Trung Quốc từ trước tới nay vẫn kiên quyết bác bỏ việc đàm phán về chủ quyền Biển Đông với các bên liên quan như Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan trong khuôn khổ đa phương. Phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc đối với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines không có gì là ngạc nhiên: Trung Quốc lên án quyết định này và khẳng định lại là Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích không để ý nhiều đến quyết định này của Philippines vì trong bối cảnh Trung Quốc phản đối việc đa phương hóa tranh chấp và do bản chất phức tạp của tranh chấp, quan điểm chung cho rằng những nỗ lực của Philippines chỉ có tác dụng làm khuấy động công luận. Tuy nhiên những đánh giá như vậy là không chính xác; vụ kiện của Philippines là có cơ sở và hoàn toàn có khả năng làm thay đổi cơ bản tình hình ở Biển Đông.

Lý do Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài?

Có lẽ năm 2012 vị thế của Philippines trong tranh chấp tại Biển Đông chịu tổn thất nhiều nhất kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng Bãi Mischief năm 1995. Sau ba năm liên tục leo thang gây hấn nhằm khẳng định chủ quyền, các tàu Trung Quốc đã gây ra bế tắc kéo dài hàng tháng tại Bãi cạn Scarborough, nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines. Rốt cuộc, chỉ vì Philippines không có đủ sức mạnh để buộc Trung Quốc rút lui, nên Bãi cạn Scarborough hiện đang do Trung Quốc kiểm soát.

Philippines đã làm điều logic nhất có thể được vào thời điểm đó - Philippines quay sang các nước thành viên ASEAN để tìm kiếm sự ủng hộ và chỉ trích Trung Quốc. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN vào tháng 7, Chủ tịch ASEAN - Campuchia đã cản không ra được tuyên bố lên án Bắc Kinh vì vụ Bãi cạn Scarborough. ASEAN đã ủng hộ mạnh mẽ hơn một chút tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 11, nhưng cũng chỉ sau khi Tổng Thống Philippines Benigno Aquino công khai lên án Thủ Tướng Campuchia Hun Sen khi ông này tuyên bố rằng các thành viên ASEAN đã đạt được đồng thuận không quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông.

Sau một năm nhận thấy thế yếu của mình cũng như thất vọng vì thiếu sự ủng hộ của ASEAN và việc Trung Quốc tiếp tục có các hành động cứng rắn, Philippines quyết định quốc tế hóa tranh chấp ở Biểm Đông bằng một biện pháp mạnh. Ít nhất từ hè năm 2012, Philippines đã nghiêm túc nghiên cứu các thủ tục pháp lý để chống lại Trung Quốc. Và đến giờ, Philippines đã tìm ra cách để làm điều này.

Vụ kiện của Philippines là như thế nào?

Philippines đã buộc phải chọn con đường pháp lý thật sự rất hẹp. Trung Quốc phần nào cảm thấy yên tâm vì đã bảo lưu áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc được quy định bởi UNCLOS mà Trung Quốc và các bên tranh chấp đều là thành viên. Đó là vì vào năm 2006 Bắc Kinh đã chọn “loại trừ” theo điều 298 của UNLOS, điều khoản này cho phép các bên ký kết không tham gia vào một số cơ chế giải quyết mang tính bắt buộc đối với một số loại hình tranh chấp quan trọng. Miễn trừ quan trọng nhất trong trường hợp này là miễn trừ giải quyết tranh chấp liên quan tới các vùng biển chồng lấn, bao gồm cả lãnh hải, EEZs, và thềm lục địa.

Tuy nhiên, đơn kiện ra tòa trọng tài của Philippines đã được soạn thảo cẩn thận để tránh không yêu cầu tòa phân định ranh giới biển. Philippines cũng không yêu cầu toà giải quyết các yêu sách đối kháng đối với các đảo tại Biển Đông - vấn đề vốn nằm ngoài phạm vi của UNCLOS. Thay vào đó, mấu chốt trong lập luận của Philippines nằm ở hai câu hỏi cơ bản liên quan đến định nghĩa và giải thích. Thứ nhất, Philippines lập luận rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS, và do vậy yêu sách về biển duy nhất có giá trị tại Biển Đông là các yêu sách liên quan đến lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa được tính từ bờ biển và các đảo. Đây là định nghĩa duy nhất về các yêu sách biển được UNCLOS cho phép.

Đề nghị lớn thứ hai của Philippines là yêu cầu toà phán quyết liệu một số “đảo” mà Trung Quốc đang chiếm giữ có thực sự là đảo hay không. Điều này đặc biệt quan trọng, vì theo UNCLOS chỉ những kết cấu nổi trên mặt nước vào lúc thuỷ triều cao mới được coi là các đảo có lãnh hải 12 hải lý. Bất cứ kết cấu nào không nổi trên mặt nước vào lúc thuỷ triều cao nhất đều không được coi là đảo, và do đó sẽ thuộc về quốc gia nào sở hữu thềm lục địa mà các cấu trúc này nằm trên, hoặc không thuộc về quốc gia nào cả nếu các đảo đó nằm ngoài tất cả các thềm lục địa. Philippines khẳng định rằng các Bãi Mischief, McKennan, Gavin, và Subi đều thuộc nhóm này.

