QUAD - Nhân tố bổ trợ thúc đẩy vai trò trung của ASEAN

Tác giả: Quang Châu-Tùng Dương

(Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao)

Sự hình thành và phát triển của QUAD, AUKUS là hệ quả logic từ cạnh tranh Mỹ-Trung. Bối cảnh đó cũng đặt ra những thách thức cho vai trò trung tâm của ASEAN. Để đối phó và duy trì vai trò trung tâm, ASEAN nên xem Quad là tổ chức hỗ trợ thay vì cạnh tranh.

Với chủ đề “ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực”, phiên thứ 5 của Hội thảo đã thảo luận về vai trò của ASEAN và các cơ chế đa phương như Quad, AUKUS trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh chủ trì phiên thảo luận, với sự tham gia của Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans, Tiến sỹ Rizal Sukma thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia, Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales, Úc.

Vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị mới – Thách thức và cơ hội

Các chuyên gia nhận định, những chuyển biến địa chính trị ngày càng phức tạp tại khu vực, đặc biệt là sự hình thành các cơ chế tiểu đa phương như QUAD, AUKUS, và cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng đặt ra những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời cũng bộc lộ những điểm yếu của ASEAN: (i) ASEAN không quản lý thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc; (ii) không thể đảm bảo rằng các nước thành viên sẽ không chọn bên trong cạnh tranh Mỹ-Trung, (iii) không có cơ chế an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể điều hòa các hệ quả từ chính trị nước lớn. Chính những điểm yếu này của ASEAN là một trong những nguyên nhân khiến các siêu cường quyết đoán hơn và có những bước đi độc lập, không tham vấn hay thông báo cho ASEAN, sự hình thành AUKUS là một ví dụ. Điều đó cho thấy, AUKUS hay QUAD sẽ không hẳn là nhân tố chủ chốt làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN.

Trái với sự thụ động của ASEAN, từ năm 2017 đến nay, QUAD đã từng bước phát triển và thể chế hóa hoàn chỉnh: (i) Hình thành hệ thống các hội nghị quan chức cấp cao, cấp bộ trưởng và lãnh đạo quốc gia; (ii) chuyển hướng và tập trung sang các vấn đề an ninh phi truyền thống; (iii) Xác lập chương trình, nhóm công tác chuyên môn cụ thể, bao gồm ứng phó và sản xuất vaccine Covid, khí hậu, khủng bố, nhân đạo, cứu trợ thảm họa, cơ sở hạ tầng có chất lượng, công nghệ mới, an ninh mạng, vũ trụ, trao đổi giáo dục.

Mặc dù đặt có những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN, bối cảnh và các cơ chế đa phương mới như QUAD cũng tạo ra những cơ hội khẳng định vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực hiện nay. Trưởng phái đoán EU tại ASEAN khẳng định, đối với EU, lựa chọn duy nhất để duy trì cấu trúc khu vực là bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của EU đề cập ASEAN tới 31 lần, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ASEAN. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, QUAD tự thể chế hóa để trở thành một phần cấu trúc an ninh khu vực, đồng bộ và giải quyết các vấn đề chủ chốt trong nghị trình của ASEAN. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, ASEAN cũng cần nhìn nhận những hạn chế và có những bước đi chủ động, mạnh dạn để hoàn thiện, thích nghi với bối cảnh mới nhằm củng cố và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

ASEAN cần chủ động và thay đổi, xem QUAD là cơ chế bổ sung thay vì cạnh tranh

Trong bối cảnh địa chính trị mới như hiện nay, để duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, các chuyên gia cho rằng, ASEAN cần nhìn thẳng vào những điểm yếu để thay đổi và chủ động ứng phó trước tình hình mới. Tiến sĩ Rizal Sukma cho rằng, ASEAN quá thiên về quy phạm và thiếu khả năng đối phó các thách thức địa chính trị đang biến đổi phức tạp tại khu vực, thiếu khả năng duy trì tính gắn kết trước các chiến thuật chia rẽ của nước lớn. Do đó, ASEAN cần xem xét lại Hiến chương ASEAN, thay đổi và cải tổ, thế chế hóa EAS thành một cơ chế chiến lược đa phương dẫn dắt các cơ chế riêng lẻ khác. Theo đó, các vấn đề thuộc từng cơ chế riêng có thể được thảo luận và báo cáo tại đây như ADMM hay hợp tác ASEAN-QUAD.

Về tiềm năng hợp tác với QUAD, tiến sĩ Rizal Sukma cho rằng, thay vì nhìn theo hướng cạnh tranh, ASEAN nên xem QUAD là cơ chế bổ trợ và hai bên có thể hợp tác với nhau trên cơ sở Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (AOIP), đặc biệt trong bối cảnh các thành viên QUAD đều có mối quan hệ tốt đẹp với ASEAN. Tuy nhiên, các thể chế, hoạt động hợp tác lấy ASEAN làm trung tâm cần theo 2 nguyên tắc: (i) ASEAN không phải là bên duy nhất trong khu vực và do đó cần có sự hợp tác với các cơ chế, tổ chức đa phương, tiểu đa phương khác như QUAD; (ii) dựa trên nguyên tắc bao trùm, cân bằng. Về phương thức hợp tác, Giáo sư Carl Thayer nhận định, ASEAN nên tập trung vào QUAD và bỏ qua AUKUS vì đây là tập hợp các nước lớn về quân sự. Cơ chế hợp tác theo hình thức ASEAN + 4 để khắc phục tình thế các thành viên ASEAN rơi vào thế chọn bên. Lĩnh vực hợp tác có thể là an ninh phi truyền thống, vấn đề hạt nhân. Đây chính là cách để ASEAN khẳng định vai trò trung tâm của mình.

Như vậy, những biến đổi địa chính trị phức tạp ở khu vực, cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn tới sự ra đời và phát triển của các thể chế đa phương, điển hình là QUAD và AUKUS. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức cũng như bộc lộ hạn chế của ASEAN về vai trò trung tâm của mình. Tuy nhiên, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Vấn đề quan trọng là ASEAN cần thừa nhận hạn chế của mình, thúc đẩy cải tổ, thay đổi và chủ động mở rộng không gian hợp tác hơn nữa, cần xem các cơ chế mới như QUAD là sự bổ trợ thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.