dân. Ngày nay, giữa nông thôn và thành thị tồn tại khoảng cách rất lớn về giáo dục, khiến cho sự bất hợp lý về kết cấu xã hội chuyển dịch vào trong quân đội. Khi tổng kết chiến tranh Nga-Nhật, Nhật Hoàng từng nói phải cảm ơn các giáo viên bậc tiểu học của Nhật Bản. Bởi sau phong trào Duy Tân thời Minh Trị, Nhật Bản tiến hành phổ cập giáo dục tiểu học. Trong khi đó, quân đội Sa hoàng của Nga chủ yếu do nông nô tạo thành, hầu hết là mù chữ. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Quốc Dân đảng về căn bản không phải là đối thủ của quân đội Nhật Bản, chỉ nghe tiếng (quân Nhật Bản) là đã chạy. Nhưng sau này, đội quân viễn chinh Trung Quốc-Ấn Độ-Mianma được thành lập, do được bổ sung nhiều học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên, lại được quân Mỹ huấn luyện, kết quả là sức chiến đấu được nâng lên rất cao. 

Kế đó là phải dựa vào mỗi chúng ta. Phải rời mắt khỏi ruộng đất, hướng mắt vào bầu trời và biển cả, phải bắt đầu từ trái tim. Phải bắt đầu từ chính chúng ta. Kiên quyết thay đổi quan niệm. Có một số quan niệm nhìn lướt qua tưởng là đúng đắn, nhưng kỳ thực không phải vậy. Thay đổi quan niệm là thay đổi căn bản nhất. Kênh truyền hình quân đội từng mất rất nhiều thời lượng để tuyên truyền cho thành tích nuôi lợn trồng rau của bộ đội. Có người ở địa phương vì thế đã đặt câu hỏi: Lẽ nào nhà nước bỏ ra một đống ngân sách quốc phòng để nuôi các anh nuôi? Thay đổi quan niệm có thể tìm thấy trong truyền thống tốt đẹp của quân đội chúng ta. Cán bộ quân sự và cán bộ chính trị hiện nay không có sự giao thoa với nhau. Vậy khi chiến tranh nổ ra, cán bộ nào có thể vừa làm sư đoàn trưởng vừa làm chính ủy? Hiện nay, quân sự và chính trị đã trở thành hai mảng tách biệt, nên khi gặp gỡ liền hỏi: “Anh là cán bộ quân sự?”, “Anh là cán bộ chính trị?”. Nhân phẩm quyết định sản phẩm./.