Ngoài các kết cấu nửa nổi nửa chìm mà Philippines yêu cầu toà khẳng định không phải là đảo, Philippines cũng lập luận rằng một số kết cấu nổi lúc thuỷ triều cao nhất mà Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc chỉ được quyền có lãnh hải, chứ không thể có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa 200 hải lý. Điều này dựa vào các quy định của UNCLOS rằng chỉ những đảo có thể duy trì sự sống của con người hoặc các hoạt động kinh tế độc lập thì mới có vùng đặc quyền kinh tế riêng. Philippines liệt kê Bãi Scarborough, Johnson South, Cuarteron, và Fiery Cross - những kết cấu Trung Quốc đang chiếm đóng - không thoả mãn được các đòi hỏi này.

Trong trường hợp 8 kết cấu được nêu ở trên, tiền lệ về pháp lý và địa lý đều làm cho lập luận của Philippines gần như hoàn hảo.

Điều gì xảy ra tiếp theo? 

Trong quá trình hình thành toà án trọng tài theo UNCLOS, bước tiếp theo là chọn các thẩm phán. Toà sẽ gồm ban thẩm phán với 5 thành viên - mỗi bên tranh chấp chọn 1 thẩm phán, 3 thẩm phán còn lại từ các quốc gia thứ 3 mà các bên tranh chấp cùng đồng ý. Philippines đã đưa ra tên của thẩm phán mà Philippines chọn và giờ phải chờ Trung Quốc chọn. Tuy nhiên, không vì thế mà Trung Quốc có thể cản trở tiến trình. Nếu Trung Quốc không chọn 1 trọng tài viên trong vòng 30 ngày, Philippines sẽ đề nghị Chủ tịch Toà Quốc tế về Luật biển chọn thay. Cũng giống vậy nếu Trung Quốc chọn được thẩm phán nhưng không đạt được thoả thuận về 3 thẩm phán còn lại trong vòng 60 ngày.

Sau khi 5 thẩm phán được chọn, họ sẽ quyết định liệu vụ kiện có thuộc thẩm quyền của họ hay không. Đây là giai đoạn mà thủ tục trọng tài có thể kết thúc trước khi thực sự bắt đầu. Tuy nhiên, Philippines đã chủ động xây dựng hồ sơ vụ kiện rất có giới hạn và tinh tế để bảo đảm toà sẽ thụ lý. Không có gì là chắc chắn, nhưng một quyết định không thụ lý vụ kiện dường như khó có thể xảy ra. Nguy cơ lớn nhất đối với Philippines lúc này có thể là nếu các thẩm phán coi trọng quá mức việc Trung Quốc yêu sách đối với nhiều kết cấu, nhiều hơn một cách đáng kể so với những gì mà Philippines đã liệt kê trong đơn kiện. Các thẩm phán có thể lập luận rằng có khả năng là một trong những đảo khác, ví dụ như đảo Ba Bình (Itu Aba) lớn hơn nhiều đang do Đài Loan chiếm đóng, có thể trên lý thuyết cho phép có được hưởng thềm lục địa mà dựa vào thềm lục địa này Trung Quốc có thể lấy làm căn cứ cho yêu sách của đối với các cấu trúc nửa nổi nửa chìm. Điều này có thể dẫn đến việc các trọng tài sẽ từ chối thụ lý toàn bộ hoặc một phần của vụ kiện.

Giả sử các thẩm phán sẽ thụ lý vụ kiện, NT del Rosario tiên liệu rằng sẽ phải mất 3 đến 4 năm thì toà mới đưa ra “phán quyết chính thức”, hoặc quyết định. Phán quyết của tòa trọng tài được UNCLOS quy định có tính ràng buộc đối với hai bên tranh chấp. Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc không thể cản trở tiến trình của tòa. Phụ lục VII UNCLOS về quá trình vận hành của tòa trọng tài đã qui định rõ ràng rằng việc từ chối tham gia của bất kỳ bên nào sẽ không ngăn cản hoặc gây ảnh hưởng đến quyết định của tòa.

Câu hỏi lớn sẽ là liệu Bắc Kinh sẽ tuân thủ quyết định “ràng buộc” của tòa hay không; UNCLOS không hề liệt kê biện pháp trừng phạt hay hậu quả nào nếu Bắc Kinh không tuân thủ. Việc can thiệp từ bên ngoài để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ quyết định của tòa gần như là điều không thể hình dung được. Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Trung Quốc. Lập luận Trung Quốc thường xuyên đưa ra là một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ là một thành viên có trách nhiệm trong trật tự thế giới và là một người bảo vệ tài sản chung của thế giới sẽ bị tiêu hủy trong chốc lát. Nếu nhận thức được điều đó, Trung Quốc có thể cho rằng cái giá của việc từ chối là quá cao và sẽ tuân thủ quyết định của tòa.

Tác giả Gregory Poling là nhà nghiên cứu liên kết với Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, DC. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CSIS.

Viết Tuấn (gt)